Thursday, July 26, 2018

TẠI SAO MẤT GẠC MA? (Nguyễn Đình Cống)




Nguyễn Đình Cống
26/07/2018

Sách Gạc Ma-Vòng tròn bất tử được nhiều người dân đón nhận, hoan nghênh, nhưng làm cho một số người quằn quại như đỉa phải vôi. Người ta vu cáo những người làm sách là phản động xấu xa, là thủ đoạn thâm độc nhằm chia rẽ nhân dân và quân đội với cấp trên, là nhát dao đâm sau lưng lãnh đạo ĐCSVN, là phá hoại tình hữu nghị quốc tế vô sản Trung – Việt vô cùng quý giá. Họ suy luận ra mọi thứ, dựa trên câu lệnh “không được nổ súng trước” trong trận hải chiến chứ không phải “không được nổ súng”.

Thực ra ngày 14/3/1988 tại Gạc Ma không có trận hải chiến nào cả, chỉ có vụ giặc Tàu thảm sát 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam và cướp đảo. Hôm ấy, dù cho có hay không có lệnh cấm nổ súng trước (hoặc cấm nổ súng) thì Gạc Ma vẫn bị cướp, tàu vẫn bị bắn chìm, quân ta vẫn bị tiêu diệt. Chỉ khác nhau là, nếu không có lệnh cấm… quân ta có đánh trả thì đó là sự hy sinh anh dũng, xứng với tên gọi vòng tròn bất tử.

Tại sao lại xảy ra nông nỗi ấy trong khi từ đầu năm 1988 lãnh đạo nhà nước VN đã biết rõ âm mưu cướp đảo của giặc Tàu, đã lập kế hoach CQ 88? Thế nhưng phân tích những sự kiện thực tế thấy rằng, có lẽ CQ 88 chỉ là hình thức trên giấy và để tuyên truyền, còn thực chất lãnh đạo cao cấp của VN, ngoài mồm thì to tiếng nói về tôn trọng hòa bình và đại cục, thực hiện công ước quốc tế về luật biển, tránh bị khiêu khích, nhưng trong lòng thì run sợ, không dám đụng đến giặc Tàu, hoặc tệ hơn là sẵn sàng hy sinh xương máu chiến sĩ và dâng đất cho Tàu.

Nếu quyết tâm giữ đảo thì tại sao không có kế hoạch chiến đấu bảo vệ mà chỉ huy động 3 tàu vận tải, một số công binh với xà beng, cuốc xẻng và chưa đến 20 chiến sĩ có khả năng chiến đấu, nhưng vũ khí chủ yếu được cất giữ trong hầm tàu. Tuyên truyền rằng lực lượng quá chênh lệch, nhưng phải chăng chính lãnh đạo đạo của VN cố tình tạo ra sự chênh lệch ấy. Thử hỏi, vào tháng 5/1964, khi chiến hạm của Mỹ vào tuần tiễu Vịnh Bắc bộ, chúng ta dám đem tàu phóng lôi ra tấn công, mà nay lại chỉ đem tàu vận tải ra hứng đạn của giặc.
Phân tích hành động của giặc Tàu ở Gạc Ma sáng 14/3 tôi thấy ban đầu chúng chỉ thăm dò, rồi thấy dễ nuốt quá nên đã dùng kế “Thuận thủ khiên dương” mà tiêu diệt quân ta để chiếm lấy.

Người nắm được các chỉ thị mật của lãnh đạo nhà nước là Đô đốc Giáp Văn Cương, nhưng rồi ông sớm mang tất cả sang thế giới bên kia vào năm 1990, còn khá trẻ, mới làm Đô đốc 2 năm. Tướng Nguyễn Văn Ninh kể rằng, theo ông Cương thì “quân địch nếu có số lượng áp đảo, chúng có thể chiếm được đảo nhưng sẽ không giữ được đảo”. Như vậy chắc rằng đô đốc Cương đã có kế hoạch phản công chiếm lại đảo bị cướp, nhưng không thực hiện được, vì sao? Đô đốc Cương vội vàng từ giã cõi đời, phải chăng vì uất hận để mất Gạc Ma và không được phép phản công để giành lại, hay cái chết của ông cũng có nguyên nhân như đối với các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn.

Sau ngày Gạc Ma bị cướp, Nhà nước Việt Nam có các hoạt động công khai đối với dân là che giấu, xoa dịu và đàn áp. Che giấu bằng cách không cho đại chúng biết tin đảo Gạc Ma bị cướp và khi phải nói đến thì không dám chỉ ra giặc Trung Cộng mà là tàu lạ nào đó. Xoa dịu bằng cách ngày 7/5 Lê Đức Anh ra Trường Sa, đọc lời hiệu triệu quyết bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải Tổ quốc, tháng 12 làm lễ phong tặng huân chương và danh hiệu anh hùng cho hàng chục cán bộ và chiến sĩ Gạc Ma, rồi xây bia tưởng niệm ở chùa tại đảo Sinh Tồn, rồi Tổng Liên đoàn Lao động đứng ra vận động, quyên góp xây dựng khu tưởng niệm tại Cam Ranh v.v… Hành động đàn áp và ngăn cản xảy ra khi nhân dân và các tổ chức xã hội dân sự biết về sự hy sinh oan uổng của 64 chiến sĩ, tổ chức các lễ tưởng niệm.

Về đối ngoại, hình như ngay sau ngày 14/3/1988 không có tuyên bố mạnh mẽ nào của Chính phủ hoặc Bộ Ngoại giao phản đối hành động xâm lược của Trung quốc, hình như không có tuyên bố nào của phía VN ra thế giới về sự kiện bị cướp đảo. Và rồi sau đó diễn ra Hội nghị Thành Đô với 16 chữ vàng.

Cùng với hành động mạt sát những người làm sách và đòi tiêu hủy cuốn sách là khá nhiều phóng sự, hoặc đề cao tinh thần anh dũng của cuộc hải chiến, hoặc khai thác trí nhớ vụn vặt của cựu chiến binh Gạc Ma. Phải chăng những việc làm như vậy nhằm hướng dư luận xa rời sự thất bại nhục nhã, nhằm bao che cho sự hèn nhát của lãnh đạo. Họ thể hiện dã tâm của những người mù quáng bợ đỡ cấp trên và thần phục giặc Tàu, chứ chẳng phải vì lòng yêu nước nào cả.

Nếu qua sách Gạc Ma mà người đọc nhận ra được hành động nhục nhã của một số lãnh đạo trước bọn giặc Tàu thì đó là đóng góp lớn của những người làm sách, là cú đấm thẳng vào mặt chứ chẳng phải nhát đâm từ sau lưng nào cả.

Đối với sự kiện Gạc Ma việc tưởng nhớ 64 chiến sĩ bị thảm sát là nên làm, nhưng cần hơn, quan trọng hơn là vạch ra được sự hèn nhát dẫn đến hành động có tính phản quốc của một số lãnh đạo nhà nước. Nếu ai đó vì ngu muội, nghe theo lời xui dại mà ra lệnh tiêu hủy sách thì ngọn lửa đó sẽ góp phần nhanh chóng thiêu rụi chế độ độc tài toàn trị.

*
Bình Luận

Gạc-Ma chỉ là một món quà lại quả để được ban phát ân huệ Thành Đô. Tất cả đã được dàn dựng cho ra vẻ "bị cướp". Những cái chết của các người lính này và lãnh thổ đất nước chẳng là gì đối với bọn lãnh đạo cộng sản, miễn là họ đạt được mục đích nhất thời là được thiên triều bao bọc.







No comments: