Trung
Quốc phát triển năng lượng xanh : Bề nổi của tảng băng
Thanh
Hà - RFI
Đăng
ngày: 30/05/2023 - 13:43
Trung
Quốc đã đảo lộn trật tự trên thị trường năng lượng hóa thạch thế giới. Trong tiến
trình « chuyển đổi năng lượng », công nghệ và các tập đoàn công nghiệp
trong lĩnh vực năng lượng tái tạo Trung Quốc khiến các đối thủ Âu Mỹ lo sợ. Đâu
là những thành công và giới hạn trong chiến lược phát triển năng lượng xanh của
Bắc Kinh ? RFI Tiếng Việt mời giáo sư François Lafargue trường quản trị
kinh doanh Paris School of Business trả lời câu hỏi này.
Tấm
bảng điện mặt trời tại một nhà máy sản xuất ở Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Ảnh ngày 11/08/2018. REUTERS/Stringer
Chuyên gia
chính trị và khoa học chính trị, giáo sư Lafargue là tác giả của cả trăm bài
tham luận và sách về chiến lược của Hoa Kỳ trước những nhược điểm của Trung Quốc
do không tự chủ được về năng lượng. Ông cũng quan tâm nhiều đến mối liên hệ giữa
châu Á -châu Phi với Hoa lục trên hồ sơ năng lượng.
***
Từ năm
2011 Trung Quốc là nguồn tiêu thụ điện lớn nhất toàn cầu, trước cả Hoa Kỳ. Nhiều
năm trước đó, « công xưởng » của thế giới là khách hàng lớn nhất của
các quốc gia xuất khẩu dầu lửa. Phần lớn trong số này lại là những đối tác thân
cận với Mỹ : 40 % dầu hỏa nhập vào Trung Quốc do Ả Rập Xê Út, Irak, Kweit
và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cung cấp. Về khí đốt, thì Bắc Kinh lệ
thuộc vào các Úc, Qatar và Oman. Chỉ một mình Indonesia bảo đảm 50 % than đá nhập
khẩu vào Trung Quốc.
Tìm
tiền để giảm lệ thuộc vào dầu, khí
Bắc Kinh
đã nhanh chóng tìm những ngõ thoát hiểm, giảm bớt lê thuộc vào vài ba nhà cung
cấp, thường là những đối tác thân cận với Hoa Kỳ.
François
Lafargue : « Trung
Quốc từ năm 1993 bắt đầu nhập khẩu dầu hỏa. Mức độ lệ thuộc vào dầu khí của nước
ngoài càng lúc càng lớn. Hiện tại Trung Quốc nhập khẩu khoảng 55 % nhu cầu tiêu
thụ về dầu hỏa và cũng gần như vậy về khí đốt. Đối với Bắc Kinh việc phải phụ
thuộc vào các nguồn cung ứng của nước ngoài là điều không thể chấp nhận được nhất
là Hoa Kỳ, đối thủ của Trung Quốc, tự chủ về năng lượng. Về câu hỏi làm thế nào
chuyển thế yếu đó một chìa khóa để phát triển, thì Trung Quốc đã đi theo hai hướng.
Đầu tiên hết là mở rộng các mối đối tác với những nước giàu tài nguyên. Kế tới
là đẩy mạnh năng lượng xanh. Trong giải pháp thứ nhất, Bắc Kinh đã thắt chặt
quan hệ với nhiều nước ở châu Phi. Gần đây hơn là với từng quốc gia tại Trung
Đông, mà đặc biệt là với Ả Rập Xê Út».
Không chỉ
với châu Phi, khu vực đang phát triển mà ngay cả Úc, một trong những nền kinh tế
công công nghiệp và kinh tế thịnh vượng của thế giới cũng đã rơi vào bẫy
« đầu tư Trung Quốc ». Theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, về FDI
Trung Quốc đứng hạng 6 trong số các nhà đầu tư ngoại quốc vào Úc. Các mục tiêu
nhắm tới gồm : các doanh nghiệp Úc trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, địa
ốc, đầu tư vào việc mở rộng hoạt động của các hải cảng tại Úc. Còn với từng quốc
gia một trong vùng Vịnh, Bắc Kinh đã đẩy mạnh những nước cờ vào lúc mà
Washington lạnh nhạt với một số đối tác -như trong quan hệ với Ryiad sau vụ nhà
báo Ả Rập Xê Út Jamal Kashoggi bị sát hại. Liên hệ giữa Trung Quốc với các nước
trong vùng Vịnh « nông hay sâu » đến độ nào và có lâu bền hay không,
đấy lại là một chuyện khác.
François
Lafargue : « Thực
ra các nước trong vùng Vịnh, chủ yếu họ vẫn đầu tư vào Mỹ và châu Âu. Khu vực
này vẫn thận trọng đối với Trung Quốc bởi họ cho rằng Bắc Kinh không có được những
khuôn khổ pháp lý vững chắc như các quốc gia trong Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển.
Trái lại giữa châu Phi với Trung Quốc (và trong một chừng mực nào đó là giữa
Trung Quốc với nhiều đối tác trong vùng Đông Nam Á và cả Úc nữa), thì đã có một
sự phụ thuộc khá lớn : Trung Quốc mua dầu khí, than đá của các đối tác này
đồng thời đổ vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các nhà sản xuất. Tại Châu Phi rõ
rệt nhất là đầu tư của Trung Quốc vào Nigeria hay ở Angola. Bắc Kinh hiện là một
trong những nguồn đầu tư và chủ nợ lớn nhất của nhiều nước châu Phi. Hiện tượng
ấy lại càng rõ rệt hơn từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khi mà
các nhà tài trợ quốc tế không còn hào phóng cấp tín dụng cho các nước đang phát
triển. Với kKhủng hoảng y tế (2019/2020), phương Tây tiếp tục giảm tín dụng cho
châu Phi. Cánh cổng của châu lục này lại càng mở rộng hơn nữa để đón các doanh
nghiệp Trung Quốc ».
.
Năng
lượng xanh, cơ hội vàng của các doanh nghiệp Trung Quốc
Song song
với chiến lược đi tìm các nguồn cung cấp năng lượng ở khắp mọi nơi trên thế giới,
kể cả tại những vùng thuộc sân sau của Nga hay Mỹ, từ 15 năm trở lại đây, Bắc
Kinh lao vào cuộc chạy đua phát triển năng lượng tái tạo. Đây là một lĩnh vực đầu
tiên các doanh nghiệp Trung Quốc xuất phát cùng lúc với các đối thủ phương Tây.
Điểm khiến Âu Mỹ bất ngờ là Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc chơi.
François
Lafargue : « Trung
Quốc thực ra là đã tiên phong trong lĩnh vực này. Nghịch lý ở đây là vào lúc
phương Tây vẫn chỉ trông thấy Trung Quốc là một nguồn phát khí thải carbon và
có vẻ như hy sinh vế môi trường vì mục tiêu tăng trưởng. Nhưng từ gần một chục
năm qua, Trung Quốc đã cố gắng nhiều và trong nỗ lực phát triển năng lượng xanh
thì các doanh nghiệp đã được chính quyền yểm trợ mạnh mẽ. Để rồi giờ đây Trung
Quốc là nhà cung cấp pin mặt trời và năng lượng gió số 1 trên thế giới. Trung
Quốc cũng đang rất mạnh và có thể nói là một tấm gương trong lĩnh vực sản xuất
xe hơi điện ».
Trong 2 kế
hoạch 5 năm cho giai đoạn 2016-2020 và nhất là cho giai đoạn 2021-2025 Bắc Kinh
đã coi phát triển năng lượng sạch là một ưu tiên. Trung Quốc có nhiều lá chủ
bài trong tay để phát triển năng lượng mặt trời. Đầu thập niên 2020, vài tập
đoàn sản xuất pin mặt trời Trung Quốc (Jinko Solar, hay JA Solar …) sản xuất 70
% các pin mặt trời cho thế giới. Giáo sư Lafargue nhấn mạnh : thị trường nội
địa khổng lồ của Trung Quốc là một chìa khóa dẫn tới thành công. « 1/3
khả năng sản xuất năng lượng mặt trời trên thế giới, 35 % năng lượng gió và 30
% thủy điện, tập trung tại Trung Quốc ».
Trong bài
viết đăng trên tạp chí Diplomatie (số tháng 2-3/2023) cũng giáo sư Lafargue trường
Paris School of Business nhận xét : 15 % tiêu thụ về năng lượng trên thị
trường nội địa Trung Quốc do năng lượng tái tạo. Trọng lượng của năng lượng
xanh tại Trung Quốc còn thua xa với tại Brazil (46 %) hay Đức nhưng Bắc Kinh có
thể tự hào là đã vượt trội hơn Mỹ (10,6%). Các hãng của Trung Quốc trong ngành
càng lúc càng tham gia vào các cuộc gọi thầu quốc tế và thường khá thành công.
Năm 2011 chẳng hạn hãng Yingli Green Energy (trụ sở ở Bảo Định, tỉnh Hà Bắc,
cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150 km về hướng tây nam) trúng thầu để cung cấp pin
cho » nhà máy điện mặt trời lớn nhất của Hy Lạp ở Kozani. Tập
đoàn này của Trung Quốc đã qua mặt hai đối thủ nặng lý là hãng Q-Cells AG của Đức
và công ty SunPower của Hoa Kỳ. Trung tâm điện mặt trời ở Kozani đã bắt đầu hoạt
động, bảo đảm nhu cầu cho 55 ngàn hộ gia đình, giúp Hy Lạp giảm thiểu đến
300.000 tấn khí thải CO2 một năm.
Vẫn giáo
sư Lafargue nhắc lại các hãng Trung Quốc về năng lượng sạch đã được chính quyền
yểm trợ như đã thấy qua các kế hoạch 5 năm năm vừa nêu. Các tập đoàn Trung Quốc
đã dễ dàng huy động được vốn để phát triển, đầu tư ồ ạt vào các khâu nghiên. Một
lợi thế không nhỏ khác là các hãng Trung Quốc sẩn xuất với một khối lượng rất lớn
trước tiên là để đáp ứng nhu cầu nội địa, cho nên giá thành đã chóng được hạ thấp
xuống. Về giá cả, các hãng của Âu Mỹ khó có thể cạnh tranh nổi với pin mặt trời
« made in China ».
Thành
công nửa vời
Những bước
đột phá của Trung Quốc về năng lượng xanh không khỏi gây lo ngại cho các đối thủ
Âu Mỹ và bản thân các nhà sản xuất Trung Quốc thừa biết sẽ còn phải vượt qua
nhiều thách thức.
François
Lafargue : « Trước
hết là những biện pháp bảo hộ : Trung Quốc bị nhiều nước trong Liên Âu chỉ
trích trợ giá cho các doanh nghiệp để xuất khẩu. Thêm vào đó là những biện pháp
trừng phạt của các chính quyền Mỹ nhắm vào một số các tập đoàn Trung Quốc, ngăn
cản số này tiếp cận với công nghệ cao. Trở ngại thứ nhì là chính sách của một số
quốc gia châu Âu về năng lượng tái tạo. Bruxelles chủ trương khai thác gió biển
để tạo ra năng lượng, điều đó phù hợp với địa hình của châu lục này. Hiện tại
trên thị trường này thì châu Âu – chủ yếu là Pháp đang dẫn đầu và hơn hẳn so với
phía Trung Quốc. Yếu tố thứ ba có thể bất lợi cho Trung Quốc là Pháp và nhiều
nước đông Âu trong Liên Hiệp – tôi muốn nói đến Ba Lan, tập trung phát triển
năng lượng hạt nhân, coi đây là động lực chính trong tiến trình chuyển đổi năng
lượng. Trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, thì các đối tác chủ chốt là Mỹ, Pháp
… Như vậy nhiều nước tại châu Âu ít nhập khẩu pin mặt trời của Trung Quốc ».
Năm 2012
khi chưa trở thành tổng thống Hoa Kỳ, nhà tỷ phú Donald Trump trên Twitter
(ngày 06/11/2012) từng viết chuyện « trái đất bị hâm nóng là do Trung Quốc
bịa ra để dìm khả năng cạnh tranh của Mỹ ». Một chục năm sau khi mà 70 %
pin mặt trời được sản xuất từ các nhà máy tại Hoa Lục, dòng Twitt của ông Trump
năm nào khiến một phần công luận phải suy nghĩ.
Vô
địch về năng lượng sạch, nhưng Trung Quốc vẫn là nạn nhân của CO2
Có một nghịch
lý ở đây, là năng lượng xanh và sạch đang phát triển mạnh tại Hoa Lục, pin mặt
trời của Trung Quốc đe dọa các nhà sản xuất ở châu Âu hay Hoa Kỳ, thế nhưng
Trung Quốc vẫn là một nguồn thải khí carbon làm hâm nóng trái đất số 1 thế giới
François
Lafargue :« Cần
hết sức thận trọng : vấn đề là chúng ta nhìn cốc nước nửa đầy hay nửa vơi.
Một mặt như vừa nói Trung Quốc đang tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh
hay về xe hơi điện. Đó là hình ảnh mà Bắc Kinh muốn đưa ra với thế giới. Đồng
thời nếu so sánh tỷ lệ CO2 thải ra trên đầu người, thì một người Trung Quốc ít
gây ô nhiễm hơn một công dân Mỹ hay Úc. Nhưng bên cạnh đó thì than đá vẫn là
năng lượng hóa thạch được sử dụng nhiều nhất tại. Cơ cấu kinh tế của Trung Quốc
cần từ ba đến bốn thập niên nữa mới bớt phụ thuộc vào công nghiệp vào các nhà
máy sản xuất. Trong khi chờ đợi, Trung Quốc là nơi có nhiều người bị bệnh tật
do ô nhiễm. Nhìn từ góc độ đó mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng xanh của Bắc
Kinh hãy còn rất, rất xa vời ».
Trước khi
khép lại phần nói chuyện với RFI tiếng Việt, François Lafargue, trường quản trị
kinh doanh Paris School of Business lưu ý, không chỉ dẫn dầu về công nghệ xanh,
mà trong « tiến trình chuyển đổi năng lượng », Trung Quốc còn nắm giữ
hai chìa khóa khác khiến Âu Mỹ rất lo sợ. Một là đất hiếm, để chế tạo từ bình ắc
quy cho xe hơi điện đến pin mặt trời… cột sống của cả chiến lược giảm thiểu
carbon cho thế giới ; và hai là nguy cơ Trung Quốc kiểm soát các bằng sáng
chế. Chỉ riêng điểm cuối cùng này báo trước những cuộc đọ sự về pháp lý
dài hơi mà các bên sẽ hao mòn nhiều sức lực.
No comments:
Post a Comment