Monday, July 16, 2018

TỰ DO CỦA MỘT TIẾNG NÓI (Khải Đơn)





Tờ Tuổi Trẻ Online vừa bị đình bản ba tháng. Có hai lý do được đưa ra là bài “"Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này" - Thông tin này bị cho là ông không nói. Và bài báo là sai sự thật.

Ngoài ra, thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận bài viết "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc miền Tây?" đăng ngày 26/5/2017.

Trong thực thế, khi tin tức báo chí sai, sự buộc cải chính, chịu xử phạt hành chính, hoặc bị các bên ảnh hưởng kiện ra tòa, là động thái văn minh của báo chí - khi liên tục đấu tranh với biến động để buộc mình phải “cứng” hơn trong kiểm chứng và hành xử thông tin.

Nhưng bịt miệng một tờ báo, là một hành động hoàn toàn khác. Đình bản một tờ báo, nghĩa là tước bỏ quyền tường thuật của nó. Vụ bịt miệng Tuổi Trẻ Online cho thấy sự trừng phạt bằng cách “cắt lưỡi” không loại trừ tờ báo nào dù nhỏ hay lớn, giúp những tờ báo khổng lồ nhận diện rằng họ cũng là một công cụ truyền thông (quảng cáo) không khác gì với những tờ báo nhỏ hơn và có số phận mong manh hơn trong những sự vụ đầy màu sắc chính trị như vầy.

Tự do báo chí không thể được ban phát bởi một ai, bởi sự giàu có về mặt nhân sự, tiền bán báo, hay sức mạnh làm quảng cáo. Tự do báo chí được xây dựng từ ý thức muốn độc lập của những người thực hiện từng bài báo và trang báo mỗi ngày.

Ý thức này, tôi không nhận thấy tờ Tuổi Trẻ có, trong những ngày họ ca ngợi anh Đinh La Thăng như đấng cứu thế của Sài Gòn. Thời điểm đó, bất cứ ai làm báo cũng hiểu anh Thăng đã làm gì ở Bộ Giao Thông Vận Tải. Là người làm báo, nếu không thể dùng bài viết để thể hiện rõ thông tin, thì sự chừng mực trước nghi ngờ là cần thiết. Tờ báo này khi ấy làm tôi ngạc nhiên như một kênh PR cho anh Đinh La Thăng. Và tới khi anh vô tù, thì hệt như trang quảng cáo tội trạng của anh. Những ngày đó, khi mở tờ báo ra đọc, thứ duy nhất tôi cảm thấy là sự sỉ nhục - trong tư cách người đọc.

Với cá nhân tôi, tự do của một tờ báo có được từ ý thức tôn trọng thông tin - và đúng hơn - tôn trọng người đọc. Tại Philippines, khi tờ Rappler bị tổng thống Duterte đòi tước giấy phép hoạt động, tờ báo này đăng một cuộc crowdfunding, nói rằng họ cần độc giả, xin hãy chia sẻ khoản chi phí họ cần để duy trì thông tin độc lập, họ sẽ tiếp tục làm báo. Chỉ sau hơn một tuần, tờ báo vận động được hơn một nửa số tiền họ cần để sản xuất nội dung trong một năm. Rappler sản xuất ra những loạt phóng sự điều tra thành thật, dữ dội và đầy thông tin về cuộc chiến chống ma túy của Duterte. Một tờ báo trên mạng, một startup báo chí, đã làm cho báo chí phương Tây phải kính nể về trình độ tác nghiệp, khả năng sản xuất tin bài, và trên hết là sự kiên cường để độc lập tác nghiệp - vì độc giả.

Khi nhìn vào trang báo của Rappler tại Philippines, những vùng quảng cáo được thông tin rõ cho người đọc. Những trang tin bài là một phân vùng khác. Không có sự “mặc áo” quảng cáo làm nội dung. Ở một quốc gia lộn xộn, đói nghèo, lu xu bu như Philippines, ý thức về chuyên môn làm báo và giá trị của tự do thông tin mà Rappler theo đuổi đã tạo nên tiếng nói gây kinh ngạc cho cả khu vực Đông Nam Á - và cho người đọc.

Tôi không biết thế nào là định nghĩa về “tờ báo lớn nhất” hay “tờ báo uy tín nhất” hay “tờ báo giàu nhất” tại Việt Nam. Tôi tôn trọng từng nhà báo mà mình gặp và nhìn thấy họ đang đấu tranh cho từng milimet của thông tin đi đúng với những gì họ ghi nhận được. Đó là “tế bào” duy nhất của báo chí xứng đáng được tôn trọng.

Còn các tờ báo, dù lớn như Tuổi Trẻ Online, dù giàu như tờ báo giấy đã sinh ra nó, mà vẫn có thể khiến người đọc bật cười trước cả một trang chủ ca ngợi anh Đinh La Thăng, xong tới cả một trang chủ chửi anh vô tù, thì đó là tờ báo chưa hề coi trọng người đọc - thứ tự do duy nhất được cài lên áo họ.

Tự do ngôn luận chỉ dành cho những người tôn trọng tự do đó - dù là tờ báo nhỏ nhất hay lớn nhất. Và cuộc đình bản ngày hôm nay phơi bày chuyện đó - cho những ai còn tưởng mình “quyền lực” nhất.

Khải Đơn

Đình bản 3 tháng báo Tuổi Trẻ Online
VietNamNet

-------------------------------

July 16, 2018

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đêm 16 Tháng Bảy, làng báo “lề phải” ở Việt Nam rúng động trước tin trang điện tử của báo Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ Online) bị đình bản ba tháng kèm theo số tiền phạt 220 triệu đồng ($9,542).

Ngoài ra, theo lệnh xử phạt của Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN, tờ báo này còn phải “cải chính, xin lỗi vì đăng hai nội dung thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu”.

Truyền thông báo chí tại Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của đảng CSVN và không có báo chí tư nhân. (Hình: Getty Images)

Bản tin trên báo Pháp Luật ở Sài Gòn cho biết:

“Theo quyết định do ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Báo Chí, Bộ Thông Tin Truyền Thông ký, Tuổi Trẻ Online đã có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình” đăng ngày 19 Tháng Sáu, 2018 và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài báo “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?” đăng ngày 26 Tháng Năm, 2018.”

Bản tin cũng cho biết quyết định xử phạt này có hiệu lực kể từ ngày ký (16 Tháng Bảy 2018).

Tuổi Trẻ là tờ báo lớn và có đông độc giả thuộc loại hàng đầu tại Việt Nam và lệnh xử phạt này không áp dụng cho tờ báo giấy (báo in) vốn được phát hành hàng ngày.

Cũng cần nhắc lại, chỉ sau vài giờ đăng, bài báo với tựa đề “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình,” ngay câu mở đầu bản tin, báo Tuổi Trẻ Online hôm 19 Tháng Sáu 2018, đưa tin: “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc Hội TP.HCM, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật Biểu Tình và hứa báo cáo Quốc Hội về nội dung này.”

Không bao lâu sau khi vừa đưa lên mạng, tờ Tuổi Trẻ đã vội vã rút xuống và thay nội dung bản tin về cuộc tiếp xúc của ông “đại biểu Quốc Hội – chủ tịch nước” Trần Đại Quang với các chi tiết khác, không có cái câu nói trên. Còn tựa đề mới của bản tin Tuổi Trẻ về ông Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn được thay vào đó là “Chủ tịch nước: Vụ việc tại Bình Thuận, TP.HCM là do bị kích động.”

Còn ‘thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài báo ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?’ được đề cập trong lệnh xử phạt nhưng không nói chi tiết là câu ‘comment’ :”Bắc kỳ cai trị Nam kỳ mà!”

Trang ‘Tuổi Trẻ Online’ loan báo về việc bị đình bản trong 3 tháng . (Hình: Chụp qua màn hình)

Việc báo Tuổi Trẻ, cơ quan truyền thông của Thành Đoàn thành phố Sài Gòn, bỗng nhiên bị phạt gây hoang mang trong giới phóng viên. Vì bẵng đi một thời gian, người ta thấy Bộ Thông Tin Truyền Thông không còn phạt vạ cơ quan báo chí nào và có suy đoán nguyên do là vì ông Trương Minh Tuấn, người đứng đầu Bộ này, đang rối ren vì án kỷ luật “treo lơ lửng” trên đầu ông này do sai phạm trong thương vụ MobiFone mua AVG.

Việc phạt tiền và đình bản ‘Tuổi Trẻ online’ diễn ra trong bối cảnh làng báo “lề phải” gặp khó khăn do doanh thu quảng cáo và phát hành suy giảm sau mỗi năm. Tuy quyết định xử phạt Cục Báo Chí ghi là “Báo Tuổi Trẻ có quyền khiếu nại” nhưng người ta chưa từng thấy một cơ quan báo chí dám kiện quyết định xử phạt của Cục Báo Chí hay Bộ Thông Tin Truyền Thông.

Hồi Tháng Tư, 2018, báo Tuổi Trẻ, đình chỉ công việc của nhà báo Anh Thoa, trưởng phòng Truyền Hình để “làm rõ cáo buộc xâm hại tình dục một nữ cộng tác viên”. Đến nay, không có thông tin cập nhật về vụ việc này. (T.K.)






No comments: