Sunday, November 29, 2009

NHỮNG QUẢ BOM NỔ CHẬM CỦA BIẾN ĐỐI KHÍ HẬU

Những quả bom nổ chậm của biến đổi khí hậu
Bảo Thạch
Bài đăng ngày 29/11/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 29/11/2009 12:46 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/119/article_5865.asp
Theo Viện nghiên cứu về khí hậu tại Postdam, Đức, sẽ khó mà đảo ngược việc lớp băng ở Bắc Cực bị thu hẹp. Việc thế giới mất dần các núi băng sẽ tác động dây chuyền đến đại dương. Nước biển có nguy cơ bị hâm nóng, vì các lớp băng Bắc Cực và Nam Cực có chức năng phản hồi tia khúc xạ của mặt trời.

Trong một văn kiện do Viện nghiên cứu về khí hậu tại Postdam, nước Đức, công bố tuần vừa qua, 24 nhà khoa học đánh giá : nhiệt độ trái đất sẽ tiếp tục gia tăng trong nhiều thập niên và mực nước biển cũng tiếp tục dâng trong nhiều thế kỷ. Nguyên nhân là ngay trong trường hợp ngày mai, một sớm một chiều, nhân loại ngừng phát thải chất CO2, thì lượng khí carbonic lưu lại trong khí quyển sẽ còn tồn tại hàng trăm năm.
Theo các nhà khoa học này, sẽ không thể đảo ngược việc lớp băng ở Bắc Cực bị thu hẹp. Mặt khác, khi lớp băng tại Groenland tan chảy thì mực nước biển có nguy cơ dâng lên thêm 7 mét. Xin nhắc lại là các núi băng ở Bắc Cực với diện tích 15 triệu cây số vuông đã bắt đầu tan chảy. Vào năm ngoái, 2008, lần đầu tiên tàu thuyền đã có khả năng xuyên Bắc Cực, đi lại từ Siberia sang tận Canada.
Nếu thế giới mất những núi băng, điều này báo hiệu cho hệ quả khác là nước biển cũng bị hâm nóng thêm, bởi vì các lớp băng ở Bắc Cực và Nam Cực có chức năng phản hồi tia khúc xạ của mặt trời. Băng tan thì biển lại hấp thụ các tia khúc xạ của mặt trời và nóng lên thêm.

Rừng nhiệt đới cũng có nguy cơ bị hủy hoại bởi biến đổi khí hậu
Quả bom nổ chậm khác là rừng nhiệt đới cũng không còn khả năng hấp thụ khí CO2 như trước. Ngày nay, hơn một nửa lượng khí thải do con người gây nên, được rừng và các đại dương hấp thụ. Thế nhưng, hiệu quả này ngày càng giảm thiểu nghiêm trọng. Rừng và đại dương không còn bảo đảm việc điều tiết CO2 như trước đây, cho nên, trong vòng nửa thế kỷ vừa qua, đã có từ 40% đến 45% lượng khí CO2 vẫn lưu lại trong khí quyển.
Một ví dụ điển hình là rừng Amazone. Rừng này xử lý mỗi năm 66 tỷ tấn CO2, tương đương với 3 lần khối lượng khí thải do nhiên liệu hoá thạch gây ra. Thế nhưng, vào năm 2005, rừng được xem là buồng phổi của cả hành tinh đã bị nạn hạn hán. Hiện tượng này, vào thời điểm đó, đã biến rừng Amazone thành nguồn phát thải CO2, thay vì nơi hấp thụ khí thải này.
Cuối cùng, các tầng đất đóng băng tưởng như vĩnh viễn tại Bắc Cực cũng đang bị tan chảy. Nguy cơ là khối lượng to lớn khí méthane chôn giữ trong lòng các tầng đất này, một khi bị phát thải cũng sẽ làm tăng nhiệt độ trái đất. Đó là một số tác động dây chuyền của biến đổi khí hậu, đang khiến cộng đồng quốc tế buộc phải xem xét và đưa ra Chương trình hành động nhân Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen.




No comments: