Saturday, July 7, 2018

MỸ - TRUNG KHAI HỎA CUỘC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI (tin tổng hợp)




Ngô Nhân Dụng
July 6, 2018

Cuộc chiến tranh mậu dịch cả thế giới chờ đợi đã bắt đầu ngày Thứ Sáu, 6 Tháng Bảy, 2018, lúc nửa đêm ở Mỹ, tức 12 giờ trưa ở Bắc Kinh. Từ giờ phút đó, chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế nhập cảng nặng 25% trên hơn 800 món hàng của Trung Quốc trị giá $34 tỷ, và Bắc Kinh cũng trả đũa trên một số hàng Mỹ tương đương.

Suốt buổi sáng Thứ Sáu, những công dân mạng ở nước Tàu chăm chú theo dõi tin về một chiếc tàu thủy đang từ Mỹ đi sang cảng Đại Liên ở phía Đông Bắc nước Tàu, không khác gì coi một cuộc chay đua đường trường. Chiếc tàu này chở đậu nành, một món hàng Mỹ xuất cảng sang Trung Quốc. Thuyền trưởng ra lệnh mở máy hết tốc lực, mong đến bến sớm; vì món đậu nành sẽ bị đánh Trung Quốc thuế nặng sau 12 giờ trưa. Sau cùng, chiếc tàu không đến kịp trước khi hai nước bắt đầu “nổ súng.”

“Cuộc chiến mậu dịch sẽ kéo dài,” cựu Bộ Trưởng Thương Mại Trung Cộng Ngụy Kiến Quốc tiên đoán.

Bình thường, trong một cuộc chiến tranh mậu dịch, nước này đánh thuế hàng nhập cảng từ nước kia, nước mua nhiều sẽ được lợi hơn nước bán nhiều. Nếu “đánh đến cùng,” mỗi bên đánh 25% thuế trên hàng hóa mua của bên kia, thì chính phủ Mỹ sẽ thu được 25% thuế trên khoảng $400 tỷ, trị giá tất cả các món mua từ bên Tàu. Trong khi đó Bắc Kinh chỉ đánh thuế được trên khoảng $150 tỷ hàng mua của Mỹ. Làm con tính, 25% của số chênh lệch $250 tỷ là $62.5 tỷ, ông Donald Trump sẽ thâu vô nhiều hơn ông Tập Cận Bình!

Trước viễn ảnh đó, trong mấy tuần trước khi chiến tranh phát động, giá trị đô la Mỹ đã tăng lên, giá trị đồng nguyên của Trung Cộng đi xuống.

Trên lý thuyết, ông Tập Cận Bình có thể thâu thêm $62.5 tỷ thuế cho khỏi bị lỗ, bằng cách đánh thuế nhập cảng cao hơn 25%; hoặc đánh thuế tiêu thụ trên những món hàng Mỹ chế tạo hay lắp ráp trong nước Tàu, thí dụ, iPhone của Apple hoặc xe hơi của GM. Nhưng những biện pháp này sẽ gây thiệt hại cho người tiêu thụ cũng như các công nhân đang làm việc cho Apple và GM, cho nên phải dè dặt!

Như vậy có thể kết luận rằng trong cuộc chiến tranh mậu dịch nước Mỹ chỉ được lợi và nước Tàu chắc chắn bị thiệt hại hay không? Nếu đúng như vậy thì tại sao ông Tập Cận Bình không tuyên bố đầu hàng trước để tránh tai họa?

Trong thực tế, chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, cho nên có thể sẽ kéo dài như nhiều người tiên đoán.

Chiến tranh mậu dịch là một một thủ đoạn tranh hùng kinh tế của thế kỷ 19. Khi đó, hàng hóa của nước nào thì được chế tạo gần như hoàn toàn trong nước đó trước khi xuất cảng. Bây giờ cũng còn nhiều món như vậy, thí dụ đậu nành trồng tại Mỹ trước khi bán sang Tàu, hoặc cây chổi lông gà làm ở Tàu trước khi bán qua Mỹ.

Nhưng trong thế kỷ 21, có rất nhiều thứ hàng được sản xuất chính yếu tại một quốc gia nhưng lại chứa trong đó các bộ phận làm ở nhiều quốc gia khác.

Thí dụ như công ty Cree Inc.. Họ chuyên sản xuất diode cho các thứ đèn điện, làm những cái bóng đèn giá $5 cho tới những loại đèn đặc biệt đắt tiền dùng trong kỹ nghệ. Công ty Cree sử dụng 4,000 công nhân với các nhà máy ở ở North Carolina, Wisconsin và Arkansas. Kể từ ngày hôm qua, Cree sẽ phải đóng thuế 25% trên những thứ phụ tùng mua từ Trung Quốc, những món lặt vặt mà ở nước Mỹ không ai làm vì lương công nhân cao quá.

Sức mạnh của Cree là nghiên cứu, sáng tạo hơn là sản xuất. Công ty đang nghiên cứu sáng chế những chip mới dùng sản xuất năng lượng mặt trời, và sẽ chế tạo xe hơi chạy bằng điện. Tháng Năm vừa qua, công ty đã cố gắng thuyết phục chính phủ Trump đừng đánh thuế trên hàng Trung Quốc, nhưng thất bại.

Cree mỗi năm sản xuất 5 tỷ rưỡi cái chip để làm đèn điện LED, tại nhà máy ở Durham, North Carolina. Nhiều bộ phận của đèn LED được chở từ Durham qua Huệ Châu, bên Tàu, được ráp nối tại đó rồi đưa ngược trở về nhà máy ở Racine, Wisconsin, nước Mỹ. Tại Racine, các bộ phận này sẽ dùng khi chế các thứ từ đèn bấm, màn ảnh tivi, đến hệ thống chiếu sáng sân vận động.

Bây giờ, tất cả những bộ phận đèn LED từ Mỹ qua Tàu sẽ bị đánh thuế 25%. Tiếp theo, những thứ lắp ráp ở bên Tàu khi quay trở về nước Mỹ cũng bị đánh thuế 25%. Muốn khỏi lỗ thì công ty phải tăng giá bán. Các khách hàng của Cree, khắp thế giới, sẽ không chịu trả giá cao hơn. Và họ có thể sẽ đi mua của các đối thủ cạnh tranh lâu nay, như Osram Licht AG của Đức hay Ninchia Corp của Nhật Bản.

Thí dụ trên đây tương đối giản dị, vì những cái chip làm đèn LED chỉ đi “một chuyến khứ hồi” tức là bị đánh thuế 25% hai lần thôi.

Có nhiều bộ phận làm các thứ máy móc đắt tiền hơn có thể phải đi hai chuyến khứ hồi mới sẵn sàng được sử dụng.

Thí dụ, những máy chụp MRI của công ty General Electric. Những máy MRI (magnetic resonance imaging) bán giá từ $500,000 đến $10 triệu, cho các bệnh viện khắp thế giới. Bộ phận đắt tiền nhất là cái cục nam châm, trong đó có nhiều bộ phận nhỏ hơn được chế tạo trong những nhà máy của chính General Electric nhưng lập ra bên nước Tàu cho rẻ. GE đem nhiều món sang Tàu để ráp, sẽ bị Bắc Kinh đánh thuế 25%, sau đó mang về Mỹ, bị đánh 25% nữa; nhưng chưa hết. Công ty sẽ còn phải đưa những món này đi một chuyến khứ hồi nữa rồi mới đưa về ráp ở các nhà máy tại Florence, South Carolina, và Waukesha, Wisconsin.

Ba phần tư các máy MRI do GE làm được bán trong nước Mỹ, số còn lại xuất cảng, nước Tàu là một khách hàng. Trong tương lai, GE sẽ phải bán máy giá cao hơn, sẽ khó canh tranh vì các công ty của Đức hay Nhật Bản không bị đánh thuế nhiều lần như họ!

Trong cuộc chiến tranh mậu dịch hiện nay, chính phủ Mỹ sẽ đánh thuế nhập cảng trên cả những món hàng mà các xí nghiệp Mỹ sẽ xuất cảng! Nhưng thuế quan chỉ là một khí cụ trong cuộc chiến tranh thương mại. Khi đã tận dụng món võ thuế quan rồi, hai bên sẽ giở ra những đòn khác. Nếu hơn một tỷ dân Trung Quốc được tuyên truyền chống Mỹ thì sẽ có ngày những cửa hàng McDonald, Starbucks cũng bị vạ; những món hàng như Coca-Cola cũng khó bán.

Kinh tế thế giới đã thay đổi từ thế kỷ 19 sang thế kỷ 21! Trong thế kỷ 19, người ta có thể nhìn thế giới với con mắt đơn sơ, như khi Tổng Thống Trump tuyên bố: “Chiến tranh mậu dịch dễ thắng lắm! Mình sẽ thắng.”

Nhưng trong 50, 60 năm qua nước Mỹ đã làm thay đổi kinh tế thế giới. Kinh tế toàn cầu hóa là một hậu quả của chính sách tự do mậu dịch do Mỹ đề xướng. Mạng lưới tiếp liệu chằng chịt khắp thế giới khi làm ra các sản phẩm cũng do các công ty Mỹ tạo ra. Nếu người Mỹ không đặt mua bộ phận từ nước Tàu, hoặc không đem việc sang để công nhân Tàu làm cho rẻ, thì mạng lưới này không thành hình. Mà những người Mỹ này đều hành động để kiếm lời, chứ không phả vì lòng từ thiện!

Trong chiến tranh, ngoài các chiến sĩ bị thương hoặc chết, còn rất nhiều thường dân cũng bi hại. Cuộc chiến tranh mậu dịch cũng sẽ tạo nên nhiều “nạn nhân chiến tranh” mà trong vài năm tới con số sẽ tăng lên. Nạn nhân sau cùng là người tiêu thụ. Ở Mỹ cũng như ở Tàu, giá hàng nhập cảng sẽ tăng lên. Ai cũng được học tập đức tính tiết kiệm!

Xin kính thúc quý vị may mắn. (Ngô Nhân Dụng)

---------------------------
BBC Tiếng Việt
6 tháng 7 2018

VIDEO :
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: ai được lợi?

Thuế quan của Mỹ lên các mặt hàng Trung Quốc tổng trị giá 34 tỷ USD đã bắt đầu có hiệu lực, khai hỏa cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mức thuế 25% bắt đầu có hiệu lực vào nửa đêm giờ Washington ngày 6/7.
Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế 25% lên 545 mặt hàng của Mỹ, cũng có tổng giá trị 34 tỷ USD.

Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đã gây ra "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế".
"Sau khi Mỹ kích hoạt các biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc, các biện pháp của Trung Quốc đối với Mỹ có hiệu lực ngay lập tức," người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng nói.
Hai công ty ở Thượng Hải cho BBC biết các cơ quan hải quan TQ đang trì hoãn làm thủ tục cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ hôm thứ Sáu 6/7.
Thuế quan của Mỹ là kết quả của nỗ lực bảo hộ việc làm Mỹ của Tổng thống Trump và ngưng "việc chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ Mỹ sang Trung Quốc một cách không công bằng".

Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ xem xét việc áp thuế lên các mặt hàng khác có trị giá 16 tỷ USD, điều mà ông Trump từng nói sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này.

Việc áp thuế của Mỹ ảnh hưởng rất ít đên thị trường chứng khoán Châu Á. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa với mức tăng 0,5 trong ngày, nhưng giảm 3,5% trong tuần. Đây là tuần thứ bảy liên tiếp chỉ số này sụt điểm.
Thị trường Tokyo đóng cửa với mức tăng 1,1%, nhưng thị trường Hong Kong lại giảm 0,5% trong những phiên giao dịch muộn.
Ông Hikaru Sato từ công ty chứng khoán Daiwa Securities nói các thị trường chứng khoán từ trước đã tính đến ảnh hưởng của đợt áp thuế đầu tiên này.

Ông Trump đã áp thuế lên các mặt hàng máy giặt và tấm năng lượng mặt trời, và bắt đầu đánh thuế vào thép và nhôm nhập từ EU, Mexico và Canada.
Vị tổng thống Mỹ cũng đe dọa sẽ còn đánh 10% thuế lên hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD nếu Bắc Kinh "không chịu thay đổi tập quán".
Hôm thứ Năm 5/7, ông nói mạnh hơn nữa, đe dọa rằng tổng trị giá các mặt hàng Trung Quốc bị đánh thuế có thể lên tới hơn 500 tỷ USD.
"Chúng tôi tính [sẽ áp thuế lên] thêm 16 tỷ USD trong hai tuần tới, và sau đó, như các bạn biết, chúng tôi có 200 tỷ USD đang tạm ngưng, và sau đó gần 300 tỷ USD đang tạm ngưng. OK? Vậy chúng tôi có 50 cộng 200 cộng gần 300," ông nói.

Thuế quan của Mỹ cho tới giờ có ảnh hưởng tương đương với 0,6% thương mại toàn cầu và khoảng 0,1% GDP toàn cầu, theo một báo cáo của Morgan Stanley, được công bố trước khi ông Trump phát biểu hôm thứ Năm.
Các nhà phân tích cũng lo ngại về tác động lên các hãng trong chuỗi cung ứng và căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc nói chung.

*
*
Tin liên quan


----------------------------------


July 6, 2018

WASHINGTON, DC (AP) – Cuộc chiến mậu dịch bộc phát hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Bảy giữa Mỹ và Trung Quốc tiềm tàng nguy cơ leo thang, có thể gây ra sự ngần ngại trong việc đầu tư, làm người dân ít mua sắm, gây bất ổn cho thị trường tài chánh và đưa nền kinh tế thế giới vào giai đoạn trì trệ.

Phát súng đầu tiên trong trận chiến này đã nổ ra sau lúc nửa đêm ngày Thứ Năm bước sang ngày Thứ Sáu, khi lệnh tăng thuế quan 25% của chính phủ Trump nhắm vào lượng hàng hóa trị giá $34 tỷ nhập cảng từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.

Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa bằng cùng mức gia tăng trên cùng số trị giá hàng hóa nhập cảng từ Mỹ. Chính quyền Trung Quốc cáo buộc rằng phía Mỹ làm bùng ra “cuộc chiến mậu dịch lớn nhất trong lịch sử kinh tế thế giới.”

Trong vòng đầu của cuộc chạm trán này, các doanh gia Mỹ khởi sự phải trả thêm tiền cho các sản phẩm làm ở Trung Quốc như máy móc dùng trong xây cất và các loại cơ khí khác. Người tiêu thụ ở Mỹ sẽ cảm thấy ảnh hưởng của việc này khi các công ty nhập cảng tăng giá bán.

Trong khi đó, các nhà sản xuất sản phẩm Mỹ như đậu nành, thịt heo và rượu whiskey sẽ mất lợi thế thương trường ở Trung Quốc vì giá bán nay cao hơn.

Tuy vậy, việc tăng thuế quan sẽ không gây ảnh hưởng trầm trọng cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Ông Gregory Daco, người đặc trách về kinh tế Mỹ ở công ty Oxford Economics, tính toán rằng điều này chỉ làm giảm tăng trưởng kinh tế ở cả hai quốc gia vào khoảng 0.2% hoặc ít hơn, từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu có thể sẽ sớm leo thang.

Tổng Thống Donald Trump, người từng nói rằng chiến thắng trận chiến mậu dịch là điều dễ dàng đối với Mỹ, cho biết ông sẵn sàng tăng thuế quan nhắm tới $550 tỷ trị giá hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc. Con số này còn cao hơn trị giá lượng hàng Trung Quốc bán sang Mỹ hồi năm ngoái là $506 tỷ.

Việc leo thang trong cuộc chiến mậu dịch chắc chắn sẽ làm giới đầu tư ngần ngại và chờ xem tình hình diễn biến ra sao, trước khi bỏ tiền ra đầu tư vào các doanh nghiệp.

Nhiều giới chủ nhân có thể sẽ tạm ngưng thuê thêm người cho đến khi tình hình rõ ràng hơn. Các thiệt hại này cũng có thể xóa đi một số các thành quả kinh tế đạt được nhờ việc giảm thuế hồi năm ngoái.

“Việc mậu dịch bị ngăn trở có thể là mối đe dọa lớn nhất cho sự phát triển kinh tế toàn cầu,” theo lời ông Dec Mullarkey, người điều hành chiến lược đầu tư tại Sun Life Investment Management.

Điều đáng lo ngại nữa là Mỹ hiện không chỉ có chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc mà còn đối đầu với Âu Châu, Canada và Mexico.

Chính phủ Trump đã tìm cách giới hạn ảnh hưởng của việc tăng thuế quan vòng đầu đối với các gia đình Mỹ, bằng cách nhắm vào các sản phẩm kỹ nghệ của Trung Quốc, chứ không nhắm vào các sản phẩm tiêu dùng.

Nhưng việc tăng thuế quan sẽ tăng chi phí đối với các công ty Mỹ vốn phải trông cậy vào máy móc hay các phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc. Và sau cùng rồi các công ty này phải bán sản phẩm của họ với giá cao hơn cho các công ty bán lẻ, và việc tăng giá chẳng bao lâu sau đó sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Những người thường đến tiệm Chick-fil-A thì có thể sẽ cảm thấy ảnh hưởng của việc tăng thuế quan.

Ông Charlie Souhrada thuộc hiệp hội các nhà sản xuất dụng cụ chế biến thực phẩm Bắc Mỹ (North American Food Equipment Manufacturers), nói rằng tăng thuế quan có thể ảnh hưởng đến nồi áp suất mà công ty Chick-fil-A đang sử dụng.

Một thí dụ khác là công ty Bobcat của Mỹ chuyên chế tạo các xe cơ giới được nông gia, các công ty làm vườn và công ty xây dựng Mỹ sử dụng. Tuy nhiên, các món phụ kiện được gắn vào xe để dùng cho các mục đích khác nhau này, như đồ cào, móc, giá nâng hàng…, lại không được chế tạo ở Mỹ và phải nhập cảng từ Trung Quốc.

Công ty Bobcat thông báo họ sẽ phải tăng giá bán để đối phó với việc tăng thuế quan này.
Ông Jay Timmons, chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (National Association of Manufacturers) cảnh cáo rằng “tăng thuế quan sẽ đem lại các biện pháp trả đũa và có thể tăng thêm thuế khác. Không ai chiến thắng trong cuộc chiến mậu dịch.” (V.Giang)

--------------------------

RFI     /     Đăng ngày 07-07-2018
.
Thùy Dương  -  RFI    /     Đăng ngày 05-07-2018
.
Trọng Thành – RFI     /     Đăng ngày 04-07-2018
.
Thanh Hà  -  RFI     /     Đăng ngày 02-07-2018 
.
Anh Vũ – RFI    /   Đăng ngày 30-06-2018







No comments: