Saturday, February 28, 2015

Thương nhớ Sài Gòn: Những khoảnh khắc còn tươi rói (Ngô Thị Kim Cúc - TGTT)





Ngô Thị Kim Cúc  -  TGTT
27/02/2015

Con đường từ nhà trọ đến trường ngắn và đẹp, chỉ qua một ngã tư là tới. Cả ba đường Thành Thái (nay là An Dương Vương), Trần Bình Trọng, Nguyễn Hoàng (nay là Hùng Vương) đều trồng chỉ một loại cây, cao, thẳng tắp và có một dạng hoa tuyệt vời: cây dầu. Tuổi của cây có lẽ đã hơn trăm năm, muốn nhìn thấy ngọn phải ngước lên mỏi cổ. Đường Cộng Hoà (nay là Nguyễn Văn Cừ) của trường Khoa học lại có một loại cổ thụ tàn lá rất rộng, sà thấp, và hoa cùng họ với mimosa: cây còng. Hoa còng màu hồng tím, mỏng mảnh, duyên dáng, trông hệt như một bông phấn, nở kín tán lá, cứ vào buổi chạng vạng là toả một mùi thơm dịu ngọt cả cung đường.

Hoa dầu bay trên đường đi học…

Sân trường Khoa học cũng đầy cây to. Cùng với còng là cây lim xẹt hoa vàng, không hương nhưng hoa nho nhỏ, rất đáng yêu. Tới mùa hoa nở, trên cao đan kín một màu vàng rực rỡ còn mặt đất thì tràn ngập một lớp dày những đoá hoa vàng rụng. Khiêm tốn hơn là hoa sứ, thua kém cả chiều cao lẫn tuổi tác so với các loại cổ thụ kia, nhưng hoa sứ trắng và hồng năm cánh mịn màng thanh tân cũng góp thêm một mùi hương dịu dàng trên những tà áo dài nữ sinh viên… Nam sinh viên Khoa học nhiều người làm thơ, viết nhạc… có thể bởi được “xúc tác” từ những mùa hoa/màu hoa đầy kín cả sân trường như thế…

Có những lần đi học trễ, tôi ba chân bốn cẳng bước thật nhanh để kịp vào giảng đường trước khi giáo sư có mặt. Vậy mà, bỗng dưng một cơn gió, rồi cả một bầy chim hàng trăm con từ những cành cây cao tít tung cánh bay xuống, lượn lờ chao liệng thật lâu quanh tà áo dài khiến tôi sững sờ dừng lại, ngơ ngẩn ngắm nhìn. Sài-Gòn-cây đáng nhớ nhất của tôi chính là những hàng dầu với thứ hoa diệu kỳ này… Giữa một đô thị tràn ngập dân tị nạn chiến tranh từ khắp nơi đổ về, giữa bầu không khí căng thẳng của quãng cuối cuộc chiến dài dằng dặc và màu vàng hoả châu ủ ê mỗi tối, cùng tiếng bom dội về từ vùng ven và khói lựu đạn cay trong sân trường tranh đấu… vậy mà cảnh hoa dầu bay khiến tôi hầu như quên hết… Hoa dầu ơi, cây dầu ơi… Bốn mươi năm, sau khi hàng cây giữa trung tâm Sài Gòn bị đốn hạ, người ta cho biết nhiều thân dầu đã bị rỗng còn bộ rễ bị cùi, chỉ sót lại một túm nhỏ đã mục, có thể bị giật đổ bởi bất kỳ cơn gió lớn nào… Tại sao? Tôi nghe rằng mỗi một cây trồng dọc những con đường của đô thị Sài Gòn đều được lập hồ sơ/tiểu sử để hàng năm, các bác sĩ cây khám bệnh và chăm sóc thuốc thang cho cây giữ được sức khoẻ vững bền cùng năm tháng. Cái gì/từ đâu đã khiến cho những cổ thụ hàng trăm năm tuổi bỗng trở nên èo uột yểu mệnh một cách đáng thương làm vậy?

Đường về Bảy Hiền ít vui nhiều buồn…

Nhà chú thím tôi ở Bảy Hiền. Để về nhà thím, tôi có thể đi hai chặng xe buýt hoặc xe lam: từ nhà trọ xuống Sài Gòn và từ Sài Gòn về Bảy Hiền. Xe buýt lúc nào cũng đông đặc, chen lấn khủng khiếp và tôi thường đứng để không bị xô đẩy bởi những kẻ giành ghế. Xe lam vốn thấp nhỏ và ghế chỉ đủ cho tám/mười người nhưng thường xuyên chở gần gấp đôi, vì nhiều khách sẵn lòng ngồi túm tụm giữa lòng xe, để sớm đến được nơi cần đến.

Đường Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn cũ, nay là đường Cách mạng tháng Tám. Ảnh: Darryl Henley.

Khách đi xe buýt xe lam nếu không phải sinh viên học sinh thì phần đông là người bình dân, tay xách nách mang. Nổi bật nhất là những người lính về phép. Chiến trận đang ác liệt. Lính thường có phép thưởng sau một trận đánh lớn. Những người lính da cháy nắng trong bộ binh phục bám đầy bụi đường, mũ sắt trên đầu, mồ hôi nhễ nhại, và luôn lộ vẻ âu lo nôn nóng. Tôi thường nép người tối đa, thu gọn hai tà áo dài khi có một hành khách như thế lên ngồi cạnh mình trên chiếc xe lam chật chội. Lúc xe chạy ngang quãng dài chỉ có toàn quán bar trên đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) tôi luôn nhìn ra. Khi nào cũng có vài cô gái trang phục tiêu biểu cho nghề nghiệp của họ: váy cực ngắn và áo lộ ngực, lấp ló sau những ánh đèn xanh đỏ. Quãng đường này người dân chẳng mấy khi đến gần, vì không có nhu cầu và vì sợ bị vạ lây do chất nổ hoặc do xô xát… Từng có những người lính không kiềm chế được sự giận dữ trước biển cấm dành cho họ, những kẻ từ tiền tuyến trở về, những kẻ đang lấy sinh mạng để bảo vệ an ninh cho thành phố…

Nếu đi xe lam tuyến đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám), tôi sẽ đi bộ một đoạn qua bệnh viện Vì Dân sau khi xe tới bến. Ở bùng binh giữa ngã tư Bảy Hiền có một áp phích với khẩu hiệu và hình vẽ ba cán bộ Việt Cộng răng hô mặt tóp đang đu trên một cọng đu đủ, bên cạnh là lá cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Giải phóng miền Nam.

Chiến tranh mỗi phút giây và trong từng mảnh nhỏ cuộc sống suốt cả tuổi trẻ tôi. Thời sinh viên, tâm trí tôi thường xuyên tràn ngập một nỗi buồn mênh mang, rã rượi, một nỗi đau không thể gọi tên… Thời đó, tôi nhớ rằng người Việt đang bắn giết lẫn nhau và chẳng biết đến bao giờ tấn thảm kịch này mới chấm dứt…

Đường Lê Lợi và chuyện phim chuyện đời…

Trung tâm Sài Gòn là nơi tôi đi lại nhiều nhất, sau trường Khoa học. Trừ những lần có hai chị từ Đà Nẵng vào chơi, tôi thường xuống phố một mình. Xuống xe, tôi đến ngay chỗ bán thứ mình cần mua hoặc vào ngay rạp có bộ phim muốn xem, không dành thời gian để “bát phố” như hầu hết mọi người.
Chiến tranh vẫn đeo đẳng tôi trong rạp xi nê. Bao giờ cũng là một phim thời sự trước khi chiếu phim chính. Và bao giờ cũng là lửa cháy, bom rơi đạn nổ và máu đổ người ngã… Máu đổ nhiều đến mức có vẻ như máu chẳng còn là thứ gì đáng quý nữa…

Rạp Rex ở ngã tư Lê Lợi, Pasteur. Ảnh: Darryl Henley.

Rex, Eden, Vĩnh Lợi là cụm rạp duy nhất tôi xem phim suốt những năm đại học. Bộ phim “Vĩnh biệt tình em” tôi xem đi xem lại mấy lần. Tôi bị ám ảnh bởi đoàn tàu lửa hỗn loạn trong chiến tranh, cảnh mùa đông ngập tuyết và những người lính mặc áo khoác nặng nề vung súng chạy và gào thét rồi bị bắn chết, ngã gục trên tuyết trắng. Tôi cũng muốn nhìn ngắm đôi mắt thăm thẳm luôn tràn đầy những câu hỏi của Lara (diễn viên Julie Christie) và vẻ đẹp đàn ông với bộ ria Nga của Zhivago (diễn viên Omar Sharif), và nghe không chán thanh âm da diết, giằng xé của bài hát Lara’s Theme…

Tôi cũng giữ mãi ấn tượng bộ phim Việt “Người tình không chân dung” để lại trong mình, bởi chuyện phim, diễn xuất của dàn diễn viên nổi tiếng bên cạnh vẻ đẹp và sự nhập vai tuyệt vời của nữ minh tinh Kiều Chinh. Tôi thích phim vì chất nhân văn của nó, về cuộc chiến tranh đang tàn sát bao nhiêu thanh niên và xé nát bao mối tình đẹp đẽ, biến tình yêu thành những vành khăn trắng. Bài hát trong phim cũng hay, đớn đau, sâu thẳm. Nó trùng hợp với những gì tôi hình dung về những người lính vô danh ở cả hai bên chiến tuyến…

Có một lần, ra khỏi rạp Rex, trên đường Lê Lợi, tôi bất ngờ chạm mặt một sinh viên sĩ quan trong lễ phục trường Lục quân Thủ Đức. Đó là Nguyễn, bạn cùng chứng chỉ SPCN, cùng nhóm thực tập với tôi. Anh chàng đen nhẻm, trông khác hẳn so với khi mặc sơmi trắng ngồi cạnh tôi trong giảng đường. Tôi hiểu là Nguyễn đã thi hỏng và phải nhập ngũ (trong khi tôi đậu ngay kỳ đầu). Vì tình thân với Nguyễn, tôi cho phép mình hỏi bằng giọng chê trách: sao Nguyễn không lo học, để thi rớt rồi phải vô lính thế này? Nguyễn nhìn tôi lúc lâu rồi mới đáp: bạn mà lại hỏi tôi câu đó sao? Giọng Nguyễn có gì đó chua chát, trách móc. Và tôi hiểu ngay mình đã sai. Tôi chẳng bao giờ để ý tới những “cậu bé” cùng lớp, nên tôi trở thành kẻ quá vô tâm… Sau lần đó, tôi không gặp lại Nguyễn. Chẳng rõ sau những cơn địa
chấn kinh hoàng trên đất nước, bạn tôi giờ phiêu dạt nơi nào…

Sài Gòn của tôi… Hàng ngàn câu chuyện, hàng ngàn hồi ức, hàng ngàn gương mặt… Chỉ cần phăng được đầu mối thì cả quá khứ sẽ ùa về, chật cứng trái tim tôi… Và tất cả hãy còn tươi rói, hãy còn nguyên vẹn, như mới hôm qua…

Ngô Thị Kim Cúc







No comments: