Về dịch giả
– nhà văn Phan Huy Đường
29 Tháng Tư, 2023
https://vanviet.info/van/ve-dich-gia-nh-van-phan-huy-duong/
Nhà văn Dương Thu Hương vừa được Viện Hàn lâm Pháp ngữ vinh danh, trao
giải thưởng Cino Del Duca thế giới (với giá trị khá lớn, lên đến 200 000 euros)
cách đây vài ngày.
Vậy là bao nhiêu năm sống lưu vong trong nghèo khổ của bà ở Paris đã được
đền đáp xứng đáng.
Tuy nhiên, có lẽ cũng cần nhắc đến người đã có công
đưa các tác phẩm nổi tiếng của bà đến với công chúng Pháp: nhà văn – dịch giả
Phan Huy Đường (1945-2019).
Những lời khen độc giả Pháp dành cho những tác phẩm như “văn hay chữ tốt”
có công lao không nhỏ của dịch giả Phan Huy Đường. Một số lời khen như vậy được
báo chí, nhất là báo chí Việt Nam ở hải ngoại dẫn lại khi nói về giải thưởng
này.
Đối với người đọc đại chúng, để đọc và thưởng thức
trọn vẹn một tác phẩm dài thì văn phong, chữ nghĩa có vai trò rất quan trọng.
Giá như Viện Hàn Lâm Pháp có thêm đôi lời vinh danh dành cho nhà văn – dịch giả
Phan Huy Đường thì công bằng hơn.
Các tác phẩm của nhà văn Dương Thu Hương, cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp
có thể tìm thấy dễ dàng trong các thư viện ở Pháp, nơi tôi thường lui tới trung
bình vài tuần một lần để mượn và trả sách.
Tôi thích đọc các tác phẩm của thế hệ trước, có thể kể tên như Nam Cao,
Nhất Linh, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương… Tất cả
đều hay và có chất lượng văn chương hơn hẳn những tác phẩm trên văn đàn Việt
Nam hiện tại.
Nổi trội nhất đối với tôi là nhà văn Vũ Trọng Phụng, người mà tôi đang
bỏ công sưu tầm tất cả các bài viết, truyện ngắn, tiểu thuyết của ông. Giá trị
văn chương của ông theo tôi là vượt thời gian, không cần kèm thêm bất kỳ yếu tố
chính trị hay thời sự.
Sống ở nước ngoài hiện nay, cũng có nhiều tác giả nổi trội, như nhà văn
Thuận ở Pháp, dù đôi chút giống với Phở Việt bán trên đất Pháp, cũng phải có khẩu
vị phù hợp với dân Tây.
Trở lại với nhà văn – dịch giả Phan Huy Đường, tôi bị ấn tượng với
slogan từ ông: Ăn mày văn chương.
Câu này được tác giả giải thích, là viết văn thì cần có người đọc. Được
đọc là phần thưởng quý giá nhất dành cho người viết.
Nguyên văn: "Tác phẩm và văn chương hình thành trong quá trình
đọc của độc giả". Vì thế mà cũng cần phải đi xin, ăn mày người đọc.
Cá nhân tôi thấy đúng, đồng cảm.
Văn phong Phan Huy Đường rất giản dị, dễ hiểu. Trên thực tế, rất ít, cực
ít nhà văn Việt viết trực tiếp bằng tiếng Pháp một cách thông thạo, mà lại còn
hay hơn cả người bản xứ.
Cứ nhìn các nhận xét của độc giả dành cho những tác phẩm đã chuyển ngữ
sang tiếng Pháp của Dương Thu Hương thì thấy rõ.
Có một chi tiết khá thú vị, bác Phan Huy Đường trước đây cũng là lập
trình viên, sau vì đam mê văn chương mới bỏ nghề đi làm nhà văn, dịch giả, sống
ở ngoại ô Paris..
Giá mà tôi cũng có đủ cả tài năng lẫn can đảm để vượt ra khỏi những ràng
buộc cơm áo gạo tiền như bác…
Các tác phẩm của Dương Thu Hương nếu không phải do Phan Huy Đường dịch
thì khả năng có thể kém hay đi rất nhiều. Và nếu nội dung không có yếu tố chính
trị thì càng khó mà được biết đến.
Cách nhìn nhận rất riêng của tôi là vậy.
Nhưng trên hết mọi chuyện, hễ người Việt nhận được giải thưởng tầm thế
giới là đáng mừng, đáng vui sướng rồi. Đó là cơ hội để thế giới biết tới một
dân tộc Việt Nam đang tồn tại, và cũng có đóng góp chút gì đấy cho nhân loại.
Giải thưởng được trao bởi Viện Hàn lâm Pháp ngữ, nghĩa là của một tổ chức
độc lập với nhà nước trao tặng. Phải chăng vì thế mà Đại sứ quán Pháp tại Việt
Nam không hề thấy thông cáo.
Có vẻ nước Pháp cũng chả ra gì, cũng bất bình đẳng khi đưa tin.
Nhớ ngày Giáo sư Trịnh Xuân Thuận nhận được giải này năm 2012 thì thông
tin đầy ra trên các trang của Bộ Ngoại giao Pháp.
Vinh danh cần công bằng, mà lên án cũng cần công bằng!
Paris,
23/04/2023
No comments:
Post a Comment