Sunday, May 28, 2023

VĂN KHẮC TRÊN CHUÔNG SAI CHÍNH TẢ - MỘT CHUYỆN HI HỮU (Hoàng Tuấn Công)

 



VĂN KHẮC TRÊN CHUÔNG SAI CHÍNH TẢ - MỘT CHUYỆN HI HỮU   

Hoàng Tuấn Công 

27-5-2023  22:39   

https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/pfbid0WjUdeT4Lsu5BdFd8mGnnQuELGrPEFmiNE4bd7XtYER3ayZBHok6Z2YPcUTDL1HUvl

 

Bài minh của GS Vũ Khiêu trên “đại hồng chung” ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn có 4 câu như sau:

 

Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ

Dạt dào Đông Hải khí anh linh

Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí

Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.

 

Phía dưới bài minh có dòng chú thích “GS, AHLĐ Vũ Khiêu đề từ”.

 

Không lẽ ở đây có lỗi tam sao thất bản, “triêu mộ” khắc lầm thành “chiêu mộ”?

 

Không phải!

 

Trong sách “Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” (GS Vũ Khiêu – NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2004) mục “Văn bia, hoành phi, câu đối, bài minh tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ”, chính GS Vũ Khiêu đã chú thích rõ ràng như sau:

 

Ba hồi chiêu mộ nói lên ba hồi chuông vào buổi sáng và buổi chiều (chiêu là buổi sáng, mộ là buổi chiều)”.

 

Dĩ nhiên đây là lời giảng sai hoàn toàn.

 

Nói về hồi chuông sớm chiều, phải là “triêu mộ” [朝暮 – triêu = sớm; mộ = chiều] mới đúng.

 

Ví dụ: triêu tịch 朝夕 = sớm và tối; triêu dương 朝陽 = mặt trời buổi sáng; Triêu lệnh mộ cải 朝令暮改 = Lệnh ra buổi sáng, buổi chiều đã sửa đổi.

 

Còn “chiêu mộ” [招募 – chiêu = tuyển mộ; mộ = tìm kiếm, tập hợp] lại có nghĩa là tuyển mộ]. Ví dụ chiêu trong chiêu hồn 招魂 (gọi hồn người chết về); chiêu binh mãi mã 招兵買馬 (chiêu mộ binh lính, mua sắm chiến mã); chiêu sinh 招生 (mời gọi, tuyển sinh khóa mới); chiêu tập 招集 (làm cho người ở nhiều nơi tập hợp lại); mộ trong mộ lính; mộ dân, mộ phu, v.v…

 

Ở đây dĩ nhiên không phải là quy ước chính tả, hoặc liên quan cách phát âm vùng miền, giữa “triêu” hay “chiêu”, mà liên quan đến nghĩa từ nguyên.

 

Trong Hán tự thì chữ triêu thuộc chữ hội ý, hình trong giáp cốt văn bên trái có bộ nhật và mộc ; bên phải có bộ nguyệt , biểu thị trăng chưa lặn hẳn mà mặt trời đã nhô lên phía rặng cây, nghĩa gốc là buổi sáng sớm. Còn chữ chiêu trong chiêu mộ 招募, lại có bộ thủ (cái tay), biểu thị dùng tay để vẫy gọi, tập hợp người lại, chữ triệu có bộ khẩu biểu ý kêu gọi, vừa ghi âm vừa ghi nghĩa.

 

Như vậy, GS Vũ Khiêu đã viết sai chính tả, “triêu” thành “chiêu”; hoặc ông cứ ngỡ “chiêu”, mới có nghĩa là “buổi sáng” [*].

 

Vấn đề đáng nói ở đây là, tuy viết sai chính tả, nhưng “chiêu mộ” lại vẫn có nghĩa, và trở thành rất trớ trêu khi đặt vào ngữ cảnh của bài minh. Theo đây, căn cứ chữ nghĩa của GS Vũ Khiêu, thì câu “Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí”, không thể có nghĩa là “ba hồi chuông vào buổi sáng và buổi chiều”, như ông giảng, mà buộc phải hiểu thành “Ba hồi ‘tuyển mộ’ rung tâm trí” mới đúng (!).

 

Các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh và yên giấc ngàn thu, vậy còn “chiêu mộ” vào việc gì nữa?

 

Điều đáng chú ý là cách giảng sai của GS Vũ Khiêu giống hệt cái sai của GS Nguyễn Lân trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam (cuốn sách do chính GS Vũ Khiêu viết lời giới thiệu, và ca ngợi là “một tác phẩm có giá trị mà cả xã hội mong đợi”). GS Nguyễn Lân giảng như sau: “chiêu mộ • dt. (H. chiêu: sáng; mộ: buổi chiều) Sáng và chiều <> Ba hồi chiêu mộ, chuông gầm sóng (HXHương); chiêu mộ • đgt. (H. chiêu: vời tới; mộ: cầu tìm) Tuyển người làm một việc gì <> Thực dân chiêu mộ người đi làm đồn điền cao-su”. (Lỗi này đã được chỉ ra trong sách Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và Khảo cứu – Hoàng Tuấn Công – NXB Hội Nhà văn. 2017)

 

Có lẽ chính GS Vũ Khiêu đã tham khảo và đặt niềm tin tuyệt đối vào “cuốn từ điển sống” Nguyễn Lân (chữ của GS Vũ Khiêu dành cho tác giả Từ điển từ và ngữ Việt Nam), khi cho rằng “chiêu mộ” vừa có nghĩa là “sáng và chiều”, vừa có nghĩa là “tuyển người làm một việc gì”(!)

 

Chuyện viết sai chính tả không hiếm trên sách báo. Tuy nhiên, một bài minh viết sai chính tả, dùng từ sai hoàn toàn như vậy mà vẫn được khắc trên chuông đồng, thì có lẽ là trường hợp hiếm có!

 

Ở đây, nếu kể về thứ tự, thì dĩ nhiên lỗi trước tiên thuộc về GS Vũ Khiêu, nhưng nếu nói về trách nhiệm, thì lỗi lớn lại về phía người xét duyệt nội dung dẫn đến lỗi chính tả hết sức trớ trêu: Ba hồi chuông triêu mộ/sớm chiều, bỗng hoá thành ba hồi chuông chiêu mộ/ tuyển mộ binh sĩ!

 

Điều đáng nói thêm ở đây, là câu “Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/ Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình” của GS Vũ Khiêu na ná như câu “Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng/ Một vũng tang thương nước lộn trời”, được cho là của Hồ Xuân Hương.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3568709110026449&set=pcb.3568710206693006

https://www.facebook.com/photo?fbid=3568709213359772&set=pcb.3568710206693006

https://www.facebook.com/photo?fbid=3568709303359763&set=pcb.3568710206693006

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3568709383359755&set=pcb.3568710206693006

Ảnh: Lãnh đạo các tỉnh, các bộ ngành viếng thăm và thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Có thể thấy rõ dòng chữ “Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí” khắc trên “đại hồng chung”. Nguồn: Báo Tuyên Quang

 

Câu chuyện sai sót hi hữu này đã được nêu ra cách đây 5 năm. Tuy nhiên, căn cứ vào những hình ảnh mới nhất, thì lỗi chính tả trên “đại hồng chung” ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn vẫn chưa được sửa lại cho đúng.

 

 .

296 BÌNH LUẬN   





No comments: