Thursday, July 5, 2018

ẢNH HƯỞNG CỦA CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG LÀ GÌ? (Karishma Vaswani - BBC Tiếng Việt)




Karishma Vaswani
Phóng viên chuyên về kinh tế Á châu
BBC Tiếng Việt    -   5 tháng 7 2018

Điều gì sẽ xảy ra khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây chiến với nhau?

Không phải là một cuộc chiến thực sự - nhưng Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu một cuộc chiến thương mại, và không ai biết là tình hình sẽ dẫn tới mức độ tồi tệ tới đâu.

Dưới đây là những điều mà một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể làm tổn hại tới chúng ta.

VIDEO :
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: ai được lợi?


Ăn miếng trả miếng
Có một danh sách các sản phẩm của Trung Quốc bắt đầu bị áp mức thuế quan 25% kể từ hôm thứ Sáu, trên thực tế sẽ khiến chúng đắt lên 25% cho người tiêu dùng Mỹ.

§  Các mặt hàng công nghệ như các con chip bán dẫn do Trung Quốc sản xuất. Những thứ này có trong các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như TV, máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, và xe hơi
§  Nhiều các sản phẩm khác nhau, từ đồ nhựa cho tới các lò phản ứng hạt nhân và thiết bị sản xuất sữa
§  Theo Viện nghiên cứu kinh tế Peterson Institute of International Economics, hơn 90% các sản phẩm nằm trong danh sách áp thuế của Mỹ là các sản phẩm đầu vào trung gian hoặc thiết bị sản xuất, tức là các sản phẩm mà chúng ta cần ở dạng nguyên liệu thô để làm ra các sản phẩm khác - do đó nó sẽ có tác động tới các sản phẩm khác nữa

Tuy nhiên, điều mà Mỹ thực sự muốn nhắm tới là các sản phẩm được làm ra theo chính sách Sản xuất tại Trung Quốc 2025 của Bắc Kinh.

Để trả đũa Hoa Kỳ, Trung Quốc tấn công vào các lĩnh vực sau:

§  Nông nghiệp Mỹ: tấn công vào các nhà nông và các trang trại Mỹ, một trong các mảng mà ông Trump đã dựa vào khi ra tranh cử. Chừng 91% trong số 545 sản phẩm Trung Quốc áp thuế là thuộc lĩnh vực nông nghiệp
§  Ngành xe hơi: các công ty như Tesla và Chrysler sản xuất tại Mỹ nhưng có sản phẩm xuất sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng
§  Các sản phẩm y tế, than, xăng dầu (nhưng không đáng kể).

'Trở nên đáng sợ'
Trong lúc Bắc Kinh đang rất mạnh trong việc đấm ngực và vung tay đầy khoa trương thì tình hình thực tế nghiêm trọng hơn nhiều.
"Các đầu mối của chúng tôi tại Trung Quốc nói rằng những thứ 'có vẻ như khá nghiêm trọng' hay 'điều này sẽ trở nên đáng sợ', thậm chí 'Tôi cho rằng có khả năng tình hình sẽ trở nên xấu hơn'," Vines Mottwani từ Trung tâm Nghiên cứu Con đường Tơ lụa (Silk Road Research) nói.
Gần đây, ông mới trở về từ một chuyến đi tới Trung Hoa lục địa.
Những nỗi lo này, ông nói, có thể được hiểu là "thái độ cảnh giác cao hơn và độ tin tưởng thấp đi" trong lúc các công ty đang tìm cách lèo lái để đi qua sự bất định trước mắt.
Điều này cũng có nghĩa là các kế hoạch phát triển công ty sẽ được để lại. Và nếu việc mở rộng ở Trung Quốc bị ngưng lại thì điều đó sẽ có tác động trực tiếp tới những phần còn lại của châu Á.

Dịch chuyển lĩnh vực sản xuất
Rõ ràng là nền kinh tế của Mỹ và của Trung Quốc đang đối diện với nhiều rủi ro nhất. Thế nhưng không chỉ hai nền kinh tế đó mà thôi.
Theo trưởng kinh tế gia của DBS, Taimur Baig, một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% tổng GDP của cả hai nền kinh tế trong năm nay. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi mà cả hai nước đều phải chứng kiến độ sút giảm trong mức tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn nữa.
Ông Baig nói thêm rằng "tính đến mức tăng trưởng của Trung Quốc là 6-7% và của Mỹ là 2-3%, chúng tôi tin rằng tổn hại cho Mỹ sẽ là lớn hơn so với Trung Quốc".

Nhưng các nước như Nam Hàn, Singapore và Đài Loan đều có thể cũng bị ảnh hưởng do gián đoạn dây chuyền cung ứng.
Trung Quốc cung cấp rất nhiều các linh kiện, thiết bị để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng ở các nước này.
Như Nick Marro của cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit chỉ ra, "bất kỳ vết lõm nào trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng" tới các nước đó.
Điều này có thể sẽ khiến cho hoạt động sản xuất đươc chuyển từ những nước này sang các nước khác, tuy nhiên, việc dịch chuyển sẽ cần có thời gian và khó có thể có nước nào sánh được với Trung Quốc về tầm mức quy mô hoạt động.

Tác động tiêu cực từ thị trường Trung Quốc
Rốt cuộc, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm đó.
Các hãng của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc cũng có thể phải đối diện với tác động tiêu cực.
Chẳng hạn như hãng xe hơi điện Tesla của Elon Musk đã nêu lên tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với hãng.
Nhưng hãng nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm vào Trung Quốc và do đó sẽ bị đánh thuế 25% trên các xe hơi bán vào Trung Quốc, sau khi đã đóng khoản 15% thuế nhập khẩu ở nước này.
Điều này sẽ khiến đẩy giá Tesla tại Trung Quốc lên, khiến hãng mất tính cạnh tranh.
Sự căng thẳng Mỹ-Trung cũng có thể dẫn tới việc "trì hoãn hoặc cản trở" tới khả năng Tesla phát triển hết tiềm năng ở Trung Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu Con đường Tơ lụa.

Có thể tệ đến mức nào?
Đây là câu hỏi mà tôi nêu ra với bất kỳ ai trong giới doanh nhân mà tôi gặp, và câu trả lời điển hình là: không ai biết sẽ thế nào.

Nếu nhìn lại lịch sử, thì các cuộc chiến tranh thương mại trong quá khứ từng dẫn tới tình trạng trì trệ kinh tế.
Biểu thuế quan Smoot-Hawley của Mỹ được công bố hồi 1930 được cho là đã tạo ra một cuộc chiến thương mại, và dẫn tới sự đi xuống ghê gớm của thương mại toàn cầu.
Như một nghiên cứu chỉ ra, thương mại thế giới giảm tới 66% trong thời gian từ 1929 đến 1934, trong khi xuất khẩu và nhập khẩu từ Mỹ qua lại sang châu Âu mỗi chiều đều giảm hai phần ba.

Tuy không ai nói rằng chúng ta đang ở tình thế như vậy, nhưng các doanh nghiệp đang ngày càng quan ngại hơn so với trước.
Tâm lý ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Washington có thể dẫn đến việc cả hai bên đối đầu nhau tới mức không thể xuống nước, ra khỏi vị thế thù nghịch mà không bị mất mặt.
Điều mà giới doanh nghiệp đang hy vọng là đây mới chỉ là giai đoạn đầu cho một loạt các tiến trình đàm phán khác.
Nhưng điều khiến người ta lo lắng là nếu không phải vậy thì tình thế sẽ leo thang, và mọi người sẽ trở nên nghèo hơn. Trong đó có cả tôi và cả bạn.








No comments: