Saturday, July 14, 2018

THEO LUẬT, ANH ĐẶNG VĂN HIẾN CHỈ BỊ TỐI ĐA 7 NĂM TÙ (FB Trần Đình Thu)




14/07/2018

Trong bài này tôi sẽ cố gắng phác họa 1 bức tranh toàn cảnh về vụ án anh Đặng Văn Hiến để mọi người có góc nhìn đa chiều hơn.

MÂU THUẪN ĐẤT XÂM CANH VÀ ĐẤT DỰ ÁN
Trước năm 2005, nhiều hộ dân trong đó có gia đình anh Đặng Văn Hiến vào khu vực thuộc tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông để tự khai phá đất làm ruộng rẫy. Đây là đất rừng thưa do nhà nước quản lý nhưng không sử dụng làm gì cả.
Năm 2008, công ty Long Sơn xây dựng dự án sản xuất nông lâm nghiệp trên vùng đất mà các hộ dân đang canh tác trong đó có phần đất của gia đình anh Hiến. UBND tỉnh Đắc Nông phê duyệt dự án, giao đất cho Long Sơn với điều kiện phải thỏa thuận việc đền bù cho các hộ dân.
Chúng ta cần biết 1 thực trạng thế này: do tỷ lệ đất canh tác trên đầu người của người dân Việt Nam thấp nên ở các tỉnh miền núi, người dân thường đến các vùng đồi trọc hoặc rừng thưa tự vỡ hoang rồi tự canh tác, gọi là xâm canh. Đất xâm canh phần lớn không được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, vì thế khi doanh nghiệp đặt dự án lên đó thì nhà nước luôn phê duyệt cho họ.

KHI NÔNG DÂN ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ BẦN CÙNG HÓA
Khi nhà nước phê duyệt dự án cho doanh nghiệp, người dân có nguy cơ rơi vào bần cùng hóa vì không có tư liệu sản xuất. Gia đình anh Hiến cũng như thế. Anh đã dồn toàn bộ công sức tiền bạc vào đất đai, nếu công ty Long Sơn lấy đất mà không đền bù thì anh không có con đường sống nào khác. Ở đây tôi cho rằng nhà nước nên thay đổi cách nhìn vấn đề, nếu không sẽ sinh ra thảm trạng rất nhiều người nông dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất khi doanh nghiệp đặt dự án lên đất xâm canh ở các tỉnh miền núi.

ANH HIẾN THUỘC TRƯỜNG HỢP GIẾT NGƯỜI DO TINH THẦN BỊ KÍCH ĐỘNG
Công ty Long Sơn được giao đất với điều kiện phải thỏa thuận đền bù cho người dân nhưng họ không đền bù đưa đến nguy cơ gia đình anh Hiến phải trắng tay là yếu tố thứ nhất dẫn đến tinh thần bị cáo Hiến bị kích động. Sự kích động này kéo dài âm ỉ và ngày càng tăng dần khi càng gần đến thời hạn phải giao đất.
Yếu tố gây kích động thứ 2 là công ty Long Sơn tự đưa xe máy ủi đến ủi cây cối trong vườn nhà anh Hiến với giá trị lớn.
Yếu tố thứ 3 gây kích động cao độ là người của công ty Long Sơn có ném đá tấn công anh Hiến và những người giữ đất, chửi bới, thách thức và thể hiện quyết tâm phá hoa màu đến cùng.
Nghị quyết số 04/ HĐTPTANDTC/NQ ngày 29 tháng 11 năm 1986 hướng dẫn về các trường hợp tinh thần bị kích động viết:
“… có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh”.
Như vậy hành vi giết người của anh Hiến thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh. Vì gia đình anh bị tâm lý mất tất cả đè nặng một thời gian dài trước đó bởi hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn (không bồi thường theo quy định mà quyết tâm lấy đất) và bùng nổ khi công ty Long Sơn đưa người vào phá hoa màu, ném đá tấn công, thách thức (chỉ có nhà nước mới có quyền cưỡng chế thu hồi đất). Ở đây chúng ta lưu ý: Những người tham gia vụ phá hoa màu của anh Hiến hôm đó đã bị khởi tố thì rõ ràng hành vi của họ trái pháp luật nghiêm trọng khiến cho tinh thần bị cáo Hiến bị kích động mạnh là điều quá rõ.

THEO LUẬT, ANH ĐẶNG VĂN HIẾN CHỈ BỊ TỐI ĐA 7 NĂM TÙ
Điều 95 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau:
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
…..
Tôi không rõ căn cứ luận tội của công tố viên và Hội đồng xét xử thế nào để kết tội anh Hiến tử hình?


--------------------------------------------------

14/07/2018

Họ khuyên anh ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật, và hôm nay, sự “khoan hồng” đó là ÁN CHẾT!
Hãy tưởng tượng gia đình anh chị đang sống ấm êm, một sớm, có hơn chục thằng nhân viên của 1 công ty tư nhân nào đó đến với vũ khí và máy cày, tấn công, đuổi anh chị ra khỏi nhà, hùng hổ lao vào dù anh chị đã bắn chỉ thiên cho bọn chúng biết là nhà có súng, chúng vẫn lao vào. Đến đứa con nít cũng biết tội phải thuộc về giám đốc công ty Long Sơn vì đã chủ động ra lệnh gây án, nhưng anh chị lại là người bị tử hình vì đã giết chúng để bảo vệ an toàn cho gia đình mình và tài sản cả cuộc đời mình. Hôm nay là anh Hiến này, mai sẽ là anh Hiến khác, cả 90 triệu con người đều có thể trở thành anh Hiến bất cứ lúc nào.
Thưa các tầng lớp cai trị, các ông bà đừng bảo phản động tuyên truyền căm thù cán bộ, tôi thật, chẳng ai khiến người dân căm thù giỏi bằng các ông bà đâu!
Những giọt nước mắt của anh Hiến ôm ghì đứa con nhỏ vào lòng, dứt khoát PHẢI LÀ NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT SAU CÙNG! Khóc thương cho sự nhẹ dạ của người dân trước lời ngon ngọt của cường quyền! Khóc thương cho sự ngây thơ của kẻ lương thiện trước cái độc ác cứ mỗi ngày một hiện ra lồ lộ. Khóc thương cho chút niềm tin cuối cùng nay đã bị cái khốn nạn cướp mất đi.
Dứt khoát phải là NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT SAU CÙNG!
Dân tôi ơi, máu, của đồng Nọc Nạng, đã chảy dài từ Móng Cái đến mũi Cà Mau mất rồi! Anh chị em ơi, hãy khóc đi! Khóc cho sự bi thương của cái đất nước ai khổ này. Một lần này, rồi thôi! Vĩnh viễn thôi!
Khóc, một lần này, để tiễn đưa những niềm tin cuối cùng của người dân vào hứa hẹn của chính quyền về huyệt mộ. Khóc, dòng ai điếu tống biệt những hy vọng sau cùng vào sự chân thành của bọn họ.
Anh Hiến đã đền bù khắc phục hậu quả, và chính gia đình nạn nhân – kẻ tấn công gia đình anh, đã xin bỏ án tử, và anh đã ra đầu thú. Khóc, cho cái chết tức tưởi của lòng chân thành. Một lần này, rồi thôi! Vĩnh viễn thôi!
Từ mai, hãy lau nước mắt đi để nhìn cho rõ sự Khốn nạn trên mọi sự khốn nạn, là chính quyền lừa dân ra để giết! Trần trụi, trần truồng là như thế!
Cai Lậy dời 30 ngày để xem xét lại? Đặc khu sẽ lấy ý kiến dân? Hãy ném cho họ những cái cười khinh bỉ.
Và từ nay, hãy đoạn tuyệt với suy nghĩ họ cũng là người đồng bào, thật ra, hãy đoạn tuyệt với suy nghĩ họ cũng là người.
Anh Hiến đã trả giá, cho hy vọng vào sự chân thành của chính quyền, của 93tr người dân, bằng mạng sống của chính mình, và tương lai của cả gia đình anh. Đừng để bài học ấy phí hoài.
Từ mai, trước khi muốn tin vào bất cứ lời gì của tầng lớp cai trị, tôi thiết tha mong quý anh chị: Hãy nhớ án chết của ngày hôm nay.
Thưa các ông bà tuyên án tử cho một người dân chỉ muốn bảo vệ gia đình và tài sản, tôi bảo thật, đó cũng là huyệt mộ của chính các ông bà. Các ông bà thừa biết đây không phải là một lời hù doạ.


-------------------------------------

14/07/2018

Mấy ngày nay dư luận chỉ tập trung vào bản ản tử hình với Hiến mà quên đi việc tòa phúc thẩm đã giảm án cho ông Thiên Sửu – ông chủ Long Sơn. Ông Sửu được giảm án từ 6 năm xuống 4 năm, cháu ông Sửu người tổ chức, dẫn lực lượng đi cưỡng chế rẫy của dân giảm án từ 4 năm xuống 2 năm?

Thiên Sửu, ông chủ công ty Long Sơn. Ảnh: PLTP

Công ty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao hơn 1.000 ha đất vào năm 2008. Việc giao đất chỉ thực hiện trên giấy, không cắm mốc thực địa. Một phần diện tích đất giao phủ lên đất của bà con tiểu khu 1535 đã xâm canh ổn định trước đó. Đây là vùng đất giáp biên giới Cam-pu-chia, nằm sâu hun hút so với khu dân cư tập trung. Lúc bà con TK 1335 đến xâm canh, gần như chưa có dấu chân người. Phần đa dân xâm canh là người dân tộc Nùng đến từ miền núi phía Bắc. Đây có thể xem là một đợt di dân kinh tế, thoát nghèo, cải tạo đất và gìn giữ chủ quyền vùng biên.
Vì lẽ đó, quyết định giao đất cho Cty Long Sơn đã gặp phải sự phản ứng của người dân, tuy vậy người dân vẫn rất thiện chí để thỏa thuận bồi thường. Nhưng nhận lại là sự xem thường pháp luật của Long Sơn và vô cảm của chính quyền. Họ thẳng thừng từ chối bồi thường vườn rẫy của dân. Tổ chức nhiều cuộc “cưỡng chế”, san ủi cây trồng, phá hủy nhà cửa, lấp giếng sinh soạt…trong suốt 8 năm (2008 – 2016). Đáng chú ý, vào năm 2013, Long Sơn thuê giang hồ, cầm đầu là “Thành nghĩa địa” tổ chức hơn 100 người, vây ráp và san bằng nhiều nương rẫy của dân. Tiếp đó, ông Thiên Sửu đã từng đứng trước dân, xưng “tao là con trời” thực hiện những việc tượng tự. Trong thời gian này, không ít người bị khởi tố (bắt oan – sau đó thả) vì dám chống lại ông trời này. Một cụ già từng bị trói vào gốc cây nhìn vườn điều mình bị ủi…
Hàng trăm lá đơn đã được gửi đi, nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Chính quyền địa phương cũng không có giải pháp gì. Ông Thiên Sửu lại “thay trời hành đạo”. Bất chấp cả chỉ đạo của đích thân Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.
Đỉnh điểm, năm 2016, súng đã nổ, tôi gọi đó là “tiếng súng định mệnh”, định mệnh cho số phận của nhiều người. Ông Thiên Sửu đã tổ chức hàng chục người trang bị vũ khí vây ráp nhà Hiến, ủi phăng vườn điều Hiến trong lúc Hiến cùng vợ và 1 con nhỏ đang ngủ (rạng sáng).
Bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, Hiến thức dậy, cầm súng và bắn chỉ thiên 2 phát, nhóm người Long Sơn không hề sợ, dùng gạch đá tấn công vào nhà Hiến. Hiến lên nhà, rồi bắn loạn xạ về phía họ (khoảnh cách xa hơn 30 mét, trong hoàn cảnh trời mưa tối âm u). Họ không chịu rời mà vẫn ẩn nấp xung quanh nhà Hiến…Tiếp đó, cứ gặp đám đông là Hiến bắn…Thấy bất cứ vật gì di động phía trước là Hiến bắn. Mất kiểm soát và vô thức…
Trong hoàn cảnh đó, nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? nếu là ông, ông sẽ làm gì, thưa các ông quan tòa?
Nguyên nhân nào gây ra tiếng súng? không phải từ con chó, con mèo mà từ con Trâu mệnh trời. Vậy tại sao ông Thiên Sửu được giảm án, mà Hiến lại không?
Tại sao người bị hại xin giảm án cho Hiến mà không xin cho ông Sửu?
Tại sao tòa lại tước đi mạng sống của Hiến, mà lại khoan hồng cho bọn “cưỡng đất” của dân?










No comments: