Saturday, November 9, 2019

NƯỚC ĐỨC KỶ NIỆM TRỌNG THỂ 30 NĂM BỨC TƯỜNG BERLIN SỤP ĐỔ (RFI)




TRANG NÀY CÓ 3 BÀI :

.
Thụy My  -  RFI
.
Thanh Hà  -  RFI


======================================


Đăng ngày 09-11-2019

Vào hôm nay 09/11/2019, nước Đức long trọng kỷ niệm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ cách nay đúng 30 năm, đánh dấu sự chấm dứt tình trang phân chia Đông-Tây trong thời Chiến Tranh Lạnh tại châu Âu. Theo lẽ thường, lễ kỷ niệm trong một năm tròn một sự kiện mang tính chất biểu tượng như vụ Bức Tường Berlin phải được tổ chức linh đình, ít ra là trong khối Tây Âu. Thế nhưng các lãnh đạo phương Tây có dấu hiệu tương đối thờ ơ với sự kiện này.

Dân chúng đặt hoa tại đài tưởng niệm Bức Tường ơ phố Bernauer Strasse (Berlin) nhân lễ kỷ niệm 30 năm Bức Tường Berlin sụp đổ. Ảnh 09/11/2019.ẢnhREUTERS/Fabrizio Bensch

Theo hãng tin Pháp AFP, dấu hiệu rõ nhất cho thấy thái độ thiếu nhiệt tình của phương Tây với lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ là việc không một lãnh đạo nước lớn nào của phương Tây đến Berlin dự lễ kỷ niệm vào hôm nay.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quả là có ghé thăm Đức trong hai ngày, nhưng đã rời đi từ tối hôm qua, 08/11. Còn tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì tối mai, Chủ Nhật mới đến thủ đô nước Đức để ăn tối với cả thủ tướng Đức Angela Merkel lẫn tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

Dĩ nhiên là bản thân nước Đức đã tổ chức lễ kỷ niệm một cách hết sức trọng thể.

Thanh Hà, vừa từ Berlin trở về sau ba ngày theo dõi tình hình cho biết:

 “Theo chương trình chính thức, sáng nay thủ tướng Đức Angela Merkel dự một buổi lễ tại nhà thờ nằm trên con lộ Bernauer Strasse. Đây từng là ranh giới giữa hai miền Đông và Tây Berlin. Năm 1961 khi bức tường được dựng lên ngay chính nơi này, bất chấp mọi nguy hiểm, nhiều người đã nhảy từ trên lầu cao để chạy thoát sang thế giới tự do.

Trong buổi lễ này có sự hiện diện của các tổng thống Slovakia, Ba Lan, Cộng Hòa Séc và Hungary. Đây là 4 nước năm xưa đã mở đường cho 16 triệu dân Cộng Hòa Dân Chủ Đức đòi Tự Do và Dân Chủ.

Tối nay đến lượt tổng thống Cộng Hòa Liên Bang Đức Frank-Walter Steinmeier và đô trưởng Berlin đọc bài diễn văn ngay trước cổng thành Brandenburger Tor.

Tại đây từ 5 giờ chiều hàng loạt các sinh hoạt văn hóa văn nghệ sẽ diễn ra. Một bộ phim về công cuộc đấu tranh vì tự do tại Đức sẽ được công chiếu, kế tới là nhiều nghệ sĩ tên tuổi của hai miền Đông và Tây Berlin sẽ có những màn biểu diễn.

Nhưng mọi chú ý đều dồn về đêm hòa nhạc tối nay dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Daniel Barenboim. Ba mươi năm trước, chỉ ba ngày sau sự kiện bức tường sụp đổ, tại nhà hát Philharmonie ở Berlin, nằm ở phía Tây thành phố, ông đã cùng dàn giao hưởng biểu diễn miễn phí đón khán giả từ Đông Berlin sang thăm.

Giống như 30 năm trước, nhạc trưởng Barenboim lần này cũng sẽ chơi lại những bản Sonate hay Concerto của Beethoven.”

Nhìn từ nước Mỹ

Tại Hoa Kỳ, theo một cuộc điều tra gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew Research Center, vụ Bức Tưởng Berlin sụp đổ đã được công nhận là sự kiện không liên quan trực tiếp đến nước Mỹ có ảnh hưởng mạnh nhất trên người Mỹ.

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet giải thích:
Theo bản nghiên cứu, 60% người Mỹ, chỉ 8 tuổi, lúc bức tường Berlin sụp đổ, vẫn còn nhớ là họ đã ở đâu lúc nghe tin. Thời đó, sự kiện đã được 84% người Mỹ xem là cơ bản.

Câu nói của tổng thống Mỹ Kennedy vào năm 1963: “Tôi là người Berlin”, rồi lời kêu gọi năm 1987 của tổng thống Mỹ Reagan: “Ông Gorbachev, hãy phá bức tường đó đi!” đã thần thánh hóa bức tường Berlin.

Trước phản ứng hồ hởi của dân chúng Mỹ khi thấy Bức Tường Berlin sụp đổ, tổng thống Mỹ thời đó, Georges Bush (Cha) đã có phản ứng thận trọng: Ông không tỏ vẻ đắc thắng, nhưng hoàn toàn ủng hộ tiến trình thống nhất nước Đức.

Khi bức tường sụp đổ, nước Mỹ lạc quan, bắt đầu mơ tưởng đến một tương lai tốt đẹp, quyền tự do cá nhân được mở rộng, một Châu Âu hòa thuận trên nền kinh tế thị trường.

Thế nhưng nước Mỹ đã không tưởng tượng được là 30 năm sau khi loại bỏ được mối đe dọa Đỏ, kẻ thù đã thúc đẩy người dân đoàn kết lại với nhau, nước Mỹ lại xâu xé nhau về một tổng thống mà nỗi ám ảnh lại chính là xây nên một bức tường.

-------------------------------------------

Thụy My  -  RFI
Đăng ngày 09-11-2019 

Cách đây đúng 30 năm, ngày 09/11/1989, bức tường Berlin chia cắt Đông Đức và Tây Đức đã sụp đổ - một sự kiện lớn của thế kỷ 20. Tất cả các tuần báo Pháp đều dành những hồ sơ được chuẩn bị công phu cho chủ đề này.

Người dân Đông Berlin tràn qua gặp người Tây Berlin ở Potsdamer Platz sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ngày 12/11/1989. REUTERS/Wolfgang Rattay/File Photo

Hồ sơ 10 trang của Le Point mang tựa đề « Bức tường sụp đổ, Lịch sử bất ngờ ». Tờ báo đăng ảnh một thanh niên Tây Đức hôm 10/11/1989 bất chấp lực lượng biên phòng Đông Đức, đã leo lên bức tường giăng lá cờ lớn ba màu đen, đỏ, vàng của Cộng hòa Liên bang Đức. Đó là hồi kết của chiến tranh lạnh và khởi đầu cho việc thống nhất nước Đức.
Courrier International chạy tựa trang nhất « Berlin, thành phố độc đáo », dành 12 trang báo để nói về sự khác biệt của thủ đô nước Đức, 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Tờ báo dịch lại tờ Tagesspiegel, cho rằng Berlin là một thành phố không ngừng chuyển động, Berliner Zeitung đến thăm trụ sở của Neues Deutschland (Nước Đức Mới), tờ báo chính thức của đảng Cộng Sản Đức trước đây, nay trở thành trụ sở của nhiều tổ chức. Một ngạc nhiên lớn : một trong những khách sạn giá rẻ dành cho thanh niên nổi tiếng nhất lại nằm trong khuôn viên đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở Berlin.
L’Express dành đến 26 trang với tựa lớn trang bìa « Bức tường Berlin, Châu Âu 30 năm sau », trên nền đỏ với những bức hình đen trắng cắt ghép : nụ  hôn, dòng người hân hoan chen chúc trên « bức tường ô nhục » nổi tiếng. Tuần báo Pháp dẫn người đọc « Đi tìm bức tường đã mất », đến một « Berlin không ngừng sáng tạo », « Hungary, ngày mà bức màn sắt rốt cuộc đã bị xé toạc », cùng với các bài phỏng vấn một nhân vật thân cận ông Gorbatchev, cựu tổng thống Ba Lan Kwasniewski, chuyên gia, nhà sử học, nhà báo…
Riêng L’Obs ra số đặc biệt với phụ trương 48 trang về bức tường Berlin gồm ba nhóm bài. « Một khối bị rạn vỡ » gồm những bài báo từ năm 1980 đến 1989, kể lại « Những ngày êm ả ở Đông Berlin », « Những đêm trắng tại Vacxava », và bài phỏng vấn nhà biên kịch Vaclav Havel, sau này trở thành tổng thống Cộng hòa Séc. « Bức tường sụp đổ » lần lượt nói về Mùa xuân Leipzig, Cuộc gặp gỡ những người anh em nghèo khó bên Đông, và thuật lạiMười sáu ngày đã làm thay đổi thế giới. Cuối cùng là « Một thế giới cần tái thiết » : « Lời vĩnh biệt một thế kỷ », « Những kẻ thù lâu đời của tự do », « Tính cách cá nhân của các nhà lãnh đạo mang tính quyết định ».

Cuộc sống sau bức màn sắt

Trong thời gian Liên Xô thống trị khối Đông Âu, các phóng viên của L’Obs, thời đó còn mang tên Le Nouvel Observateur, đã nhiều lần đến vùng đất « Phương Tây bị bắt cóc » - theo Milan Kundera – để tường thuật cuộc sống hàng ngày của người dân sau bức màn sắt.
Chẳng hạn Ba Lan, với ác mộng ban ngày và những giấc mơ đẹp ban đêm. Trong ngày, người dân xếp hàng trước những cửa hàng quốc doanh. Riêng hệ thống Pewex chỉ nhận ngoại tệ, tại đây có thể mua thuốc lá Mỹ, whisky, những cây bút viết ra mực, dao cạo râu có thể cạo được…
Một triệu rưỡi trên 36 triệu dân Ba Lan có được đô la nhờ người thân ở nước ngoài. Nhưng chủ yếu nhờ làm chui mà họ kiếm được ngoại tệ. « Một nhân viên công ty quốc doanh vắng mặt buổi sáng vì kẹt trong đám xếp hàng, vắng buổi chiều vì bận công việc thứ hai » - một tài xế taxi, mà công việc chính thức là kỹ thuật viên vật lý trị liệu ở bệnh viện, giải thích cho nhà báo Pháp.
Ban đêm, tại những khu nhà tập thể ngoại ô, người ta lén lút trao đổi với nhau những băng cassette của Công đoàn Đoàn Kết, bài giảng của Đức giáo hoàng, trích đoạn tác phẩm « 1984 » của George Orwell…Cung Văn hóa ở Vacxava, món quà của Stalin bị người dân rất ghét. Cho dù rào dây thép gai, canh giữ cẩn thận nhưng buổi tối thường bị bôi tinh chất cây nữ lang (Valeriana) vì người ta khám phá rằng chất này dẫn dụ loài mèo đến tiểu vào.

Từ cuộc picnic lịch sử đến Mùa Xuân Leipzig

Hungary là nước đã đẩy nhanh sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Theo Le Point, từ đầu năm 1988, công dân Hungary đã được cấp passport ra nước ngoài. Ngày 24/11/1989, Miklos Nemeth được bầu làm tổng bí thư, ngay sau đó ông cắt ngân sách bảo trì phần tường đi qua lãnh thổ nước mình. Nemeth còn đề nghị với Gorbatchev rút đi 80.000 quân Liên Xô và vũ khí nguyên tử, để cho Hungary được tự do hóa chính trị và tháo dỡ bức tường biên giới. Gorbatchev không phản đối.
Hungary và Áo tổ chức cuộc picnic khổng lồ ngày 19/08/1989 tại Sopron, vùng biên giới hai nước. Có 3.000 tờ giấy mời được phát ra, nhưng báo chí nước ngoài đã thông tin về sự kiện, và 10.000 bản photocopy được một người bí mật phân phát tại Đông Đức. Nhân dịp này có 600 người Đông Đức đã trốn ở lại. Hungary quyết định mở cửa biên giới vào ngày 10/09/1989. Chỉ trong vòng năm ngày, 13.674 người Đông Đức đã chạy qua Hung để sang Tây Đức, và đến ngày 05/11, con số này đã lên đến 50.000.
Về không khí sôi sục tại nước Đức trước sự kiện Bức tường, trong bài « Mùa xuân Leipzig », L’Obs thuật lại hôm 23/10/1989, có đến 200.000 người tràn ngập các đường phố, hàng triệu ngọn nến được thắp sáng ở các khung cửa sổ…Khẩu hiệu của cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Đức cộng sản : « Chúng ta là nhân dân ! »
Những thanh thiếu niên mặc đồ jean, phụ nữ với túi xách đi chợ, các công nhân mặc đồng phục…tất cả đều hát « Quốc tế ca », nắm tay đưa cao hoặc giơ hai ngón tay hình chữ V - dấu hiệu chiến thắng. Đoàn người diễu hành suốt ba tiếng đồng hồ, tạo thành một trận bão. Họ không còn sợ gì cả, kể cả Stasi, cơ quan mật vụ. Ngày hôm sau, công nhân một nhà máy nhỏ ở Đông Đức loan báo thành lập nghiệp đoàn độc lập đầu tiên trong 40 năm lịch sử của nước Đức xã hội chủ nghĩa.

Kế hoạch của KGB đưa 400.000 quân đàn áp Đông Đức

Trong bài « Những bí mật cuối cùng của Bức tường » ông Vladimir Fédorovski, nhà cựu ngoại giao Nga nay là nhà văn tiết lộ trên L’Express, vào thời điểm cuối năm 1989, đã có những tranh cãi gay gắt trên thượng tầng quyền lực Liên Xô.
Alexander Nikolaievitch Yakovlev, nhà kiến tạo perestroika đã thu thập được những thông tin về một kế hoạch của KGB nhằm chấm dứt « tình hình đang xấu đi ở Đông Đức », huy động trên 400.000 quân nhân đang đóng ở Đức. Theo dự kiến của tình báo, việc đàn áp biểu tình sẽ tạo ra « 1.000 nạn nhân và bị phương Tây phản đối một thời gian ngắn ». Đối với chế độc độc đoán đã làm cho 25 triệu người chết trước đây ngay tại nước Nga, con số 1.000 người vô tội thiệt mạng chẳng là bao nhiêu, hơn nữa lại ở trên đất Đức.
Yakolev cùng với đồng minh là ngoại trưởng Edouard Chevardnadze phản đối kế hoạch này của giám đốc KGB Krioutchkov và bộ trưởng Quốc Phòng Iazov, còn tổng bí thư Mikhail Gorbatchev chỉ đóng vai trọng tài. Ông Yakolev nói riêng với người đứng đầu điện Kremlin : « Nếu dùng đến vũ lực, chúng ta sẽ trở thành con tin của KGB và quân đội. Đó sẽ là hồi kết của cải cách ở Liên Xô, và cuối cùng chúng ta sẽ mất chức ». Tuy nhiên Gorbatchev vẫn chưa đưa ra được quyết định, ông ngưng họp và quay về nhà, lấy cớ là bà vợ không thích ông về ăn cơm tối quá trễ.
Ông Yakolev bèn dùng một « chiêu » khác : gọi điện thoại cho bà Raissa, phu nhân nhiều ảnh hưởng lên Mikhail Gorbatchev. Hai vợ chồng Gorbatchev tranh luận suốt bữa ăn tối, và hôm sau, kế hoạch đàn áp của KGB bị bác.

Helmut Koln : « Chúng tôi sẵn sàng chi »

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ở Liên Xô, nhân tố tài chính đóng vai trò quan trọng.
Hai tuần sau khi từ chối can thiệp quân sự, trong chuyến thăm Bonn của Mikhail Gortbatchev tháng 6/1989, sau một bữa tối linh đình, thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl thổ lộ với nhà lãnh đạo Liên Xô: « Tôi biết rằng thống nhất nước Đức là rất khó khăn, nhưng cũng như sông Rhin, dòng nước không bao giờ ngưng chảy ». Sau một giây ngần ngại, ông Kohl nói thẳng : « Chúng tôi sẵn sàng chi ».
Gorbatchev im lặng rất lâu, rồi hỏi ngắn gọn : « Bao nhiêu ? »
Từ duy nhất này đã quyết định vận mệnh nước Đức và sự sụp đổ của Bức tường. Tổng số tiền Tây Đức chuyển cho Liên Xô là 60 tỉ mark.
Ngày nay, đa số người Nga không ưa ông Mikhail Gorbatchev. Nhưng theo tác giả Vladimir Fédorovski, những ai vẫn hoài nhớ đế quốc Liên Xô cũ đã quên đi một điều chính yếu : Bức tường sụp đổ vì Gorbatchev không muốn giết người để tiếp tục nắm quyền. Không dùng đến biện pháp khủng bố, chế độ khó thể tồn tại lâu dài.

Cộng sản đã giết cộng sản

Nghị sĩ châu Âu Bernard Guetta, thời điểm đó là phóng viên sừng sỏ của Le Monde nhận định, những hình ảnh đầy cảm động đêm 09/11/1989 có thể mang lại cảm giác là đám đông hân hoan đã khiến bảy thập niên xô-viết phải kết thúc. Nhưng trên thực tế, chính chủ nghĩa cộng sản đã tự kết liễu, vì bản thân nó không thể tồn tại lâu dài.
Bắt đầu từ năm 1921, với Chính sách kinh tế mới (NEP) : để tránh phá sản, Lênin cho nới rộng một chút về hướng kinh tế thị trường. Nhưng đến năm 1928, khu vực tư nhân trở nên mạnh mẽ khiến Stalin đột ngột ra lệnh chấm dứt. Đàn áp diễn ra trong suốt một thập niên : ám sát, đày ải…
Nếu không có lời kêu gọi ái quốc, không có Giáo hội, không liên minh với Anh quốc và Hoa Kỳ thì Liên Xô đã cáo chung. Những chiến thắng năm 1944 đã tiếp sức cho Matxcơva tiếp tục đàn áp trong nước và nuốt chửng Trung Âu. Bên ngoài thì lừng lẫy oai phong, nhưng bên trong là những xâu xé trong Bộ Chính trị, và tổng bí thư cuối cùng là Gorbatchev hiểu rằng sẽ khó giữ được chế độ.
Theo L’Obs, Hungary thời đó đang nợ nước ngoài 17 tỉ đô la, Đông Đức 20 tỉ, Ba Lan 38 tỉ. Cuối tháng 10/1989, Đông Đức có nguy cơ vỡ nợ, nên đành bí mật thương lượng với Tây Đức để vay một số tiền lớn, đổi lại sẽ mở cửa một phần biên giới. Ngày 31/10/1989, lần đầu tiên một văn bản của Đông Đức nêu ra khả năng Bức tường Berlin sụp đổ, nhưng vào năm 2000. Trên thực tế, chỉ 9 ngày sau sự kiện chấn động thế giới này đã diễn ra.

Nhầm lẫn lịch sử khiến Bức tường nhanh chóng sụp đổ

Matxcơva bật đèn xanh cho mở một cửa ở phía nam Berlin, nhưng không hiểu sao bộ Nội Vụ và bộ Ngoại Giao lại nhận được lệnh khác nhau. Tại bộ Nội Vụ, các sĩ quan Stasi và trưởng phòng hộ chiếu soạn ra văn bản cho phép công dân Đông Đức ra nước ngoài vô điều kiện, tại tất cả các cửa khẩu, bắt đầu từ ngày 10/11/1989.
Phát ngôn viên Günter Schabowski của đảng dù là ủy viên Bộ Chính trị nhưng cũng không biết trước quyết định này. Trong cuộc họp báo, ông đã lầm lẫn khi loan báo là văn bản có hiệu lực ngay lập tức hôm đó, 09/11. Hai trăm nhà báo dự cuộc họp nhảy nhổm. Đã quá muộn để ngăn chận quả bom : đến 22 giờ 30 tối, trên 20.000 người đã đặc kín cửa khẩu Bornholmerstrasse. Không chịu nổi áp lực, Harald Jager, trưởng nhóm Stasi tại đây đã cho mở cổng. Bức tường Berlin đã sụp đổ !
Tuy là tình cờ lịch sử, nhưng theo Bernard Guetta, sự cáo chung của bức màn sắt là tất yếu.
Chính chủ nghĩa cộng sản đã giết chủ nghĩa cộng sản, nhưng cơn hấp hối của nó lẽ ra đã kéo dài hơn, nếu không có khuynh hướng dân chủ xã hội và ly khai. Nhà nước phúc lợi khiến kinh tế thị trường chiếm ưu thế so với chủ nghĩa cộng sản, và sự can đảm của các nhà ly khai – thường cũng chính là người cộng sản và cánh tả Thiên Chúa giáo – đã thách thức chế độ độc đảng. Nhân quyền và phúc lợi, kỷ nguyên Ánh sáng và dân chủ xã hội đã kết hợp với nhau để chế độ cộng sản phải chết sớm, và vào một ngày 9 tháng 11, Bức tường không còn tồn tại.

Đi tìm Bức tường đã mất

Nhưng L’Express trong bài « Đi tìm Bức tường đã mất » cho rằng bên cạnh việc lính biên phòng sát hại 140 người Berlin đi tìm tự do, còn có một "tội ác" nữa, nhưng đối với lịch sử : đó là việc phá hủy Bức tường Berlin, chỉ vài tháng sau sự kiện ngày 09/11/1989. Khi vội vã phá sập 156 kilomet bê-tông cốt thép được dựng lên từ năm 1961 bao quanh Tây Berlin, chính quyền Đức đã không chuyển giao ký ức này cho những thế hệ sinh sau. Mục sư Thomas Jeutner nói : « Bạn sẽ nhìn mọi việc theo một cách khác nếu đã từng sống sau bóng tối của Bức tường ở bên Đông ».
Ngày nay Bức tường Berlin chỉ còn lại ba đoạn. Được biết đến nhiều nhất là đoạn dài 1,3 km : East Side Gallery với nhiều graffiti đẹp đẽ, nhưng lại không khớp với sự thật lịch sử, vì "street art" ở bên Đông Đức bị cấm. Một đoạn khác khoảng 100 mét ở gần Checkpoint Charlie, nhưng không có mấy thông tin, lại dễ nhầm với bảo tàng tội ác Đức quốc xã gần đó. Chỉ có Đài tưởng niệm Bức tường ở Bernauer Strasse cách Checkpoint Charlie 3 kilomet là chân thật nhất.
Đây là nơi duy nhất còn giữ lại đoạn tường như xưa, với đầy đủ tường bê-tông, rào sắt, kẽm gai, hào, hệ thống báo động, khu vực cho cảnh khuyển…Đó là nhờ công lao của mục sư Manfred Fischer, mà giáo đường của ông đã bị Bức tường cắt làm đôi năm 1961. Sau ngày Bức tường sụp đổ, khi những người cầm búa, xà-beng đổ đến Bernauer Strasse, vị mục sư đã chặn không cho họ phá đoạn tường, có những đêm ông phải ngủ lại để canh. Mãi đến 17 năm sau, mới có một đạo luật bảo vệ di sản, cấm phá hủy những đoạn tường hiếm hoi còn đứng vững.
Còn về tàng thư của tình báo Đức, Le Point trong bài « Puzzle bí mật của Stasi » cho biết từ 1989 đến nay, những người làm tư liệu vẫn kiên nhẫn nối lại những mảnh vụn của số lượng phiếu theo dõi khổng lồ chưa kịp tiêu hủy, đựng trong 16.000 chiếc bao lớn. Trong 30 năm qua, đã khôi phục được nội dung của 540 bao, còn lại 15.500 bao tài liệu, tức 45 triệu tờ giấy cần lắp ráp lại !

---------------------------

Thanh Hà  -  RFI
Thứ Bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2019

Vào giờ phút này 30 năm trước, trong vỏn vẹn một đêm, 16 triệu dân Đông Đức được quyền đặt chân lên một vùng đất tự do ở bên kia bức tường Berlin. Bộ mặt của hai miền nước Đức, của Châu Âu và toàn thế giới thay đổi từ giờ phút đó.

Dân Đông Đức đập vỡ Bức Tường Berlin. Ảnh tư liệu ngày 09/11/1989. Reuters

Nhìn lại cột mốc lịch sử năm 1989, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng từng sống và làm việc tại cả Đông và Tây Đức xưa kia nhấn mạnh : "Khát vọng của triệu triệu người dân Đông Đức như một cơn lốc thổi lên và không có gì dập tắt nổi". Còn đối với ông Nguyễn Đình Xuân, một người Việt đang tu nghiệp ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức, đêm mồng 09/11/1989 ông đang có mặt cách thủ đô Berlin khoảng 200 cây số. Dân cư địa phương và bạn bè rủ ông sang tham quan Tây Berlin hít thở không khí tự do và thậm chí là tìm cách ở lại hẳn trên một quốc gia tư bản. Nhưng rồi, ông Xuân đã chọn cho mình một hướng đi riêng. Thế hệ các bạn trẻ gốc Việt sinh ra thời hậu bức tường Berlin, như cô Hà Giang, 19 tuổi, chỉ còn biết đến Đông Đức qua sách vở.

Đêm 09/11/1989, trong tiếng hô vang "Không còn Bức Tường – Die Mauer is weg", người thì đi bộ, kẻ đi xe cùng vượt qua đường biên giới. Lần đầu tiên sau 28 năm bị chia cắt, dân Đông và Tây cùng một thành phố tương phùng khi ông lính biên phong Harald Jager "mở cửa" đồn canh gác.

Bức Tường Berlin bị khai tử. Cùng một bức tường mà chính quyền Đông Đức gọi là tường thành "chống quân Phát Xít", còn ở bên phía Tây thành phố người ta gọi đấy là "Bức Tường Ô Nhục", là bức rèm sắt giữa một bên là thế giới Xã Hội Chủ Nghĩa và bên kia là các nước Tư Bản. Sau Thế Chiến Thứ Hai, nước Đức bị chia cắt. Cộng Hòa Liên Bang Đức chính thức được thành lập ngày 23/05/1949, thủ đô đặt tại Bonn. Chưa đầy nửa năm sau, đến lượt Cộng Hòa Dân Chủ Đức được khai sinh với thủ đô là Đông Berlin. Cả hai quốc gia này cùng lao vào công việc tái thiết sau chiến tranh. Berlin đi theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa. Bonn đứng hẳn thế giới phương Tây.

Tây Berlin chơi vơi trong một quốc gia Cộng Sản. Chênh lệch về mức độ phát triển đã đẩy hàng triệu người dân Đông Đức từ bỏ quốc gia Cộng Sản này trong thời gian từ 1949. Đông Đức lâm vào tình trạng thiếu lao động để tái thiết đất nước. Trong bối cảnh đó, chính quyền Berlin bí mật có kết hoạch phong tỏa Tây Berlin bằng một bức tường.
Tất cả bắt đầu được thực hiện trong đêm 12 rạng sáng 13/06/1961. Ban đầu tường được dựng một cách sơ sài với hàng rào kẽm gai, với những gạch đá xi măng … trước khi trở thành bức tường thành kiên cố dài 155 cây số cao 3,5 mét cộng thêm hơn 300 tháp canh gác để phong tỏa toàn bộ khu vực phía Tây thành phố Berlin với phần còn lại của nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Chung quanh chân tường là cả một hệ thống báo động lũy hào để ngăn ngừa mọi âm mưu đào thoát, vượt biên sang thế giới tự do.

Thế nhưng rồi, tất cả đã kết thúc vào một đêm tháng 11/1989 và 11 tháng sau đó Cộng Hòa Dân Chủ Đức bị xóa tên khi nước Đức Thống Nhất.

Trả lời đài RFI Việt Ngữ, nhà báo Lê Mạnh Hùng, người từng sống cả tại Bonn và nhất là tại thủ đô Berlin từ ngày nước Đức thống nhất, trước hết nhắc lại bối cảnh lịch sử những ngày đầu tháng 11/1989 với sự kiện hàng trăm ngàn người ở thủ đô Berlin tập hợp về quảng trưởng Alexanderplatz với một khẩu hiệu "Chúng tôi là nhân dân" để đòi tự do và dân chủ.

Ba thập niên đã trôi qua, nhưng Bức Tường Berlin năm nào vẫn tồn tại trong tâm khảm của người dân Đức. Cho dù chênh lệch về kinh tế và mức sống của người dân tại hai nước Đông và Tây Đức xưa kia đã được thu hẹp, 57 % người dân Đông Đức cũ vẫn cảm thấy bị bỏ rơi, và số này có xu hướng ủng hộ đảng cực hữu bài ngoại.

NGHE  :  Nhà báo Lê Mạnh Hùng-Berlin   -   09/11/2019

Bức Tường Berlin sụp đổ, dẫn tới việc Cộng Hòa Dân Chủ Đức và khối Xã Hội Chủ Nghĩa cáo chung. Khi đó có không ít người Việt đang lao động hoặc được đào tạo tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Ông Nguyễn Đình Xuân đang học nghề tại Đông Đức năm 1989 chọn ở lại Cộng Hòa Dân Chủ Đức.

NGHE  : Ông Nguyễn Đình Xuân –Berlin     09/11/2019

Với Cô Hà Giang, 19 tuổi, nước Đức thống nhất là cơ hội xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

NGHE : Cô hà Giang, 19 tuổi - Berlin09/11/2019

Chỉ tiếc một điều là chúng tôi đã gặp được một số nhân chứng từng có mặt tại thủ đô Berlin trước năm 1989 thậm chí đã có người từng sống qua đêm lịch sử đó, nhưng hầu hết đều khéo léo từ chối trả lời khi trông thấy máy ghi âm của đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp RFI.






No comments: