Wednesday, July 25, 2018

TƯ BẢN THÂN HỮU (FB Lê Trọng Vũ)





Chiếm được Bà Nà làm của riêng mà không vấp phải sự cản trở lớn lao nào, Sun Group bắt đầu nhòm ngó đến những dự án béo bở khác và cũng bằng cách thức kinh doanh cũ đã mang về nhiều chiến lợi phẩm là cấu kết với quan chức chóp bu ở địa phương để thâu tóm các vị trí đất kim cương mà không thông qua đấu giá, nhanh chóng triển khai dự án nhằm tạo sự đã rồi để khi cần thiết hay lúc dư luận ồn ào, có thể bắt cả chính quyền ra làm con tin. Không chỉ Sun Group mà gần như tất cả những dự án bất động sản của các tập đoàn lớn nhanh như thổi như Vin Group hay FLC đều diễn ra theo cùng cách thức ấy. Nhìn khu nghỉ dưỡng InterContinental chiếm khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, việc mở rộng Công viên Châu Á của Sun Group đẩy những nhà đầu tư nhỏ cạnh bên lâm vào cảnh sống dở, chết dở, hay việc báo chí nhanh chóng sửa cả lời Thủ tướng phàn nàn về dự án Giảng Võ vi phạm quy hoạch vùng nội đô Hà Nội, hay mới đây, ông chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để di dời đồn biên phòng lẫn nhiều hộ dân lấy 1200 ha đất ven biển giao cho FLC xây khu nghỉ dưỡng, là những ví dụ điển hình nhất.

Trong tác phẩm Tư Bản Thân Hữu Trung Quốc của Bùi Mẫn Hân, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa đã chỉ ra nguồn gốc của những bất an trong xã hội đại lục hiện nay đến từ cách phân cấp quyền quản lý tài sản nhà nước nhưng không làm rõ các quy định về quyền sở hữu đã trao cho một số kẻ nắm quyền cơ hội làm giàu lớn nhất trong lịch sử. Thông qua 260 vụ án được đưa ra xét xử, cuốn sách mô tả cách mà các thế lực thân hữu ở Trung Quốc chi phối chính quyền địa phương, không chỉ đã làm suy giảm khả năng cung cấp chính sách công hiệu quả, mà trái lại, một khi các thế lực quan chức, doanh nhân và tội phạm cấu kết với nhau, mạng lưới này còn kiểm soát cả chính quyền và biến chúng thành một dạng nhà nước xã hội đen ở địa phương. Mặc dù cuốn sách chỉ mô tả về cách thức mà các thế lực tiền-quyền cấu kết lũng đoạn chính quyền Trung Quốc, song thấp thoáng đâu đấy là những hình ảnh của Bá Thanh, Vũ "Nhôm", hay VinGroup, SunGroup, FLC ở VN qua trò dìm giá tài sản công để thẳng tay trộm cắp hay bằng các thủ tục có vẻ hợp pháp mà chúng kiểm soát được.

Và điều nguy hiểm là sự phát triển nhanh bất thường của một số tập đoàn như Vin Group, Sun Group, FLC trong thời gian qua được sự tiếp sức, cổ vũ của báo chí nhà nước và tiếc thay, đã ru ngủ được một bộ phận dân chúng. Họ ngây thơ tin rằng sự phát triển ngang tầm khu vực của những tập đoàn này là minh chứng cho trí tuệ của người Việt hoặc cố tình đánh đồng nguồn cơn chỉ trích của dư luận là biểu hiện ghen ăn tức ở với người giàu, mà phớt lờ thực tế rõ ràng rằng sự lớn mạnh của các tập đoàn này hiếm khi đến từ những sáng tạo giá trị mới mà chủ yếu từ lợi dụng kẽ hở của thể chế và mối quan hệ chằng chịt với chính giới nắm quyền. Từ động Phong Nha ở Quảng Bình đến đỉnh Fansipan ở Lào Cai, từ rừng cấm quốc gia đến các di sản thiên nhiên, từ rừng phòng hộ đầu nguồn đến các đảo tiền đồn của Tổ quốc... Không có dự án "phát triển kinh tế địa phương" nào mà không gây ồn ào dư luận và không có dự án nào của chúng mà không khai thác tài nguyên sẵn có. Tất cả đều núp bóng các mỹ từ êm tai như sinh thái, tâm linh để che đậy việc ầm ầm đục phá thiên nhiên và tận thu tài nguyên bên dưới. Tất cả chỉ làm lợi cho thiểu số bọn chúng trong khi đẩy nhiều thế hệ người Việt phải trả giá ở hiện tại và tương lai.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu là thuật ngữ được đặc biệt chú ý vào những năm 80 để mô tả tình trạng nền kinh tế Philippines dưới thời chế độ Marcos. Sau này, khi nhiều nước chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, nhiều lỗ hổng thể chế và chính sách đã giúp các nhóm lợi ích ngoi lên thao túng mà các chế độ hậu Liên Xô như Nga, Đông Âu hay các nền kinh tế lai ghép thị trường nửa vời như Trung Quốc, Việt Nam là những ví dụ điển hình.

Khi năng lực quản trị quốc gia yếu kém, khi nhà nước pháp quyền chỉ là những khẩu hiệu và khi nhiều người trong xã hội chọn thờ ơ, im lặng thì khi ấy sẽ là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa tư bản thân hữu sinh sôi, nảy nở. Và một khi đã len lỏi vào mọi ngóc ngách, bám rễ bền chặt trong hệ thống công quyền, chúng sẽ cản trở sự phát triển bền vững của quốc gia, đẩy chính quyền vào thế đối đầu với công chúng và thậm chí gây bất ổn cả hệ thống chính trị.

Dư luận đang có lý do chính đáng để nghi ngờ về dự luật đặc khu vì có nhiều yếu tố liên quan đến Trung Quốc, song đừng quên rằng có những doanh nghiệp Việt Nam mà văn hoá kinh doanh của họ cũng có sức tàn phá không hề kém. Vậy nên không cứ là Trung Quốc, cảnh giác với cả đám tư bản thân hữu người Việt cũng không bao giờ thừa. Nhưng khi việc cải cách thể chế theo hướng pháp quyền và kinh tế thị trường còn đang diễn ra ì ạch, chúng ta không còn con đường nào khác là hãy cùng nhau lên tiếng để ngăn chặn những vòi xúc tu của bọn chúng lại, trước khi quá muộn.

Bìa sách “Tư bản thân hữu Trung Quốc”








No comments: