Saturday, February 28, 2015

Công dân toàn cầu và tâm hồn bộ lạc (Nguyễn Khánh Trung)





Nguyễn Khánh Trung
Posted on Feb 27, 2015

Khởi đầu năm mới 2015 cả thế giới bàng hoàng về vụ khủng bố giết người hàng loạt tại toà báo châm biếm Charlie Hebdo – Paris – Pháp, đây có lẽ là một phần trong những phong trào thánh chiến mà điển hình nhất là sự nổi lên của “Nhà nước Hồi Giáo” đang làm cả thế giới lo lắng và rùng mình về mức độ bạo lực dã man chưa từng thấy mà các tay súng đã làm.

Ở một cực khác, chúng ta đang chứng kiến một thời đại mà biên giới quốc gia, khoảng cách địa lý dường như trở nên mờ nhạt, một chuyên gia của một công ty Mỹ có thể trả lời cho khách hàng tại Anh từ Ấn Độ; cách thức liên hệ trao đổi giữa hai đồng nghiệp trong một viện nghiên cứu ngồi bên cạnh nhau cũng không khác gì nhiều so với khi họ cách nhau nửa vòng trái đất.

Cả hai hiện tượng trên phải chăng là hai mặt của vấn đề “toàn cầu” và “bộ lạc” trong phát biểu của Piet Hein : “Chúng ta là công dân toàn cầu với tâm hồn bộ lạc”. Bộ lạc ở đây cũng có thể hiểu là quốc gia, là chủ nghĩa dân tộc hay rộng hơn là các thứ chủ nghĩa liên quan đến chính trị, tôn giáo và văn hoá, v.v…

Rõ ràng dù muốn hay không, dù mức độ hội nhập quốc tế thế nào, chúng ta cũng không thể và không nên cắt bỏ phần “bộ lạc” trong mỗi chúng ta. Và cũng không nên nhân danh “bộ lạc”, nhân danh cái riêng của mình để áp đặt, dùng bạo lực buộc những người khác, những nhóm khác phải theo các giá trị của riêng mình.

Không thể và không nên cắt bỏ “tâm hồn bộ lạc”

Không thể vì “tâm hồn bộ lạc” là những thể hiện “căn tính” (identité) riêng của mỗi con người hay mỗi nhóm người. Mỗi cá nhân chúng ta có một lai lịch văn hoá và tập tính trong cách nghĩ và hành động gắn liền với hoàn cảnh chính trị, xã hội văn hoá, tôn giáo và giáo dục cụ thể trong đó cá nhân lớn lên, nhân cách được hình thành, nên không dễ gì có thể “mật gốc” cho dẫu có hội nhập thế giới thế nào. Đây là điều hiển nhiên và cần thiết.

Không nên cắt bỏ phần “tâm hồn bộ lạc” vì khi chủ trương cắt bỏ hoàn toàn phần riêng để đón nhận các giá trị toàn cầu, điều này có thể đẩy chúng ta sang một cực quá khích khác nguy hiểm. Hãy hình dung, giả sử mọi công dân trên thế giới một ngày nào đó đều dứt bỏ căn tính văn hoá của mình để thành công dân của một “thế giới đại đồng”, thì thế giới đó thật buồn chán đơn điệu và sẽ hết sức sống, sự phát triển có lẽ sẽ dừng lại. Thế giới đó sẽ không còn động lực cạnh tranh để thay đổi đi lên, không còn sự khác biệt để khám phá, không còn những đối lập, những va đập tư tưởng để thúc đẩy tư duy con người làm việc và tìm kiếm những điều mới mẻ. Các suy tư của triết học, của khoa học xã hội lúc đó sẽ trở nên giáo điều, trở thành những loại ý thức hệ công cụ có thể được sử dụng bởi một nhóm người nào đó dắt mũi cả thế giới đi theo con đường mà họ muốn.

Nhưng cũng không nên tuyệt đối các thứ chủ nghĩa

Ở cực ngược lại, nếu “tâm hồn bộ lạc” quá mạnh, trở thành một thứ chủ nghĩa cực đoan như thái độ tự hào dân tộc mình có hàng ngàn năm văn hoá, rồi khinh thường những quốc gia khác chỉ mới thiết lập mấy trăm năm; hay xem tôn giáo mình là chân lý duy nhất đúng và xem phần thế giới còn lại là “ngoại đạo”, là ma quỷ cần tiêu diệt; hay chủ nghĩa chủ thuyết của mình hơn gấp vạn lần các thứ chủ nghĩa khác… Những điều như thế cũng sẽ làm thế giới không yên, là nguồn cội của chiến tranh xung đột, những gì chúng ta đang hằng ngày chứng kiến trên thế giới mà những vụ khủng bố là những ví dụ điển hình.

Đứng trước một hiện trạng toàn cầu hoá ngày càng sâu và rộng như đã nói, chúng ta không thể khép kín, không thể chống lại, chúng ta phải chấp nhận khuynh hướng này nếu chúng ta muốn phát triển xét về mặt cá nhân cũng như về mặt quốc gia. Như vậy để chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời, bước vào thế giới toàn cầu hoá nhưng đa dạng, đầy sự khác biệt, chúng ta phải hướng đến đào tạo mẫu người công dân thế nào cho phù hợp ?

Những tố chất và kỹ năng của công dân toàn cầu

Theo tôi, để có thể tồn tại và phát triển trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay, các quốc gia phải hướng đến đào tạo các “công dân toàn cầu”. Đó là hình ảnh của công dân có những kỹ năng, những tố chất để có thể sống, làm việc và kiến tạo và bảo vệ một thế giới hoà bình và dân chủ, các công dân đó phải hiểu biết các nền văn hoá khác nhau, có khả năng giao tiếp và hợp tác với nhau… và quan trọng hơn hết là thái độ bao dung và biết tôn trọng sự khác biệt.

Tôn trọng sự khác biệt, kính trọng người khác là một giá trị cốt lõi, là tiêu chuẩn văn minh từ lâu đã được đề cao trong giáo dục gia đình cũng như giáo dục nhà trường tại các nước dân chủ phát triển mà chúng tôi đã thấy rất rõ khi phỏng vấn các bà mẹ tại Pháp cũng như các giáo viên, các phụ huynh ở Phần Lan.

Tôn trọng sự khác biệt rất cần để mọi người có thể sống chung với nhau một cách hoà bình trong thế giới đa nguyên đa cực, cũng như để sống chung hoà bình với nhau trong cùng một xã hội luôn có bản chất là chín người mười ý. Công dân toàn cầu nên được giáo dục những giá trị phổ quát như các quyền cơ bản của con người đã được LHQ chủ trương.

Về mặt kỹ năng, Tony Wagner, nhà nghiên cứu giáo dục người Mỹ đưa ra “Bảy kỹ năng Tồn tại cho thế kỷ hai mươi mốt” này mà các trường phổ thông nên lấy làm mục tiêu đào tạo là: 1) Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề;
2) Hợp tác trong mạng lưới và lãnh đạo bằng ảnh hưởng;
3) Sự nhanh nhạy và khả năng thích ứng;
4) Tính chủ động và tinh thần doanh nhân;
5) Giao tiếp hiệu quả bằng lời nói và bằng văn bản;
6) Truy cập và phân tích thông tin; và
7) Tính ham hiểu biết và trí tưởng tượng.

Tóm lại, một công dân toàn cầu không phải là một công dân “mất gốc” như một số người hay lo lắng. Các nước có nền giáo dục hiện đại hôm nay không ai chủ trương xoá bỏ căn tính văn hoá của các cá nhân cũng như văn hoá vùng miền, mà ngược lại đang khuyến khích sự khác biệt hoá và tôn trọng sự khác biệt như một phương cách bảo vệ trật tự của xã hội dân chủ và đa dạng. Nói theo cách của giáo sự William Gaudelli (Đại học Columbia) là “…Vì vậy, rất cần thiết để chúng ta có cái nhìn bao dung hơn: chúng ta là con người. Để từ đó ta thấy được những giá trị nhân bản phổ quát, hiểu và tôn trọng sự khác biệt để chung sống với nhau trong đa dạng và hòa hợp”.

Nguồn: Thế giới tiếp thị






No comments: