OAN
CHO CÂU SINH NGHỀ TỬ NGHIỆP
24-7-2023
05:56
Đọc hết bài báo “Tấn bi hài kịch rượu – tiền ở vụ án chuyến bay giải cứu”
trên Vietnamnet, tôi hiểu nhà báo không có ý minh oan cho bị can. Nhưng mở đầu
cái câu "Người ta thường nói “sinh nghề, tử nghiệp”. Điều này rất đúng khi
liên hệ tới vụ án chuyến bay giải cứu đang diễn ra" thì thấy hàm oan cho
câu thành ngữ dân gian: "Sinh nghề tử nghiệp". Câu "Sinh nghề tử
nghiệp" gán vào đây vô tình nhà báo không minh oan lại thành minh oan cho
tội phạm, đến lượt có thể chính tội phạm sử dụng nó để kêu oan một cách trơ
tráo.
Tôi vẫn phải nói, môn Tiếng Việt được dạy ở nhà trường toàn trên trời dưới
đất, cho nên mới dẫn đến hiện tượng chữ nghĩa đã bị đánh tráo và méo mó một
cách thảm hại.
Đây là vụ án ô nhục nhất trong lịch sử quan trường của nhân loại. Tham
nhũng thời nào cũng có, nhưng chưa thấy ai tận dụng cơ hội cướp bóc trên thân
xác kẻ hoạn nạn. Một bạo chúa hay một đứa giang hồ chuyên nghề cướp bóc cũng biết
dừng tay trước nạn nhân đáng thương. Trái tim người sinh ra để chia sẻ, không để
biến con người thành diều hâu.
Chữ nghĩa bị đánh tráo thế nào? Dễ hiểu là người ta đã đánh tráo theo
cách diều hâu nói tiếng người. Ăn cắp ắt bị phạt nặng, không thể nói bị bắt quả
tang thì trả lại, tức "khắc phục hậu quả" là được miễn tội. Cướp bóc
thì phải đi tù, không thể nói khi cứu người thấy có tiền thì cứ trấn lột và đòi
người được cứu xem đó là tiền trả ơn. Đó là sự đánh tráo của đứa đểu cáng.
Riêng câu "Sinh nghề, tử nghiệp" có gốc Hán là "Sinh ư nghệ,
tử ư nghệ". Chữ "nghề" và "nghiệp" ở đây đồng nghĩa,
tách ra từ chữ "nghề nghiệp". Diễn nôm "nghĩa đang sử dụng":
Sống chết với nghề hoặc Sống với nghề nào chết với nghề ấy. 1) Nghĩa tích cực
theo tinh thần chủ quan: người đam mê với nghề sẵn sàng sống và chết với nghề của
mình, 2) Nghĩa theo quy luật khách quan: nghề nuôi sống con người và con người
phải chết vì nghề. Nghĩa thứ nhất dành cho trường hợp tự nguyện tận hiến thân
xác và tinh thần cho nghề. Như nhà khoa học, nghệ thuật... cả đời sống chết vì
nghề. Nghĩa thứ hai dành cho trường hợp rủi ro, tai nạn, thường là những nghề
nguy hiểm. Như bác sĩ chết vì lây nhiễm, thầy giáo chết vì lao phổi,...
Tôi sống chết với nghề giáo, dù có những lúc đối mặt với muôn vàn khó
khăn thử thách, cả vật chất lẫn tinh thần. Đó là "sinh nghề tử nghiệp!"
"Nghiệp" ở câu thành ngữ này không mang nghĩa "nghiệp
báo" huyền bí của nhà Phật, trừ phi vận vào một số trường hợp làm
"nghề" bất lương. Chẳng hạn gái đĩ chết vì giang mai, kẻ trộm chó chết
vì chó cắn, ăn cướp có ngày bị chặt tay, mổ bụng, hoặc có thể bị báo oán từ đời
này đến đời khác...
Nói quan tham chết vì nghề, hóa ra mặc định xã hội này làm quan thì phải
tham? Nghề trong câu thành ngữ "Sinh nghề tử nghiệp" là một thứ nghề
bắt buộc của cuộc mưu sinh, không có nghĩa nào dành cho quan tham. Lẽ nào quan
không tham không sống được? Thật cay đắng nếu nghĩ điều đó là đúng! Tôi chắc chắn
lương, bổng, lộc của quan như hiện nay đảm bảo các quan sống đến ba đời. Không
thể như có người biện bạch do lương thấp buộc quan phải tham. Tôi là người
trong hệ thống viên chức, một trong những thành viên xây dựng Quy chế chi tiêu
nội bộ, tôi biết lương quan, cộng hệ số phụ cấp, thu nhập tăng thêm, cứ cho là
chính đáng, hợp pháp, đã cao gấp mấy chục lần thu nhập của viên chức bình thường.
Gì cũng được ưu tiên theo chính sách, cho cả con cháu, không phải hưởng ba đời
là gì? Chẳng phải chính từ nguồn báo chí chính thống, thu nhập của quan chức ở
nhiều bộ ngành lên đến hàng trăm triệu mỗi tháng đó sao? Vậy thì lý do phải nằm
ở chỗ khác. Dư luận hoàn toàn có cơ sở khi biết rõ để ngồi vào một ghế quan,
người ta đã phải chạy bạc tỉ. Đã chạy bạc tỉ ắt giống như đầu tư phải sinh lãi.
Vậy là không phải không tham không sống nổi mà không tham không giữ được ghế hoặc
không thể leo cao chui sâu hơn. Nhưng có lẽ tôi phải mạo muội nói thẳng ra điều
này: nhiều quan bị ám thị mất đảng, mất chế độ là mất tất cả, nên phải tham,
tìm mọi cách vơ vét để đào thoát khi có biến. Cay đắng là cay đắng cho chính những
người đứng đầu của chế độ này khi tạo ra một đội ngũ mà chính chúng luôn mặc cảm
và sợ hãi về sự sụp đổ của chế độ. Nhìn cách họ ăn tham một cách vội vã, trắng
trợn ngay trong dịch bệnh, cứ như là đang chứng kiến chuyến tàu vét cuối cùng vậy!
Nói theo ông Trần Quốc Vượng, chính đám cẩu quan này làm mục ruỗng và sụp
đổ chế độ chứ không do thế lực thù địch nào.
Thực trạng ấy, không thể vận vào câu "Sinh nghề tử nghiệp"
nghiêm túc của dân gian được mà phải nói hài hước: sinh chế độ tử chế độ. Không
phải theo nghĩa "sống chết vì chế độ" mà theo nghĩa "kẻ chỉ biết
sống nương nhờ chế độ cũng chính là kẻ giết chết chế độ".
Nếu nói là nghề thì nghề nào cũng có đạo đức, nhân cách của nó, trừ loại
nghề bất lương. Mà đã nghề bất lương thì không thể biện bạch, minh oan, bởi dẫu
tòa có giảm án, tha bổng thì còn một thứ tòa án khác: tòa án lương tâm, kể cả
nghiệp báo nhiều đời. Lòng tham không ai, kể cả Trời, bắt buộc như một cái nghề
mưu sinh, trừ kẻ cố cùng liều thân. Quan tham, dù gốc lý lịch ba đời cố cùng,
nhưng hiện tại không cố cùng. Tham thì tự sinh tự diệt chứ không phải là do nghề
nghiệp đẩy vào con đường sinh tử, trừ phi các người tự tưởng tượng ra cái nghĩa
"quan tham là một nghề", như "nghề chơi" của gái đĩ.
Tôi tởm nhất là đám tội phạm với luật sư ăn theo tội phạm biện minh do
"hoàn cảnh đặc biệt khó khăn", "vì lòng thương người",
"vì ơn nghĩa", thậm chí còn đẩy cho "vận đỏ đen", đem Truyện
Kiều ra biện minh: "Trót vì tay đã nhúng chàm/ Dại rồi còn biết khôn làm
sao đây", rồi kêu than cứu vớt: "Trót đà gây việc chông gai/Còn nhờ
lượng bể thương bài nào chăng?". Dạ thưa, khi bênh vực cho nàng Kiều, Nguyễn
Du vẫn dứt khoát với mệnh-nghiệp: "Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng
trách lẫn trời gần trời xa". Bởi nghiệp của Kiều không phải là "nghề",
dù cụ Nguyễn gọi đó là "nghề chơi" một cách mỉa mai. Kiều bị đời cưỡng
bách làm gái đĩ mà còn khó biện minh, huống hồ là kẻ tham lam độc ác. Riêng kẻ
tham lam độc ác cụ còn dứt khoát như búa Trời giáng xuống: "Mấy người bạc
ác tinh ma/ Mình làm mình chịu kêu mà ai thương!". Cuối cùng, tôi đề nghị
Tòa xử nghiêm túc, không nên để quân bạc ác tinh ma này diễn hề trước công đường
nữa. Tội phạm cùng đường có thể trơ tráo
biện minh như một bản năng sinh tồn, riêng luật sư thì phải bào chữa theo luật,
không được phép bày trò đánh tráo ngôn từ, làm méo mó công lý, gây lệch lạc các
giá trị nhân phẩm tối thiểu của con người.
Chu Mộng Long
-----
Chú thêm: Vừa rồi xem cái đề thi tốt nghiêp môn Giáo dục công dân, có câu
đánh đố về luật, nhiều thầy cô khen hay vì trí tuệ, tôi phát khóc. Giáo dục đạo
đức là dưỡng tâm, cho cả kẻ ngu muội, đánh đố trí tuệ để rèn bọn trẻ phải sống
trí trá, lươn lẹo sao?
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=7263886403625540&set=pcb.7263775566969957
https://www.facebook.com/photo?fbid=7263769470303900&set=pcb.7263775566969957
https://www.facebook.com/photo?fbid=7263775320303315&set=pcb.7263775566969957
https://www.facebook.com/photo?fbid=7263886250292222&set=pcb.7263775566969957
https://www.facebook.com/photo?fbid=7263886330292214&set=pcb.7263775566969957
.
No comments:
Post a Comment