Sunday, July 22, 2018

CON EM CỘNG SẢN CÒN KHÔNG TIN VÀO CHẾ ĐỘ THÌ LÀM SAO DÂN TIN? (Trung Nguyễn - Tiếng Dân)




Trung Nguyễn
22-7-2018

Vở bi hài kịch của giáo dục Việt Nam tiếp tục được trình diễn với tất cả sự lươn lẹo, dối trá của nhà cầm quyền. Điều hay của vụ việc này là tất cả được trình diễn trên báo chí chính thống chứ không phải là báo chí “lề trái” ở hải ngoại. Tấn tuồng này là hài kịch đối với những người đã qua tuổi đi học từ lâu, nhưng lại là bi kịch đối với những thanh niên Việt Nam trung thực, học thật thi thật.

Con em lãnh đạo, chiến sỹ nghĩa vụ… là “siêu nhân”


Những lời trần tình trên của chỉ huy đơn vị, hay cô giáo của các chiến sỹ trẻ, nghe rất giống với những bí quyết giàu có của các lãnh đạo cộng sản như “làm thối móng tay”, “bán chổi đót”, “nấu rượu”, “chạy xe ôm thâu đêm”

Thầy giáo của tôi dạy Vật Lý ở một trường chuyên nổi tiếng, cũng dạy luyện thi đại học tại nhà, nói với tôi rằng bản thân thầy cũng không có cách nào giải đề thi tốt nghiệp môn Vật Lý kịp giờ. Còn môn Toán thì, ngay cả các giáo sư dạy đại học môn Toán cũng công nhận họ không thể nào làm kịp giờ.

Do đó, việc “tình cờ” có tới 35 chiến sĩ thi rớt đại học các năm trước, phải đi nghĩa vụ công an, vừa luyện thi vừa phải rèn luyện trực chiến, được điểm cao còn hơn tỉ lệ của các trường chuyên lớp chọn, dĩ nhiên khiến dư luận phải nhíu mày. Cùng với đó là bê bối chấn động về con cháu của bí thư tỉnh ủy Hà Giang và hàng trăm thí sinh khác được nâng điểm, càng khiến dư luận khó tin được những lời giải thích kỳ lạ đó.

Không thấy mà tin?

Như để xát thêm muối vào vết thương, chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn còn phát đi công văn yêu cầu đảng viên cộng sản, cán bộ công chức phải tin và vận động người thân tin vào sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong việc điều tra làm rõ bê bối nâng điểm.

Lòng tin có thể có được bằng công văn? Và người dân sẽ tin chuyện lãnh đạo tỉnh điều tra công tâm vụ con em lãnh đạo tỉnh được nâng điểm? Tôi nghĩ cũng cần phải kiểm tra lại bằng cấp của ông chủ tịch tỉnh này xem có thật không. Người bình thường không ai suy nghĩ phi lý như vậy. Lòng tin chỉ có thể đến qua hành động, có kết quả cụ thể, thấy được. Không lẽ ông chủ tịch tỉnh này muốn biến công văn, chỉ thị của nhà cầm quyền thành những giáo điều của một tôn giáo?

Thi cử thời phong kiến

Tôi xin lược kể ra cách thi thời phong kiến để thấy cha ông tổ chức thi cử còn nghiêm và công bằng hơn nhiều, so với thời cộng sản.

Thời phong kiến có các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình. Kỳ thi Đình có thể hiểu nôm na như vòng chung kết cấp quốc gia. Mỗi thí sinh đi thi tự mang mền, chiếu, nồi, giấy, bút mực, thực phẩm, quần áo. Sách và tiền bạc không được đem theo. Mỗi thí sinh ở trong lều của mình 3 ngày 2 đêm để làm bài. Giám khảo cũng ở trong các gian nhà với đầy đủ lương thực để chấm thi hàng tuần lễ. Lính canh canh gác nghiêm ngặt giám khảo và từng lều thí sinh. Suốt thời gian thi, cổng trường đóng chặt và niêm phong.

Để bảo đảm công bằng và khách quan, bài thi của các thí sinh viết bằng mực đen được sao chép lại bằng mực đỏ bởi một tổ thư lại để tránh việc giám khảo nhận ra nét chữ thí sinh nếu có mật hiệu với nhau. Các giám khảo chấm điểm bằng mực xanh.

Cuộc thi cuối cùng giữa 5 người đỗ đầu diễn ra trong cung điện. Những người này phải làm bài trước mặt vua và một Hội đồng học giả uyên thâm.

Cách thức tổ chức thi cử thời phong kiến kéo dài và tốn kém là thế nhưng triều đình phong kiến đã làm một cách công tâm để lựa chọn nhân tài ra phục vụ quốc gia. Có công bằng như vậy thì sĩ phu mới đua nhau học thực. Có trung thực như vậy thì con em nông dân, nhà nghèo,… vẫn có thể đổi đời nhờ quyết tâm học.

Rõ ràng rằng chế độ cộng sản chỉ là một bản sao nhạt nhòa của chế độ phong kiến về mọi mặt. Về quân sự, các vua Việt Nam không ngán giặc Tàu xâm lược. Về công bằng xã hội, ai bị oan có thể đến kêu oan với vua bằng cách đánh trống. Về giáo dục, cơ hội là bình đẳng cho mọi thí sinh…

Thi cử ở chế độ tư bản

Tôi có người bạn già rồi vẫn ham học. Anh bạn tôi muốn đi học thạc sỹ ở Mỹ. Trường bên Mỹ yêu cầu anh phải cung cấp các điểm thi GRE, TOEFL để có cơ sở nhận anh vào học. Anh có thể đi thi GRE, TOEFL quanh năm và kì thi này do các công ty hoặc các tổ chức tư nhân đảm trách, hoàn toàn không cần đến nhà nước. Cách tổ chức thi như vậy rất hay vì nó được chuẩn hóa, áp dụng như nhau cho mọi sinh viên từ mọi quốc gia. Trường bên Mỹ có thể dễ dàng so sánh các thí sinh đến từ các quốc gia khác nhau, tuổi đời khác nhau,…

Những đợt thi cử như thế đều được tổ chức nghiêm túc, kết quả phản ánh đúng khả năng của thí sinh. Nếu trường học, tổ chức, công ty tư nhân nào làm không tốt, không trung thực sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng giáo dục và sẽ bị phá sản. Thậm chí ngay cả việc thanh tra, kiểm tra, xếp loại cũng do các tổ chức tư nhân làm.

Có thể khẳng định rằng, về mặt giáo dục cũng như các mặt khác, chế độ cộng sản kém xa các nước tư bản. Bản thân con em lãnh đạo cộng sản đều lựa chọn đi học và định cư ở các nước tư bản. Chính bản thân ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cũng công nhận: “Hai con tôi đi du học cũng không về”.

Nghĩa là, con em giới lãnh đạo cộng sản không hề tin tưởng vào chất lượng của nền giáo dục ở chế độ do chính cha mẹ họ lãnh đạo. Con cháu lãnh đạo cộng sản cũng không hề muốn sống “dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của đảng”, mà muốn tìm cách cao chạy xa bay.
Bản thân con em lãnh đạo cộng sản còn không tin vào chế độ cộng sản thì làm sao một cái công văn có thể khiến người dân tin vào sự liêm chính của chế độ hả ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch tỉnh Hà Giang?

Lời kết

Tương lai gần của chế độ cộng sản rồi sẽ còn nhiều vụ xì-căng-đan, với những lời giải thích ngụy biện ngây ngô của giới lãnh đạo. Chế độ Cộng sản càng đi vào thời kỳ cuối, thì sự hủ bại càng lộ ra với tốc độ nhanh hơn và nhiều hơn. Sự bất mãn của dân chúng càng rộng khắp. Sự chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền càng sâu sắc.

Do đó, nhu cầu đấu tranh để cải tạo xã hội, nhu cầu đấu tranh có tổ chức để tạo sức mạnh càng lớn. Các cá nhân, tổ chức nặng lòng vì dân tộc nên nắm thời cơ này và bắt tay vào chuẩn bị cho sự thay đổi ngay từ bây giờ.

© Copyright Tiếng Dân







No comments: