Saturday, February 28, 2015

Đảng mất mình đi đâu? (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Friday, February 27, 2015 7:11:53 PM

Không phải chỉ trong hàng ngũ công an mới có người đang đặt câu hỏi trên. Tất cả những kẻ đang nắm quyền hành và hưởng lợi lộc nhờ chế độ Cộng Sản cũng ôm nỗi băn khoăn này.

Đảng mất mình đi đâu? Có người đã chọn rồi: Đi Mỹ! Trên mạng Internet đã thấy hình ngôi nhà một ông phó thủ tướng đương quyền mua ở Anaheim, California, USA. Cả hình bằng lái xe ở California của con trai ông ta. Trong đảng họ phá lẫn nhau cho nên mới tiết lộ cho bà con biết, còn hàng ngàn căn nhà khác vẫn được giữ kín “bảo vệ đảng.” Chắc chắn nhiều cán bộ cao cấp cũng tìm đường chạy từ lâu rồi. Và họ cũng biết một quy tắc của nghề đầu tư là “Không để trứng tất cả vào chung một cái giỏ.” Nếu rớt, trứng bể hết. Cho nên, những kẻ quyền cao nhất, thế mạnh nhất, “đông tiền” nhất, họ đều biết phải “phân tản” (diversify) các món đầu tư cho tương lai. Một căn nhà ở Mỹ, một cái khác ở Đức, vài ba địa chỉ ở Úc, gửi tiền của đi chỗ nào xa xa nước Việt Nam đều tốt cả. Mà phải chọn những nơi an toàn. An toàn nhất là những nước dân chủ tự do. Chọn nơi nào có hệ thống tư pháp công bằng, trong sạch, tài sản của mình được luật pháp bảo vệ, không sợ có đứa nó ỷ quyền chiếm mất - như ở nước Việt Nam. Đem tiền sang các nước đó không những khỏi lo bị cướp mà dùng làm vốn sẽ sinh lợi cao hơn. Những nước có truyền thống dân chủ lâu đời cũng là những nước kinh tế lên cao nhất, nhờ tinh thần trọng pháp và luật lệ bảo vệ quyền tư hữu. Cho nên, các đồng chí chưa chắc đã mua nhà ở Quảng Châu, Côn Minh, Bắc Kinh, mà còn đem tiền sang các nước tư bản chính hiệu. Đó là tín hiệu con tàu sắp chìm, đàn chuột bỏ chạy trước.

Đảng mất mình đi đâu? Không phải ai cũng có tiền và có địa vị để chuẩn bị đường rút lai sang Tàu, sang Úc, Canada, Pháp, Đức, hay sang Mỹ.

Cho nên, đang lo lắng nhất bây giờ chắc là những người công an. Khẩu hiệu “Đảng còn thì mình còn” đã được nêu lên từ thời Trần Quốc Hoàn, Mai Chí Thọ. Công an tự nhận họ đóng vai “chó săn;” nhưng hãnh diện rằng họ “làm chó săn cho cách mạng!” Bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng Sản tài tình đã dựng hai chữ “cách mạng” như một vị thần hoàng để họ chui vào cung đình chia nhau ăn thủ lợn. Cái gì phục vụ“cách mạng” thì tốt, thì cao quý. Gán cho ai nhãn hiệu “phản cách mạng” thì xúi giục đám “quần chúng” côn đồ chửi bới, chém giết (Cải Cách Ruộng Đất), ám sát (Coi gương Khái Hưng, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm) ném phân vô cửa nhà người ta (Coi Hoàng Minh Chính, Trần Khải Thanh Thủy), hoặc đem vùi xuống đất đen (Coi Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần). Núp dưới bóng thần “cách mạng” đó, công an “phục vụ cách mạng” là công an an tốt, đáng tự hào. Họ có thể hãnh diện nhìn nhận công an an gắn bó keo sơn với đảng; họ hô to khẩu hiệu “Đảng còn thì mình còn” mà không thấy xấu hổ về cái vai trò ăn bám như loài ký sinh trùng.

Nhưng bây giờ, bức mặt nạ “cách mạng” đã rớt xuống. Đảng lệ thuộc ngoại bang đến mức không dám gọi tên những con tàu ăn cướp dân mình là Tàu Trung Quốc mà bắt các báo đài phải gọi là “tàu lạ.” Dân bèn chế nhạo: Coi chừng Người Lạ, Hàng Lạ! Chế độ gọi là “cách mạng” đã từng “học tập Mao Chủ Tịch” chia rẽ dân tộc, gây đấu tranh giai cấp, gây chiến tranh Nam Bắc, người Việt giết người Việt cho Trung Cộng thừa cơ chiếm quần đảo Hoàng Sa. Những công an dẫn đám côn đồ đàn áp các cuộc biểu tình đòi Hoàng Sa, Trường Sa của dân Sài Gòn, dân Hà Nội, phải tự nhìn thấy họ đang bị Đảng Cộng Sản xua đi phục vụ đế quốc đỏ Trung Hoa. “Mình còn” nhưng “Nước mất” thì ai sẽ trả lời cho con cháu đây?

Chính công an cũng thấy rõ chế độ bây giờ chỉ còn là một bộ máy cường quyền liên kết với tư bản đỏ tham nhũng, trục lợi. Đó là hậu quả không thể tránh được ở bất cứ nước nào do một chế độ độc tài đảng trị cầm quyền. Đảng còn ăn cướp được thì mình còn được ăn cướp. Nhưng họ cũng thấy hình ảnh những ngôi biệt thự xa hoa của những bí thư tỉnh ủy to lớn sang trọng hơn nhà mình trăm lần, ngàn lần. Họ đã thấy hình phòng khách trong nhà cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu toàn bảo vật quốc gia. Gần đây là hình trong nhà Nông Đức Mạnh, tường cũng dát vàng với hai cái ngai vàng chạm hình rồng, bắt chước vua chúa đời xưa. Người có học nhìn cảnh đó phải cảm thấy thương hại đám cựu tổng bí thư đua đòi “trưởng giả học làm sang” bày trò khoe khoang nhơ nhuốc! Ngoài những “của nổi” này, các vua chúa đỏ còn bao nhiêu “của chìm” cất giấu trong các ngân hàng, trong thị trường chứng khoán và bao nhiêu ngôi biệt thự đã mua ở ngoại quốc? Công an vẫn phải đóng vai “chó săn,” nhưng bây giờ họ đang làm chó săn cho loài vua chúa nhố nhăng đó chứ chẳng có thứ cách mạng nào cả.

 “Đảng còn thì mình còn nhưng đảng mất mình đi đâu?” Đó là câu hỏi đang ám ảnh những người công an biết suy nghĩ. Ở Việt Nam, Bắc Hàn và Trung Quốc.

Một mối lo ám ảnh nặng nề nhất là “ngàn năm bia miệng.”

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn không phải là người nhỏ mọn. Nhưng trước khi qua đời ông không thể không nhắc đến tên một tay chỉ huy công an ở Hải Phòng, mà nhờ cuốn sách “Hậu Chuyện Kể Năm Hai Ngàn” của ông bây giờ cả nước biết họ biết tên. Họ và tên ông này là Trần Đông, thường vụ thành ủy, giám đốc sở công an Hải Phòng. Trần Đông đã vu cáo, đầy đọa nhiều nhà văn, chỉ để chứng tỏ mình tích cực tham dự chiến dịch vu cáo “nhóm xét lại chống đảng.” Bỏ tù mấy nhà văn làm lễ dâng công với Lê Đức Thọ, nhờ thế Trần Đông được thăng quan, lên làm tới chức thứ trưởng. Con cháu ông Trần Đông có cảm thấy nhục nhã khi biết cha, ông mình đã làm những việc thất đức đó hay không?

Bùi Ngọc Tấn không muốn thanh toán mối thù riêng. Ông phải viết ra vì món nợ chung với bao nhiêu bạn tù bị guồng máy độc tài hãm hại. Không kể hết thì những mối oan khiên không bao giờ được cởi. Nhà thơ Hoàng Hưng viết lá thư mở đầu cuốn sách đã thông cảm nỗi lòng Bùi Ngọc Tấn. Cho nên ông đã viết những lời hứa, những lời nguyền: “Còn một ngày cũng sống sao cho ra sống! Vì thế chúng ta phải viết! Họ không muốn ta viết, ta phải viết! Họ sợ ta viết, ta phải viết! Họ cấm ta viết, ta phải viết!...”

Những người không viết, họ có thể quay phim, có thể chụp hình. Vì vậy những bức ảnh ngai vàng trong nhà Nông Đức Mạnh mới được đưa lên mạng. Người phóng viên cầm máy ảnh trong tay chứng kiến cảnh vàng son lố bịch đó tự cảm thấy mình phải giúp tất cả đồng bào trông thấy cuộc sống xa hoa nhố nhăng của các vua chúa đỏ! Người biên tập trong tòa báo cũng đồng ý. Dòng họ Nông sẽ đi vào lịch sử không phải vì ông Nông Đức Mạnh làm lãnh tụ Đảng Cộng Sản một thời. Cả cuộc đời làm tổng bí thư của ông ta không ai nhớ Nông Đức Mạnh đã làm gì, đã nói được câu nào cho ra hồn. Nhưng từ nay ai cũng nhớ hình ảnh hai cái ngai vàng chạm đầu rồng trong nhà Nông Đức Mạnh!

“Đảng còn thì mình còn nhưng đảng mất mình biết trốn đi đâu?”

Không ai trốn được ngàn năm bia miệng!

Những người công an bây giờ biết nhiều hơn, nhìn lại các thủ lãnh đời trước cũng phải thấy nhục, phải xấu hổ: Cả ngành công an đã thối nát ngay từ thủa ban đầu, không phải chỉ vì những tên như Trần Đông. Trần Quốc Hoàn, trùm công an toàn quốc cũng “phục vụ cách mạng” bằng việc “dẫn gái” và giết người bịt miệng. Hoàn đã đưa cô gái từ miền thượng du về cho Hồ Chí Minh, hai bác cháu dùng xong rồi đem thủ tiêu người phụ nữ xấu số bằng tai nạn ô tô. Vũ Thư Hiên đã kể rõ chuyện trong Đêm Giữa Ban Ngày. Ngàn năm bia miệng, biết trốn đi đâu?

Tất cả các chế độ độc tài thối nát đều sẽ tan rã. Những người công an phải đọc được các tín hiệu báo trước chế độ đang tan rã. Một gia đình nông dân ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đứng giữa chợ đả đảo chế độ Cộng Sản. Cậu con trai đã không ngần ngại hô khẩu hiệu “Tiêu diệt Đảng Cộng Sản!” “Tiêu diệt! Tiêu diệt!” Người mẹ còn hô to: “Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm!” Mà họ không chỉ hô một, hai lần! Lòng người dân phải chứa chất nỗi phẫn uất đến mức nào họ mới dám liều mạng hô to những tiếng “chết người” như vậy!

Chế độ độc tài chuyên chế nào cũng phải tan rã. Dân Việt Nam không ngu, không hèn hơn dân các nước Đông Âu. Công an mật vụ ở các nước này đã ngửi thấy mùi chế độ tan rã trước tháng 11 năm 1989. Cho nên khi chứng kiến cơn thủy triều dân chủ tự do dâng lên chính họ bỏ rơi Đảng Cộng Sản. Cuộc cách mạng ở Đông Đức không thể thành công nếu các công an Stassi đang gườm súng quyết định bắn vào đám biểu tình ngay trong ngày đầu ở thành phố Dresden. Dân thủ đô Praha nước Tiệp không thể tiến chiếm “Lâu Đài” nếu chính các công an không buông súng để ủng hộ. Đảng Cộng Sản Liên Xô tan hàng khi chính các sĩ quan KGB ngoảnh mặt đi, không cứu, dù chỉ bắn một phát súng. Trong cả ba nước đó, không một ai cất một ngón tay lên cứu Đảng Cộng Sản! Không một người nào nhỏ một giọt nước mắt tiếc thương! Tất cả cũng từng thuộc lòng câu: “Đảng còn thì mình còn!” Nhưng chính họ cũng nhiều đêm nằm vắt tay lên trán tự hỏi: “Đảng mất mình biết trốn đi đâu?” Và họ đã lựa chọn: Mình đứng về phía những người dân oan ức! Dân còn thì mình còn!

(Đoạn video biểu tình chống chế độ ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An ngày 10 tháng Hai năm 2015 có nối kết trên mạng là http://youtu.be/uRW1SBR0zZ4 , nhưng có thể đoạn phim này đã bị tiêu hủy rồi. Chúng tôi mới mở ra và chỉ thấy một hình mở đầu, chúc quý vị may mắn hơn).







No comments: