Tuesday, July 24, 2018

CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM KHÔNG PHẢI CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN! (Nguyễn Văn Đài)





Nguyễn Văn Đài
Thứ Ba, 07/24/2018 - 10:22 — nguyenvandai

Chính Quyền Việt Nam Không Phải Chính Quyền Nhân Dân!

Trong khoa học chính trị, các chính quyền trên thế giới được phân chia thành 5 loại: Chính quyền quân chủ như ở đất nước nhỏ bé Swaziland, chính quyền độc tài như ở Bắc Triều Tiên, chính quyền quân sự như ở Mianma trước đây và ở Thái Lan hiện nay, chính quyền độc đảng toàn trị, chính quyền dân chủ Nhân dân( chính quyền Nhân dân) chiếm  90% trên toàn thế giới.

Thế nào là chính quyền Nhân dân?

Chỉ trong thể chế chính trị dân chủ đa đảng thì chính quyền Nhân dân mới được thiết lập dựa trên sự ưng thuận của Nhân dân bằng cách thực hiện quyền lựa chọn và quyết định của mình thông qua cuộc trưng cầu dân ý hoặc cuộc bầu cử tự do và công bằng. Đảng chính trị chiếm đa số phiếu hoặc nhà chính trị được bầu làm Tổng thống sẽ dành quyền thành lập chính phủ.

Chính quyền Nhân dân có thể bị phế truất, bị thay đổi bởi Nhân dân khi không thực hiện đúng các cam kết, lời hứa đưa ra khi tranh cử, hoặc tham nhũng, không đủ năng lực điều hành đất nước, đưa ra và thực thi các chính sách, pháp luật gây tổn hại đến lợi của quốc gia, dân tộc,….

Trên thế giới, không có một chính quyền nào có thể đưa ra các đường lối, chính sách đáp ứng hay làm hài lòng tất cả mọi công dân trong đất nước đó. Các công dân bị thiệt hại hay không hài lòng với các chính sách của chính quyền hoặc bất kỳ công  dân nào cũng có quyền sử dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để phê phán, chỉ trích chính quyền mà không bị trừng phạt.

Khi Nhân dân không còn tín nhiệm và tin tưởng vào năng lực, sự trung thực của chính quyền. Nhân dân có quyền sử dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để yêu cầu chính quyền thay đổi, từ chức. hoặc Nhân dân sử dụng quyền biểu tình để thay đổi hay phế bỏ chính quyền, tiến hành cuộc bầu cử để lựa chọn một chính quyền mới.

Tóm lại, trong nền chính trị dân chủ thì Nhân dân là Vua, Nhân dân có quyền lựa chọn một đảng chính trị để thành lập chính quyền thì chính quyền đó mới là chính quyền Nhân dân. Và khi chính quyền không còn uy tín và năng lực, Nhân dân cò quyền phế bỏ chính quyền và lựa chọn một chính quyền mới.

Chính quyền ở Việt Nam là chính quyền loại gì?

Điều 4 Hiến pháp Việt Nam 2013 qui định: “ Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội,…”. Và thực tế là toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương thuộc mọi lĩnh vực đề bị cai trị, kiểm soát bởi đảng CSVN. Ví dụ như: 100% các thành viên chính phủ, 95% đại biểu Quốc hội, các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, các chức vụ từ cấp phó phòng trong các cơ quan hành chính Nhà nước,… đều bắt nuộc phải là đảng viên đảng CSVN.

Điều 4 Hiến pháp Việt Nam đã phủ nhận và tước đoạt quyền lực của Nhân dân. Không coi Nhân dân là trung tâm của quyền lực chính trị. Điều 4 Hiến pháp đã đặt đảng CSVN là trung tâm quyền lực tuyệt đối của hệ thống chính trị. Tức đảng CSVN là làm chủ đất nước chứ không phải toàn thể Nhân dân Việt Nam. 

Nhân dân không có quyền trong việc thiết lập nên chính quyền cũng như thay đổi hay phế bỏ chính quyền. Mọi cuộc bầu cử và các ứng cử viên được tham gia đều phải do tổ chức của đảng CSVN thành lập và kiểm soát là Ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp lựa chọn và quyết định. Hầu hết các ứng cử viên độc lập bị tổ chức này loại ra trong quá trình hiệp thương hoặc bị vận động để tự nguyện rút lui. Các cuộc bầu diễn ra chỉ là hình thức.

Vậy chính quyền Việt Nam thuộc loại chính quyền độc đảng toàn trị!

Chính quyền độc đảng toàn trị mang bản chất như thế nào?

Trước đây, khi đảng CSVN thành lập, họ nêu lên khẩu hiệu đấu tranh dành dân tộc và dân chủ để đem lại quyền lực về tay Nhân dân. Khi đã dành được độc lập dân tộc, đảng CSVN đã phản bội lại Nhân Dân, tước đoạt quyền lực của Nhân dân về tay đảng CSVN. Điều này thể hiện bản chất phản cách mạng của chính quyền CSVN.

Dưới sự cai trị của chính quyền độc đảng chuyên chế, Nhân dân Việt Nam bị tước bỏ các quyền tự do về chính trị như quyền thành lập các cơ quan báo chí tư nhân, quyền tự thành lập và hoạt động đảng phái chính trị, quyền tự do biểu tình. Công dân Việt Nam nào sử dụng quyền tự do ngôn luận để bày tỏ quan điểm chính trị đa nguyên, đa đảng hoặc phê phán, chỉ chính quyền bị sách nhiễu, đánh đập hoặc cầm tù. Vậy điều này thể hiện bản chất của chính quyền CSVN là phản dân chủ.

Chính quyền CSVN cại trị Nhân dân một các bất công và chuyên quyền, độc đoán, đi ngược lại xu thế dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, bởi chính quyền CSVN mang bản cực kỳ phản động.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013, có 120 điều,, là văn bản pháp lý cao nhất của chế độ CSVN, nhưng không có một điều, một câu nào định nghĩa về chính quyền Nhân dân.

Như vậy, có thể kết luận rằng chính quyền CS Việt Nam hiện nay là chính quyền độc đảng CS chuyên chế mang bản chất phản cách mạng, phản dân chủ và cực kỳ phản động. Kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trên lãnh thổ Việt Nam chưa từng bao giờ có một chính quyền Nhân dân được thiết lập.

Nhân dân bị tước bỏ quyền làm chủ đất nước. Nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước đã trở lại địa vị nô lệ và bị cai trị bởi đảng CSVN. Bởi vậy, chúng ta còn có thể khẳng định rằng chính quyền CSVN là giặc nội xâm, là kẻ thù độc ác và nguy hiểm nhất  Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam.

Vậy khách thể cần được bảo vệ là chính quyền Nhân dân của Điều 79 Bộ luật hình sự năm 1999, nay là Điều 107 Bộ luật hình sự năm 2015 chưa có. Bởi vậy Điều 79 của Bộ luật hình sự 1999, nay là Điều 107 của Bộ luật hình sự 2015 không thể được sử dụng để khởi tố, truy tố và xét xử.

Như vậy, ông Lê Đình Lượng sẽ bị nhà cầm quyền CS đưa ra xét xử vào ngày 30 tháng 7 năm 2018 với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân là cực kỳ vô lý và bất công.

Các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ và những người khác đã bị xét xử theo Điều 79 Bộ luật hình sự là bất công và vô lý. Họ chỉ đấu tranh nhằm dân chủ hóa đất nước, thay đổi từ chế độ độc đảng toàn trị sang chế độ dân chủ đa đảng. Và khi đó mới có thể xây dựng nên một chính quyền Nhân dân, đó là chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Ngày 24 tháng 7 năm 2018
Luật sư Nguyễn Văn Đài.






No comments: