Wednesday, November 13, 2019

BẢN TIN NGÀY 13/11/2019 (Báo Tiếng Dân)




13/11/2019

Tin nhân quyền

Báo Người Việt đưa tin: Các tổ chức tôn giáo không thuộc quốc doanh vẫn thường xuyên bị CSVN đàn áp. Bản báo cáo của Hội Bảo Vệ Quyền tự Do Tôn Giáo tại VN viết về tình hình tôn giáo trong nước vào quý thứ ba của năm 2019:

“Vẫn tồn tại những thông tin về các vi phạm tự do tôn giáo như sách nhiễu các chức sắc tôn giáo về quyền đi lại, quyền tự do thực hành tôn giáo của các tín đồ, các cơ sở tôn giáo thường xuyên bị đe dọa cưỡng chế, cưỡng chiếm, thay đổi hiện trạng cố tình xóa đi dấu tích lịch sử các công trình tôn giáo…”

Tháng 9/2019, “Thiếu Tá Bổn, Đại Úy Thông, an ninh huyện Chợ Mới, Thiếu Úy Nhân, phó công an xã đặc trách an ninh đã đến nhà của ông Hà Văn Duy Hồ, hội trưởng Ban Trị Sự tỉnh An Giang thuộc Giáo Hội PGHH Thuần Túy nội dung xoay quanh về vấn đề tu sửa chùa An Hòa Tự và nói rằng Ủy Ban tỉnh An Giang chỉ cấp phép cho lợp ngói (theo chủ trương của nhóm quốc doanh) chứ không có phá hủy chùa cất lại. Ngay sau đó công an tỉnh An Giang đã đóng chốt tại nhà ông Hà Văn Duy Hồ, không cho ông ra khỏi nhà”.

VietNamNet thống kê: 90 nghìn lao động nước ngoài ở Việt Nam, toàn sếp lớn và lương cao. Bài viết có đoạn: “Lực lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật, đã bổ sung đáng kể nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý điều hành, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được”.

Trong khi lao động VN ra nước ngoài chỉ làm cu li, osin… lao động Việt cho dù làm ở trong hay ngoài nước, đa số làm cu li, bị bóc lột. Ngược lại, lao động nước ngoài làm ở Việt Nam đa số làm sếp lớn, làm lãnh đạo, lương cao… Trong khi đó, người đứng đầu đảng và nhà nước thì nói như lên đồng: ‘Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?’


Công an biểu tình, đòi nhà

Cư dân mạng lan truyền clip, cho thấy một nhóm công an huyện Đông Anh, Hà Nội, căng băng rôn, biểu tình đòi nhà: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/11/C%C3%B4ng-an-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-%C4%91%C3%B2i-nh%C3%A0.mp4?_=1

Nhà báo Thanh Hằng viết: “Sau Báo CAND, hôm qua, đến Công an huyện Đông Anh cũng mặc cảnh phục để nhập cuộc làm ‘công an oan’. Họ đóng hơn 100 triệu từ 17 năm nay. Chúng tôi đóng gần 1,5 tỷ 10 năm rồi. ‘Có nơi đâu trên trái đất này?’ Những chuyện đau lòng này đặt ra vấn đề không nghiêm của luật dẫn đến bất kỳ ai cũng có thể trở thành dân oan”.
Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Nhóm công an về hưu căng băng rôn phản ứng dự án. Một lãnh đạo Công an huyện Đông Anh thừa nhận, những người trong đoạn clip nói trên đúng là một số cán bộ công an đã về hưu, chứ không phải “phản động giả dạng” như một số tuyên truyền viên loan tin lâu nay. Nhưng lãnh đạo này không quên lưu ý rằng, nhóm công an oan “không đại diện cho Công an huyện Đông Anh”.

Vụ biểu tình này liên quan đến một số “lùm xùm” xung quanh dự án nhà ở cho cán bộ công an huyện Đông Anh từng được báo chí phản ánh nhiều năm trước. Năm 2002 Công an huyện Đông Anh xin cấp 2,2 ha đất thuộc Trung tâm thương mại Đông Anh để tiến hành lập dự án xây dựng nhà ở cho các cán bộ. “Hội đồng này đã ấn định thu của mỗi cán bộ hơn 100 triệu đồng, tính đến năm 2006 đã thu hơn 24 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn không được triển khai”.
Vụ Thượng úy Nguyễn Xô Việt hành xử như côn đồ

Vụ Thượng úy Nguyễn Xô Việt hành hung nhân viên trạm dừng nghỉ ở Thái Nguyên vì không muốn trả tiền xúc xích cho con, trước đó có tin, ông Việt là con trai Nguyễn Văn Vui, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, nhưng ông Vui bác bỏ thông tin ông là cha của Việt. Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Phó Giám đốc công an Thái Nguyên bác tin có con đánh người.

Facebooker Phạm Minh Vũ viết“Sau khi xác nhận lại thì không phải con Ông Vui, mà Con Ông Đại Tá Nguyễn Văn Quý Chánh văn Phòng Công An tỉnh Thái Nguyên đã về hưu. Nguồn tin này tôi hoàn toàn tin tưởng. Quý được đào tạo tại Liên Xô, rất có tương lai tiến thân, nhưng phải dừng giữa chừng”.

Về tình hình đấu đá trong nội bộ Công an tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ cho biết: “Vụ tai nạn xe tứ 7777 đâm chết người năm 2011 chính là do Nguyễn Xô Việt gây ra, từ đó mới có sự dàn xếp vào vị trí lãnh đạo công an Tỉnh này. Quý ra đi (về hưu) sẽ cho Xô Việt làm bình thường và không truy cứu trách nhiệm hình sự, đổi lại Quý phải rời đi”.

Nhà báo Thanh Hằng nhận định: “Nếu không tước thẻ ngành tay này, mà chỉ giáng chức hay kỷ luật qua loa, thì dân sẽ mất niềm tin nghiêm trọng. Vì đây là hành vi rất côn đồ: Chỉ cho con lấy đồ rồi cố tính không chịu trả tiền, lại còn tấn công cả 2 nhân viên. Không có lý do nào để nói hắn ta bị kích động cả, mà hoàn toàn chủ động trong mọi hành vi. Khi sự việc bung ra, thì thông tin mới nhất là do 2 bên ‘hiểu lầm’ và ‘xin lỗi nhau’, nghe rất vô lý“.

VTC đặt câu hỏi về lựa chọn giữa uy tín và 2 sỹ quan hành xử vô văn hoá, côn đồ: Ngành công an chọn bên nào? Bài báo nhắc lại vụ Đại úy Lê Thị Hiền “đại náo” ở sân bay Tân Sơn Nhất, khi gửi hàng quá số lượng và bị từ chối. Nhưng bà Hiền chỉ bị lập biên bản xử phạt 200.000 đồng về hành vi gây mất trật tự, bị cấm bay 12 tháng, sau đó Công an Hà Nội đình chỉ công tác 30 ngày đối với bà Hiền để xem xét hình phạt thích hợp nhưng làm ngơ luôn đến giờ. 

Đến lượt Thượng úy Nguyễn Xô Việt xem thường và hành hung dân, cũng bị tạm đình chỉ công tác và người dân nghi ngờ vụ này rồi cũng “giơ cao đánh khẽ”. “Với chức vụ đang mang trên mình, họ lẽ ra hơn ai hết phải là người tuân thủ pháp luật nhất, phải bảo vệ người dân nhưng họ lại dựa vào đó, cho mình cái quyền làm trái lại pháp luật, vi phạm đạo đức”.  



Đấu đá nội bộ vì “thị trường” cấp nước ở thủ đô

Một số báo “lề đảng” đã chính thức tham gia vào mâu thuẫn nội bộ của các lãnh đạo CSVN liên quan đến vụ nhà máy nước sông Đuống được “ưu đãi” sau khi nước sông Đà nhiễm dầu. Các báo này thể hiện quan điểm phê phán nhà máy nước sông Đuống, như báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Tại sao dân Hà Nội phải dùng nước sông Đuống với giá đắt đỏ?

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Việt Hà, GĐ Sở Tài chính Hà Nội lấy lý do, việc tính giá nước sông Đuống căn cứ vào hàng loạt quy định với nguyên tắc chính “phải tính đúng, tính đủ”. Trong đó, có các loại chi phí như chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chi phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng 1%, chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%… Rất nhiều chi phí được đưa ra để móc túi dân, bắt dân phải mua nước với giá cao ngất ngưỡng.

VOV đặt câu hỏi: Hà Nội nói về trợ giá nước sạch sông Đuống, không có lợi ích nhóm? Về thông tin chính quyền TP Hà Nội hỗ trợ hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho các doanh nghiệp phân phối nước sạch sông Đuống (do giá nước sạch sông Đuống cao hơn), ông Nguyễn Việt Hà khẳng định: “TP chưa cấp bù một khoản kinh phí nào cho doanh nghiệp này và các đơn vị liên quan”.

Phóng viên đặt câu hỏi về đường ống cấp nước của Nhà máy nước sông Đuống dùng gang dẻo Xinxing của Trung Quốc. Năm 2016, cũng chính nhà thầu Xinxing từng bị Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) hủy hợp đồng mua ống gang dẻo cho dự án nước sạch Sông Đà số 2 sau khi dư luận phản đối. Không thấy bài báo cung cấp câu trả lời của ông Hà hay bất cứ quan chức TP Hà Nội nào trước câu hỏi này.


Tin Hồng Kông

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Biểu tình Hong Kong tăng cấp độ bạo lực. Theo hãng tin AFP, vụ  cảnh sát Hồng Kông bắn người biểu tình áo đen ở Sai Wan Ho “đánh dấu mốc leo thang mới nhất về tình hình bất ổn tại Hong Kong trong hơn 5 tháng diễn ra những cuộc biểu tình gần như mỗi ngày, gây rối loạn trung tâm tài chính quốc tế”.

Khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông càng lúc càng bế tắc. Bài báo lưu ý, 1 trong 5 yêu sách của người biểu tình là cần tiến hành điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát. Nhưng cả Bắc Kinh lẫn nhà lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đều bác bỏ yêu cầu điều tra, cho rằng lực lượng giám sát cảnh sát vẫn đang làm tốt chức trách của họ. 

Cả bà Lâm và cảnh sát Hồng Kông đều đang làm đúng ý của thế lực bá quyền Bắc Kinh, nên Truyền thông Trung Quốc khen ngợi cảnh sát Hồng Kông, theo báo Thanh Niên. Hoàn Cầu thời báo, tờ báo diều hâu thể hiện lập trường của Bắc Kinh cho rằng, tay cảnh sát Hồng Kông  “phải khai hỏa theo hoàn cảnh” và gọi người biểu tình bị bắn là “côn đồ”. 



Tin giáo dục

Báo Dân Việt có bài: Sở GDĐT Nghệ An nói về chuyện bằng giả của Trưởng Phòng CS Kinh tế. Vụ ông Thái Đình Hoài sử dụng bằng giả để tiến thân vào ngành công an, sau đó liên tiếp được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng, thậm chí được quy hoạch ghế PGĐ Công an tỉnh Lai Châu, ông Thái Văn Thành, GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: 
“Vừa qua, đoàn công tác Công an Lai Châu đã vào làm việc, đưa hồ sơ, giấy tờ, bằng cấp của anh Thái Đình Hoài để Sở chúng tôi kiểm tra, đối chiếu. Qua kiểm tra, đối chiếu, chúng tôi phát hiện không có hồ sơ lưu tốt nghiệp THPT đối với ông Thái Đình Hoài. Đoàn họ đưa cho chúng tôi xem là bằng bổ túc văn hóa giả của ông Hoài chứ không phải là bằng cấp 3”.

Thêm chuyện quan chức ngành giáo dục… làm chuyện vô giáo dục: Cán bộ Phòng Giáo dục tham ô hàng chục tỷ đồng chi tiêu cá nhân, theo báo Tiền Phong. Sáng 12/11/2019, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Lai Châu cho biết vừa khởi tố vụ án và bắt tạm giam 2 bị can là Nguyễn Thị Minh Liễu, kế toán trưởng và Trần Thị Huệ, thủ quỹ của Phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ về tội tham ô tiền hỗ trợ chính sách cho học sinh dân tộc ít người.

Từ năm 2017 đến tháng 5/2019, Liễu đã nhờ Huệ nhiều lần rút tiền, với tổng số tiền hơn 26,5 tỷ đồng của cơ quan từ các mục: Chi phí học tập, chi phí thường xuyên, hỗ trợ chính sách cho học sinh dân tộc ít người. Số tiền trên được Liễu dùng vào mục đích chi tiêu cá nhân và không có khả năng chi trả.



***


***







No comments: