Sunday, November 29, 2009

NỀ NẾP, KỶ CƯƠNG, TÌNH THƯƠNG và TRÁCH NHIỆM

Nề nếp, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”
Nguyễn Thượng Long
Đăng ngày 29/11/2009 lúc 03:52:26 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4371
Nhiều năm trước trong khuôn viên của ngôi trường THPT Trần Hưng Đạo, nơi tôi đã từng công tác rồi về nghỉ hưu, người ta kẻ một khẩu hiệu và giờ đây thật khó phai mờ trong tâm khảm của tôi. Đó là khẩu hiệu: “NỀ NẾP - KỈ CƯƠNG – TÌNH THƯƠNG & TRÁCH NHIỆM”. Tôi không nhớ tác giả tinh thần của khẩu hiệu đó là ai. Theo tôi, đó là một khẩu hiệu hay trong cả một rừng khẩu hiệu mà tôi đã gặp trong đời. Thử hỏi, còn gì tốt đẹp hơn khi học sinh ra trường lại hội đủ các phẩm chất tốt đẹp đến như vậy? Trong bài viết ngắn này, tôi không có tham vọng tuyên truyền cho khẩu hiệu đó. Công việc này là của các đảng viên trong trường mà tôi quá quen thuộc về họ, là của những cán bộ tuyên huấn, tuyên giáo ngoài đời. Bài viết này xin chỉ bàn tới vài việc mà tôi đã và đang đối diện. Những vụ việc đó ít nhiều có liên quan tới những nội dung của khẩu hiệu này.

Nề nếp kỉ cương:

Nói đến nề nếp, kỉ cương trong một quốc gia, một xã hội là nói đến sự thượng tôn hay không thượng tôn Hiến Pháp và Pháp luật của quốc gia đó, xã hội đó. Điều này có thể được đúc kết trong một phương châm sống ngắn gọn: “Người ta có quyền làm tất cả những gì mà Hiến Pháp và Pháp luật không cấm và người ta không được phép làm những gì mà Hiến pháp và Pháp luật đã cấm”.

Trong những lần cơ quan an ninh làm việc với ông Nguyễn Thanh Giang và tôi đều có những nội dung liên quan đến lời đúc kết này. Lần gần đây nhất, một nhân viên an ninh đến thăm tôi với một lời nhắc nhở rất khéo: “Báo BNS Tổ Quốc mà bác đang tham gia với tư cách là một phó tổng biên tập là tờ báo không có giấy phép, là tờ báo bất hợp pháp đấy!”. Tôi bảo: “Ông đến thăm tôi, thì tôi xin được nói chuyện với ông , nếu ông thẩm vấn tôi thì tôi chẳng nói gì đâu, vì chẳng thể tranh luận với các ông được. Thực tế va chạm với các ông của tôi và của bạn bè tôi cho phép tôi nói thế. Thưa ông, ở lứa tuổi tôi làm việc mà lại không biết mình có nên làm, có được làm hay không thì không thể nói là đã qua bậc “Tri thiên mệnh” được. Bán Nguyệt San Tổ Quốc là tờ báo mạng rất đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ người viết và người đọc không hề có ranh giới phân biệt. Tờ báo đó không đặt ra vấn đề kinh doanh, không mua bán. Báo làm ra chỉ để trao đổi, hàn huyên với nhau và tặng bạn bè. Nếu không có những tiến bộ của internet, của truyền thông, của dụng cụ văn phòng thì tờ báo này chẳng khác mấy báo tường, báo liếp của các cơ quan ngày xưa. Điều quan trọng nhất là tờ BNS đó có nội dung gì, có tôn chỉ, mục đích thế nào? Chắc chắn rằng nếu tờ BNS Tổ Quốc mà có nội dung hô hào, cổ xuý cho bạo lực và khủng bố… nó đã bị bóp chết từ lâu rồi. Trong khi quá nhiều vấn đề nhức nhối trong đời sống cộng đồng không hề được hơn 700 tờ báo lề phải quan tâm, thì duy nhất chỉ có tờ BNS Tổ Quốc là dám đối diện với một ý thức trách nhiệm rất rõ ràng. Tờ BNS Tổ Quốc nay đã trở thành một diễn đàn để nhiều trí thức bày tỏ suy nghĩ của mình về cuộc sống một cách cũng có trách nhiệm nhất. Tờ BNS Tổ Quốc cũng là một kênh phản biện tích cực để đảng cầm quyền có cơ sở để điều chỉnh đường lối an dân trị quốc sao cho có lợi nhất cho dân cho nước và cả cho đảng.

Khi tôi chính thức tham gia làm BNS Tổ Quốc thì cũng là lúc tôi thoát ra khỏi cái vỏ kén của con người bầy đàn, để vươn tới tầm vóc là những con người chính trị có bản ngã đa dạng với những đòi hỏi bản thân mình, đồng bào mình phải được hưởng thụ những giá trị cao cả của một xã hội có “Tam quyền phân lập” (LẬP PHÁP – HÀNH PHÁP - & TƯ PHÁP) và phải được hưởng ĐỆ TỨ QUYỀN CON NGƯỜI (Quyền tự do báo chí) như bất cứ một dân tộc văn minh nào.

Khi tôi tham gia làm tờ BNS Tổ Quốc thì trước đó tôi đã đọc nhiều lần cuốn Hiến Pháp CHXHCNVN 1992. Xin được trích lục:
ĐIÊU 53: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
ĐIỀU 69: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của Pháp luật.

Khi tôi tham gia làm tờ BNS Tổ Quốc trước đó tôi đã đọc kĩ
“Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền” của Liên Hợp Quốc. Xin được trích lục:
ĐIỀU 19: Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm, kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như sự tự do tìm kiếm, thu nhập truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.
ĐIỀU 30: Không cho phép bất cứ một quốc gia nào, nhóm người hay một cá nhân nào được quyền tham gia vào bất cứ hành vi nào nhằm phá hoại bất cứ quyền và tự do nào nêu trong bản tuyên ngôn này.

Khi tôi tham gia làm tờ BNS Tổ Quốc, trước đó tôi đã đọc rất kĩ
“Công Ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị” mà Liên Hợp Quốc biểu quyết năm 1966, Việt Nam tham gia 1982. Xin trích lục:
ĐIỀU 19: Mọi người có quyền giữ vững quan điểm mà không bị ai can thiệp - Mọi người có quyền tự do phát biểu quan điểm. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm dưới hình thức nghệ thuật hay mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
ĐIỀU 5: Không một quốc gia nào, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền tiêu diệt những quyền tự do đã được Công ước thừa nhận hoặc để giới hạn các quyền tự do này.

…và tôi tin rằng, tôi vô tội khi tôi thượng tôn những tín điều này. Tôi đã góp một phần nhỏ bé sức lực và cả trí lực của tôi để 75 số báo đã ra mắt bạn đọc và được bạn đọc tiếp nhận với một thái độ trọng thị. Thử hỏi, đã có lần nào tờ BNS Tổ Quốc có tội với đất nước như những gì mà
website hỗn hợp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Trung Quốc ngày nào đã phạm phải chưa? Chúng tôi đã bao giờ có những bài vở có lỗi với dân tộc như những bài mà ông Đào Duy Quát đã từng đăng trên Báo điện tử của ĐCS Việt Nam chưa? Câu trả lời xin dành cho công luận.

Tình thương

Một lần gần đây, một nhân viên an ninh trong lúc trò chuyện khá cởi mở với tôi đã nói: Mấy bài viết gần đây của bác đặc biệt là bài
“Anh hùng lúc sa cơ” và bài “Những người phụ nữ đó vẫn rất cần được chia sẻ” …có nội dung hàm chứa yếu tố kích động quần chúng. Tôi thưa lại: Đó là cách hiểu của ông thôi, còn khi tôi viết: “ Cơn bão số 9 vừa tan, những giọt nước mắt của đồng bào tôi ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng chưa khô thì siêu bão số 10 đang rình rập đe doạ. Sao dân tộc tôi lại khốn khổ thế này!” ...và: “Những giọt nước mắt khóc chồng trong những phiên toà sơ thẩm ở Hà Nội và Hải Phòng chưa khô thì những giọt nước mắt mong ước, hi vọng những người chồng của họ sẽ trở về sau phiên toà phúc thẩm đã lặng lẽ rơi. Sao đồng bào tôi lại đau khổ thế này!”..., đó là lúc tình cảm của tôi tự nhiên tràn ra trang viết khi tôi nhìn thấy nước mắt của đồng bào tôi chưa bao giờ ngừng rơi vì thiên nhiên cũng lắm mà vì chính đồng loại, chính người đồng bào của mình cũng không ít. Nói rằng, tôi có ý kích động là suy diễn, là suy bụng ta ra bụng người, là không có cơ sở. Một xã hội, một cộng đồng không còn ai biết thương cảm ai, không còn ai dám bênh vực ai, dám chia sẻ với ai…thì xã hội đó, cộng đồng đó là xã hội gì? cộng đồng gì? Có người bảo đó là thời kỳ “Đồ Đá” ! Tôi bảo: Đó là thời “Đồ Giả”. Bạn tôi gầm lên bảo : Không phải, đó là thời kỳ “Đồ Đểu!” rồi anh bưng mặt khóc.

Vừa rồi, một lần lang thang trên mạng, tôi bàng hoàng khi đọc được tin Thầy Vũ Hùng kiệt sức sau một tháng tuyệt thực. Ra gặp vợ, thầy loạng choạng đi giữa hai công an dìu hai bên và khi gặp cô Mai vợ Thầy Hùng, công an luôn mồm phân bua và thuyết phục vợ thầy: “Chị khuyên anh ấy ngừng tuyệt thực đi, anh ấy mà chết thì chúng tôi cũng chỉ có lỗi chút ít thôi. Chị, anh ấy và gia đình thiệt thòi nhiều!”.
Hai con người đã rơi vào những tột cùng của đau khổ và bất công hôm ấy đã ngã vào nhau trong nước mắt làm sững sờ cả hai nhân viên công lực trại giam.

Ngày 20/11/2009 tôi đã tìm gặp cô Lý Thị Tuyết Mai để thăm hỏi:
- “Vậy sau hơn một năm nay, có lời chia sẻ thăm hỏi nào của chính quyền cũng như công đoàn trường PTCS Thạch Bích, Ban Giáo dục huyện Thanh Oai, lãnh đạo sở GD – ĐT Hà Nội đến với cô, 2 cháu và ông bà thân sinh ra Thầy Vũ Hùng không?”
Cô Lý Thị Tuyết Mai thay cho câu trả lời bằng một cái lắc đầu tuyệt vọng.

Thử hỏi, khẩu hiệu mà vì nó mà Thầy Hùng phải lọt vòng lao lý ( Tham nhũng là hút máu dân - Lạm phát và tăng giá là giết dân - Mất biển đảo là có tội với tổ tiên - Đề nghị đảng CS thực thi đa nguyên đa đảng) là chỉ dành riêng cho vợ chồng con cái Thầy Hùng, còn mọi người không cần điều này hay sao?

Thưa những nhà lãnh đạo GD – ĐT của trường PTCS Thạch Bích, của Ban GD Huyện Thanh Oai - Hà Nội,
Làm giáo dục mà lại vô tình với nhau như thế thì giáo dục được ai về “Nề Nếp - Kỉ Cương – Tình Thương - & Trách nhiệm”? Còn đâu “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ!”, còn đâu câu “ Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng!”?

Thế hệ làm giáo dục chúng tôi chưa ai quên vào thời gian bao cấp, để sống sót được, không ít giáo viên ngày đó tay đã nhúng chàm, phải lọt vòng lao lý. Ông Trưởng Ty Giáo dục Hà Sơn Bình ngày đó đã từng không ít lần vào trại giam Chăm Mát, Hoà Bình để bảo lãnh giáo viên của mình. Không ít lần ông cùng ra Toà với giáo viên để bênh vực và bảo vệ giáo viên của mình. Không ai có quyền cấm chúng tôi đặt phép so sánh các quan chức GD ĐT… hôm nay với vị trưởng ty giáo dục Hà Sơn Bình Nguyễn Quang La ngày đó được. Giờ đây tôi thấy các quan giáo dục thì giàu lên thật ghê gớm, còn tình thương, lòng trắc ẩn nơi họ đang phiêu diêu trôi dạt nơi nào rồi. Thế mới biết câu: “Bao giờ cho đến ngày xưa” vẫn còn nguyên tính thời sự.

Trách nhiệm

Cả tôi và ông Nguyễn Thanh Giang đều cảm nhận được những ngày gần đây, áp lực từ phía cơ quan an ninh tới chúng tôi đã tăng lên. Cơ quan an ninh đang rất muốn tôi từ bỏ công việc của tôi ở tờ BNS Tổ Quốc. Tôi nghĩ ai cũng thế thôi, sống trong gia đình, mình phải có trách nhiệm với gia đình, sống trong trường đời phải có trách nhiệm với trường đời, làm việc trong ngành nào thì phải có trách nhiệm với ngành đó. Các nhân viên an ninh đã từng thẩm vấn tôi, đã từng cầm chân, quản chế tôi, đã từng lập trạm gác trước cửa nhà tôi…họ cũng phải chịu những áp lực từ cấp trên của họ. Giờ đây, nghe lời họ chúng tôi buông bút, họ sẽ được khen thưởng, được thăng chức, được tăng lương… vì đã hoàn thành trách nhiệm với cấp trên, báo chí của truyền thông lề phải sẽ đồng loạt ra đòn: “Tờ báo phản động Tổ Quốc của bọn cơ hội chính trị, bọn bất mãn đã tự động dẹp bỏ!”. Thế là cả người giao trách nhiệm và người nhận trách nhiệm đều giữ được bàn tay sạch. Chúng tôi có đàn áp gì họ đâu, nhà nước có cái Quyết Định 98, 99... gì đâu mà họ đã theo bước IDS mà “tuẫn tiết”, mà “tự sát tập thể” cả rồi! Nếu điều đó mà xảy ra, thanh minh được trong một đời sống thông tin một chiều là khó lắm. Tôi chỉ xin hỏi: Nói tờ BNS Tổ Quốc là báo phản động thì trong 75 số báo đã phát hành, có bài nào “phản động” bằng bài viết ngang nhiên nói Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc đăng trên website hỗn hợp giữa bộ công thương 2 nước Việt Nam và Trung Quốc chưa? Nói những người làm báo của tờ BNS Tổ Quốc là bọn cơ hội chính trị, bọn bất mãn ăn tiền hải ngoại …thì “bọn” này đã viết, đã biên tập và đã đăng bài nào “phản động” bằng bài báo mà ông Đào Duy Quát đã cho đăng trên báo điện tử của đảng CS Việt Nam vô tư mô tả cuộc tập trận và huấn luyện của hải quân Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam như là họ đang tập luyện trên ao nhà của họ!

Thế khi cơ quan an ninh gia tăng sức ép với chúng tôi, các quý vị có nghĩ đến chúng tôi cũng phải chịu những áp lực trách nhiệm như chính những gì mà các quý vị đã phải chịu đựng? Tờ BNS Tổ Quốc với tôn chỉ, mục đích tiến bộ và ôn hoà, nó đã có được một lực lượng độc giả đông đảo. Người đọc sẽ nghĩ gì về chúng tôi khi chúng tôi buông bút một cách vô trách nhiệm?

Những ngày cuối năm 2008 chiến dịch bôi bẩn ông Nguyễn Thanh Giang và “tờ báo lậu Tổ Quốc” đã được khởi động rầm rộ. Người ta lớn tiếng: “Ông Nguyễn Thanh Giang là kẻ làm thuê cho ông Nguyễn Gia Kiểng”! Gần đây một sĩ quan an ninh nói với tôi lời của một “Nhà dân chủ nổi tiếng” ở Hà Nội rằng: Ông Nguyễn Thượng Long chỉ là kẻ làm thuê cho ông Nguyễn Thanh Giang! Thế là cả một lũ làm thuê, làm mướn để kiếm cơm. Tôi chẳng có sức để thanh minh, để cãi cọ làm gì. Người ta xếp mình vào hạng Con Sen - Thằng Ở, dạng Thằng Ngô – Con Đĩ là nhục lắm rồi, giờ đây lại “Đánh nhau” vì cơm, áo, gạo, tiền thì còn nhục đến mức nào?

Về già, tôi mới nghiệm thấy khi mình làm việc gì mà cứ ngong ngóng về tiền thì tiền chẳng đến, còn một khi cứ hồn nhiên, cứ vô tư mà làm mà nghĩ về việc có lợi cho đồng bào mình thì tiền lại đến.

Hôm đó, trong bãi trả xe, lúc tôi cố đưa chiếc xe đạp cà tàng của tôi ra khỏi nơi gửi, một người đàn ông lạ từ xa tiến đến bên tôi. Ông ta mở ví tiền vừa vét tất cả số tiền đang có trong ví vừa chậm rãi nói với tôi: “Thưa ông! Ông không biết tôi đâu, còn tôi tôi biết ông từ lâu qua từng trang viết của ông. Tôi vô cùng cảm phục sự hi sinh lặng lẽ của ông. Xin ông vui lòng nhận giúp tôi món quà nhỏ bé này. Tôi xin không đếm”. Không cần biết tôi sẽ từ chối hay tôi sẽ gửi lời cám ơn, người đàn ông đó rú ga vọt nhanh ra đường lớn, nhanh chóng mất hút giữa đường phố Hà Nội, bỏ lại tôi lóng ngóng với chiếc xe đạp tuột xích và một mớ giấy bạc trong tay mà tôi nhác thấy lẫn trong những tập tiền mệnh giá 500.000 Đồng là những tờ ngoại tệ mà tôi chưa một lần được sở hữu.

Cuộc sống chúng ta có bao điều kì lạ, chuyện người đàn ông mà tôi vừa kể & nhiều lần tôi một mình vào những nhà hàng bình dân để lặng lẽ nghe tiếng cuộc đời ríu rít bên những vại bia cỏ, khi đến quầy lễ tân để thanh toán tiền, người lễ tân bình thản nói: “Có một vị khách đã gửi tiền thanh toán cho ông rồi”… là những ví dụ cho điều kì lạ đó.

Cũng là một chuyện liên quan đến tiền bạc nữa, lần này các đồng nghiệp ở cơ quan cũ của tôi dành cho tôi. Ngày lễ 20/11/2009 vừa qua, lãnh đạo Trường THPT Trần Hưng Đạo gửi giấy mời tôi về dự lễ. Lần đầu tiên trong đời tôi từ chối tham dự ngày lễ này. Tôi làm sao có thể “Trở lại mái trường xưa” được khi chỉ ngày hôm trước thôi mấy vị lãnh đạo trường này vẫn giáo huấn mọi người rằng: “Vẻ vang danh giá gì cái giải Nhân Quyền, thưởng cho 4 đứa (!?) thì 3 đứa đang ngồi tù, còn 1 đứa (tức là tôi - NTL) thì công an đang nuôi cho béo để nay mai thịt nốt”. Không biết ai đã dạy họ nói những lời vừa thiếu trí tuệ, vừa thiếu giáo dục đến như vậy? Câu hỏi này xin giành cho những người làm Giáo Dục.

Mấy ngày sau ngày 20/11/2009 gia đình tôi tổ chức đưa di cốt người em dâu của chúng tôi từ Sài Gòn về quê hương sau cả 30 năm lưu lạc. Nhiều thân tộc ở quê hương tôi Đại Hưng -Mỹ Đức – Hà Tây cũ lo ngại nói với tôi, cấp trên đã thông tin về cho chính quyền rằng: “Địa phương này có 2 đối tượng rất nguy hiểm, nhân dân phải hết sức cảnh giác khi những người này về thăm quê nhà. Đó là Bùi Minh Quốc (Nhà Thơ) và Nguyễn Thượng Long (Nhà Giáo)”. Tôi bảo: Tôi và anh Quốc là những người con ra đi từ mảnh đất này. “Cha mẹ Sinh con - Trời sinh tính”. Nếu Tính của chúng tôi là xấu, thì “Lưới trời lồng lộng – Tránh đâu cho khỏi nắng”, còn nếu Tính của chúng tôi không xấu thì chúng tôi chẳng phải bận lòng về những thông tin dạng này.

Cũng là chuyện áp lực gia tăng đến tôi, lần này áp lực nhắm vào tôi lại gián tiếp qua bà chị của tôi, một người không may mắn phải đi tìm sự tĩnh lặng của Trúc Lâm Thiền Tông. Không biết họ có võ công thâm hậu đến mức nào mà chỉ qua vài cuộc điện thoại với bà chị tôi, con người mà anh em chúng tôi tưởng đã thoát khỏi bể khổ, bể trầm luân để toàn tâm, toàn ý với đức tin tôn giáo mà chị ấy theo đuổi, nay bỗng như một người đa đoan mắng chửi vợ chồng tôi toàn những lời của những người nào đó chứ không phải là lời của bà chị tôi. Phần tôi, sự lựa chọn đứng giữa cuộc đời để cùng với dân tộc nếm trải mọi đắng cay cũng như những ngọt ngào một cách tự nguyện thì sự quá quắt của bà chị tôi do người khác điều khiển là vô nghĩa. Nhưng với cơ quan an ninh đó là những chất liệu thật tuyệt vời mà họ đang rất cần để nay mai họ sẽ tạo dựng nên chân dung của tôi theo ý của họ.

Theo tôi, tất cả những người đã xuất hiện trong chiến dịch gia tăng áp lực tới tôi từ “Nhà Dân Chủ nổi tiếng ở Hà Nội”, mấy ông bà lãnh đạo ở ngôi trường cũ mà tôi đã từng công tác, bà chị tôi, đến cả vị cấp trên nào đó đã đưa những thông tin thất thiệt về tôi và anh Bùi Minh Quốc về quê hương chúng tôi… tất cả họ cùng mắc chung một hội chứng thời đại là cùng lãnh cảm trước khẩu hiệu: “NỀ NẾP - KỶ CƯƠNG – TÌNH THƯƠNG & TRÁCH NHIỆM”.

Cũng vì khẩu hiệu này mà tôi đã viết nên những trang viết này, những trang viết trong những ngày được coi là vô cùng nhạy cảm đối với tôi.

Nguyễn Thượng Long
Hà Đông - Những ngày rét hại tháng 11 / 2009
© Thông Luận 2009




No comments: