Sunday, July 15, 2018

BÌNH AN NHÉ QUỲNH (Phạm Thanh Nghiên)




15/07/2018

Một năm trước, Khôi nguyên của giải Nobel Hoà Bình (2010) là giáo sư Lưu Hiểu Ba qua đời vì bệnh ung thư gan. Sự kiện này gây chú ý từ công luận Quốc tế không chỉ vì ông từng được trao tặng giải thưởng cao quý bậc nhất thế giới, mà vì ông là một nhà hoạt động nhân quyền, và trên hết ông đang là một tù nhân lương tâm dưới chế độ độc tài tàn bạo bậc nhất thế giới: chế độ nhà tù Trung cộng.

Khi Lưu Hiểu Ba qua đời, tôi có một bài viết như một cách tưởng niệm về ông. Trong đó có đoạn “Tôi ngưỡng mộ Lưu Hiểu Ba, cảm phục ý chí, trí tuệ, tinh thần, tầm vóc của ông. Và dấy lên nỗi lo lắng cho những tù nhân lương tâm mang tên Trung Quốc, mang tên Việt Nam, mang tên xứ sở độc tài với không chỉ đói ăn, thiếu mặc, nhục hình, mà còn đối mặt với nhan nhản những thứ độc hại. Khoan hãy nói đến những nghi vấn về chất độc được xâm nhập vào cơ thể của người tù bởi sự ác ý. Sự thực cần phải được nhìn ra là từ nhà tù to đến nhà tù nhỏ mang tên Việt Nam, mang tên Trung Quốc đều đầy rẫy những mầm chết, khi mà môi trường đã bị chính những người cộng sản ở hai quốc gia này tàn phá.” 

Ngày hôm nay, sự lo lắng của tôi chẳng những không bớt đi, mà còn dấy lên như một nỗi ám ảnh triền miên. Ấy là khi nghe tin người bạn, người em của mình- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đang tuyệt thực trong tù. Nhà tù mà mấy năm trước đã đày đoạ tôi, và đày đoạ nhiều TNLT khác như Lê Thị Công Nhân, Cấn Thị Thêu, Trần Ngọc Anh, Trần Khải Thanh Thuỷ, Võ Thị Thu Thuỷ, Hồ Thị Bích Khương, Nguyễn Đặng Minh Mẫn... Nhà tù ấy mang tên “Trại 5” Thanh Hoá với những điều kiện giam giữ (có thể nói) khắc nghiệt bậc nhất trong hệ thống nhà tù tại Việt Nam. Song song với nó là đội ngũ Giám thị, cai tù tàn ác, tiểu nhân và “bẩn bựa” (cũng) bậc nhất cả nước, theo cách gọi của chính những người tù hình sự. 

Trong một lần thăm gặp gần đây, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan tường thuật lại rằng, con gái bà không thể ăn thức ăn của nhà tù vì “ thấy trong người khác lạ”. Cuộc gọi về nhà cho mẹ hôm 6/7, Như Quỳnh thông báo rằng sẽ “tuyệt thực”. Quá lo lắng, bà Lan vội vã sắp xếp công việc để vào thăm con vài ngày sau đó. Quỳnh vẫn tuyệt thực và đến hôm nay (15/7) đã bước sang ngày thứ 9. Lý do tuyệt thực (chẳng phải đòi hỏi gì ghê gớm) là phản đối cai tù dùng những chính sách hèn hạ, đê tiện để bách hại, trả thù cô- một nhà hoạt động nhân quyền được nhiều người biết tới. 

Sở dĩ tôi nhắc đến nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba và liên hệ với câu chuyện của blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vì thấy hai câu chuyện có nhiều điểm tương đồng. Họ là hai người bảo vệ nhân quyền nổi tiếng, được công luận quốc tế chú ý và cảm phục. Họ chịu những bản án tù nặng nề chỉ vì đấu tranh cho tự do, cho sự đổi thay của đất nước và chịu sự bách hại của cai tù. Chế độ bỏ tù họ là chế độ độc tài cộng sản. Và, cả hai đều được đề cử cho giải thưởng Nobel Hoà Bình. Ông Lưu Hiểu Ba đã được trao tặng giải thưởng danh giá này. Vinh quang của ông đã khiến cơn cuồng nộ mang tên độc tài Trung cộng trở thành điên loạn. Chúng trả thù ông. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được đề cử cho giải Nobel Hoà Bình năm 2018, cô có thể được, nhưng cũng có thể không. Song, chế độ độc tài Việt cộng đã trút giận lên đầu cô. Chỉ một câu tường thuật sau đây của cô Trịnh Kim Tiến, người bạn thân của Quỳnh, cũng là một thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam, cũng đủ chứng minh nhận xét của cánh tù hình sự rằng cai tù Thanh Hoá “bẩn bựa” là chẳng oan tí nào. “Không tin rằng Quỳnh có thể chịu được cơn đói, họ lén đặt máy quay, thường rình mò chị lúc nửa đêm”. 

Và lời kể của Quỳnh với mẹ khi bà tới thăm “Mấy người ở đây nói móc, nói nghéo con là tưởng sắp được đi Mỹ mà ngon à? Họ châm chọc trong sự ghen tị. Trong khi những việc này đều do họ tự tưởng tượng ra”. 

Chỉ tưởng tượng sự việc Quỳnh được đi Mỹ đã khiến bọn cai tù hộc lên như thế. Giả dụ Quỳnh được giải Nobel Hoà Bình thì không biết thế nào. Thế mới biết, tuy là “đàn em” của anh cả Trung cộng, nhưng độ tàn ác, lòng đố kỵ, sự “bẩn bựa” thì chẳng chịu nép vế đàn anh chút nào. 

Nhưng tôi tin, không thể có hai con người với những câu chuyện và số phận hoàn toàn giống nhau. Tôi tin- và hy vọng bạn tôi, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sẽ bình an, “bình an khỏi mọi biến loạn của thời cuộc”. 

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đến thăm khi tôi ra tù được gần 1 năm (2013) 

15.07.2018 
 Phạm Thanh Nghiên








No comments: