Thursday, July 12, 2018

SUY NGHĨ ĐA CHIỀU & ĐỔI MỚI TƯ TƯỞNG (BS Hoàng Thị Mỹ Lâm)




BS Hoàng Thị Mỹ Lâm, CHLB Đức
12/07/2018

Trong tất cả mọi ngành nghề và nhất là nghề khoa học như y khoa người ta luôn luôn cần sự phát triển , những gì hay nhất ngày hôm nay trong tương lai tuy vẫn đúng nhưng đó chưa chắc là là điều hay nhất nữa .  Xưa kia người ta quan niệm một ông lang già mới giỏi và có đủ kinh nghiệm chữa trị bệnh nhân hữu hiệu , nhưng ngày nay tuy kinh nghiệm vẫn là yếu tố quan trọng nhưng những sự khám phá , đột phá  trong việc khám bệnh và chữa trị mới chính là những điều rất cần thiết cho sự tiến triển của nền y khoa hiện đại .

Nói ví von để chúng ta đi vào tiêu đề mà BS Trần Văn Tích đã nêu lên nhiều lần và lần mới nhất vào ngày 11.7.2018 về vấn đề „ Đi Hay Ở „ của các nhà đối kháng trong nước Việt Nam .

Với sự phát triển của hệ thống Internet , điều mà khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989 vẫn còn xa lạ đối với quần  chúng , người dân Việt Nam  trong nước ngày nay càng ngày càng hiểu biết hơn về các quyền lợi cơ bản của nhân quyền quốc tế và số người trẻ tự nguyện tham gia vào phong trào đối kháng càng nhiều . Bên cạnh  các nhà đối kháng nổi tiếng vẫn còn những anh chị em âm thầm làm việc . Họ không cần tên tuổi , không cần vinh danh.

Trong trường hợp trục xuất Giáo Sư Phạm Minh Hoàng nhà cầm quyền CSVN đã phải tước quốc tịch và cho cả trăm  công an cảnh sát chìm nổi bao vây để kéo ông ra khỏi nhà và ép lên máy bay sang Pháp ngày hôm sau . Giáo Sư Phạm Minh Hoàng là người đã đi tù biệt giam , đã bị trù dập trong môi trường làm việc nhưng  vẫn muốn tiếp tục giữ ngọn lửa tự do nhân quyền cho giới trẻ . Ông là người đã nói „ không rời khỏi nước  „ và con người nhỏ thó hiền lành đó đã phải ra đi dưới bạo lực .

Trong trường hợp Đặng Xuân Diệu , Nguyễn Văn Đài , Lê Thu Hà bị trục xuất thì đó là những nhà đối kháng đang chịu những bản án tù lâu năm . Họ là những người một là chịu nằm mọt gông cho đến khi mãn hạn tù , hai là ra đi để còn có thể tiếp tục hoàn thành những  gì còn dang dở .

Riêng với quan điểm  của  người hải ngoại thì ý kiến của BS Trần Văn Tích không sai . Các nhà đối kháng trong nước khi ra hải ngoại thường gặp khó khăn về ngôn ngữ , về môi trường sống xa lạ , về phương cách đấu tranh phức tạp …cuộc đấu tranh của họ sẽ khó khăn hơn và có nhiều rào cản hơn .

Tuy nhiên đó không phải là lý do chúng ta „ trùm mền hô xung phong „  như BS Tôn Thất Sơn đã ghi nhận và chúng ta cũng đừng quên những công trình vận động  với các chính giới ở hải ngoại về việc đòi hỏi CSVN phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm . Việc các tù nhân lương tâm này đạt được tự do , dù họ phải chấp nhận cái giá phải „ đi „ , thì đó cũng là một thành quả NHÂN ĐẠO của chúng ta.

Cái thành quả thứ hai là CHỐNG LẠI SỢ HÃI . Vâng , chính vậy . Mục Sư Stief tại Leipzig là một nhân chứng trong thời kỳ vận động dân chủ trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ đã bảo với chúng tôi là khi các anh em vừa rời buổi họp ra khỏi nhà thờ bị theo dõi và bắt cóc lên xe công an thì họ đã cố gắng quăng  lại trên đường một mẩu giấy viết tên mình và ngày giờ bị bắt với hy vọng sẽ có người tìm thấy để báo về nhà thờ . Sự sợ hãi bị bắt và bị thủ tiêu bí mật  đã là một riềng mối làm nhiều người không dám tham gia hoạt động đối kháng dưới chế độ Cộng Sản  , cho dù là ở Đức , ở Tàu , ở Triều Tiên hay ờ Việt Nam . Nhờ hệ thống Internet hiện đại thời nay thì ở Việt Nam chuyện bắt người âm thầm không thể xảy ra nữa . Danh sách tù nhân lương tâm luôn được cập nhật công bố hàng ngày ,  sự vận động quốc tế cho họ được  công khai hóa và thỉnh thoảng lại có người „được „ trục xuất từ nhà tù để chứng tỏ sự hiệu nghiệm của sự can thiệp quốc tế . Người đối kháng trong nước nhờ đó mà an tâm hoạt động và đi tù . Cùng lắm thì phải „rời „ Việt Nam thôi .

Cái thành quả thứ ba là sự LIÊN KẾT QUỐC NỘI HẢI NGOẠI  càng ngày càng mạnh . Chính Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã xác nhận là người dân trong nước thời này „ dễ thở „ hơn thời sau 1975 là do các áp lực quốc tế lên nhà cầm quyền CSVN . Sự đoàn kết quốc nội hải ngoại là điều mà CSVN rất sợ và luôn luôn lên án nặng nề. Tiếng nói trên hệ thống truyền thông quốc tế  và trong cộng đồng của những nhà đối kháng phải ra hải ngoại cũng thường „ nặng ký“ hơn . Có nhiều anh em trẻ thức thời vùng Đông Đức hiện tại vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam,  mặc dù họ có đủ điều kiện nhập tịch sở tại , với lý do  nhân danh người Việt Nam ở hải ngoại để nói lên lời nói thiết thực  cho tổ quốc và dân tộc Việt Nam . Ngoài ra sự liên minh sức mạnh trong và ngoài nước để hỗ trợ các anh chị em còn trong nước sẽ làm cuộc đấu tranh công hiệu hơn khi chúng ta có thêm những bàn tay đóng góp  từ trong nước ra , họ vừa thoát khỏi tấm chăn nên biết rõ „rận“ hơn người Việt đã hàng chục năm không về Việt Nam.

Nói chung , cuộc đấu tranh chống Cộng là một diễn tiến trường kỳ và mỗi cuộc đấu tranh tùy thời điểm , tùy điều kiện  và tùy tình thế sẽ khác nhau . Chúng ta không thể qua kinh nghiệm xưa cũ mà đi đóng khung cứng ngắc cho một cuộc đấu tranh . Các nhà đối kháng hoàn toàn có quyền tự do quyết định „ ĐI HAY Ở“  tùy theo hoàn cảnh  cá nhân của họ .

Ngoài ra  hãy đừng quên là chúng ta không những đang đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải  chấp nhận đa nguyên và thay đổi thể chế mà chính chúng ta cũng phải tập thói quen suy nghĩ đa chiều và đổi mới tư tưởng  . Có như vậy thì chúng ta mới có những bước khám phá và đột phá cho con bệnh Việt Nam hầu có thể thúc đẩy một cách hiệu quả nhất cho tiến trình đấu tranh chống chế độ Cộng Sản độc tài độc tôn  , để đạt được một  nền tự do dân chủ và nhân bản thực sự cho tổ quốc và dân tộc Việt Nam .

BS Hoàng Thị Mỹ Lâm
Berlin , ngày 12.07.2018
——————————————

Đi hay ở

Đầu đề bài viết này do Bà Sybille Ploog đặt. Bà Ploog là người phụ trách tờ Der Stacheldraht (Giây kẽm gai), cơ quan ngôn luận chính thức của tổ chức chống cộng Union der Opferverbände Kommunistischer Gewaltherrschaft e.V., UOKG (Liên hiệp các Hội đoàn Nạn nhân của Chuyên chế Cộng sản). Nhân vụ Luật sư Nguyễn Văn Đài được giải thưởng của Hiệp hội Thẩm phán Đức rồi kế đó, Luật sư bị Việt cộng tống xuất sang Đức cùng người phối ngẫu và một nữ nhân viên phụ tá, tôi cám cảnh nên viết thành bài văn chính luận tiếng Đức lấy nhan đề : “Asyl für abgeschobene vietnamesische Dissidenten, eine zerstörerische Politik des Westen“, xin dịch thoát sang Việt ngữ là “Cấp qui chế tỵ nạn cho những nhân vật đối kháng người Việt, một chính sách hủy diệt của phương Tây“. 

Nội dung bài viết trình bày ngắn gọn các hoạt động chống cộng hữu hiệu của Luật sư Nguyễn Văn Đài khiến Việt cộng căm ghét và khiến công luận Đức lưu tâm nên đưa đến kết quả là Luật sư được cấp giải của Hiệp hội Thẩm phán Đức. Trong một bài viết trước đây, tôi đã nhắc đến những người ở lại như Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh mục Phan Văn Lợi và Luật sư Nguyễn Văn Đài.

Tôi ghi tên Luật sư vì được đọc đâu đó trên internet lời tuyên bố sẽ không ra nước ngoài của Luật sư. Nay tình hình thay đổi, Luật sư cùng gia đình và phụ tá sang Đức. Từ Luật sư Đài, tôi chuyển qua hoàn cảnh của những nhân vật tự xem hay được xem là đối kháng đã lìa bỏ môi trường tranh đấu chính trị quen thuộc là quốc nội để lưu vong ra quốc ngoại. Tôi ngậm ngùi nêu nhận thức là tất cả quí vị này – dù hiện sinh sống ở Mỹ, ở Pháp hay ở Đức – đều trở thành những người Việt lưu vong hay những người Việt tỵ nạn, không hơn không kém. Đánh giá hết sức chủ quan, tôi buồn bã viết thêm là như vậy hàng ngũ chống cộng vô hình trung đã mất đi những nhân vật đáng kính đáng quí.

Để bổ sung ý kiến, tôi nêu trường hợp Bác sĩ Nguyễn Đan Quế. Bác sĩ Nguyễn Đan Quế được nhiều giải thưởng hơn Luật sư Nguyễn Văn Đài. Năm 1995, Robert F. Kennedy Human Rights Award. Năm 2004, Certificate of Distinction in Civil Courage thuộc US-based Civil Courage Prize. Cùng năm 2004 Asia-Pacific Initiative giới thiệu dự tranh giải Nobel Hoà bình. Năm 2016, The Gwangju Prize for Human Rights của Nam Hàn. Việt cộng làm áp lực rất nặng nề lên bác sĩ Quế để tống cổ Ông ra nước ngoài cho khuất mắt, khỏi phải cử công an, mật vụ, an ninh, mật thám luân phiên thường xuyên canh gác, theo dõi, rình mò, dò la ngôi nhà 102/7 (địa chỉ cũ, trước 1975) đường Nguyễn Trãi, Sàigòn. Trong khi đó thì phía Hoa Kỳ công khai tuyên bố sẵn sàng nhận bác sĩ Quế cùng gia đình nếu bác sĩ quyết định xin tỵ nạn tại Mỹ; dẫu vậy, bác sĩ Nguyễn Đan Quế liên tục, cương quyết, cố định từ chối lời đề nghị của phía Mỹ.

Chuyển qua lịch sử nước Đức, tôi nhắc lại câu khẩu hiệu hào hùng từng vang dội trong những cuộc tuần hành, biểu tình, mít-tinh ngày nào tại các thành phố Leipzig, Berlin v.v..trên lãnh thổ Đông Đức cũ : “Wir bleiben hier!“ (Chúng tôi ở lại đây!). Tôi kể thêm lời kêu gọi của Christa Wolf ngay trên truyền hình Đông Đức vào ngày 8 tháng 11 năm 1989, hướng vào dân chúng Đông Đức : “Die jetzt noch weggehen, mindern unsere Hoffnung.“ (Những kẻ ra đi bây giờ chỉ khiến niềm hy vọng của chúng ta suy giảm). Trước khi chấm dứt bài viết, tôi lại đơn cử trường hợp thần tượng của tôi, Linh mục Ba lan Jerzy Popieluszko, người đã được Giáo hội Thiên chúa giáo phong thánh vì đã kiên cường chống lại chế độ cộng sản và ủng hộ Phong trào Đoàn kết, người đã được Tổng Giám mục Josef Glemp đề nghị cấp học bổng sang nghiên cứu ở La mã nhưng đã thẳng thừng từ chối để ở lại cùng dân tộc và quê hương và cuối cùng để hy sinh dưới tay những tên hung thủ mật vụ Ba lan.

Trước khi viết bài và cho phổ biến bài, tôi tham khảo một người bạn Đức khác là Tiến sĩ Josef Bordat, một blogger chuyên bảo vệ các bloggers Việt Nam hiện đang ở quốc nội. Tiến sĩ Bordat thông cảm với nỗi ưu tư khắc khoải của tôi và đồng ý là tôi có thể protest, phản kháng. Tôi cám ơn thái độ biểu đồng tình của Tiến sĩ nhưng khẳng định cùng Ông là tôi sẽ không phản kháng bất cứ cá nhân, bất cứ tổ chức nào. Tôi chỉ lễ độ, kính cẩn bitten, thỉnh cầu. Tôi cầu xin cho điều tốt lành sẽ xảy ra đúng lúc đúng nơi – tôi tránh lạm dụng chữ “phép lạ“ – để Luật sư Nguyễn Văn Đài cùng các bằng hữu của Luật sư sẽ hoạt động chống cộng có hiệu quả trên vùng đất tạm dung mới.

Trân trọng kính xin bà con vui lòng cùng cầu nguyện với tôi.

Trần Văn Tích







No comments: