Thursday, November 26, 2009

ƯỚC GÌ VIỆT NAM CÓ NHIỀU PHÙNG LIÊN ĐOÀN !


Ước gì Chính phủ có nhiều Phùng Liên Đoàn…!
Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
Bài này được đăng lúc 00:41 ngày Thứ Năm, 26/11/2009
http://bauxitevietnam.info/c/19277.html
Đọc bài báo của bác Phùng Liên Đoàn, Điện hạt nhân: Bài học từ 127 nhà máy… (Bauxitevietnam, 22.1..2009), mới chợt hiểu ra rằng cái nghề sử nhai lại, ăn theo của tôi, nói cả ngàn câu không bằng một điều bác nói. Tôi chỉ ước ao, giá như các dự án, chính sách của Chính phủ Việt Nam hiện nay cũng tính toán đủ lẽ, đủ mọi đường và nhiều cách như bác.

Cha mẹ giỏi thì đời con đỡ khổ. Lãnh đạo tài thì vận nước hưng vinh. Đó là quy luật của muôn đời. Mushuhito (Meiji) năm 1858, khi ông 19 tuổi, đã đem đến cho nước Nhật sự đổi thay vô tiền khoáng hậu: Một nước mà tài nguyên hầu như chỉ có bão tố và động đất, đúng 100 năm sau (1968) đã làm được như lời thề của ông – Học hỏi phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt phương Tây sau 100 năm.

Bài học của Nhật Bản cũng như bài học từ vở bi kịch nổi tiếng của Sophocles (thế kỷ V tr. CN) – Eudipe làm vua (Eudipus The King), từ Hy Lạp, là bài học về trách nhiệm của nhà lãnh đạo. Nếu thật sự vì dân thì nhà lãnh đạo thời nay hay thời xưa đều phải lo đủ mọi đường, sao cho cuộc sống của người dân tốt nhất cho dù nhà lãnh đạo có bị nhiều mất mát. Cách tính và những gì mà Phùng Liên Đoàn đã đưa ra trước bàn dân thiên hạ là cách lo toan chỉnh chu và nhân văn hết mực. Bác Phùng Liên Đoàn đã lo cho dân (việc làm), lo cho nước (những hậu hoạ và nợ nần vô lý, trong khi có cách thức khác tốt hơn), lo cho cả ngày mai khỏi bất trắc, tai ương…

Tôi đọc mà cứ nghĩ rằng ước gì Chính phủ của ta hiện nay có một vài người (chỉ cần một vài thôi) tâm huyết, nhìn xa, hiểu rộng như Phùng Liên Đoàn trong cách nghĩ về điện hạt nhân. Chắc chắn khi đó vận nước sẽ thay đổi, vì cuộc đời chẳng khác gì một bàn cờ, chỉ tính sai một nước đi thôi, thực tế sẽ là sụp đổ và thảm hoạ. Nếu (xin lỗi nếu tôi hiểu sai) điện hạt nhân là cái bánh ngon và to nhất, chưa từng có bao giờ nên không thể không có, không thể không “ăn”, thì trước khi ăn cái bánh màu mỡ đến mức khó lường ấy, cũng nên tính cho kỹ, cho hết các hậu hoạ – ít nhất là cho đủ “một số đời”.
Vì sao nước thì nghèo mà cái gì cũng muốn làm to, hoành tráng, ước vọng thật nhiều bằng gánh nặng nợ nần? Cứ hy sinh tương lai để thoả mãn tham vọng của hiện tại là tư duy theo lối nào?
Chẳng có người cha có lương tâm nào sau khi chết lại để một núi nợ và nguy hiểm cho con cái. Đó là nguyên tắc của sự trường tồn. Vẫn biết các nhà lãnh đạo thời nay coi người dân chẳng khác gì những con số, nhưng cứ hoài vọng rất mỏng manh rằng, ít nhất các vị, trong một thời điểm lắng lại nào đó, ở một nơi nào đó, bất chợt nghĩ đến hậu vận nước nhà.

Đã có ai ở Việt Nam đi chui nhủi hết nhà máy điện hạt nhân này đến nhà máy điện hạt nhân khác như Phùng Liên Đoàn hay chưa? Nếu chưa, tại sao không mời về để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm? Tại sao lấy cái tư duy từ vai cày để đo cung cách chế tạo xe hơi?

Chúng ta cứ bàn, cứ thảo luận về điều mà mình không hề biết rõ, đó là cung cách mà cha ông đã nói: Người mù sờ voi.
Một Chính phủ điều hành vận mạng quốc gia mà không hiểu hết những bất trắc khó lường, những gánh nặng kinh tế cuả đất nước thì làm sao có thể đoan chắc được rằng đất nước sẽ mạnh giàu?

Huế, 22.11.2009
H.V.T

HO Mạng Bauxite VIệt Nam biên tập



No comments: