Friday, November 27, 2009

KHÔNG NÊN ĐÙA VỚI ĐIỆN NGUYÊN TỬ

Không nên đùa với điện nguyên tử
Phạm Khiêm
2009-11-26, 13:53
http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2009/11/noi-va-lam-trong-linh-vc-nguye.html
Quốc hội Việt Nam vừa bỏ phiếu chấp thuận dự án xây nhà máy điện hạt nhân. Mừng hay lo chưa rõ, một số chuyên gia cho rằng đây chỉ là điểm khởi đầu của một giai đoạn nhiều thách thức sắp xảy đến.

Cứ cho rằng từ nay trở đi chính phủ đã được bật đèn xanh để lên dự án, chọn công nghệ, tìm nhà thầu, đàm phán về vốn đầu tư, chọn nơi chôn thanh nhiên liệu đã dùng qua, đào tạo nhân lực, hình thành chiến lược chống khủng bố, bên cạnh vô vàn những chuyện khác...
Nhiều công dân Việt Nam mong muốn các ý kiến phản biện của khoa học gia và đại biểu quốc hội kêu gọi lối suy nghĩ cẩn trọng và có trách nhiệm về điện hạt nhân đã được ông Bộ trưởng Công thương để ý tới.
Và tôi hoàn toàn hiểu trăn trở của chuyên gia cũng như các vị dân cử về khả năng hoàn thành dự án loại vô tiền khoáng hậu này tại Việt Nam.

Xây nhà máy điện hạt nhân là một dự án thuộc loại lớn, tinh vi và phức tạp. Có ý chí hay có sự hậu thuẫn của Quốc hội thôi chưa đủ.
Rất ít nhà máy điện hạt nhân trên thế giới hoàn tất trong thời hạn đề ra, và thường tốn thêm vài tỷ đôla so với ngân sách ban đầu.
Điều này xảy ra ngay tại Phần Lan, một nước công nghệ phát triển ở Bắc Âu. Quốc gia này đã làm ngạc nhiên thế giới khi quyết định xây một lúc nhiều lò phản ứng.
Hiện Phần Lan có 4 lò đang hoạt động. Công suất tương tự như hai nhà máy hạt nhân sắp xây tại Ninh Thuận. Tuy nhiên quá trình xây lò thứ 5 đang gặp nhiều trục trặc ngoài ngoài dự kiến. Anh Quốc là nước đầu tiên tại Âu châu đưa điện hạt nhân hòa lưới quốc gia. Nhà máy đặt tại Calder Hall, vùng Cumbria đi vào hoạt động năm 1956. Cho đến nay nước này có 19 lò phát điện.

Cơ quan giám sát lò hạt nhân của Anh cho hay tất cả các nhà máy điện hạt nhân tại hòn đảo nước Anh đều xây lâu hơn thời gian hợp đồng. Tại Phần Lan, Công ty Pháp Areva là tổng thầu xây lò phản ứng thứ năm tại nước này. Đây là lò thuộc thế hệ thứ ba, loại Evolutionary Power Reactor (EPR), với các đặc điểm an toàn, giá cả phải chăng, có thể sản xuất hàng loạt.

Theo điều tra của chương trình tin tức Newsnight của BBC, tiến độ thi công lò này đang bị chậm mất ba năm, chi phí đắt hơn vài tỷ đôla so với dự tính ban đầu. Đã thế nhà thầu xây dựng mắc phải 3.000 lỗi trong quá trình xây cất, hoặc đổ nền móng.
Theo Newsnight, Cơ quan Giám sát Lò hạt nhân của Phần Lan (STUK) đã yêu cầu ngưng xây dựng một số lần do quan ngại về an toàn. Petteri Tiippana giám đốc của STUK cho Newsnight hay, thật khó hoàn tất dự án điện hạt nhân theo thời hạn đề ra vì rất ít công ty xây dựng đáp ứng được độ chuẩn xác về xây cất mà dự án năng lượng hạt nhân đòi hỏi.
Lý do, theo ông Tiippana, gần đây thế giới xây ít lò phản ứng hạt nhân, các hãng xây dựng không tích lũy được kinh nghiệm. Ông đặc biệt quan ngại về chất lượng bê tông dùng làm móng lò. "Công ty xây dựng dùng bất cứ loại xi măng nào họ có trong tay, trong khi phần này cần độ kết dính và sự ổn định cao nhất," ông Tiippana cho Newsnight hay.
Ban đầu công ty Areva của Pháp có thể đã quá lạc quan. Khi ký hợp đồng họ nhất mực nói rằng đến tháng Năm 2009 công ty sẽ bàn giao lò hạt nhân EPR cho Phần Lan. Và nói rõ, dự án sẽ không bị đội giá, thời gian hoàn tất như hứa hẹn.
Đến nay Areva dọa bỏ cuộc giữa chừng, trừ phi chính phủ Phần Lan bơm thêm tiền cho dự án. Họ dự tính đến 2012 mới xây xong lò này. Chi phí sẽ đắt hơn dự tính ban đầu khoảng 3 tỷ euro.

Vậy bằng cách nào Việt Nam xây nhà máy điện hạt nhân mà không bị đội giá? Liệu Cơ quan giám sát An toàn hạt nhân của Việt Nam có quyền, và đủ kiến thức, yêu cầu ngưng xây các hạng mục mà họ cho là thiếu an toàn?

Có phải quá trình xây nhà máy điện hạt nhân là một cuộc hành trình đầy trắc trở?

Hãy cho tôi biết ý kiến của bạn.
http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2009/11/noi-va-lam-trong-linh-vc-nguye.html




No comments: