Friday, July 6, 2018

VỀ LUẬT AN NINH MẠNG của VIỆT NAM & LUẬT NetzDG của ĐỨC (Phạm Thị Hoài - Trẻ Online)




June 28, 2018

Trong các tranh luận xung quanh Luật An ninh Mạng (Luật ANM) vừa được thông qua tại Việt Nam, một số người đã lấy Luật NetzDG của CHLB Đức làm quy chiếu để khẳng định rằng Việt Nam không phải là một ngoại lệ, thế giới (dân chủ và văn minh như Đức) cũng phải có những bộ luật tương tự.

Thế nào là tương tự?

NetzDG, nguyên văn: Gesetz zur Verbesserung der Rechtsdurchsetzung in sozialen Netzwerken (Luật cải tiến chấp pháp tại các mạng xã hội), gọi tắt là Netzwerkdurchsetzungsgesetz, viết tắt là NetzDG, có hiệu lực từ ngày 01.10.2017 và chính thức được áp dụng từ ngày 01.01.2018.  Luật này rất ngắn gọn, nội dung chính như sau: Các mạng xã hội hoạt động vì mục đích lợi nhuận và có từ 2 triệu thành viên ở Đức trở lên – điển hình là Facebook, vì vậy NetzDG còn được gọi nôm na là Luật Facebook – phải xóa, gỡ bỏ hay chặn những nội dung vi phạm luật pháp, tức vi phạm tổng cộng 22 điều thuộc bộ Luật Hình sự, trong một thời hạn nhất định. Thời hạn được quy định như sau: 24 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận được báo cáo khiếu nại đối với các nội dung hiển nhiên vi phạm luật pháp, tức không cần phân tích sâu xa đã có thể thấy rõ tính chất vi phạm; và 7 ngày đối với những nội dung khác. Nếu cố tình hay sơ ý không tuân thủ sẽ bị phạt hành chính, mức cao nhất là 500 triệu euro, mức thấp nhất là 5 triệu.

Từ khi còn là dự thảo đến nay, NetzDG gây tranh cãi và bị phản đối, tại Đức và cả ở quốc tế. Nhẹ thì nó bị coi là một sản phẩm tư pháp vội vàng và ngớ ngẩn, nặng thì nó bị cáo buộc xâm phạm quyền tự do thông tin và ngôn luận của công dân. Nhiều cá nhân và tổ chức đã tuyên bố sẽ kiện bộ luật mà họ coi là vi hiến này ra Tòa Bảo hiến.

Một mặt, mục đích hiển nhiên của NetzDG mà không ai phản đối là ngăn chặn sự bành trướng của những dịch bệnh kinh hoàng từ mạng xã hội, trong đó trầm trọng nhất là tin giả (fake news) và phát ngôn gây thù hận (hate speech). Các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như Facebook không phải là những nhà từ thiện, mà thuần túy là các nhà tư bản. Nguyên tắc nổi tiếng: lợi nhuận 20% thì tư bản háo hức; 50%, nó trở nên táo bạo; 100%, nó sẵn sàng chà đạp lên mọi luật lệ của con người và 300%, nó không từ một tội ác nào, dù có phải lên giá treo cổ; và trước khi bị treo cổ nó sẽ cố bán cho bạn chính sợi thòng lọng đó với giá đắt nhất, vẫn còn nguyên hiệu lực, cả với chủ nghĩa tư bản đỏ đang thống trị tại các quốc gia vẫn mang danh nghĩa cộng sản. Fake newshate speech và những xú uế rác rưởi đang tràn ngập không gian mạng là tài nguyên vô tận cho các doanh nghiệp kiểu Facebook kiếm lời. Không có gì phải bàn cãi, bản năng tham lam vô độ đó phải bị luật pháp kiềm chế.

Nhưng mặt khác, trong một nhà nước pháp quyền, chức năng phán quyết về những hành vi vi phạm luật pháp duy nhất thuộc về tòa án và các thẩm phán độc lập, và không ít những phán quyết ấy cần đến vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm. Các diễn ngôn văn chương, nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật châm biếm và đả kích, thường đa tầng đa nghĩa, nhiều khi đi chênh vênh giữa ranh giới của hợp pháp và bất hợp pháp. NetzDG đã khoán trắng nhiệm vụ khó khăn này – như thể đó là một lĩnh vực outsourcing – cho đội ngũ nhân viên không hề được đào tạo tương xứng về luật pháp của các mạng xã hội, và áp đặt một thời hạn không tưởng là 24 tiếng đồng hồ hoặc cùng lắm 7 ngày. Với áp lực thời gian ấy, với hình phạt hành chính nặng đô ấy, những nhân viên đóng vai từ dân vệ đến quan tòa nghiệp dư của các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội tất yếu có xu hướng overblocking, xóa nhầm còn hơn bỏ sót, trái với nguyên tắc nhân bản bỏ sót còn hơn phạt nhầm trong nền tư pháp của các nước dân chủ pháp quyền. Với NetzDG, không gian mạng có thể sẽ bớt xú uế hơn đôi chút, nhưng có thể cũng sẽ ít tự do hơn.

Tất nhiên tôi không phải là đỉnh cao chói lọi của nhân loại để trả lời câu hỏi: nên cắt bớt mấy phân chiếc áo của tự do để chắp vào chiếc quần của an ninh trật tự. Nhưng là người trải qua cả hai thể chế, cá nhân tôi luôn xót xa cảm thấy mỗi bước lùi của tự do, mỗi vết rạn dù nhỏ nhất trong những pháo đài dân chủ đều có nguy cơ thành một viên gạch củng cố cho các thành lũy chuyên chế, và như cười vào mặt những người đã và đang phải trả những cái giá đau đớn ở các quốc gia chuyên chế. Song có phải vì thế mà NetzDG của Đức đáng được làm chỗ dựa để bênh vực Luật An ninh Mạng của Việt Nam không? Câu trả lời là không.

Thứ nhất, NetzDG từ tên gọi đã cho thấy nó chỉ nhằm vào việc thúc đẩy thực thi những quy định luật pháp sẵn có của Đức. Những nội dung bị coi là vi phạm luật pháp đều đã được quy định trong bộ Luật Hình sự. NetzDG chỉ mất chưa đầy một dòng liệt kê số thứ tự của các điều liên quan, không chế tạo thêm một tội danh nào. Những quy định đối với các mạng xã hội cũng đã có sẵn trong Luật Truyền thông Điện tử (Telemediengesetz) từ năm 2007. NetzDG không làm việc gì khác ngoài tăng áp lực, bằng cách đưa ra những hình phạt tiền thấm thía và quy định thời hạn hành động cụ thể cho các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội, hy vọng qua đó có thể chống các dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng trên các mạng xã hội nhanh chóng hơn. Hy vọng này có trở thành hiện thực hay không, đó lại là chuyện khác.

Thứ hai, NetzDG không có mục đích bảo vệ một chế độ chính trị, một đảng phái, một chính phủ hay quốc gia nào, mà bảo vệ mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là nạn nhân của sự hoành hành của những quái thai do chính con người đẻ ra trên không gian mạng. Không phải các cơ quan nhà nước nói chung hay một cơ quan đặc trách nào đó của chính quyền mà mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, kể cả không là thành viên của mạng xã hội, đều có quyền báo cáo khiếu nại.

Thứ ba, đối tượng của NetzDG không phải là các cá nhân người dùng mạng xã hội, mà là các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội. Hình phạt hành chính mà luật này đưa ra chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp này. Nhóm đối tượng liên quan được khoanh vùng rõ ràng, đó chủ yếu là Facebook, Twitter và Google (với YouTube), trong khi những mạng chuyên đề như Linkedin, Xing, các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, các hệ thống thư điện tử, diễn đàn trên các trang mạng và hầu như mọi dịch vụ internet khác đều không bị đụng chạm.

Thứ tư, NetzDG không phải là sự kiểm duyệt từ phía nhà nước. Chính quyền hoàn toàn không can thiệp vào quy trình báo cáo khiếu nại và xử lý báo cáo khiếu nại. Đó thuần túy là việc giữa doanh nghiệp tư nhân cung cấp mạng xã hội và khách hàng của mình. Trong các trường hợp phức tạp, các doanh nghiệp có thể tự nguyện xin tư vấn từ phía các cơ quan nhà nước, song không bị ràng buộc vào kết quả tư vấn này. Hệ thống tư pháp nhà nước chỉ vào cuộc khi tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dùng mạng xã hội trong quá trình xử lý báo cáo khiếu nại cần đến sự phân xử của một tòa án.

Thứ năm, để bảo đảm tính minh bạch của quy trình xử lý báo cáo khiếu nại, NetzDG đề ra một loạt quy định đối với các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội, chẳng hạn trách nhiệm đăng công khai báo cáo định kỳ 6 tháng trên Công báo và trên trang nhà, trách nhiệm cử đích danh một đại diện phụ trách xử lý báo cáo khiếu nại tại Đức, trách nhiệm lưu trữ những nội dung bị gỡ bỏ trong vòng mười tuần làm chứng cứ, trách nhiệm kịp thời thông báo và lý giải quyết định của mình cho người khiếu nại cũng như người đăng nội dung bị gỡ bỏ… Một cơ quan hành chính nhà nước sẽ giám sát, nhưng không can thiệp vào quy trình này.

Thứ sáu, NetzDG đương nhiên không hề đưa ra những quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như xác thực thông tin người dùng, cung cấp thông tin người dùng cho Bộ Công an, ngừng cung cấp dịch vụ mạng cho người dùng, lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam… như trong Luật ANM, điều 26. Các nền dân chủ phương Tây có thể đang gặp khủng hoảng và các chế độ chuyên chế có thể đang tự đắc phất cờ, hơn bao giờ hết với sức mạnh vô song của Trung Quốc, nhưng những điều tương tự như các quy định kể trên của Luật ANM Việt Nam không thể xuất hiện trong một bộ luật của nước Đức hiện tại.

Như vậy, dù là một bước đi chuệch choạc và chắc chắn không phải là thành tựu huy hoàng của nền pháp quyền trong một thể chế dân chủ, phần tương tự của NetzDG với Luật ANM Việt Nam có lẽ chỉ chưa đầy một phần trăm. Song khác biệt quan trọng nhất xung quanh hai bộ luật này không bắt nguồn từ văn bản, mà từ thể chế nhà nước và môi trường xã hội. Tôi sẽ đề cập điều đó trong phần tiếp theo.

P.T.H.

*
*
July 5, 2018

Toàn văn Hiến pháp Hoa Kỳ có được cài thẳng vào hay thay thế Hiến pháp Việt Nam tối hôm nay thì sáng mai Việt Nam vẫn không thành một quốc gia dân chủ. Văn bản luật pháp dĩ nhiên quan trọng, như đã trình bày trong phần 1, song đời sống thực của nó chứ không phải sự tồn tại trừu tượng của những con chữ lại hoàn toàn phụ thuộc vào thể chế và môi trường xã hội.

Một văn bản luật nhân bản và giàu sức sống nhất cũng chết trong một không gian pháp lý phi nhân tính và mịt mù tù túng. Chương II Hiến pháp Việt Nam đẹp như mơ, có thể sánh vai những hiến pháp tiến bộ nhất hành tinh. Song hiện thực của quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam lại chôn chân ở một đẳng cấp hoàn toàn khác.

Các nhà quan sát dân chủ đã quá lạc quan khi luật pháp toàn trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu cũ được thay thế gần như qua đêm. Song trong vòng chưa đầy ba mươi năm, cả Nga và nhiều nước Đông Âu lại lần lượt tiến từng bước vững chắc về hướng chuyên chế. Di sản của các xã hội toàn trị bền hơn hẳn những cải cách tư pháp.

Điều gì thì tốt hơn: một văn bản luật đen tối tương xứng, hay một văn bản luật sáng ngời tương phản hiện thực u ám? Sống trong địa ngục với luật địa ngục thì tốt hơn, hay với luật thiên đường? Tôi không trả lời được câu hỏi đó, nhưng tôi cho rằng nếu 36 điều rực rỡ của Chương II Hiến pháp không đủ sáng để đẩy lùi bóng tối của Luật ANM thì chúng ta không nên quá quan tâm đến văn bản.


Nhiều người phản đối Luật ANM hay một số điều nhất định của luật này đã phản ứng như thể nó là một công cụ mới toanh, được bổ sung để siết chặt tự do internet ở Việt Nam. Không đúng. Cách đây không lâu đã có Nghị định 72/2013/ND-CP“Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” tương tự. Nhưng dù không có cả Nghị định này lẫn Luật ANM, thậm chí dù các điều 79, 88, 258 Luật Hình sự cũ (tức các điều 109, 117, 331 Luật Hình sự Tu chính) không tồn tại thì những người sử dụng internet để bày tỏ tiếng nói bất đồng chính kiến của mình với chính quyền vẫn bị đàn áp, mức độ trừng phạt ngày càng cao. Chính quyền Việt Nam không cần và chưa bao giờ cần một công cụ pháp lý chính thức để làm việc này. Nó cũng không cần một sự hợp pháp hóa cho bất kỳ một chính sách nào. Tất cả chỉ là những thủ tục hình thức.

Một bộ luật mới như Luật ANM dĩ nhiên có thể nhất thời gây bức xúc, song nó không phải là một đột biến, mà là tiếp diễn tự nhiên của truyền thống thù địch tự do internet, nhưng có thể đạt tới một chất lượng kiểm duyệt và đàn áp mới, nếu nó dọn đường cho bước phát triển theo mô hình Trung Quốc, phong tỏa cộng đồng mạng Việt Nam bằng những thành tựu và sản phẩm công nghệ xuất sắc made in China. Chủ nghĩa cộng sản 0.4 là chuyên chính vô sản cộng với điện khí hóa toàn quốc, theo Lenin. Chủ nghĩa cộng sản 4.0 là chuyên chính tư bản nhà nước cộng với số hóa toàn quốc, theo Tập Cận Bình.

Nhưng cũng không ít người hoan nghênh việc kiểm soát và kiểm duyệt mạng theo tinh thần của Luật ANM. Họ lập luận rằng dân trí nước ta còn rất thấp, người Việt còn ngu dốt, chỉ thuần cảm tính, nhẹ dạ mù quáng, phát ngôn bừa bãi nóng nảy, đụng một tí là gí lồng văng cục, đã thế còn ngông cuồng manh động, ỉ đáy vào luật pháp, cào phím thay vì động não, tóm lại là ngu lâu hết đường chữa. Ở đó, trên mạng, hàng ngày những anh chị thầy đời với đội ngũ cổ động viên đông đảo sa sả mắng mỏ và giáo huấn đám dân Việt đầu óc hũ nút mà họ gọi là lừa, là mọi, là bần cố nông, là quần chùngmít đặc. Rằng để lãnh đạo lũ lừa An Nam nhẹ không ưa này thì chỉ có cộng sản là đủ chiêu và đủ tầm.

Lập luận này có phần đi theo hướng các chủ thuyết thực dân và phát-xít về những chủng man di xứng đáng bị những tộc thượng đẳng chăn dắt cai trị. Song chủ nghĩa thực dân còn phải viện vào sứ mệnh khai hóa, chủ nghĩa phát-xít viện vào tính ưu việt của những chủng tộc đặc tuyển, trong khi chủ nghĩa lừa-ưa-nặng đương nhiên mặc định một số phận tăm tối không có lựa chọn nào khác của một dân tộc hay một cộng đồng.

Trong cái diễn ngôn tột đỉnh khinh miệt con người đó, các anh chị thầy đời ấy cũng ít nhiều thừa nhận sự độc đoán, tàn nhẫn, bất công, tha hóa và đểu giả của bộ máy cai trị tự mệnh danh cộng sản, song nếu không trực tiếp đồng tình thì họ cũng hăng hái thông cảm, rằng không như thế thì đám dân đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm này làm loạn. Giải phóng thì quên đi, sứ mệnh giải phóng những người cùng khổ đã cảm ơn trả về cho Karl Marx. Khai phóng, khai sáng hay khai hóa đều bằng thừa. Thân lừa sinh ra là để bị xỏ mũi.

Các tệ nạn xã hội quả nhiên rất yêu vũng bùn lầy tù đọng của ngu dốt mông muội. Dân đen sinh ra trong đó và ngắc ngoải ở đó, song các đại diện ưu tú của tầng lớp thượng lưu kinh tế, truyền thông và chính trị mới chính là những kẻ hiểu rõ giá trị của vũng bùn đen ngòm ấy, mới biết cách khoắng nó lên, đổ thêm nhầy nhụa và dìm cổ dân chúng xuống đó mãi mãi.

Thật mỉa mai, khi các anh chị thầy đời bàn về việc người Việt không đủ văn minh để xứng đáng được phát ngôn tự do trên mạng rồi vui vẻ giao nhiệm vụ bịt những cái mồm thối của đám phá rối trật tự trên mạng cho công an thì chính những vị tướng công an cao cấp nhất quốc gia lại chống lưng cho các trùm tội phạm – toàn những anh chị đẹp đẽ trẻ trung, sáng láng, đầy học thức, ngoại ngữ, cương vị, quyền lực – lôi kéo hàng chục triệu con bạc khốn nạn lao vào cuộc đỏ đen trên không gian ảo.


Cư dân mạng Việt Nam đang đứng ở nấc thang nào của văn minh?

Nhiều năm trước, khi thường xuyên phải tiếp xúc với những phát ngôn chửi bới nhục mạ, tôi đã đinh ninh rằng chỉ cộng đồng mạng Việt Nam mới có thể sinh ra những sản phẩm hạ lưu như thế. Nhưng tôi đã rất nhầm. Đỉnh cao của nhân loại có thể phụ thuộc vào những chỉ dẫn địa lý, song vực sâu của cũng nhân loại ấy thì phi chủng tộc và biên cương.

Người Việt không hề là ngoại lệ. Ở Đức, trong chính những ngày này, khi đội tuyển quốc gia nếm thất bại chưa từng thấy trong cả lịch sử tham dự Giải Vô địch Bóng đá Thế giới, mạng xã hội sặc mùi cống rãnh kinh tởm. Người ta trút mọi ăn thua cay cú và nỗi nhục bại trận lên đầu dân nhập cư, người tị nạn và chính sách tị nạn còn ít nhiều tử tế của Thủ tướng đương nhiệm. Như thể mấy cầu thủ gốc Thổ và châu Phi trong đội tuyển đã vấy bẩn dòng máu bóng đá thanh khiết của dân tộc Đức, khiến huyền thoại bóng đá Đức sụp đổ, phép màu kinh tế Đức tan biến, lũ bựa Hồi giáo sẽ hãm hiếp đến phụ nữ tóc vàng cuối cùng và giang sơn của dòng giống German sẽ đi tong.

Toàn những giọng như vậy, ở nơi được mệnh danh là đất nước của thi hào và triết gia, của Goethe và Kant, của tinh thần duy lý. Ở Nga, đất nước của Pushkin và Tolstoy, cũng những ngày nóng bỏng này, thịt da phụ nữ Nga đang bị nướng trên truyền thông lá cải và mạng xã hội, chấm với món nước sốt dân tộc nhãn hiệu Gái-Nga-không-ngửa-lờ-cho-trai-ngoại.

Ở Ấn Độ, đất nước của Phật tổ và Gandhi, nạn nhân của những tin đồn thất thiệt về trẻ em bị bắt cóc lan truyền qua WhatsApp trong vòng ba tháng gần đây đã lên đến 9 người. Năm ngoái, tổng cộng 22 người vô tội bị những đám đông cuồng nộ phanh thây xé xác cũng vì WhatsApp. Nhưng con số đó quá khiêm tốn so với những bê bối khác của Facebook, tập đoàn doanh nghiệp đã mua ứng dụng này mấy năm trước với giá 19 tỉ dollar.

Ở Miến Điện, chiến dịch đàn áp gần 700,000 người Rohingya Hồi giáo cũng một phần bắt nguồn từ những mồi lửa kích động lây lan trên Facebook, theo báo cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc. Ở Mỹ, điều gì xảy ra trên Twitter lúc 3 giờ sáng hàng ngày, giờ EST, chúng ta đã biết. Người Việt không xứng đáng bị bịt miệng trên mạng hơn người bất kỳ nước nào.

Song số đông người Việt hầu như mù tin học, kỹ năng internet duy nhất là trường kỳ bám phây, thậm chí không hề biết đến thao tác đăng xuất khỏi Facebook. Họ dễ thành nạn nhân hơn tội phạm trên mạng. Song thay vì bảo vệ họ hay giúp họ tự bảo vệ mình, chính quyền trước sau chỉ tập trung ngăn chặn những nội dung bị coi là “phản động, tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ chế độ.” Báo cáo minh bạch của Google nửa cuối năm 2017 cho thấy, 83% nội dung bị chính quyền Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ là vì phê phán chính quyền. Để so sánh: tỷ lệ này ở các nước dân chủ Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật và Hàn quốc là 0%, Nga: 2%Trung Quốc: 8%. Thay vì lo ngăn chặn những tệ nạn thực sự trên mạng, chính quyền Việt Nam trước hết lo dập tắt những tiếng nói bất đồng chính kiến. Không khó đoán Luật ANM trước hết sẽ được dùng vào việc gì.


NetzDG, dù có những điểm đáng tranh cãi thế nào, chắc chắn không để dùng vào việc tương tự. Hơn nữa, ở  Đức, dĩ nhiên bạn cứ việc công khai phê phán, đi biểu tình chống NetzDG và đâm đơn kiện luật này lên Tòa Bảo hiến, thẩm quyền pháp lý tối thượng của quốc gia. Để lấy một ví dụ: năm 2008, căn cứ vào Chỉ thị 2006/24/EC của EU (Data Retention Directive), Đức ra Luật Bảo quản Dữ liệu Dự phòng (Vorratsdatenspeicherung). Gần 35,000 đơn kiện ào ạt gửi đến Tòa Bảo hiến. Năm 2010, Tòa Bảo hiến Liên bang tuyên hủy luật này vì vi hiến. Năm 2014, Pháp viện Tối cao Châu Âu tước bỏ hiệu lực của Chỉ thị nói trên. Năm 2015, Đức ra một Luật Bảo quản Dữ liệu Dự phòng sửa đổi, và lại kéo theo hàng chục ngàn đơn kiện. Trước khi Tòa Bảo hiến ra quyết định cuối cùng, luật này bị hoãn thi hành dù đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực.

Việt Nam không cần Tòa Bảo hiến, thẩm quyền pháp lý tối thượng là Bộ Chính trị Đảng Cộng sản.

P.T.H.





No comments: