Thursday, November 26, 2009

ĐỘNG ĐẤT GẦN THUỶ ĐIỆN SƠN LA

Động đất gần thủy điện Sơn La, Hà Nội bị dư chấn
VnExpress
Thứ năm, 26/11/2009, 14:52 GMT+7
http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/11/3BA1610B/
Trưa nay, động đất cường độ 4,1 độ richter đã xảy ra ở huyện Bắc Yên (Sơn La), cách công trình thủy điện Sơn La 37 km. Nhiều cao ốc tại Hà Nội, người dân cũng cảm nhận được dư chấn.
Chấn động được ghi nhận vào lúc 11h 47 phút 35 giây (giờ Hà Nội). Theo ông Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, tâm chấn nằm ở độ sâu 10-15 km, cách thành phố Sơn La 38 km về phía Đông Đông Nam và cách công trình thủy điện Sơn La 37 km về phía Đông Nam.
Theo thang chấn động MSK, trận động đất này được Trung tâm xếp ở cấp 4, tức là "rung động yếu", còn thủ đô Hà Nội chỉ cấp 2-3. Theo ông Minh, Trung tâm vẫn chưa ghi nhận được thiệt hại cụ thể cũng như chưa có đánh giá tác động đối với các công trình xây dựng như thủy điện Sơn La. "Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi, đặc biệt là dư chấn của trận động đất", ông Minh nói.
Trưa nay, tại nhiều tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, người dân cũng cảm nhận thấy rung động từ trận động đất. Làm việc tại một tòa nhà trên phố Kim Mã, quận Ba Đình, chị Phương kể lại: "Lúc 12h kém 15 đột nhiên tôi thấy hai chân rung nhẹ, sàn nhà cũng có cảm giác lắc lư. Bên cạnh, chị đồng nghiệp cũng la lên: "Có động đất".
Đứng trên sân của Khu tập thể Bộ Công an, quận Hà Đông, anh Lê Xuân Dũng cũng có cảm giác chóng mặt, cả người rung lên trong 2-3 phút. Anh hỏi mọi người xung quanh thì ai cũng có cảm giác như vậy. "Tôi thấy rung động nhỏ trong mấy đợt nên không cảm thấy sợ hãi", anh Dũng nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Đức Thìn, Ủy viên Hội đồng quản trị tập đoàn điện lực Việt Nam (nguyên Trưởng ban quản lý dự án thủy điện Sơn La) cho biết, ông đã nhận được thông báo của Viện Vật lý địa cầu. Tuy nhiên, theo ông Thìn, dù đang ở Mường La, ngay cạnh công trình thủy điện nhưng ông và mọi người không cảm nhận được rung động từ trận động đất.
Ông Thìn khẳng định, với cường độ xấp xỉ 4 độ richter, trận động đất không gây ảnh hưởng gì tới thủy điện Sơn La. Địa điểm xây dựng công trình được tính toán kỹ cả về khu vực, phân vùng động đất cũng như sức chịu đựng các chấn động.
"Thủy điện Sơn La lúc thiết kế có sự tham gia của các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu. Chúng tôi đã thực nghiệm kiểm tra với chấn động trên cấp 8 thang MSK (cường độ trên 6,7-6,8 độ richter) thì công trình vẫn an toàn", ông Thìn cho biết.
Theo thống kê, ở Việt Nam có 30 khu vực có thể phát sinh động đất, trong đó có 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM. Mức chấn động mạnh nhất lên tới 6,8 độ richter, đủ để đánh sập nhà cửa.
Giáo sư Cao Đình Triều, Viện Vật lý địa cầu cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực có hoạt động địa chất và đứt gãy mạnh. Động đất ở nước ta thỉnh thoảng mới xuất hiện nhưng diễn biến khá phức tạp. Một số trận có cường độ mạnh như ở Điện Biên năm 1935 (6,7 độ richter), Tuần Giáo - Lai Châu năm 1983 (6,8 độ richter)...
Gần đây nhất, ngày 12-13/5/2008, Việt Nam cũng ghi nhận hàng chục dư chấn mạnh 5 độ richter do trận động đất tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), hàng loạt người dân ở các tòa nhà cao ốc ở Hà Nội nhốn nháo vì những chấn động này

--------------------------------

Độ lớn hay mức năng lượng mà động đất phát ra được đo bằng độ richter. Càng gần tâm chấn, chấn động càng mạnh. Chấn động được đo bằng thang động đất quốc tế MSK-64. Mỗi trận động đất có một độ richter duy nhất xác định sức tàn phá của nó trong khi cường độ thì thay đổi tùy theo khoảng cách xa hay gần đối với chấn tâm.
Theo bản đồ phân vùng động đất Việt Nam, tại nước ta có thể xảy ra động đất mạnh cấp 8- 9 theo thang cấp động đất quốc tế MSK. Ở cường độ cấp 8, trận động đất sẽ "phá huỷ một số ngôi nhà cao tầng, trượt lở đất và xuất hiện các khe nứt nhỏ trên mặt đất", còn cấp 9 sẽ "gây hư hại nhiều nhà cửa, đá rơi, trượt lở đất".
Nguyễn Hưng - Đoàn Loan




No comments: