Tuesday, July 3, 2018

CẢM NGHĨ về LÁ THƯ của CÔ TRƯƠNG THỊ HÀ gửi TS PHẠM TẤN HẠ (Thạch Đạt Lang)




Thạch Đạt Lang
03/07/2018

Ngày 17.06.2018, cô Trương Thị Hà, sinh viên năm thứ hai khoa Anh ngữ của trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, tham gia biểu tình chống dự luật Đặc khu Kinh tế và luật An Ninh mạng, bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ, đánh đập, trong khu giam giữ dã chiến ở vườn Tao Đàn.

Khi cô Hà bị bắt giữ, đánh đập, công an đã liên lạc mời tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, hiệu phó trường ĐH Khoa học XH&NV thành phố Hồ Chí Minh đến để xác minh lý lịch, thành tích học tập của cô Hà. Đi cùng với tiến sĩ Hạ là một thầy khác tên Trần Nam.

TS Phạm Tấn Hạ, hiệu phó trường ĐH KH XH&NV. Ảnh trên mạng

Sau khi được trả tự do, trong stt đưa lên FB ngày 29.06.2018, cô Hà kể lại sự việc bị công an TP. Hồ Chí Minh bắt giữ. Theo lời kể đó, trước sự chứng kiến của tiến sĩ Phạm Tấn Hạ và ông Trần Nam, công an liên tục sỉ nhục, vu khống, chửi bới cô Hà với lời lẽ lỗ mãng, hung hăng, thiếu văn hóa của bọn côn đồ, mất dạy, đại diện cho chế độ mafia CSVN. Stt đó cũng là thư gửi hỏi về sự im lặng, vô cảm, hèn nhát của hai người mang danh trí thức, thầy dạy học cô Hà khi thản nhiên ký vào biên bản bắt giữ, điều tra của công an đã được soạn trước.

Cho đến giờ phút này, chưa thấy TS Phạm Tấn Hạ và ông Trần Nam của trường Đại Học KHXH&NV lên tiếng về bức thư của cô Hà. Bỏ qua những điều kể lể về nhân thân, quá trình học vấn cô Hà tự khai, có thể đoán cô ở lứa tuổi 24-25 vì đã tốt nghiệp trường luật, lứa tuổi đã trưởng thành hoàn toàn, có chí hướng độc lập, có suy nghĩ khi hành động.

Việc học giỏi hay ngoan ngoãn, năng động học tập của Trương Thị Hà trong trường lớp không dính dáng hay tác động gì đến lòng yêu nước của cô, nó chỉ chứng tỏ cô là một công dân gương mẫu dưới mái trường XHCN trước ngày 17.06.2018.

Không bàn đến cách hành xử của công an vì lực lượng này hiện nay đã lộ rõ mặt là lá chắn của chế độ CS. Họ không có nhiệm vụ bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự xã hội, ngăn ngừa trộm cắp… cho người dân, mà nhiệm vụ của họ là bảo vệ chế độ, vì thế đừng chờ đợi, hi vọng họ đối xử với người dân một cách ôn hòa, nhã nhặn đúng chức năng như cảnh sát, công an ở các nước tự do, dân chủ.

Nội dung lá thư, theo người viết, cần phân tích vị thế, cách hành xử của cô Trương Thị Hà và tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, cùng trưởng phòng đào tạo Trần Nam, để từ đó những người tham gia biểu tình nên chuẩn bị tinh thần và thể chất khi quyết định bày tỏ lòng yêu nước một cách ôn hòa, bất bạo động.

1. Sự kêu cứu của cô Hà, phản ứng thất vọng của cô khi gặp lại hai người thầy của mình

Về sự cầu cứu của cô Hà: Khi tham gia biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An Ninh mạng, dù ở lứa tuổi 24-25, Trương Thị Hà vẫn chưa chuẩn bị tinh thần cho những trường hợp tồi tệ nhất xảy ra khi hòa vào dòng người phản đối chế độ CS. Việc biểu tình bị công an, dân phòng, cảnh sát cơ động tấn công, hành hung, tra tấn hung bạo đã là thông lệ từ nhiều năm nay chứ không phải mới đây. Từ những vụ xuống đường phản đối giàn khoan HD 981 đến Formosa, hay những vụ khiếu kiện của dân oan…

Chẳng lẽ Trương Thị Hà không biết đến những trường hợp bị hành hung đến thương tật phải vào bệnh viện cứu cấp, điều trị của Phạm Thanh Nghiên, Phạm Đoan Trang, Trần Thị Nga, Đỗ Thị Minh Hạnh…và bao nhiêu người khác, không biết đến cảnh dân oan khiếu kiện kéo dài qua năm tháng ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, không nghe thấy hàng trăm vụ tự tử trong đồn công an trong mấy năm qua? Nếu đã biết thì khi tham gia biểu tình, cô phải nghĩ đến chuyện xảy ra với mình, như đã xảy ra với bao nhiêu người khác.

Theo TS Lê Tuấn Huy, Trương Thị Hà đã xăm lên vai mình dòng chữ Tao Đàn 17.06.2018 ghi lại ngày tháng bị công an bắt giữ, đánh đập ở Tao Đàn. Nếu đây là sự thật thì Trương Thị Hà không phải là một người hèn yếu như suy nghĩ của nhiều người. Hành động xăm lên vai dòng chữ nói trên tương phản với thái độ khóc lóc van xin sự giúp đỡ, can thiệp của tiến sĩ Phạm Tấn Hạ.

Phản ứng của mỗi người khi bị hành hung, đánh đập đau dớn rất khác nhau. Có người chửi rủa kẻ dùng bạo lực với mình, có người im lặng chịu đựng, tìm cách đỡ đòn, có người khóc lóc… nhưng khi đã đi biểu tình bày tỏ thái độ phản đối chế độ CS về một chính sách, chủ trương nào đó hoặc để chứng tỏ lòng yêu nươc… người tham gia nên dự kiến việc mình sẽ bị công an, mật vụ, dân phòng, CSCĐ… đàn áp, bắt giữ bằng bạo lực, bị đánh đập, tra tấn, bị ra tòa, kết án vì những tội danh mơ hồ không hề vi phạm.

Khi bị hành hung có thể im lặng chịu đựng, hay khóc la hoặc chửi rủa kẻ đang bạo hành mình nhưng quyết không quỵ lụy, xin xỏ chúng dừng tay tha cho mình hay cầu cứu các viên chức, cán bộ, đảng viên, trí thức… trong chế độ. Nếu chưa suy nghĩ chín chắn, đầy đủ hay không đủ khả năng chịu đau trước các đòn thù, sợ vào bệnh viện, sợ tù tội, sợ chết…thì không nên tham gia biểu tình.

Đi biểu tình phản đối chủ trương, chính sách của chế độ CS – chế độ tàn độc, gian ác, lưu manh nhất trong lịch sử nhân loại – nên chuẩn bị cả cái chết. Tự do, dân chủ không và chưa bao giờ là món quà từ trên trời rơi xuống.

2. Thái độ im lặng, thản nhiên như vô can của 2 người đại diện cho trí thức xã hội chủ nghĩa khi chứng kiến cảnh sinh viên của mình bị bạo hành, nhục mạ bởi công an.

Bản chất của đa số trí thức Việt Nam vốn dĩ hèn nhát do hấp thụ nền văn hóa Khổng Mạnh lâu đời. Mao Trạch Đông đã ví trí thức không có giá trị bằng cục phân. Sống dưới chế độ CS, cái hèn của người trí thức tăng lên gấp bội. Họ biết, thấy hết những xấu xa, tồi bại, gian dối, lưu manh của chế độ nhưng vì hèn, hầu hết im lặng sống qua ngày, chỉ lo công tác chuyên môn hoặc a dua theo chế độ để được hưởng chút bổng lộc dư thừa do chế độ ban phát.

Một thiểu số rất ít, có can đảm, dũng cảm lên tiếng chỉ trích, phê bình chế độ đều bị bao vây, trù dập, cách ly, theo dõi, sống trong căng thẳng, lo âu, nghèo khổ… Do quá ít, họ không đủ lực tác động hay ảnh hưởng làm thay đổi chế độ, tuy nhiên ít ra họ cũng làm tròn nhiệm vụ của người trí thức. Phạm Tấn Hạ và Trần Nam vì lý do nào đó im lặng, chấp nhận sự chỉ trích của Trương Thị Hà, không lên tiếng.

Lên án sự im lặng của Phạm Tấn Hạ và Trần Nam ở đồn công an quận 1, thì phải lên án thái độ sống của trí thức xã hội chủ nghĩa. Có thể nói không sợ sai lầm rằng 90% thầy, cô giáo của nền giáo dục XHCN sẽ chọn im lặng trước hành động của công an quận 1. Họ biết rõ hơn ai hết, muốn tồn tại trong chế độ CS thì phải im lặng. Can đảm lắm thì họ chỉ có thể nhẹ nhàng lên tiếng nói với công an: Các anh không nên sỉ nhục, gọi cô Hà là đĩ điếm khi không có bằng chứng.

Sự im lặng, thản nhiên, vô cảm của Phạm Tấn Hạ và Trần Nam trước hành động của những tên công an vô giáo dục, vô văn hóa và vô nhân tính đối với học trò của mình, cho thấy nền giáo dục ở VN không còn gì có thể cứu chữa. Khi trí thức ngoảnh mặt làm ngơ với tội ác, bạo lực, gian trá thì xã hội suy đồi là điều tất nhiên, không thể tránh.

Cũng chưa hiểu tại sao, lý do nào tiến sĩ Phạm Tấn Hạ và Trần Nam lại nhanh chóng đến đồn công an theo yêu cầu của họ để làm chứng, bảo lãnh Trương Thị Hà ra về để rồi phải chứng kiến sự lăng nhục, hành hung sinh viên của mình? Hơn thế nữa, nhà trường không có nhiệm vụ bảo lãnh cho sinh viên khi họ thật sự phạm pháp, trường chỉ có nhiệm vụ xác minh bằng văn bản một người nào đó là sinh viên đang theo học ở trường.

Chỉ còn lời khuyên cho những người như Trương Thị Hà: Đừng bao giờ tin tưởng vào trí thức Việt Nam. Hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi xuống đường, hãy chuẩn bị cho mình lý luận, sự chịu đựng về tinh thần lẫn thể chất trước mọi sự đàn áp, hành hung, tra tấn, bắt giữ, bị kết án, tù tội vì thể hiện lòng yêu nước hay đòi hỏi quyền công dân.

Chưa chuẩn bị cho mình đầy đủ những điều trên, chớ vội tham gia biểu tình.


--------------------------

LIÊN QUAN

2/7/2018
2/7/2018
1/7/2018
1/7/2018
30/6/2018
30/6/2018
26/6/2018









No comments: