Tuesday, July 17, 2018

CÁC NHÀ LẬP PHÁP HOA KỲ GÂY ÁP LỰC LÊN FACEB00K & GOOGLE VỀ KIỂM DUYỆT CÔNG DÂN MỸ CHO CSVN (tin tổng hợp)




Bethany Allen-Ebrahimian  -  Daily Beast
Dịch giả: Trúc Lam
18/07/2018

Một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ lưỡng đảng muốn các đại công ty mạng xã hội giải thích hành động của họ ở đây đại diện cho chính phủ nước ngoài.

Facebook một lần nữa bị nằm dưới làn đạn của các dân biểu Quốc hội — lần này, để kiểm duyệt các bài viết chính trị ở Việt Nam.

Một nhóm lưỡng đảng gồm 17 dân biểu Hoa Kỳ đã gửi một bức thư thứ hai cho Giám đốc điều hành Facebook, ông Mark Zuckerberg và Giám đốc điều hành Google, ông Sundar Pichai, thúc giục họ từ chối yêu cầu của chính phủ Việt Nam trong việc xóa các bài viết mà họ nghĩ rằng nhạy cảm về mặt chính trị.

Bức thư viết: “Có báo cáo rằng các công ty của quý vị đã loại bỏ video và các tài khoản sau khi có yêu cầu của chính quyền Việt Nam, bao gồm các tài khoản của những người sử dụng ở California và Đức. Việc kiểm duyệt các tài khoản của người Mỹ gốc Việt là đặc biệt quan ngại”.

Việt Nam xem xét chế độ kiểm duyệt internet cực đoan của Trung Quốc như một mô hình, khi đảng Cộng sản cầm quyền đã tìm cách để hạ các bài phát biểu bất đồng chính kiến ​​và tổ chức chính trị. Việt Nam đã bỏ tù những người sử dụng vì đăng nội dung mà chính phủ coi là nhạy cảm về mặt chính trị. Một bộ luật an ninh mạng mới được thông qua hồi tháng 6 và gần giống với luật Trung Quốc đã được thông qua hồi năm ngoái, sẽ giúp các nhà chức trách dễ dàng theo dõi những điều mà mọi người đăng trên mạng và yêu cầu một số loại dữ liệu nhất định của người sử dụng được lưu trữ ở địa phương khi [bộ luật] có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 [năm 2019]. Apple thu hút những lời chỉ trích vì đã đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc hồi đầu năm nay và lưu trữ dữ liệu của người dùng Trung Quốc trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc, nơi mà các nhà chức trách có thể dễ dàng truy cập được.

Luật mới ở Việt Nam yêu cầu các công ty internet như Facebook và Google phải xóa nội dung trong vòng 24 giờ sau khi nhận được yêu cầu của chính phủ.

Lá thư từ các thành viên của Quốc hội, bao gồm dân biểu Chris Smith (đảng Cộng Hòa –bang New Jersey) và Chủ tịch Việt Nam Caucus, Zoe Lofgren (đảng Dân Chủ – bang California), và Alan Lowenthal (đảng Dân Chủ – bang California) yêu cầu hai công ty [Facebook và Google] từ chối lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam, đăng tải số lượng yêu cầu xóa nội dung mà họ nhận được để minh bạch về bất kỳ sự kiểm duyệt nào.

Các thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng Hòa – bang Florida) và Robert Menendez (đảng Dân Chủ – bang New Jersey) sẽ gửi cùng một lá thư vào ngày mai, theo một bản thông báo phát hành do nhóm gửi ra.

Trong thư, các nhà lập pháp viết: “Nếu chính quyền Việt Nam buộc các công ty của quý vị hỗ trợ và tiếp tay kiểm duyệt thì đây là vấn đề đáng lo ngại, cần phải được nêu ra về mặt ngoại giao và ở mức cao nhất”.
____

Dưới đây là nguyên văn ba bức thư, trong đó có một bức thư của 17 dân biểu Mỹ gửi cho Facebook và Google ngày 12/7/2018, cùng hai bức thư của ba nghị sĩ Mỹ gửi cho Facebook và Google riêng lẽ. Nội dung thư như sau:

“Facebook và Google giữ vai trò rất lớn ở Việt Nam, cho phép hàng triệu người Việt Nam trao đổi thông tin, giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở nước ngoài và tạo thuận lợi cho các cuộc thảo luận và sự tham gia của cộng đồng mà không thể thực hiện ở ngoài đời.

Tất cả những điều này đang gặp rủi ro khi chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp quyền tự do biểu đạt và sự vận động chính trị ôn hòa. Chúng tôi rất quan ngại bộ luật an ninh mạng mới, đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018, vì các quy định của bộ luật mới này đi ngược lại các điều khoản hiện có và các công ước quốc tế về nhân quyền.

Đạo luật này bao quát và có các từ ngữ mơ hồ, sẽ cho phép các nhà chức trách Cộng sản truy cập dữ liệu cá nhân, giám sát những người sử dụng, và hạn chế hơn nữa các quyền tự do ngôn luận trên mạng vốn đã bị giới hạn, mà các công dân Việt Nam đang hưởng.

Đạo luật này có thể là một trở ngại nghiêm trọng đối với tiềm năng kinh tế của Việt Nam và tác động sâu sắc đến các công ty nước ngoài – đặc biệt là các công ty Mỹ – đang làm ăn ở Việt Nam, khi các công ty internet được yêu cầu lưu trữ dữ liệu ở trong nước và tiết lộ dữ liệu của người sử dụng theo yêu cầu của các nhà chức trách.

Bộ luật an ninh mạng chẳng làm gì để bảo vệ người sử dụng internet. Ngược lại, nó là một nỗ lực trắng trợn của chính quyền Việt Nam đàn áp sự diễn đạt trên mạng, với sự giúp đỡ của các công ty công nghệ hàng đầu – đặc biệt là Facebook và Google – khi bộ luật yêu cầu các công ty xóa bỏ nội dung trong vòng 24 tiếng, kể từ khi nhận được yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Có báo cáo rằng, các công ty của quý vị đã loại bỏ video và các tài khoản sau khi có yêu cầu của chính quyền Việt Nam, bao gồm các tài khoản của những người sử dụng ở California và Đức. Việc kiểm duyệt các tài khoản của người Mỹ gốc Việt là đặc biệt quan ngại.

Luật an ninh mạng đang gây khó khăn khi nó được đưa ra vào lúc tình trạng nhân quyền ở Việt Nam đang đi thụt lùi. Có hơn 100 người tù chính trị và tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, gồm các nhà báo công dân, các blogger, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và những người vận động cho quyền công nhân và dân chủ. Chính quyền Việt Nam kiểm soát gần như hoàn toàn thông tin. Theo chỉ số Tự do báo chí Thế giới năm 2018 của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Việt Nam xếp 175 hạng trong số 180 nước, và hiện đang có 25 nhà báo chuyên nghiệp và nhà báo công dân đang bị cầm tù.

Chúng tôi kêu gọi quý vị hãy thực hiện các nhiệm vụ của mình đã được quý vị tuyên bố để quảng bá cho sự cởi mở và hỗ trợ cho sự kết nối.

Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các công ty của quý vị:

1. Không lưu trữ dữ liệu của người sử dụng ở Việt Nam vì nếu làm như vậy, các dữ liệu này có thể bị Bộ Công An thu giữ không đúng cách, bất cứ lúc nào.

2. Thiết lập các nguyên tắc minh bạch liên quan đến việc xóa bỏ nội dung. Mặc dù chúng tôi hiểu sự cần thiết phải có các tiêu chuẩn cộng đồng rõ ràng, nhưng chúng tôi không chấp nhận việc gỡ bỏ những phát biểu chính trị hoặc nội dung của những nhà báo công dân, bởi vì nhà chức trách Việt Nam hoặc đội quân của chính quyền yêu cầu các ông làm như vậy.

3. Nhanh chóng đăng tải số lượng yêu cầu xóa nội dung từ phía chính quyền Việt Nam và số lần mà công ty của các ông tuân theo các yêu cầu như thế.

4. Chia sẻ kịp thời và bí mật với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tất cả các yêu cầu xóa nội dung của người dùng từ phía nhà cầm quyền Việt Nam và cho biết những yêu cầu nào quý vị đã tuân theo để chúng tôi có thể đánh giá xem ai đang bị nhắm tới và tại sao.

Nếu chính quyền Việt Nam ép buộc công ty của quý vị hỗ trợ và tiếp tay kiểm duyệt thì đây là vấn đề đáng lo ngại, cần phải được nêu ra về mặt ngoại giao và ở mức cao nhất. Là những thành viên của Quốc hội, chúng tôi mong muốn thảo luận với quý vị về những lo ngại của chúng tôi đối với luật an ninh mạng mới và những ảnh hưởng của nó đối với công ty của quý vị.

Trân trọng”


Bản tiếng Anh 




--------------------------------

RFA
2018-07-17

Có 17 nhà lập pháp Mỹ kêu gọi giới chức điều hành cấp cao Facebook và Google chống lại Luật An ninh mạng mà chính phủ Việt Nam vừa thông qua hôm 12 tháng 6. Những thay đổi được qui định trong luật này bị giới chỉ trích nói là tạo thêm quyền để nhà nước do đảng cộng sản lãnh đạo đàn áp đối lập.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật An ninh mạng.  AFP

"Nếu chính phủ Việt Nam ép buộc công ty của các bạn hỗ trợ việc cung cấp và kiểm duyệt, thì đây là một vấn đề đáng lo ngại cần phải được nêu ra ở mức cao nhất của ngoại giao. Chúng tôi đề nghị các bạn nên thực thi đúng nhiệm vụ các bạn đã cam kết là thúc đẩy sự cởi mở và kết nối”

Đó là nội dung trong lá thư của một nhóm 17 nhà lập pháp Hoa Kỳ gửi đến các CEO của Facebook và Google mà hãng tin Reuters có được và loan đi hôm thứ Ba 17/7/2018.

Reuters dẫn lời ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành của Liên minh Internet Châu Á (AIC), một nhóm công nghệ đã nỗ lực yêu cầm giảm nhẹ những nội dung của luât này trước khi nó được thông qua, rằng Luật An Ninh Mạng tác động bất lợi đến Việt Nam như  là một là một nơi thu hút đầu tư nước ngoài..

Đại diện cho 11 thành viên của AIC trong tuyên bố trả lời thư của 17 nhà lập pháp Hoa Kỳ, ông Jeff Paine cho biết, Việt Nam sẽ cần một cách tiếp cận tiến bộ hơn và có các quy định thông minh về công nghệ internet và các dịch vụ kỹ thuật số để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và người dân trong thời gian dài.

Phía chính phủ Việt Nam chưa có phản hồi về những yêu cầu được nêu ra.

Luật An ninh mạng được quốc hội Việt Nam thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.







No comments: