Monday, November 18, 2019

CHUYỆN HONG KONG (Lê Nguyễn Duy Hậu)






Cần nhìn rõ rằng cuộc biểu tình ở Hong Kong cho đến ngày hôm nay không còn là một cuộc biểu tình đòi dân chủ và dân sinh thông thường nữa, mà đang chuyển mình thành một cuộc đấu tranh cho độc lập, tự trị khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Điều trớ trêu rằng nó khiến cho nhiều người Việt khi theo dõi và phán xét các sự kiện ở Hong Kong lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Liệu rằng ta có nên nhân dịp này để dùng tính chất bạo lực của các hoạt động biểu tình mà người Hong Kong đang tiến hành nhằm lên án “tự do quá đà” và đề cao "ổn định chính trị”? Nhưng chẳng phải bằng việc lên án như vậy, đồng nghĩa với việc họ ủng hộ các hành động cứng rắn và nỗ lực xiết chặt dân chủ ở Hong Kong của chính quyền Trung Quốc. Đôi lúc giữa hai con ngáo ộp là dân chủ và Trung Quốc, người ta lựa chọn sợ hãi một ý tưởng hơn là một chính quyền.

Những bộ máy tuyên truyền đang ra sức cho chúng ta tin rằng những người biểu tình Hong Kong họ không muốn điều gì hơn sự sụp đổ của nền kinh tế và cuộc sống yên bình tại lãnh thổ này. Người biểu tình bị phác hoạ là những kẻ vô lý trí, không nhằm đạt một mục đích nào ngoài sự sụp đổ, hoặc quá ngây thơ và bị những kẻ vô lý kia, hoặc một thế lực nước ngoài giựt dây. Nhưng sự thật là không ai có đủ một bằng chứng nào để kết luận chắc chắn rằng góc nhìn của bộ máy tuyên truyền là đúng hay sai. Và cũng không ai xác quyết được đâu là động cơ thực sự của lựa chọn bạo lực của người biểu tình Hong Kong. Do đó, sự phán xét của chúng ta hoàn toàn dựa trên niềm tin, vì vậy phải thừa nhận là nó có sự lung lay.

Hãy thử truy vấn khía cạnh này từ phía những nười tin vào cách mà bộ máy tuyên truyền đang phác hoạ. Có lẽ, họ vẫn chưa thoát được cái diễn ngôn mà đã được “thấm nhuần” (tự nguyên hay cưỡng bức) bởi bộ máy tuyên truyền. Bộ máy tuyên truyền luôn phục vụ cho lợi ích của những thiết chế (establishment), mà những thiết chế thì muốn tình trạng hiện tại được duy trì mãi mãi. Đó là lý do mà có lúc nó sẵn sàng ủng hộ một chính quyền vốn thù địch nhưng lại là đồng chí trong tư tưởng, nhưng lại sẵn sàng sợ hãi một ý tưởng có thể thách thức thiết chế. Bộ máy tuyên truyền lợi dụng cái gọi là bối cảnh xã hội (social context) để gợi cho quần chúng tin rằng có những cái là sự mặc định, hiển nhiên (ví dụ như hệ thống chính trị hiện tại) và bất kỳ sự thay đổi nào làm ảnh hưởng đến sự mặc định, hiển nhiên đó sẽ khiến hậu quả trở nên khủng khiếp. Cho nên, cách tốt nhất là đừng bao giờ đụng đến những thiết chế, dù là bằng phương pháp bạo lực hay phi bạo lực. Kết quả, nó tạo nên tâm lý rằng cứ hễ người dân viện đến bạo lực thì chắc chắn là họ đang làm điều gì đó sai trái và phải bị lên án ngay tức thì, còn bạo lực của chính quyền thì xuất phát từ mong muốn gìn giữ trật tự xã hội và sự ổn định cho cộng đồng nói chung.

Những luận điểm rất dễ dàng bị bẻ gãy vì nó dựa trên rất nhiều giả định, như sự tồn tại của các thiết chế là hiển nhiên. Ví dụ như người Hong Kong không được đụng đến chính quyền Trung Quốc vì như vậy là chối bỏ nguồn gốc. Hay, bạo lực của nhà nước là có thể biện minh được còn người dân thì không. Nhưng nếu cứ nhìn vào lực lượng tham gia cuộc biểu tình hăng hái nhất, là những người sinh ra và lớn lên sau thời điểm Trao trả (1997), có thể thấy rằng điều “hiển nhiên” đó không quá “hiển nhiên” với người Hong Kong, những người có thể đang cho rằng họ không chia sẻ được bất kỳ điều gì với “đồng bào” của họ ở Bắc Kinh, thậm chí là ngôn ngữ. Vì lẽ đó, việc người Hong Kong tung bay lá cờ nước Anh hay nước Mỹ không thể hiện sự “phản phúc” của họ, hay thậm chí ngay cả khi họ đòi hỏi sự tự trị, cũng không phải là điều gì quá ghê gớm. Cần nhớ rằng Hong Kong chỉ thuộc về Trung Quốc trong 20 năm qua nhờ vào một hiệp ước và người Hong Kong chưa bao giờ có được sự quyết định tương lai của mình. Chụp cho họ cái mũ “phản phúc” hay “nổi loạn” như vậy thật ra là không hợp lý, và do đó không giúp ta hiểu được hết động cơ mà nhiều người Hong Kong chọn trở thành “những kẻ bạo loạn”, hy sinh cả quyền lợi kinh tế của mình. Chẳng phải người Việt Nam cũng đã viện đến bạo lực, chống lại một chính quyền cũng ra sức cho rằng sự tồn tại của mình là hiển nhiên, để giành độc lập, hay chính người Trung Quốc đã làm thế với một chính quyền khác hợp hiến không kém để thống nhất non song của họ trước đây?

Bên cạnh đó, đối với nhiều người khác, họ không nhất thiết phải ủng hộ chính quyền Trung Quốc để tỏ ra thất vọng với tình trạng bạo lực ở Hong Kong. Đây là những người tin rằng người Hong Kong tiếp tục biểu tình vì khát vọng của họ đối với dân chủ thuần tuý, và bạo lực chỉ là một phương pháp do họ lựa chọn một cách có cân nhắc, có tính toán, không bị giựt dây.

Với những người này, có lẽ sự lên án nằm ở tình trạng bạo lực, chứ không nằm ở mục tiêu đòi hỏi dân chủ. Họ vẫn ủng hộ tiến trình dân chủ và mục tiêu, nhưng đòi hỏi những bước tiến trong tiến trình này phải giữ được sự ôn hoà, phi bạo lực. Ôn hoà, phi bạo lực lúc này không phải là để làm thoả mãn cho các luận điệu về “ổn định chính trị” mà các chính quyền sử dụng để thử thách lòng kiên nhẫn của người dân, mà nó là một tranh luận về mặt phương pháp đấu tranh. Rằng để cùng đạt được một mục tiêu là dân chủ, chúng ta không nhất thiết phải bạo động, phải đổ máu, phải gây ra các thiệt hại về mặt kinh tế cho đất nước. Họ đại diện cho một quan điểm chính trị cổ vũ sự cải tổ về mặt nội dung nhưng bảo thủ về mặt phương pháp. Những người biểu tình bạo lực ở Hong Kong thì ngược lại, cũng là những người cổ vũ sự cải tổ về nội dung, nhưng cấp tiến trong cách làm.

Tôi không xấu hổ để nói rằng tôi cũng thuộc về những nhóm người bảo thủ về mặt phương pháp, tiến trình. Nhưng không vì thế mà tôi cho rằng chúng ta cần lên án đạo đức của họ hay dán nhãn những người biểu tình bạo lực ở Hong Kong là kẻ bạo loạn. Phương pháp nào để đấu tranh hiệu quả thiết nghĩ còn tuỳ thuộc vào bối cảnh và không khí của xã hội, thứ mà chúng ta không bao giờ hiểu được về Hong Kong – vì chúng ta không phải là họ. Lịch sử một lần nữa cũng đã chứng minh rằng “làm cách mạng” (tức viện tới bạo lực, bạo động) là một loại quyền và có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp mà vẫn có được chỗ dựa nào đó về mặt đạo đức. Nên nhớ rằng chính Nelson Mandela trước khi nổi tiếng là một người đấu tranh cho tự do và hoà giải cũng đã viện đến bạo lực và các phương pháp khủng bố để gây rối loạn trong chính quyền Apartheid. Niềm tin ở đây rằng không ai muốn bạo lực nếu các phương pháp hoà bình có thể giải quyết được vấn đề. Mà niềm tin là cái chúng ta không phán xét hay áp đặt được.

Câu chuyện Hong Kong sẽ mở theo hướng nào, có lẽ không ai đoán trước được. Tôi vẫn có niềm tin rằng người Hong Kong hoàn toàn có thể duy trì sự tồn tại tự trị của mình trong lòng Trung Quốc nhờ vào nền kinh tế rất độc lập và hùng cường của mình. Do vậy, nó sẽ đòi hỏi một chiến lược dài hơi hơn, bắt đầu bằng việc không thực hiện các hành động sẽ khiến cho nền kinh tế - thứ vũ khí mạnh mẽ nhất họ đang có – bị vô hiệu hoá.

Thế nhưng người Hong Kong lại là những người có quyền lựa chọn duy nhất cách làm ở đây. Những câu chuyện như Hong Kong rốt cuộc không phải là dịp để chúng ta phán xét dựa trên cái nhìn chủ quan, mà là lúc giúp cho ta suy nghĩ và hiểu hơn về bản thân mình, và về quan điểm chính trị của mình. Quan điểm chính trị của ta thể hiện rõ qua cách chúng ta tỏ thái độ với những vụ việc như thế. Nó cũng đòi hỏi chúng ta nhìn sâu hơn, vượt qua phán xét về hành vi của người biểu tình mà cần truy tìm lý do, động cơ mà họ lại lựa chọn hành vi đó. Nó giúp ta có cái nhìn trung lập hơn, và giúp các phán đoán và ý kiến trở nên hợp lý hơn.





No comments: