RFA
2023.06.28
Những cô gái người dân
tộc ở Pleiku trong trang phục truyền thống. Ảnh chụp vào ngày 19/6/1966 (minh họa) . AP
Hôm 11/6/2023, ở Tây Nguyên xảy ra một vụ tấn công
hai đồn cảnh sát trong đêm, giết chết một số cảnh sát và quan chức địa phương.
Vụ tấn công bạo lực này được cho là do một số người Thượng ở Tây Nguyên thực hiện.
Vụ việc này đã làm dấy lên những thảo luận trên báo chí tiếng Việt ở nước ngoài
về tình trạng của người Thượng ở Việt Nam.
“Bản Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản địa” có nhiều điểm
tiến bộ để bảo vệ quyền con người của người bản địa trên thế giới. Nhưng bản
thân tuyên ngôn này cũng có những điểm mơ hồ về câu chữ, tạo điều kiện để diễn
giải “quyền của người bản địa” theo hướng nó có thể mâu thuẫn với lợi ích quốc
gia chung, khiến cho nó không nhận được sự đồng thuận phổ biến. Ngược lại, ở Việt
Nam có một quan niệm chính thống của nhà nước cho rằng Việt Nam không có “dân tộc
bản địa”. Nhân dịp này, RFA trao đổi với Tiến sỹ
Nguyễn Văn Huy, nguyên Giáo sư Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực
Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis
Diderot, Paris 7 (1995-1999), về khái niệm “dân tộc bản địa” và những chính
sách đi cùng với nhận thức về khái niệm này.
Bài phỏng vấn gồm nhiều phần. Ở phần đầu tiên này,
Giáo sư Nguyễn Văn Huy sẽ giải thích những bất cập của cả “Bản Tuyên ngôn Liên
Hiệp quốc về Quyền của người bản địa” và của cả quan niệm chính thống về người
bản địa ở Việt Nam ngày nay.
Nguyễn Văn Huy, Tiến
sĩ dân tộc học, nguyên Giáo sư Phụ trách bộ môn Dân tộc học khu vực
Đông Nam Á, Phân khoa Nhân chủng, Dân tộc và Khoa học Tín ngưỡng, Đại học Denis
Diderot, Paris 7 (1995-1999)
.
RFA: Tuyên ngôn
Liên Hiệp Quốc về quyền của người bản địa không đưa ra định nghĩa về khái niệm
"người bản địa", nhưng rõ ràng là họ dùng khái niệm này theo cách hiểu
phổ quát nên không cần định nghĩa. Xin ông cho biết cách hiểu phổ quát về khái
niệm này.
TS. Nguyễn Văn Huy: Bản “Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về Quyền của người bản
địa” có một số điểm không rõ ràng. Tôi không hiểu tại sao ekip chuyên
gia soạn văn bản đó không đưa ra định nghĩa nào cho khái niệm “người bản địa”
trong văn bản này. Định nghĩa khái niệm này không phải là việc khó khăn.
Nếu giải thích một cách đơn giản thì “dân tộc
bản địa” là những sắc tộc đã có mặt ở một vùng đất nào đó từ lâu, trước khi có
một hoặc nhiều thế lực khác đến chiếm hữu, khai thác vùng đất họ đang ở, khống
chế họ bằng các phương thức khác nhau (phương thức kinh tế, xã hội, chính trị
và thậm chí quân sự…) để đạt được các mục đích về đất đai, chính trị, kinh tế
cho riêng mình, hoặc thậm chí thành lập một quốc gia khác. Với thời gian thì những
người mới đến chiếm ưu thế, quay sang thống trị cộng đồng cũ, tạo ra những sự
so sánh về những chênh lệch và bất bình đẳng giữa người mới đến và người cũ, từ
dẫn đến những bất đồng, bất mãn.
Bản “Tuyên ngôn Liên Hiệp quốc về Quyền của
người bản địa” chỉ đưa ra những quyền cần phải trao cho người bản địa mà không có
định nghĩa nào về khái niệm “người bản địa”. Bản Tuyên ngôn này không thực
hiện công đoạn đầu tiên là định nghĩa khái niệm, vì vậy nó tạo ra một sự mơ hồ
và khiến cho nhiều quốc gia không muốn kí vào.
Ủy ban soạn thảo Tuyên ngôn này cũng để lại
nhiều điểm lấn cấn, vì vậy có nhiều quốc gia không muốn kí vào. Và sau nhiều lần
sửa đổi, mỗi bên đề nghị sửa đổi bổ sung một vài điểm, cuối cùng tạo ra một văn
bản thiếu thống nhất.
Văn bản này do đó có những điểm mà nhiều quốc
gia không thể chấp nhận được. Ví dụ, Điều 3 của Bản tuyên ngôn nói một
cách mơ hồ như sau:
"Các dân tộc bản địa có quyền tự
quyết. Nhờ quyền đó, họ tự do xác định địa vị chính trị của mình và tự do theo
đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình."
Nó có thể tạo điều kiện để diễn giải là người
bản địa có những quyền chính trị độc lập với quốc gia. Nếu một văn bản có tính
quy ước nhưng lại lại mơ hồ để có thể diễn giải theo nhiều hướng thì rất khó đạt
được đồng thuận chung.
Mặc dù Điều 46 có nói rằng "không
nội dung nào trong Tuyên bố này có thể được hiểu là hàm ý cho bất kỳ Quốc gia,
dân tộc, nhóm hoặc người nào có quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hoặc thực
hiện bất kỳ hành động nào trái với Hiến chương Liên hợp quốc hoặc được hiểu là ủy
quyền hoặc khuyến khích bất kỳ hành động nào sẽ chia cắt hoặc làm suy yếu, toàn
bộ hoặc một phần, sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự thống nhất chính trị của các Quốc
gia độc lập và có chủ quyền", nhưng quyền tự quyết định về chính
trị trong một quốc gia đã tồn tại là một ý mơ hồ, và không ai có thể chấp nhận,
ngay cả những nước như Mỹ, Úc, Canada. Đối với những quốc gia có người bản địa
như Việt Nam, Úc, Brazil, nếu quy định một cách không rõ ràng, tạo ra cách hiểu
là người bản địa có thể có những địa vị chính trị dẫn đến độc lập với quốc gia
thì khó có thể được chấp nhận. Điều đó tạo ra sự khập khiễng của Bản Tuyên ngôn
này.
.
RFA: Có phải vì một
số yếu tố mơ hồ như vậy mà có những quốc gia hiện đã có chính sách ưu đãi tốt với
người bản địa như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand đã từ chối ngay từ đầu kí vào bản
Tuyên ngôn này?
TS. Nguyễn Văn Huy: Đúng vậy. Nhiều nước dân chủ phủ nhận thẳng thắn một số điểm của
Bản tuyên ngôn. Còn một số nước độc tài trong đó có Việt Nam thì nói là tán
thành Bản tuyên ngôn nhưng trên thực tế không không chấp nhận những nguyên tắc
mà Bản tuyên ngôn nêu ra.
Người Thượng
lên xe buýt sau khi đến sân bay Quốc tế Phnom Penh hôm 28/7/2004. Nhóm người
Thượng theo Tin lành đã phải vượt biên giới sang các nước láng giềng vào chạy
trốn sự đàn áp tôn giáo của chính quyền VN (minh họa). Reuters
.
RFA: Ở Việt Nam
có những ý kiến từ phía Nhà nước phủ nhận khái niệm “người bản địa”. Vậy chúng
ta nên nhìn vấn đề như thế nào
TS. Nguyễn Văn Huy: Gần đây, trong một phúc đáp ngày 10/5/2023, gửi các chuyên gia nhân
quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam khẳng định một mặt “Việt Nam nhất trí với
Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) trên tinh thần
quốc tế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung”, nhưng mặt khác,
do “UNDRIP không đưa ra định nghĩa cụ thể về người bản địa. Do đó, các
quốc gia có thể hiểu và vận dụng khác nhau tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể
ở mỗi quốc gia; không thể có sự áp đặt trong việc áp dụng UNDRIP. Khái niệm
“người bản địa” không phù hợp với đặc điểm, lịch sử hình thành và phát triển của
các dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, ở Việt Nam không có khái niệm dân tộc bản
địa.”
Tôi thấy Việt Nam nói “nhất trí” với Bản tuyên
ngôn cũng chỉ là cách nói cho vui, cũng giống như Việt Nam đồng ý hết với Tuyên
ngôn Nhân quyền Liên Hiệp quốc nhưng thực tế không áp dụng. Còn về vấn đề
quyền của người bản địa, tôi có đọc một bài viết trên Tạp chí Cộng sản năm 2008
nói rằng ở Việt Nam không có “người bản địa.” Đó là bài “Bối cảnh lịch
sử “Quyền của người bản địa” không tồn tại ở Việt Nam,” ngày 28-10-2008. Bài viết này phủ nhận rằng ở Việt Nam có
dân tộc bản địa, mà dân tộc nào ở Việt Nam cũng là bản địa cả. Bài viết lập luận
như sau:
“Ở Việt Nam, trước khi thực dân Pháp xâm lược, tất cả
các dân tộc đều đã cùng nhau khai sơn, phá thạch, đổ không biết bao nhiêu mồ
hôi, xương máu để xây dựng và giữ gìn mảnh đất này. Có thể nói, 54 dân tộc hiện
dang sống trên Tổ quốc Việt Nam đều đã chôn nhau, cắt rốn, sinh sống trên mảnh
đất này ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Nếu theo quan điểm: hễ dân
tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ đang sinh sống, dân tộc ấy
là “người bản địa”, thì tất cả 54 dân tộc sống trên đất Việt Nam đều là “người
bản địa”! Họ đang ở cả Bắc, Trung, Nam, ở cả đồng bằng, trung du, miền núi. Họ
có thể là người Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình,
Quảng Trị, Cao Bằng, Lạng Sơn, Cần Thơ, An Giang…, thậm chí, cả ở thành phố Hà
Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…"
Tôi thấy cũng hơi ngượng thay cho người viết.
Trình độ và cấp bậc của người viết bài này chắc hẳn là rất cao chứ không phải
là một người mới tập tành viết lách. Bài viết từ chối Việt Nam có người bản địa
và cho rằng hễ dân tộc nào có mặt đầu tiên trên mảnh đất mà ngày nay họ
đang sinh sống, dân tộc ấy là “người bản địa”.
Mặc dù Bản tuyên ngôn không có định nghĩa,
nhưng theo cách hiểu thông thường, và cũng là cách hiểu được thể hiện trong ngữ
cảnh của Bản tuyên ngôn, thì “người bản địa” là cộng đồng đã có mặt ở một vùng
đất rất lâu, trước khi có một lực lượng hay cộng đồng nào khác đến để cạnh
tranh, áp đảo hoặc thống trị họ, làm suy yếu quyền lợi, quyền sống, quyền tự
quyết của họ. Có thể đó là cách hiểu phổ thông nên người ta không định nghĩa.
Nhưng rõ ràng một văn bản như vậy thì nên có định nghĩa.
Tôi nghĩ cách lập luận phủ nhận khái niệm người
bản địa ở Việt Nam là một cách nói để từ chối công nhận quyền của người bản địa:
quyền tự trị trong khu vực nhất định của họ về văn hóa, phong tục tôn giáo, những
tập quán cổ truyền.
Tôi cũng hiểu những lo lắng của Nhà nước Việt
Nam và thông cảm một phần, nhưng từ chối Việt Nam có người bản địa là một cách
tư duy khiên cưỡng. Nó gần giống như mình cậy mình là cộng đồng lớn hơn, mạnh
hơn, mình ép cộng đồng nhỏ.
RFA: Xin cảm ơn
TS. Nguyễn Văn Huy đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo,
TS. Nguyễn Văn Huy sẽ giải thích về thực tế tồn tại của “người bản địa” ở Việt
Nam từ góc độ lịch sử.
===============================================
.
.
Dân tộc Bản địa Việt Nam: Một vấn đề cần được nhìn nhận
Nguyễn Công Bằng
2013.09.19
Cần có chính sách tương đồng
Theo tinh thần bản 'Tuyên
ngôn về Quyền của các Dân tộc Bản địa' do Liên Hiệp Quốc vận động
thành hình và đã được 150 quốc gia (kể cả Việt Nam) chấp thuận, thì nước ta phải
có ít nhất là 30 dân tộc bản địa. Qua lăng kính nhân bản, đây là một thực tế lịch
sử và chính trị không thể nào nhìn khác hơn. Và do đó, vấn đề hiện nay không
còn là “Việt Nam có Dân tộc Bản địa hay không?” mà là Chính phủ Việt Nam
phải công nhận sự hiện hữu của các dân tộc bản địa và cần có chính sách tương đồng
với khuynh hướng chung của cộng đồng thế giới tiến bộ.
Với thực tế có 54 dân tộc đã và đang sống trên
lãnh thổ từ Bắc chí Nam, Việt Nam mặc nhiên là một quốc gia đa chủng tộc và đa
văn hóa. Dù người Kinh chiếm đa số (86%) dân số song cộng đồng các dân tộc bản
địa vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng, vì lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã có
công lao khai phá, phát triển của nhiều thế hệ dân tộc bản địa. Hơn nữa, Việt
Nam sẽ không thể có hòa bình thực sự nếu như chính phủ không nhìn nhận nguồn gốc
các dân tộc bản địa, đặc biệt là là tập thể người Tây Nguyên, người Champa và
người Khmer-Krom. Các chính sách kỳ thị, ngược đãi chỉ gây ra thêm nhiều mâu
thuẫn nguy hại, làm mất uy tín quốc gia và gây cản trở cho tiến trình hòa đồng
dân tộc. Vai trò của các cộng đồng người thiểu số cũng có ý nghĩa tương tự.
Từ nhận thức đó, ý nghĩa của cụm từ “Dân tộc
Việt Nam” cần phải được hiểu một cách rộng rãi như là sự hoà hợp giữa người
Kinh cùng các dân tộc bản địa và sắc tộc thiểu số, chứ không phải chỉ là tập thể
người Kinh thuần túy. Một khi quan niệm Dân Tộc Mới được nhìn nhận, tất cả công
dân Việt Nam đều là một thành phần chính thức của Dân tộc Việt Nam -- không
phân biệt sắc tộc. Có thể nói, ý niệm sắc tộc Kinh, sắc tộc bản địa hay sắc tộc
thiểu số chỉ là những từ ngữ nhằm xác định nguồn gốc chủng tộc cho những lãnh vực
nghiên cứu chuyên môn, chứ không phải là tiêu chuẩn để phân định giai cấp xã hội,
văn hoá, chính trị, kinh tế hay bất cứ quyền lợi nào khác.
Người dân tộc
H'Mong tại Hà Giang, ảnh chụp hôm 8 tháng 3 năm 2012. AFP PHOTO.
Việt Nam là một dạng hợp chủng quốc và đa số
người Việt ngày nay là con cháu bao đời của nhiều dòng máu sắc tộc khác nhau.
Chữ “Đồng Bào” ngày nay không còn ý nghĩa hạn hẹp của những người cùng một “bọc
mẹ trăm con” như truyền thuyết, mà là những thế hệ con người đã cùng chia
sẻ vinh nhục, thăng trầm, vui khổ trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Nhìn
nhận được ý nghĩa này thì tất cả chúng ta -- không phân biệt người Kinh, người
bản địa hay thiểu số -- sẽ có thể cảm thông, gắn bó với nhau. Từ đó, những va
chạm trong lịch sử sẽ được nhìn một cách trung thực, khách quan hơn; bởi lẽ những
đau thương của lịch sử không phải chỉ có các dân tộc bản địa gánh chịu, mà người
Kinh cũng đã có vô số tổn hại to lớn bởi chuỗi chiến tranh gây ra bởi các dân tộc
bản địa, và nội chiến giữa người Kinh. Nói cách khác, lịch sử đau thương không
phải chỉ là sự mâu thuẫn, đàn áp của người Kinh với các dân tộc bản địa, mà còn
là giữa người Kinh với người Kinh, và giữa các dân tộc bản địa với nhau.
Cần hóa giải những mâu thuẫn
Hoàn cảnh lịch sử luôn oái oăm và tàn nhẫn
trong những giai đoạn có nhiều nghịch cảnh. Nhưng lịch sử là những gì đã qua để
chúng ta học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm để làm tốt hơn hiện tại và quá khứ. Vấn
đề bây giờ là nhìn lại quá khứ với tinh thần nào, giải quyết khó khăn của hiện
tại ra sao, và tiến đến tương lai với định hướng gì.
Có phải chăng một trong những điều kiện để
phát triển bình đẳng và nhanh chóng trong thời đại hôm nay là cùng hòa đồng
trong tinh thần cảm thông, tương kính và xây dựng? Tấm gương “melting pot” của
Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình nhất, vì ở nước này, mọi sắc tộc
thiểu số và dân da đỏ bản địa đều được quyền bảo tồn lịch sử và văn hoá gốc của
họ, song đồng thời cũng được chính phủ khuyến khích để hội nhập một cách bình đẳng
vào dòng chính. Nhờ tinh thần đó, Hoa Kỳ trở thành một tấm gương tiêu biểu cho
tinh thần hòa đồng các dân tộc.
Một người
dân tộc thiểu số chăn bò tại Gia Lai, ảnh chụp 12 tháng 3 năm 2013. AFP PHOTO.
Cho nên chính phủ Việt Nam, dù là với chế độ chính
trị nào, cũng đều cần có chính sách phù hợp với nguyện vọng chung của các dân tộc
bản địa, tương tự như chính sách của chính phủ Hoa Kỳ đối với các bộ lạc người
Da Đỏ. Sự tôn trọng đó là chủ trương cần có để hóa giải dần đi những cách biệt,
mâu thuẫn do hoàn cảnh lịch sử gây ra; đồng thời giúp giữ vững các sắc thái đặc
thù của từng sắc tộc, làm phong phú thêm cho lịch sử, văn hoá nước nhà.
Để thể hiện tính nhân bản và văn minh, chính
phủ Việt Nam cần có chính sách trợ giúp đặc biệt cho các tập thể đồng bào bản địa
và thiểu số để xây dựng sự bình đẳng cần có cho xã hội. Muốn có hòa bình thực sự
để mọi sắc tộc đều có thể sống một cách hài hòa, tương kính lẫn nhau, thì mọi
hành động kỳ thị hay ngược đãi đồng bào các dân tộc bản địa và sắc tộc thiểu số
cần phải được chấm dứt ngay. Trong tinh thần đó, Đảng Vì Dân Việt Nam khẳng định
chủ trương tôn trọng nguồn gốc, lịch sử, văn hóa và nguyện vọng chính đáng của
các tập thể đồng bào dân tộc bản địa cũng như sắc tộc thiểu số; đồng thời ủng hộ
quyền tự quyết và tự quản của các tập thể đồng bào dân tộc bản địa trong khuôn
khổ Hiến pháp dân chủ và luật pháp quốc gia ở mai này.
Tóm lại, khi thực tế lịch sử ghi nhận lãnh thổ,
dân tộc, lịch sử và văn hóa Việt Nam ngày nay có sự đóng góp không nhỏ từ các
dân tộc bản địa, thì việc chính phủ công nhận nguồn gốc các dân tộc bản địa là
một vấn đề chính đáng và khẩn thiết. Tạo được sự hòa đồng dân tộc là xây dựng
được một nền tảng vững chắc cho Hợp chủng quốc Việt Nam - một tương lai tươi
sáng chung cho tất cả người Việt Nam mới.
Viết ngày 14 tháng 09 năm 2013
Nhân cuộc ‘Hội Luận về Các Dân Tộc Bản Địa Việt
Nam’ tại California
Nguyễn Công Bằng, Tổng thư ký Đảng Vì Dân Việt
Nam
---
Tài liệu
tham khảo:
(1) Declaration on the Rights of
Indigenous Peoples: http://undesadspd.org/IndigenousPeoples/DeclarationontheRightsofIndigenousPeoples.aspx
(2) United Nations Declarationon the
Rights of Indigenous Peoples: http://www.unicef.org/policyanalysis/rights/files/HRBAP_UN_Rights_Indig_Peoples.pdf
--------------------------------------------------------------
* Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
No comments:
Post a Comment