Monday, July 23, 2018

PHI HẠT NHÂN HÓA BẮC TRIỀU TIÊN : WASHINGTON ĐÃ BỊ BÌNH NHƯỠNG ĐÁNH LỪA? (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 23-07-2018

Thứ Sáu 20/07/2018, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc « thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt » nhắm vào Bắc Triều Tiên. Theo giới quan sát, lời kêu gọi này cho thấy Washington gặp khó khăn để có được những tiến bộ thật sự trong hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (T) tới Liên Hiệp Quốc cuối tuần trước, để yêu cầu gia tăng áp lực với Bắc Triều Tiên, New York, 20/07/2018. Reuters

AFP nhắc lại, tại thượng đỉnh Singapore ngày 12/06, lãnh đạo Bắc Triều Tiên « tái khẳng định cam kết » tiến hành « phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên ». Trước đó, chính quyền Donald Trump cũng đã có những lời lẽ mạnh mẽ nhấn mạnh đến tính « khẩn cấp » và mong muốn « nhanh chóng bắt tay thực hiện » chương trình phi hạt nhân hóa.

Thế nhưng, 40 ngày sau, giọng điệu đôi bên đã thay đổi. Kim Jong Un « im hơi lặng tiếng ». Tổng thống Mỹ Donald Trump nhẹ nhàng cho rằng « chúng ta không vội vàng », « chưa có ngày hạn định »…

Một số chuyên gia cho rằng tình hình trở lại yên ắng như vậy là một điều tốt, vì quy trình này đòi hỏi nhiều thời gian đàm phán. Theo quan điểm của ông Abraham Denmark, thuộc Wilson Center, để cho quá trình « phi hạt nhân hóa toàn diện và kiểm chứng được » đi đến thành công, đôi khi phải mất đến 15 năm.

Nhưng cũng có nhiều chuyên gia khác nghi ngờ thực tâm của Bình Nhưỡng. Cho đến lúc này, kết quả duy nhất có được từ thượng đỉnh Singapore là Bình Nhưỡng thông báo tạm ngưng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo, còn Washington ngưng các cuộc tập trận chung được cho là « khiêu khích » với Hàn Quốc. Những tuyên bố này vẫn có thể thay đổi ngày một ngày hai.

Mục tiêu « phá dỡ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên » hầu như xa vời vợi, vì cả đôi bên còn chưa đàm phán lịch trình và cách thức tiến hành.

« Không những Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, mà họ đang tiếp tục nghiên cứu để thúc đẩy chương trình này », bà Sue Mi Terry, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, lo lắng cảnh báo tại diễn đàn an ninh Aspen, Colorado.

Theo quan điểm của nhiều nhà phân tích, nguyên nhân của sự trì trệ này chính là vì ông Donald Trump đã « lãng phí các công cụ gây áp lực quan trọng » nhằm khóa tay Kim Jong Un.

Chiến dịch « áp lực tối đa » của cộng đồng quốc tế, bao gồm một loạt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt và cô lập ngoại giao, mà Washington đã thực hiện thành công cho đến trước khi thượng đỉnh, giờ đang bị phân tán. Trung Quốc và Nga sẽ dần giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.

Giờ đây, trước sự « trơ ì » của Bình Nhưỡng, chính quyền Washington mới « vội vã » kêu gọi Liên Hiệp Quốc duy trì áp lực tối đa. Câu hỏi đặt ra : Ai sẽ nghe theo lời yêu cầu đó ? « Áp lực tối đa » sẽ khó tái thực thi, vì Bắc Triều Tiên chẳng có « hành động khiêu khích » nào cả, trong khi thế giới lại không dự trù kế hoạch B trong trường hợp gặp thất bại.

-----------------------------

LIÊN QUAN

Gia Hưng – RFI
Đăng ngày 23-07-2018

Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Vincent Brooks hôm qua, 22/07/2018, cho biết các loại vật liệu được dùng để sản xuất vũ khí hạt nhân tại Bắc Triều Tiên vẫn còn nguyên vẹn, từ sau hội nghị thượng đỉnh Singapore đến nay.

Địa điểm thử hạt nhân Kilju, miền đông bắc Bắc Triều Tiên. Ảnh vệ tinh năm 2006. DigitalGlobe via Getty Images

Theo hãng tin CNBC, phát biểu với Diễn Đàn An Ninh Aspen qua hệ thống vidéo-hội nghị, tướng Vincent Books nói: "Khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên vẫn còn nguyên vẹn” và qua các theo dõi, Hoa Kỳ nhận thấy các hoạt động chế tạo vũ khí chưa ngừng hoàn toàn, không thấy di chuyển, rút bỏ các thanh nhiên liệu.

Về tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, tướng Vincent Brooks cho rằng Bình Nhưỡng phải có những bước đi xác thực, “nếu không thì hai nước không thể làm bạn và chúng ta sẽ không thể đạt được hòa bình”.

Tuy vậy, tướng Vincent Brook nhấn mạnh rằng hai bên phải thiết lập mối quan hệ vững chắc dựa trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Theo viên tướng này, ”xây dựng lòng tin đồng thời tiếp tục gây sức ép và cần tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, đó là chương trình nghị sự. Chính việc thiếu lòng tin mới là kẻ thù mà chúng ta cần đánh bại”.

Theo một phóng sự được thực hiện vào tháng trước của hãng tin NBC, chính quyền Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu cho tên lửa mang vũ khí hạt nhân tại một số căn cứ bí mật.

Ngoài ra, nhật báo Washington Post trích dẫn một số nhà ngoại giao, xin được giấu tên, cho biết, các quan chức Bắc Triều Tiên đã hủy các buổi họp phi nhạt nhân hóa, đòi thêm tiền, và không giữ liên lạc với đối tác Hoa Kỳ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6 vừa qua. Điều này đi ngược với các tuyên bố tích cực của Donald Trump, cho rằng đối thoại với Bắc Triều Tiên rất thành công.










No comments: