Friday, November 27, 2009

CÂU CHUYỆN THUYỀN NHÂN VIỆT NAM : CẬP BẾN TỪ ĐỊA NGỤC

Câu chuyện thuyền nhân Việt Nam - Cập bến từ địa ngục
Katja Iken
Tạp chí Tấm Gương (Der Spiegel)

Hồ Gươm chuyển ngữ
Thứ Sáu, 27/11/2009
http://danluan.org/node/3417
Cướp biển, bão tố, cái nóng đổ lửa: hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mạng ở biển Đông trên hành trình chạy trốn trước những người CS. Quàn Huệ Phương đã sống sót và là một trong những người Việt tị nạn đầu tiên đến nước Đức sau 45 ngày ác mộng.

Không một ai, ngay cả người bạn đời cũng vậy, có thể thuyết phục được Quàn Huệ Phương vứt bỏ đi tấm chăn dạ màu nâu. Hàng chữ "DRK" (Hội chữ thập đỏ Đức- ND) in to nổi bật trên nền chăn đã hơi bị sờn. Nhân viên cấp cứu đã khoác tấm chăn này lên vai cô gái Việt Nam đang run rẩy vì lạnh, sau khi cô bước chân xuống sân bay Hanover-Langenhagen vào một buổi sáng chủ nhật ảm đạm ngày 03/12/1978. Quàn Huệ Phương thuộc 163 người Việt Nam tị nạn đầu tiên, cách đây 30 năm được tị nạn ở CHLB Đức.
Làn sóng đỏ đã xua đuổi họ phải chạy trốn ra biển cả. Sau nhiều năm chiến tranh tàn khốc, ngày 30/04/1975 xe tăng quân đội Bắc Việt đã lăn bánh ở thủ đô Sài gòn của Nam Việt. Với sự chiến thắng của Cộng sản, cuộc săn lùng những đối tượng được coi là kẻ thù tiềm tàng đã được khởi động, đặc biệt là đối với người Việt gốc Hoa, nhân viên chính quyền Sài Gòn cũ, những người phục vụ trong quân đội và những người được gọi là giới tư sản. Chỉ cần ai có dấu hiệu khả nghi là những người cầm quyền mới sẽ tống họ lập tức vào trong các trại cải tạo.
Không điều gì có thể tồi tệ hơn được nữa. Để thoát khỏi cuộc truy lùng của Cộng Sản, khoảng 1,5 triệu người đã quyết định trốn chạy. Họ leo lên những chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé, những chiếc ghe mục ruỗng và rời bỏ mảnh đất của họ với một mục tiêu vô định. Họ lại xuất hiện trở lại trong những chương trình phát thanh - truyền hình của thế giới Phương Tây với tên gọi "Thuyền Nhân"- là những người mà số phận không biết sẽ đi về đâu.

12 cây vàng cho mỗi đầu người
Quàn Huệ Phương đã được chứng kiến khi người ta áp giải người anh rể đi, "những người bộ đội họ đến vào ban đêm và bắt mọi người mang đi", cô gái Miền nam Việt Nam hiện đang sống tại thành phố Göttingen vẫn đang bị ám ảnh mạnh mẽ về những việc xảy ra trong quá khứ kể. Mặc dầu cô muốn kể lại câu chuyện của mình vì không muốn số phận của những người thuyền nhân bị rơi vào trong quên lãng nhưng cô cũng không muốn xuất hiện để trở nên nổi tiếng và có khi còn có cả một tấm ảnh chụp kèm theo.
Cha mẹ gốc người Hoa của cô năm xưa có một tiệm cắt tóc tại Sài Gòn và đạt được một cuộc sống hạnh phúc đơn sơ, và như vậy cũng đủ để rơi vào vòng ngắm của những người Cộng Sản. Cô gái 18 tuổi Quàn Huệ Phương lúc đó đã đi đến một quyết định, vào một buổi chiều nắng ấm tháng 10 năm 1978, cô đã cùng với 4 anh chị em bước lên một chiếc ghe xộc xệch với một ít bánh mì, 100 đô la và một vài cặp nhẫn vàng ở trong túi.
Bố mẹ của cô phải ở lại Sài gòn và họ phải mua tự do cho con cái mình với một cái giá cắt cổ - quan chức tham nhũng của một thể chế thù ghét bọn tư bản đòi 12 cây vàng cho mỗi đầu người, lúc đó họ cũng không biết rằng liệu họ còn có thể được ôm trở lại những đứa con của mình trong vòng tay hay không.
- "Nỗi kinh hoàng trước những người cộng sản còn lớn hơn cả nỗi sợ bị chết ở ngoài biển cả" Quàn Huệ Phương kể.
Một định mệnh mà hàng ngàn người VN đã nhanh chóng gặp phải: Rất nhiều người đã chết đuối vì tàu của họ bị lật chìm trong bão tố, những người khác thì chết khát hoặc trở thành nạn nhân khi bị rơi vào tay hải tặc trong vịnh Thái Lan, chúng cướp những đồ đạc ít ỏi của họ rồi rốt cuộc ném họ xuống biển.

Địa ngục trên con tàu Hồng Hải
Những ai vượt biển thành công và cập bến ở Hồng Công, Thái Lan, Singapore, Mã Lai sẽ phải nhìn thấy một hiện thực cay đắng mới hiện ra trước mắt: Thuyền nhân không được chào đón ở bất cứ nơi nào. Cư dân của những đất nước đang gặp nạn nhân mãn tống giam những vị khách không mời vào những trại tị nạn được rào bằng những hàng rào dây kẽm gai, ném đá xua đuổi những kẻ mới cập bến hoặc đẩy tàu của họ trở ra biển ngay lập tức. Có bao nhiêu thuyền nhân Việt Nam bị chết trên đường vượt biển ở biển Đông? điều đó không được rõ, những chuyên viên ước chừng một con số lên tới nửa triệu người.
Chỉ là một sự tình cờ hoàn toàn ngẫu nhiên, Quàn Huệ Phương và các anh chị em của cô được sống sót. sau vài ngày lênh đênh trên biển, chiếc thuyền bé nhỏ của họ đã gặp được một chiếc tàu mà sau này đã trở nên nổi tiếng: Tàu Hồng Hải.
- "Chúng tôi nhìn thấy chiếc tàu và chúng tôi cứ thế trèo lên", cô gái Việt Nam kể, bất cứ chiếc thuyền tị nạn nào, đang hướng về phương Tây với cái nhìn buồn thảm tuyệt vọng, rốt cuộc cũng sẽ phải hành động như vậy. Ở một khía cạnh nào đó, ở đây họ được an toàn hơn trước bão tố và hải tặc, và bởi vậy một địa ngục mới lại mở ra: một con tàu cũ nát và bị quá tải tới mức tuyệt vọng với 2504 hành khách. Đói, khát, bệnh tháo chảy và chật chội đã đẩy những người tị nạn tới bến bờ của sự rồ dại.
- "Điều tệ hại nhất lại là sự tẻ nhạt" Quàn Huệ Phương kể, dù cô đưa mắt nhìn đi đâu cũng thấy biển bao la vây quanh, sự chờ đợi trở nên đông cứng lại, thậm chí ngày sinh nhật lần thứ 19 của cô gái trẻ cũng bị quên lãng vì bị mất cảm giác về thời gian trên suốt hành trình trốn chạy. Những ngày đầy đau khổ tuyệt vọng cứ nối tiếp nhau không ngừng, cứ vậy kéo dài cho tới tận ngày 09 tháng 11.

Cơn ác mộng trôi qua
Cuộc hành trình vô định kéo dài hàng tuần lễ và con tàu Hồng Hải đã tới được bờ biển Port Kelang của Mã Lai, nhưng chính phủ Mã Lai không cho phép họ rời con tàu mà kéo họ trở ra ngoài biển.
- "tàu chiến của họ quần thảo quanh tàu của chúng tôi liên tục ngày cũng như đêm để không một ai trong chúng tôi có thể trốn vào đất liền", Quàn Huệ Phương kể, người ta thậm chí còn không cung cấp nước uống, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho những người tị nạn đang tránh ánh nắng mặt trời nóng như đổ lửa dưới những tấm bạt rách nát.
Hình ảnh của con tàu vô tổ quốc bềnh bồng trên bờ biển Mã Lai được truyền tải vào tận phòng khách của người dân các nước công nghiệp phương Tây trong thời điểm ngay trước lễ giáng sinh năm 1978. Dư luận thế giới rúng động, và sự trợ giúp cũng đã sẵn sàng ngay sau đó. Bằng sự tiên phong can đảm, ông Ernst Albrecht (CDU- đảng dân chủ thiên chúa giáo), thủ tướng tiểu bang Niedersachsen, CHLB Đức khi đó, đã mở đầu bằng việc đón nhận 1000 thuyền nhân trong đó có 644 thuyền nhân thuộc tàu Hải Hồng, sau đó các quốc gia khác nối tiếp tấm gương đó. Cơn ác mộng trên biển đối với Quàn Huệ Phương và những thuyền nhân khác trên con tàu Hải Hồng đã thực sự đi tới hồi kết.
Ai và sẽ định cư ở quốc gia nào được quyết định bằng hình thức bốc thăm.
- "Nước Đức? chúng tôi không biết gì về quốc gia đó ngoài việc biết Hitler đã từng ở đấy" Quàn Huệ Phương kể và cười.
Đi định cư ở đâu đối với cô không quan trọng, quan trọng là được rời bỏ cái nhà tù nổi mà 45 ngày đêm cô đã bị nhồi nhét ở trong đó. Cô và những người đã được lựa chọn khác chỉ được phép ở trên đất Mã Lai có vài giờ đồng hồ, sau đó chiếc Boing 707 của không lực Đức cất cánh và bay một đoạn đường xa 12.000 km để đưa họ tới quê hương mới. Vào lúc 7 giờ sáng, 163 thuyền nhân trong đó có 72 trẻ em đã hạ cánh ở sân bay Langenhagen.
"Chúng tôi biết rằng, các bạn đã phải vượt qua những đau khổ và khó nhọc như thế nào và chúng tôi có thể bù đắp cho các bạn, như bây giờ các bạn có thể cảm nhận thấy, hiện nay các bạn đã đến một đất nước mà các bạn có thể sống một cuộc sống tự do mà sẽ không bị bất kỳ một ai áp bức". Ông Albrecht, thủ tướng tiểu bang Niedersachsen đã chào đón những người tin nạn đầy mệt mỏi với những nụ cười tươi tắn trước những ống kính bằng những lời như vậy tại sân bay.
- "Tôi không hiểu lấy một từ" Quàn Huệ Phương kể, lúc đó cô rất mệt mỏi nhưng phấn chấn và đầy lòng biết ơn.

Tôi đã trở thành người Đức
Bắt đầu từ đây, mọi chuyện đều chuyển biến rất nhanh: từ trại tiếp nhận ở thành phố Friedland người ta đưa cô gái trẻ đến ngôi làng nhỏ Bahlburg thuộc tiểu bang Niedersachsen, ở đó cô sống với những anh chị em của mình trong một ký túc xá dành cho thanh niên. Những thành phố tiếp theo mà cô dọn đến ở là Celle, Hamburg và rốt cuộc là thành phố Göttingen, nơi mà cô vẫn sống ở đó cho tới ngày hôm nay.
Giống như nhiều người khác trong tổng số khoảng 38.000 thuyền nhân Việt Nam chạy tị nạn và được đón nhận ở nước CHLB Đức kể từ sau năm 1975, Quàn Huệ Phương đã tìm thấy ở đây một quê hương mới.
- "Tôi đã trở thành người Đức" cô gái, đã học ngành tin học và quản trị xí nghiệp và hiện đang làm việc trong trường đại học tổng hợp Göttingen, nói.
Cách đây bốn năm cô đã trở về thăm lại thành phố Sài Gòn, quê hương cũ. Cô thật sự bị sốc vì bầu không khí ô nhiễm nặng nề, vì những tiếng ồn và những cảnh tượng của rất nhiều người tàn tật, nạn nhân của chất độc màu da cam, chất độc mà nước Mỹ đã sử dụng để làm rụng lá cây trong rừng trong cuộc chiến tranh Việt Nam năm xưa.
Giờ đây, cô gái Việt Nam đã quen ngay cả với cái giá lạnh mùa đông ở nước Đức, khi nhiệt độ xuống tới độ âm, cô chui mình vào trong chiếc chăn chiên màu nâu của hội Chữ Thập Đỏ Đức, tấm chăn mà người ta đã khoác lên vai cô ở sân bay gần thành phố Hanover năm xưa.
Katja Iken
___________________

Ảnh và chú thích:

Ảnh 1: Cuộc trốn chạy đến Mã Lai: Một người tị nạn Việt Nam với bé trai và một chút của cải cuối cùng trên tay đang chờ được phép vào đất Mã Lai từ một con tàu chật cứng người vào tháng 5 năm 1979. Không phải tất cả các con tàu vượt biên được phép cập bến ở đây, phần lớn các con tàu trong số họ lại bị chính quyền Mã Lai đẩy trở ra biển.
http://danluan.org/files/u2/9664aefeas.jpg

Ảnh 2: Trên con tàu Hồng Hải: Với những chiếc ghe, thuyền cũ nát như con tàu vận tải Hải Hồng này, những thuyền nhân đã tìm cách vượt thoát khỏi quê hương miền Nam VN của họ sau khi quân đội miền Bắc tiến quân vào hồi năm 1975. Sau một tuần lênh đênh vô định trên biển, vào tháng 11 năm 1978 chính quyền Mã Lai vẫn không cho phép 2500 người tị nạn trên tàu Hồng Hải được bước lên bờ.
http://danluan.org/files/u2/b44febb7ac39.jpg

Ảnh 3: Trên boong một con tàu tị nạn: tình trạng kinh hoàng trên những con tàu tị nạn, vô số người Việt đã tìm cách trốn chạy sự khủng bố ở quê hương của họ trên những con tàu như thế này. Họ trốn tránh ánh mặt trời như thiêu đốt chỉ bằng những tấm bạt bằng nhựa như trên con tàu Tùng An hồi tháng 12 năm 1978. Con tàu với khoảng 2300 thuyền nhân đã cập bến Manila nhưng chính quyền Philippinen từ chối không tiếp nhận những thuyền nhân đã kiệt sức.
http://danluan.org/files/u2/1bc6282b86bd7f2dca32dc.jpg

Ảnh 4: Niềm hy vọng cuối cùng: Những thuyền nhân đang tự cứu lấy nhau từ một con tàu đang chìm trước bờ biển Mã Lai hồi tháng 12 năm 1978. Đến giữa năm 1979, Mã Lai đã đón nhận thuyền nhân Việt Nam nhiều tới mức chính quyền Mã Lai quyết định từ chối không tiếp tục cho cập bến nếu các nước khác không nhận những người Việt Nam đến định cư.
http://danluan.org/files/u2/a40db9f73f0c6cc5a2b418644s.jpg

Thuyền nhân trên tàu Hồng Hải: Mùa thu năm 1978, tình cảnh khủng khiếp trên tàu, hơn 2500 người tị nạn Việt Nam sống chen chúc nhau trên tàu Hồng Hải và hy vọng rằng, cuối cùng rồi sẽ được bước lên mảnh đất xa lạ.
http://danluan.org/files/u2/b53bf7189cb09f87647c5881517s.jpg




No comments: