Thursday, November 14, 2019

BLOGGER MẸ NẤM KỂ CHUYỆN GẶP GỠ TỔNG THỐNG DONALD TRUMP (BBC Tiếng Việt)




BBC Tiếng Việt
13/11/2019

Gần đúng một năm sau khi qua Mỹ định cư, blogger Mẹ Nấm - bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 7/11, cùng các nạn nhân khác của các chế độ cộng sản.

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chụp hình cùng với các đại diện nạn nhân của chế độ Cộng sản tại Nhà Trắng sau cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump 7/11. NGUYEN NGOC NHU QUYNH

Hồi hộp, căng thẳng và lo lắng, nhưng cũng rất thú vị là trải nghiệm của Mẹ Nấm trong cuộc gặp gỡ này, qua đó bà có dịp đối diện với nhà lãnh đạo gây nhiều tranh cãi của nước Mỹ.

Blogger Mẹ Nấm kể lại cuộc gặp gỡ và đưa ra những nhận định chớp nhoáng về tổng thống Trump trong cuộc phỏng vấn với Tina Hà Giang của BBC News Tiếng Việt hôm 12/11.

BBC:Gần đúng một năm sau khi đến Mỹ, Mẹ Nấm được mời lên Washington DC gặpTổng thống Hoa kỳ Donald Trump, điều đó có làm cho chị ngạc nhiên?
Blogger Mẹ Nấm: Tôi không ngạc nhiên về chuyện này. Trong thời gian qua, thành viên của Dân Làm Báo và Mạng lưới Blogger Việt Nam đã làm việc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Tổ chức Nạn nhân cộng sản (Victims of Communism Foundation) và có những vận động với Toà Bạch Ốc để có buổi tiếp xúc này.
Thật ra để miêu tả chính xác cảm giác về cuộc hội kiến với Tổng thống Hoa Kỳ phải dùng nhiều tính từ khác nữa mới đủ ý. Hồi hộp, căng thẳng và lo lắng. Mọi người không biết trước cuộc họp sẽ kéo dài bao nhiêu lâu, nên đã chọn lựa để trình bày những gì trong thời gian rất giới hạn để từ đó có những quan hệ làm việc lâu dài với chính phủ Hoa Kỳ trong tương lai.


BBC:Trong buổi gặp gỡ đó Mẹ Nấm có được nói chuyện riêng với Tổng thống Donald Trump không? Chị có thể kể lại diễn tiến buổi nói chuyện?
Blogger Mẹ Nấm: Cuộc hội kiến với Tổng thống kéo dài hơn 30 phút. Năm cá nhân đến từ các quốc gia khác nhau như Ba Lan, Venezuela, Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam đều có phần trao đổi với Tổng thống Trump.

Lúc ban đầu, buổi gặp gỡ dự trù sẽ có truyền thông báo chí Hoa Kỳ và quốc tế tham dự. Tuy nhiên Tổng thống Trump giờ phút chót đã đổi ý vì muốn có một buổi trao đổi riêng tư và thân mật. Giới báo chí cũng rất bất ngờ về sự thay đổi này. Đây là một cuộc gặp chung giữa Tổng thống Trump với năm người và nó không diễn ra theo phương thức mỗi người trình bày nguyên văn những gì đã soạn sẵn. Thay vào đó, Tổng thống Trump đã ngắt lời và hỏi người trình bày, và như thế nó đã trở thành một cuộc trao đổi. Đây là một điều thú vị vì trước đó nhân viên Nhà Trắng cũng như Bộ Ngoại giao cũng cho biết là mặt dù tất cả đã được chuẩn bị có bài bản nhưng khi gặp Tổng thống Trump thì mọi chuyện có thể thay đổi. Và điều đó đã xảy ra.

Về nội dung trình bày thì ban đầu ban tổ chức yêu cầu mỗi người chỉ được trình bày trong vòng 1 phút. Tôi và các thành viên của Danlambao đã thảo luận và đồng ý là trong thời gian ngắn ngủi đó làm sao đạt được 3 mục tiêu: Thứ nhất là tạo được sự quan tâm, cảm tình của tổng thống Trump đối với những người hoạt động tại Việt Nam; Thứ hai là nêu lên được tình trạng đàn áp nhân quyền và những tù nhân lương tâm VN đang bị ngược đãi. Thứ ba là những tác động tích cực của Hoa Kỳ đối với sự bành trướng của Bắc Kinh.

Vì thời gian giới hạn và nhất là buổi gặp gỡ xảy ra theo hình thức trao đổi và có đến năm người trình bày nên chúng tôi sau đó đã gửi riêng cho Bộ Ngoại giao chi tiết về những tù nhân lương tâm như anh Trần Huỳnh Duy Thức, chị Trần Thị Nga, anh Hồ Đức Hoà, anh Huỳnh Trường Ca và nhiều người khác.

Nội dung mà Tổng thống Trump quan tâm là câu chuyện cụ thể của từng cá nhân khi tất cả đều là nạn nhân dưới chế độ cộng sản. Tổng thống hỏi tôi về tình trạng ở trong tù như thế nào và tôi đã trình bày ngắn gọn về những ngược đãi của các cai tù cộng sản đối với tôi nói riêng và với những tù nhân chính trị khác nói chung.

VIDEO :
Mẹ Nấm kể chuyện gặp gỡ Tổng thống Donald Trump

BBC:Mẹ Nấm có thể cho biết cảm nghĩ của mình khi trực tiếp gặp người tổng thống này như thế nào không?
Blogger Mẹ Nấm: Theo nhận xét của tôi thì tổng thống Trump là người khá là thân thiện và cũng biết cách pha trò. Vì sau các phần trình bày của hai nạn nhân đến từ Cuba và Venezuela thì tôi quan sát thấy tổng thống Trump có hỏi nạn nhân ở Cuba khá kỹ về những gì mà cô này đã trải qua. Cho nên phần thời gian dành cho Cuba và Venezuela khá nhiều.

Đặc biệt là sau khi phần trao đổi đã kết thúc, thì chính tổng thống là người đề nghị 'đến lúc chúng ta phải chụp hình chứ?' Mặc dù trước khi bắt đầu cuộc hội kiến phóng viên của Nhà Trắng đã chụp một hình giữa năm nạn nhân với tổng thống rồi, nhưng mà sau đó thì chính ông Trump nói là mỗi người sẽ chụp với tổng thống một hình.

Lúc đó có một việc rất là vui là có một anh trưởng đoàn ở bên quỹ tưởng niệm nạn nhân cộng sản, ảnh đứng ở xa, vì ảnh không nằm trong 5 người hội kiến. Tổng thống quan sát và bảo là 'Oh, tôi thấy anh cũng đi vào trong đoàn này, thế anh có muốn chụp một tấm hình không?' Thế là anh kia cũng có một tấm hình.

Thậm chí tôi thấy không khí nó thật vui, bớt căng thẳng. Tất cả mọi người trong phòng đều cười khi ông Trump khen chàng trai đến từ Venezuela rất là đẹp trai.

Kết thúc buổi họp thì ông nhắc các trợ lý của mình nhớ mang quà tặng cho các nạn nhân. Nhận xét của tôi là cảm thấy rất thân thiện và gần gũi.

BBC: Ông Trump là một nhân vật gây khá nhiều tranh cãi, người ủng hộ thì hết lòng ủng hộ, người không ưa thì đả kích mạnh mẽ. Chắc là trước khi gặp ông, Mẹ Nấm cũng có sẵn một suy nghĩ nào đó. Sau khi gặp ông, suy nghĩ này có gì thay đổi không?
Blogger Mẹ Nấm: Tôi không có nhận xét gì về tổng thống trước khi gặp ông ấy vì quan điểm của tôi là không nhận xét một người qua những suy xét của người khác, mà mình phải trực tiếp gặp mới biết. Và sau khi gặp thì tôi đã vừa nói những gì mình nhận xét.

BBC:Trong phần hỏi đáp với Mẹ Nấm ông Trump có hỏi nhiều về Việt Nam không? Và qua cách đặt câu hỏi của ông ấy thì Mẹ Nấm có thấy là ông có quan tâm nhiều về tình hình nhân quyền ở Việt Nam?
Blogger Mẹ Nấm: Tổng thống Trump không có hỏi gì về Việt Nam hết. Tức là sau khi nghe tôi nói, mà tôi cũng không kể nhiều vì đã được dặn là cuộc họp này sẽ diễn ra rất là nhanh cho nên tôi không kể gì về những gì tôi phải chịu đựng, chỉ gửi lời cám ơn thôi. Những gì tôi chia sẻ thì cuộc sống trong tù nó là một chuỗi ngày rất là khó khăn. Trước tôi là mấy người nói trước, và sau tôi còn một người từ Balan nữa, và thì giờ sắp hết rồi, phải dành thời gian cho người đó nữa nên tôi không nói nhiều.

Thật ra thì cuộc hội kiến này nó không diễn theo kịch bản nào. Thoạt đầu thì dự định là mỗi người sẽ nói vấn đề gì, nhưng đến khi vào đó thì ông Trump nói bỏ hết tất cả những quy tắc trước đó đi, ổng muốn cuộc tiếp xúc này là một cuộc nói chuyện, cho nên mọi thứ là cuộc trao đổi, mà người đặt câu hỏi là tổng thống Trump. Sau khi tôi nói thì Tổng thống Trump hỏi tôi nghĩ ông có thể làm gì cho Việt Nam.


Blogger Mẹ Nấm trong phiên tòa hôm 29/6/2017. GETTY IMAGES

BBC: Mẹ Nấm trả lời câu hỏi này như thế nào?
Blogger Mẹ Nấm: Tôi trả lời rằng "Các chế độ độc tài Cộng sản kéo dài sự cai trị bằng việc bưng bít truyền thông. Và tôi tin rằng, một người có kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội như Tổng thống Trump hiểu rất rõ sức mạnh của truyền thông độc lập. Twitter, Youtube, Facebook đã giúp người dân tại các nước Cộng sản cất lên tiếng nói tự do của mình. Vì vậy thay mặt Mạng Lưới Blogger Việt Nam, tôi mong chính quyền của ông tiếp tục ủng hộ những nhà hoạt động đang tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận, nỗ lực đưa lại thông tin và cổ vũ người dân vượt qua sợ hãi."

BBC:Việc được mời đến gặp Tổng Thống Trump trong cùng với những nạn nhân công sản của các nước có nghĩa gì cho cá nhân Mẹ Nấm? Và cho Việt Nam, theo chị?
Blogger Mẹ Nấm: Mục tiêu cá nhân của tôi là làm sao cho 2 con tôi ăn học thành tài và trở thành con người hữu ích trong xã hội. Nếu chỉ để đạt được mục tiêu này thì tôi không cần hoạt động. Vì vậy, ngay từ khi dấn thân hoạt động tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu của cá nhân tôi lên trên. Do đó, việc được hội kiến với Tổng thống Trump chỉ có ý nghĩa đối với hoạt động chung của phong trào tranh đấu.

Điều tôi rút ra được sau nhiều lần tiếp xúc, làm việc với các nhân viên Toà Đại sứ Hoa Kỳ khi tôi còn ở trong nước, và các nhân viên của Bộ Ngoại giao và Toà Bạch Ốc khi tôi đến Hoa Kỳ, thì đối với họ, từng cá nhân không quan trọng bằng chính sách của họ ở tầm quốc gia. Tôi rút ra một điều cho chính mình là đừng mong đợi những gì cho cá nhân mình mà chỉ tranh đấu cho quyền lợi và những gì tốt nhất cho đất nước Việt Nam dựa trên những gì cũng có lợi cho Hoa Kỳ.

Cơ hội đến với tôi là thành quả chung của tất cả các anh em hoạt động trong Mạng Lưới Blogger Việt Nam và Dân Làm Báo nói riêng, cũng như của tất cả các nhà tranh đấu Việt Nam nói chung. Nhờ đó mà chúng tôi có cơ hội kể lại câu chuyện đang diễn ra tại Việt Nam với người đứng đầu quốc gia hùng mạnh nhất là Hoa Kỳ, như tôi đã trình bày tại buổi hội kiến: "Còn nhiều nạn nhân của Cộng sản Việt Nam đặc biệt là những người đang trong ngục tù cần ngài giúp đỡ thưa Tổng thống. Xin cám ơn ông và những nỗ lực bảo vệ các giá trị nhân quyền phổ quát và gây áp lực chính trị và kinh tế đối với tất cả các chế độ toàn trị ở Trung Quốc, Việt Nam, Venezuela và Bắc Triều Tiên cho đến khi tự do và dân chủ chiếm ưu thế".

Gia đình Mẹ Nấm đặt chân đến Mỹ đêm 17/10 (giờ Mỹ)

BBC: Có vẻ thời gian Mẹ Nấmđược trao đổi với Tổng thống Trump rất ngắn. Nếu được tiếp chuyện với ông một lần nữa, chị sẽ nói gì?
Blogger Mẹ Nấm: Tôi nghĩ hội kiến với tổng thống không phải là một chuyện có thể dễ dàng xảy ra. Và nếu có tôi mong sẽ là nhiều người hoạt động Việt Nam khác.

Nếu có cơ hội trong tương lai, tôi sẽ trình bày thêm nhiều điều mà trong lần gặp gỡ vừa qua thời gian giới hạn đã không cho phép.

Tôi sẽ trình bày tình trạng chế độ Hà Nội đã dùng những người tù tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam để làm công cụ đổi chác trong những thương thuyết với Hoa Kỳ và Cộng đồng chung Âu châu.

Tôi sẽ nói về tình trạng các cán bộ cộng sản đã chuyển tiền, mua nhà, gửi con cái sang Hoa Kỳ và kêu gọi Tổng thống Trump có biện pháp đối với những tên tội phạm cộng sản vừa gây tội ác ở Việt Nam vừa đang nhỡn nhơ tại Hoa Kỳ này.

Tôi sẽ nói lên sự ủng hộ của chúng tôi về chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, nhất là cuộc chiến thương mại đối với Bắc Kinh. Đặc biệt, chúng tôi sẽ kêu gọi Hoa Kỳ gia tăng hỗ trợ cho Việt Nam ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông; và một trong những gia tăng nỗ lực này là lên tiếng bảo vệ, tạo sức ép đối với nhà cầm quyền Hà Nội đã đàn áp, bắt giam, bỏ tù công dân Việt Nam có cùng một mục tiêu với Hoa Kỳ là ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc.


=================================

CÁC TIN KHÁC

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Tuân nói trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 nhiệm kỳ đã rõ, cần phải thể hiện cầu thị.
·         28 phút trước
.
Tiến sỹ triết học Thái Kim Lan bình luận về đóng góp và di sản của Hòa thượng Thích Trí Quang, người vừa qua đời ở Việt Nam, thọ 96 tuổi.
·         2 giờ trước
.
Giới phân tích cho rằng suy giảm kinh tế TQ vẫn chưa chạm đáy khi doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp chậm lại trong tháng 10.
·         4 giờ trước
.
Trong hai vụ người đi lậu Trung Quốc chết ở Anh, Bắc Kinh từ chối trả tiền chở xác, còn nạn nhân đòi Anh bồi thường.
·         13 tháng 11 2019
.
Người bán đất khai tự hạ giá đất và đã sai, xin khắc phục hậu quả và không liên quan đến vợ chồng Trần Vũ Hải, bên mua đất.
·         9 giờ trước
.
Cảnh sát Hong Kong đưa ra lời cảnh báo trên khi các cuộc đối đầu bạo lực vừa xảy ra tại các trường đại học trong thành phố.
·         13 tháng 11 2019
.
Những lời chứng công khai của cuộc luận tội được kỳ vọng là nghe quen thuộc, cho đến khi Đại sứ Bill Taylor thay đổi kịch bản.
·         6 giờ trước
.
Cựu ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ từ chối khẳng định là mình sẽ không làm thế, nói với BBC: "Không bao giờ nói không bao giờ."
·         13 tháng 11 2019
.






No comments: