Saturday, November 2, 2019

CHIẾC BÁNH VẼ TẶNG TỔNG THỐNG DONALD TRUMP? (J.B Nguyễn Hữu Vinh)





J.B Nguyễn Hữu Vinh
November 2, 2019
Những tín hiệu lạc quan!

Ngày 13 Tháng Mười, Tổng Thống Donlad Trump tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý mua một số lượng lớn nông sản của Mỹ, một phần trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nước mới đạt được. Trên Twitter cá nhân ông viết: “Thỏa thuận mà tôi đạt được với Trung Quốc là việc họ sẽ ngay lập tức bắt đầu mua một số lượng lớn nông sản của chúng ta, mà không cần đợi đến khi thỏa thuận được ký kết trong 3 hoặc 4 tuần tới.”

Trước đó ngày 11 Tháng Mười, ông Trump cho biết các giao dịch mua bán nông sản cuối cùng sẽ có tổng trị giá từ $40 tỉ đến $50 tỉ. Ông cũng kỳ vọng thỏa thuận sẽ được ông và Tập Cận Bình ký kết bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC tại Chile vào giữa Tháng Mười Một.

Đổi lại những thỏa thuận đó, Hoa Kỳ đã đồng ý tạm dừng áp thuế bổ sung từ 25% lên 30% với khoảng $250 tỉ  hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà Hoa Kỳ dự định bắt đầu áp dụng từ ngày 15 Tháng Mười.

Trước những thông tin do Tổng Thống Trump đưa ra, những người có trách nhiệm phía Bắc Kinh đã không có một lời phản bác nào. Điều này đồng nghĩa với việc những bàn thảo, thảo luận và thỏa thuận giữa hai bên về vấn đề nông sản Mỹ nhập vào Trung Quốc là có thật.

Trong khi đó, Phó Thủ Tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng ca ngợi tiến bộ đạt được qua 2 ngày đàm phán.

Những nghi ngờ có cơ sở

Thế nhưng, hầu như ngay lập tức người ta đặt ra hàng loạt nghi vấn với thỏa thuận này. Thậm chí nhiều cá nhân, nhiều nhà phân tích nói ngay tại thời điểm đó rằng: Đây chỉ là một chiếc bánh vẽ, một chiêu bài câu giờ của phía Trung Quốc dành cho ông Trump.

Thời gian qua đi, nhiều người nghi ngờ rằng thỏa thuận này khó khả thi.

Trước khi cuộc đàm phán lần thứ 13, phía Trung Quốc đã gia tăng mua một số nông sản Mỹ. Hôm 26 Tháng Chín, phát ngôn viên Bộ Thương Mại Trung Quốc Gao Feng cho biết, Trung Quốc đã quay trở lại mua hàng nông sản Mỹ và nói rằng những đơn hàng trong giai đoạn này đều được miễn thuế.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hoàn toàn do Bắc Kinh thể hiện thiện chí của mình mà chỉ bởi nhu cầu của chính phía Trung Quốc.

Tháng Tám, năm 2018, dịch tả heo Châu Phi bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc. Bệnh dịch nhanh chóng lây lan khắp đất nước Trung Quốc và sang các nước láng giềng. Riêng tại Trung Quốc, 40-60% trong số đàn heo 400 triệu con của Trung Quốc đã chết bởi nạn dịch này. Việc này đã tạo nên một cuộc “khủng hoảng thiếu” tại đây. Bởi đất nước hơn 1.3 tỉ dân này vốn có truyền thống tiêu thụ thịt heo với số lượng rất lớn. Vì thế, bên cạnh dự trữ chiến lược những mặt hàng như xăng dầu, lương thực thì thịt heo được nhà nước Trung Quốc đưa vào danh mục dự trữ quốc gia.

Người ta đã thấy những cảnh tranh giành nhau miếng thịt heo giữa chợ cho thấy tình trạng khan hiếm thịt heo ở Trung Quốc ra sao.

Theo Citigroup, giá thịt heo tăng gấp đôi có thể sẽ thúc đẩy lạm phát của Trung Quốc tăng 5.4% trong khi dự báo tỷ lệ lạm phát ở nước này trong năm 2019 là 2.6%.

Để bù đắp cho nguồn cung trong nước thiếu hụt, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài. Trong Tháng Tám vừa qua, số thịt heo nhập khẩu vào nước này đã tăng 76% so với tháng trước, lên mức 162,935 tấn.

Điều đó có nghĩa rất rõ ràng là việc Trung Quốc mua thực phẩm từ Mỹ không xuất phát từ “thiện chí” trước vòng đàm phán Trung-Mỹ như họ tuyên bố.

Tổng Thống Donald Trump cho biết về cuộc đàm phán vòng thứ 13 rằng: “Chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận, với nhiều điểm, và giờ chỉ còn viết nó xuống.”

Và vấn đề lại là ở chỗ “viết nó xuống” như thế nào và bao giờ? Đồng thời từ việc “viết nó xuống” cho đến thực thi trong thực tế là một khoảng cách rất xa, nhất là với Bắc Kinh.
Bởi xưa nay, lời nói và việc làm của Bắc Kinh vốn không đi đôi với nhau đã như một bài học kinh nghiệm mà nhiều người, nhiều đất nước đã học được.

Những con bài được thực thi

Đã gần 1 tháng trôi qua, câu chuyện Trung Quốc sẽ mua lượng lớn số nông sản của Mỹ đã dần dần cho thấy không khả thi. Người ta thấy những con bài được Bắc Kinh sử dụng cho việc trì hoãn này cũng đã bắt đầu xuất hiện.

Ngày 13 Tháng Mười, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết hai bên sẽ sớm có một cuộc điện đàm nữa trong khi các cuộc tham vấn cấp bộ vẫn tiếp tục với tốc độ nhanh.

Thế rồi, câu chuyện hai bên sẽ ký kết bản thỏa thuận giai đoạn 1 tại Chile đã trở thành việc không thể có. Không bởi vì Chile hủy cuộc họp của APEC mà bởi theo thông báo thì “Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiếp tục soạn bản thỏa thuận thương mại tạm thời, nhưng chưa thể hoàn tất để hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc ký kết tại Chile vào tháng tới” – một quan chức chính quyền Hoa Kỳ cho Reuters biết hôm 29 Tháng Mười.

Hẳn nhiên là việc “soạn thảo văn bản” sẽ không mất quá nhiều thời gian đến thế nếu mọi thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên không có khúc mắc và thay đổi.

Mới đây, hãng tin Reuter cho biết: Ông Cao Derong – Chủ tịch Phòng Thương Mại Trung Quốc phụ trách xuất nhập khẩu thực phẩm và thứ phẩm động vật (CFNA) đề cập đến “yếu tố thị trường” ông cho biết, “việc gia tăng mua hàng nông sản Mỹ từ phía Trung Quốc cần phải được tạo điều kiện chứ không thể được thực hiện theo chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc.”

Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh đã vận dụng lý thuyết “nền kinh tế thị trường” mà Mỹ đang cổ võ để đáp lại Mỹ, vì “không thể ép buộc các cơ quan nhập khẩu thực hiện theo ý chí chính phủ.” Điều này rất đúng với nền kinh tế thị trường, nhưng sẽ là rất sai trong một chế độ độc tài như Trung Quốc, ở đó, khi đảng chỉ đạo, chính phủ yêu cầu thì có chết, doanh nghiệp và người dân vẫn phải thực hiện.

Điều đó cũng có nghĩa là việc hứa hẹn mua nông sản Mỹ đến $50 tỉ là chuyện hứa hão và không thực tế.

Trở về vạch xuất phát

Và Bắc Kinh đã gài đưa Mỹ vào tình thế trở lại điểm xuất phát ban đầu của cuộc đàm phán thứ 13.

Đồng thời, Bắc Kinh còn đặt vấn đề ngược lại yêu cầu Mỹ từ bỏ thuế quan – vũ khí Mỹ đã sử dụng trong thời gian qua trong cuộc thương chiến – để giải quyết vấn đề theo ý Bắc Kinh.

Cao Derong cho rằng: “Thay vì bắt buộc các công ty phải mua một lượng sản phẩm nhất định trong một khoảng thời gian nhất định, cần tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động giao dịch.” Và thay vì thực hiện việc đã hứa, thì “điều mà chính phủ Trung Quốc chỉ có thể làm ở thời điểm hiện tại là hối thúc phía Mỹ cùng giảm bớt và loại bỏ các thuế quan hàng hóa đã áp đặt lên phía đối phương…”

Câu chuyện về đàm phán thương mại Trung-Mỹ với những thay đổi không có gì lạ. Nhất là hiện nay, khi Bắc Kinh đang thực hiện việc câu giờ “trường kỳ kháng chiến.” Để rồi thời gian đi qua, những nỗ lực không hiệu quả của chính quyền Mỹ sẽ dẫn đến chán nản và bỏ cuộc. Để đạt được điều đó, những chiếc bánh vẽ ngon lành thơm tho đã và sẽ còn được đưa ra.

Điều mà Bắc Kinh đang chờ đợi, là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã sắp đến. Gần đến ngày đó, với những bận rộn của việc bầu cử, đảng phái, nhất là trong lúc Tổng Thống Trump đang đối diện với cuộc luận tội sắp tới, thì cuộc thương chiến Mỹ-Trung sẽ đỡ đi những áp lực gay gắt.

Bởi vì Tổng Thống Trump đang đối diện với Tập Cận Bình, một đối thủ là “hoàng đế suốt đời” trong khi ông Trump chỉ là tổng thống có nhiệm kỳ nhất định.

Và một điều bất lợi khác nữa đối với Tổng Thống Trump là ông đang lãnh đạo dất nước dân chủ trong khi “Hoàng Ðế Tập” không cần bận tâm đến dân chủ, nhân quyền hoặc tiếng nói của người dân.






No comments: