Wednesday, July 4, 2018

AI SẼ LÊN THAY THẨM PHÁN KENNEDY? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
July 3, 2018
Một trong những nhà lập quốc Mỹ, Alexander Hamilton viết trong “Federalist Papers” rằng ngành tư pháp đỡ nguy hiểm nhất trong chế độ tam quyền phân lập; vì nó không tùy thuộc vào sức mạnh mà chỉ dựa vào “xét đoán” (judgment).

Nhận xét trên sẽ được thử thách trong thời gian tới, sau khi Thẩm Phán Tối Cao Anthony Kennedy, 81 tuổi, từ chức ngày 31 Tháng Bảy này, Tổng Thống Donald Trump sẽ đề nghị một ứng viên cho Thượng Viện phê chuẩn.

Câu chuyện này không có vẻ gì quan trọng so với những tin tức khác trên báo chí, như vụ bom hạch tâm của Bắc Hàn, chuyện chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc và các nước Châu Âu.

Nhưng một thẩm phán tối cao mới sẽ ảnh hưởng trên xã hội Mỹ trong nhiều thập niên tới, vì Tối Cao Pháp Viện có thể sẽ thay đổi, với năm vị thẩm phán nghiêng về khuynh hướng bảo thủ và được các vị tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm. Trong khi chỉ có bốn vị có khuynh hướng cấp tiến, hai vị có thể sẽ ngưng hoạt động trong vài ba năm nữa với tuổi tác cao hơn ông Kennedy, tạo cơ hội cho Tổng Thống Trump điền khuyết theo khuynh hướng của mình.

Tối Cao Pháp Viện đóng một vai trò lớn trong xã hội mà thường người dân không để ý. Trên nguyên tắc, các thẩm phán không làm ra luật lệ nào, họ chỉ được xét đoán dựa trên Hiến Pháp và luật lệ do Quốc Hội đưa ra. Nhưng có rất nhiều điều quan hệ tới đời sống mọi người dân mà Quốc Hội không làm luật. Nhất là khi Quốc Hội hay gặp cảnh bế tắc vì hai đảng chính trị lớn không thỏa hiệp được với nhau. Khi đó, khi một vụ kiện đưa lên Tối Cao Pháp Viện, chính các vị thẩm phán quyết định điều gì được phép, điều nào không được phép làm.

Những vấn đề lớn và cụ thể nhất như phá thai, hôn nhân đồng tính, cho tới những vấn đề nhỏ hơn như quyền thâu niên liễm của các công đoàn, việc phân chia ranh giới các đơn vị bầu cử, chính Tối Cao Pháp Viện đã quyết định chứ không phải Quốc Hội liên bang hoặc tiểu bang. Trong hoàn cảnh đó, việc bổ nhiệm một thẩm phán, tại vị suốt đời, cho tới khi chết hoặc tự ý rút lui, có ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta không ngạc nhiên khi các đại biểu Quốc Hội tranh cãi mạnh mẽ mỗi lần bàn chuyện này.

Năm 2016, khi Thẩm Phán Tối Cao Antonin Scalia qua đời, Tổng Thống Barack Obama đã đề nghị Thẩm Phán Merrick Garland vào thay. Nhưng đảng Cộng Hòa chiếm đa số trong Thượng Viện đã từ chối không đưa chuyện đó ra bàn, trong suốt 293 ngày. Họ muốn chờ kết quả bầu cử, với hy vọng sẽ có một vị tổng thống và đa số nghị sĩ cùng đảng. Họ tính toán đúng, năm ngoái đã chọn Neil Gorsuch, vị thẩm phán tối cao mới có khuynh hướng bảo thủ.

Vụ điền khuyết chỗ ngồi của Thẩm Phán Anthony Kennedy đặc biệt hơn. Vì ông Antonin Scalia vốn vẫn có khuynh hướng bảo thủ, cho nên thay thế bằng một vị bảo thủ khác cũng không làm nghiêng cán cân trong Tối Cao Pháp Viện.

Nhưng Thẩm Phán Anthony Kennedy hơi khác. Ông được Tổng Thống Reagan bổ nhiệm năm 1988. Trong ba mươi năm tại chức, ông Kennedy thường bỏ phiếu giống các đồng viện bảo thủ khác, nhưng nổi tiếng là “trung dung” vì đã bỏ phiếu theo khuynh hương cấp tiến trong một số quyết định quan trọng. Ông tôn trọng phán quyết năm 1973 của Tối Cao Pháp Viện công nhận phụ nữ Mỹ có quyền phá thai. Năm 2015, ông bỏ lá phiếu thứ năm cho quyết định công nhận hôn nhân đồng tính.

Vì vậy phe cấp tiến ở Mỹ hiện nay chỉ ước mong Tổng Thống Trump sẽ đề nghị một vị thẩm phán nào tương tự ông Kennedy, tức là không “bảo thủ 100%!” Trong lúc đó, phe bảo thủ chỉ mong ông Trump sẽ làm đúng lời hứa khi tranh cử, như ông từng nói sẽ đề nghị các thẩm phán tối cao bác bỏ phán quyết “Roe v. Wade” năm 1973, coi phá thai là một quyền của phụ nữ.

Án lệ Roe v. Wade đã trở thành đề tài sôi nổi nhất khi mọi người tranh luận về vị thẩm phán tối cao sắp tới. Trước đây nhiều đạo luật của các tiểu bang hạn chế việc phá thai một cách gắt gao đã bị Tối Cao Pháp Viện bác bỏ, với tỷ số 5-4 vì trái với án lệ Roe v. Wade.

Nếu vị thẩm phán tối cao mới có ý kiến khác, thì đến khi phán xử một vụ tranh tụng mới, có thể sẽ có đủ năm người để xóa bỏ án lệ Roe.

Nhưng chúng ta biết rằng khi ông Trump phỏng vấn để chọn vị thẩm phán tối cao mới, ông sẽ không đặt câu hỏi trực tiếp, hỏi người đó nghĩ gì về Roe. Khi ứng viên ra Thượng Viện các nghị sĩ cũng sẽ không đặt câu hỏi đó. Một vị quan tòa thường không muốn bày tỏ ý kiến trước phiên xử!

Năm 1986, khi cố Thẩm Phán Antonin Scalia ra trước Thượng Viện để được phỏng vấn trước khi phong nhậm, cố Nghị Sĩ Ted Kennedy đã hỏi ông có muốn lật ngược án lệ Roe v. Wade hay không, và ông Scalia đã từ chối không trả lời.

Hai nghị sĩ Cộng Hòa có thể bỏ phiếu chống ứng viên thẩm phán tối cao nếu biết họ có ý xóa bỏ Roe v. Wade. Đó là bà Lisa Murkowski đại biểu Alaska và bà Susan Collins, tiểu bang Maine. Chắc chắn họ cũng không hỏi thẳng về Roe v. Wade. Bà Susan Collins đã tuyên bố trước là sẽ chỉ hỏi ứng viên rằng họ có “tôn trọng các án lệ lâu đời” hay không. Nhiều người cho rằng Roe v. Wade đã thấm nhuần trong xã hội Mỹ từ hơn 40 năm, nếu xóa đi sẽ gây xáo trộn đời sống rất nhiều người dân. Nhưng các thẩm phán tối cao có thể bỏ phiếu hoàn toàn theo suy nghĩ của họ, không ai đoán trước được. Hơn nữa, trong 40 năm qua, các tiến bộ y học đã thay đổi vấn đề ngừa thai và phá thai, dù có luật lệ mới người ta vẫn thích ứng được dễ dàng hơn 40 năm trước!

Nhưng không phải vị thẩm phán tối cao được một đảng bổ nhiệm lúc nào cũng bỏ phiếu giống như ý muốn của đảng đó. Ông Kennedy là một thí dụ. Thẩm Phán Tối Cao David Hackett Souter cũng vậy. Ông được Tổng Thống George H. W. Bush bổ nhiệm năm 1990. Năm 1992 ông đã bảo vệ Roe v. Wade, vì không muốn xóa bỏ một án lệ trước áp lực chính trị. Năm 2000, trong vụ án Bush v. Gore ông Souter là một trong bốn thẩm phán không đồng ý bắt ngưng kiểm phiếu ở tiểu bang Florida. Họ chịu thua khi năm vị thẩm phán khác trong phán quyết đã đưa Tổng Thống George W. Bush vào Tòa Bạch Ốc!

Trong nhiều phán quyết gần đây, Chánh Án Tối Cao Pháp Viện Roberts, do Tổng Thống Bush bổ nhiệm, đã bỏ phiếu cùng với các đồng viện cấp tiến trong vụ xử liên can đến Tu Chính Án Hiến Pháp số 4, bắt buộc các công ty phải xin trát tòa, nếu muốn sử dụng những dữ liệu về nơi người ta dùng điện thoại di động. Thẩm Phán Gorsuch cũng vậy, trong phán quyết không cho chính phủ liên bang trục xuất những người phạm một số tội trọng, ông đã ở cùng phía với các thẩm phán cấp tiến.

Dân Mỹ đang bận tâm đến nhiều vấn đề chính trị quan trọng khác, trong đó có cuộc tranh cử Quốc Hội vào cuối năm nay. Nhưng trong một hai tháng tới, họ sẽ được nghe nhiều cuộc tranh luận về việc đề cử người lên thay Thẩm Phán Kennedy. Đây là một cơ hội cho người dân học hỏi về guồng máy chính trị nước Mỹ. (Ngô Nhân Dụng)








No comments: