Bút
chiến giữa Dương Thu Hương và Thụy Khuê
29 Tháng Tư, 2023
https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/bt-chien-giua-duong-thu-huong-v-thuy-khu/
LTG: Bài này trích từ chương “Văn học hải ngoại, nhìn qua những
cuộc tranh luận”, là một phần trong loạt bài biên khảo “25 năm văn học hải ngoại”
phát trên Đài SBS của chính phủ liên bang Úc năm 2000.
Trước
đây, cũng trên Văn Việt, tác giả đã giới thiệu hai cuộc tranh luận khác trong
trích đoạn Tranh
luận văn học: “Trận Con Cóc” và “Tác phẩm lớn, tác phẩm nhỏ”. http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tranh-luan-van-hoc-tran-con-cc-v-tc-pham-lon-tc-pham-nho/
---------------------------------------------------------------
Cuộc tranh luận giữa Dương Thu Hương và Thuỵ Khuê diễn ra vào năm 1992,
trên tạp chí Diễn
Đàn và Hợp Lưu, xoay quanh việc xuất bản Tiểu
thuyết vô đề của Dương Thu Hương, bị cấm tại Việt Nam.
Năm 1991, chỉ vài ngày sau khi Dương Thu Hương bị bắt,
nhà phê bình Thụy Khuê được một người bạn trao tập bản thảo cuốn Tiểu
thuyết vô đề nhờ xuất bản với mục đích gây tiếng vang dư luận nhằm qua
đó, vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với một nhà văn bất đồng chính kiến cũng
như đưa "tác phẩm đến tay người đọc". Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, có cơ sở
tại Mỹ, là một nhà xuất bản có uy tín với một chủ trương văn hoá đúng đắn, đã
được Thuỵ Khê chọn lưạ.
Trong lời tựa của ấn bản Tiểu thuyết vô đề, Dương Thu Hương
được Thụy Khuê giới thiệu như "một hiện tượng hiếm có, một viên ngọc trong
đám sình lầy ô nhiễm…" và với tác phẩm, Thụy Khuê cho đó là một bước tiến
mới. Theo bà, ở Bên kia bờ ảo vọng Dương Thu Hương đã nhắm vào
những thần tượng giả hiệu, nếu ở Thiên đường mù Dương Thu Hương nhắm vào huyền
thoại đấu tranh giai cấp bằng cách phơi bày thực chất của cải cách ruộng đất
thì với Tiểu thuyết vô đề, Dương Thu Hương đã đi "tiên phong
trong việc nhìn nhận lại cuộc chiến một cách sáng suốt và mạnh dạn".
Theo Thụy Khuê, cho dù Dương Thu Hương có đưa ra những hình ảnh khiến
nhiều người phẫn nộ với điều gọi là "bôi nhọ quân đội miền Nam", đấy
chỉ là điều nhỏ nhặt. Với bà, sự hung bạo là một hệ lụy khó mà tránh khỏi của
chiến tranh, đối với bất cứ bên nào. Điều quan trọng hơn, và đáng trân trọng
hơn ở thái độ của Dương Thu Hương là dám "nhắm vào phần cốt tủy của huyền
thoại chống Mỹ cứu nước và vạch trần mặt trái của những lý tưởng cao đẹp, mặt
sau của những khải hoàn môn, mặt nạ của những mỹ từ đã trở nên những khẩu hiệu
trống rỗng: Tổ Quốc – Nhân Dân – Chính Nghĩa – Tự Do – Quốc Gia – Dân Tộc… vì
người ta đã lợi dụng khá nhiều rồi.".
Tuy nhiên, năm sau 1992, sau khi ra tù, Dương Thu Hương, vốn tự xem
mình như một nhà văn bị "ném đá từ hai phíá" đã lên tiếng công kích
điều gọi là sự "lợi dụng một cách triệt để…" của "những người chống
cộng cực đoan…". Dương Thu Hương phủ nhận tư cách "ngọc sáng" của
mình mà muốn đồng hoá vào với đại "nhân dân tôi"; vì, theo bà,
"chính dân tộc này mới là một viên ngọc bị vùi lấp trong sình lầy của nghiệp
chướng.". Lời giới thiệu trân trọng của Thụy Khuê, qua cái nhìn của Dương
Thu Hương, đã trở thành một sự mạ lỵ chung đối với dân tộc.
Trong bài "Tự bạch về Tiểu thuyết vô đề” đăng trên tạp
chí Diễn Đàn (số 6 tháng 3/1992) và sau đó là tạp chí Hợp
Lưu số 4 (tháng 4/1992), Dương Thu Hương kể lại lai lịch Tiểu
thuyết vô đề:
Mùa thu
năm Canh Ngọ, tôi viết Tiểu thuyết vô đề, tức Khải hoàn môn. Bản thảo đã được
đưa đến nhà xuất bản tại Hà Nội và đã bị từ chối. Chính tôi, tự tay tôi đã gởi
nó sang Pháp. Tôi chủ trương vi phạm pháp luật của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam. Đối với tôi, vòng phấn của thứ pháp luật đó quá hẹp. Tôi không
thể thích ứng. Tôi dành quyền tự do cho mình với bất cứ giá nào. Tiểu thuyết vô
đề được gởi đi với hai lý do:
- Thứ
nhất, nó là quà tặng cho bố mẹ nuôi của tôi.
- Thứ
hai, tôi dụng tâm viết cuốn sách này cho tất cả những ai thuộc nòi giống Việt.
Nếu trong nước tôi bị treo bút thì tôi sẽ in cho người Việt ở hải ngoại đọc.
Thà ít còn hơn không.
Theo Dương Thu Hương, Tiểu thuyết vô đề được gởi sang
Pháp không những như một món quà tặng cho bố mẹ nuôi của mình, mà còn gởi sang
một miền đất ở đó cộng đồng người Việt hải ngoại "ít thành kiến" hơn,
có "tư tưởng tự do phóng khoáng hơn". Với tác giả Tiểu thuyết
vô đề, trong dư âm của cuộc chiến huynh đệ tương tàn vô cùng khốc liệt vừa
qua, những kẻ cực đoan nhất đang cố thủ ở hai bên lằn ranh đề "không thể
đem lại một tương lai khả quan" nào cho đất nước; và, như một con người tự
do, bà "bất chấp sự khủng bố của phía bên này" và "phản đối sự lợi
dụng xuyên tạc của phía bên kia".
Dương Thu Hương khẳng định mình sẽ "không bao giờ rời bỏ đội ngũ
những người cộng sản để chạy sang hàng ngũ những người chống Cộng". Bà
không phải là một "đảng viên cộng sản sám hối", có cần sám hối, đấy
chính là những người ở phiá bên kia, những kẻ đã từng "chào đòn lính Mỹ
hay lính Đại Hàn" đến quê hương mới cần sám hối. Bà viết:
Vào năm
tôi mười tám, thế hệ chúng tôi đã lên đường chống Mỹ theo truyền thống của người
Việt. Nói đến người Việt, là nói đến một hành trình bất tận chống ngoại xâm.
Tôi sẽ không bao giờ hối tiếc, tôi sẽ mãn nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng
nếu phiá trước mũi súng của tôi chỉ là kẻ ngoại bang. Nhưng sự thể đã không diễn
ra như vậy. Những tù binh chiến tranh lần đầu tiên tôi nhìn thấy lại là những
người tóc đen, da vàng, cùng nòi giống và máu huyết với tôi… Trái tim thầm kín
vẫn bảo tôi biết rằng họ là đồng bào của tôi và số đông trong bọn họ chỉ là nô
lệ phục tòng một định mệnh tàn khốc. Chính những cảm xúc, những ý nghĩa bột
phát trong giây phút ấy đã được bồi đắp nuôi dưỡng và dẫn tới hành trình tư tưởng
này.
Theo Dương Thu Hương, chính những đau khổ từ cuộc chiến đã giúp bà
"lọc bỏ mọi định kiến, mọi hận thù", đã thôi thúc bà viết. Không hề
có sự sám hối nào cả. Bà viết:
…Có
đúng Tiểu thuyết vô đề là "lời sám hối của một tên Việt cộng, của
một "con Việt cộng", của "một kẻ đã từng là đảng viên cộng sản"
hay không?"
Thưa
vâng, có thể, nếu lịch sử đặt tôi vào vị trí trọng đại nào đó mà ở vị trí ấy,
do mù quáng hay do dục vọng cá nhân lấn át lương tri, tôi đã gây ra những hậu
quả nghiêm trọng cho đồng bào của mình. Nếu như vậy, tôi sẵn lòng sám hối, vì
sám hối, theo tôi, là một tình cảm tự nhiên và thuần nhân tính, cần thiết cho tất
cả những ai tồn tại dưới danh hiệu Con Người.
Ngoái
nhìn lại cuộc chiến đã qua, có lẽ những ai đã treo đèn kết hoa, dàn kèn đồng ra
hải cảng và phi trường chào đón những binh đoàn lính Mỹ, lính Úc, lính Đại Hàn
vào xứ sở cần biết đến hai từ sám hối hơn tôi…
Dương Thu Hương tự nhìn về mình như "một người đàn bà bình thường,
một phó thường dân, chịu đủ thứ đày ải của đói khát, bệnh tật, bom đạn"
trong cuộc chiến. Chính vì "thiên kiến", vì "lầm lẫn" hoặc
vì "không am hiểu thực tiển" nên "ông" – theo nguyên văn –
Thụy Khuê đã lập lờ với những từ ngữ như Chính Nghĩa – Quốc Gia mà miền Bắc
không bao giờ dùng. Bà viết:
Vì ở miền
Bắc có những đội tuyên truyền từng ca ngợi chiến tranh là ngày hội. Vì ở miền
Nam có cả một đoàn quân Tâm Lý Chiến với các giọng oanh vàng véo von khích lệ
những anh hùng quốc gia lên đường nên ngày hôm nay tôi phải ngồi viết Tiểu
thuyết vô đề. Tôi muốn nói với đồng bào của mình rằng chiến tranh không giống
gìấc mộng vàng mà các nữ ca sĩ thêu dệt, cũng chẳng là ngày hội tưng bừng mà
các bản hoà tấu kèn diễn tả. Chiến tranh có gương mặt thật của nó mà ít ai tường
tận. Và trong bất kỳ cuộc chiến nào, chết chóc, đau đớn và sự hủy diệt nhân
tính cũng được chia đều cho cả hai bên.
Trả lời, Dương Thu Hương, Thụy Khuê cho rằng sau 16 năm kết thúc chiến
tranh, những định danh phân giới bên này hay bên kia, đã trở nên lạc hậu:
Một khi
thắng trận, viết về những lầm lẫn của mình, đã là khó. Một khi thắng trận, viết
về những nhầm lẫn của đối phương lại càng khó hơn. Không mấy ai thành công
trong cuộc phiên lưu ấy, cho dù viết với mục đích "để những ai thua trận
không thể còn tiếp tục thù hận.
Ngôn ngữ
văn học là một con dao hai lưỡi, nếu Tiểu thuyết vô đề –
qua sự kiểm nghiệm lại dĩ vãng – giải toả được một số vần đề trong sự chia rẽ
sâu xa của dân tộc và có một già trị nhân bản cao thì Tự Bạch về Tiểu
thuyết vô đề, với những tổ cáo "tội ác" của đối phương, giới hạn mọi
giải toả chia rẽ và triệt tiêu giá trị nhân bản.
Với Thụy Khuê, khái niệm "huyền thoại chống Mỹ" không hề thể
hiện một cái nhìn thiên kiến hay kẻ cả. Nếu Tiểu thuyết vô đề đưa
ra những cái nhìn hoàn toàn mới về cuộc chiến từ miền Bắc, đấy phải gọi là sự
soi rọi vào "huyền thoại chống Mỹ"; nếu một tác giả nào đó, viết với
một cung cách như thế từ góc độ của người miền Nam, dĩ nhiên, khái niệm ấy phải
là "huyền thoại chống cộng". Với bà, những từ ngữ như quốc gia, dân tộc
mà Dương Thu Hương phân biệt là của chính quyền này hay của chính quyền kia, thực
ra, chỉ là những từ thuần Việt, và bất cứ người Việt nào cũng có quyền sử dụng
tiếng mẹ như một người con không bị giày xé hay câu nệ bởi những ranh giới thù
hận. Cả sự ví von của hình ảnh viên ngọc sáng, với Thụy Khuê, cũng không có gì
là mạ lỵ dân tộc: giữa một chế độ áp bức và thối nát, có ví von sự quả cảm của
một nhà văn như một viên ngọc giữa bùn lầy cũng không có gì quá đáng.
Cũng trên Hợp Lưu cùng số, Nhật Tiến
đưa ra những nhận xét khá khách quan về thái độ có phần quá khích trong bản tự
bạch của Dương Thu Hương.
Nhật Tiến cho rằng sự hạn chế trong cái nhìn của Dương Thu Hương xuất
phát từ những hoàn cảnh riêng và có thể thông cảm được. Như một người đã tham
gia cuộc chiến từ năm 18 tuổi, cái nhìn của bà, cho đến lúc viết tự bạch, vẫn
phảng phất nhãn quan của người chỉ được hưởng thụ nền giáo dục một chiều, phải
sống trong một xã hội bưng bít và ít có cơ hội tiếp xúc cũng như tiếp nhận nguồn
thông tin của thế giới rộng lớn bên ngoài. Cả Thụy Khuê, một nhà phê bình nữ vẫn
được Dương Thu Hương thưa ông. Hơn thế nữa, hoàn cảnh của Dương Thu Hương, là
hoàn cảnh đặc biệt cuả một nhà văn từng bị cầm tù và đang đối phó với những biện
pháp truy bức của một bộ máy công an trị.
Với Nhật Tiến, trong khuôn khổ của cái nhìn một chiều,
Dương Thu Hương chỉ thấy được hậu quả của cuộc chiến qua ảnh hưởng của chất độc
màu da cam, qua những hình ảnh chết chóc của riêng đồng đội mình mà không thấy
được rằng chính những đoàn quân đến từ miền Bắc cũng đã ra tay thảm sát dân
chúng miền Nam, không thấy được rằng chiến tranh Việt Nam cũng được nuôi dưỡng
bằng nguồn quân viện khổng lồ từ những nước cộng sản.
Cũng chính vì thế, vì thiếu thông tin nên Dương Thu Hưong chắc mẩm rằng
tác phẩm của mình đang được tung hô như một thứ bùa thiêng của những người chống
cộng cực đoan. Thực ra, đó mới là những kẻ chống đối Tiểu thuyết vô đề dữ
dội nhất và những người đúng ra xuất bản tác phẩm của bà phải gánh chịu cả hai
lằn đạn. Đạn từ Dương Thu Hương và đạn từ những người chống cộng cực đoan, những
kẻ vẫn xem quan niệm bà như một con mồi, một lá bài trong trờ chơi chính trị mới
của Hà Nội.
Và như thế, ngay sau đó Dương Thu Hương đã thay đổi hẳn thái độ. Trong
Thư gởi cho một người bạn văn đăng trên Hợp Lưu số 5 1992, bà
viết:
Hôm
nay, tôi đã đi lấy bản “Tự Bạch” viết tay về. Đọc lại bản này, tôi thấy nó hoàn
toàn trung thành với ý nghĩ của tôi. Chỉ có một câu sơ suất. Đó là câu
"Tôi không từ bỏ đội ngũ những người cộng sản để chạy theo những người chống
cộng cực đoan. Tôi đã viết thiếu hai từ cực đoan. Vì thế nó gây hiểu lầm và mâu
thuẫn với phần dưới tôi viết: "Những người Cộng Sản bảo thủ và những người
chống cộng cực đoan, sao mà họ giống nhau đến thế? Hiển nhiên trong thực tế,
khi tôi đã phủ nhận triệt để lý thuyết Mác xít và bị khai trừ khỏi đàng thì tôi
đã là một người chống cực quyền. Nhưng tôi không bao giờ chấp nhận lối chống cộng
của những người đã đánh trọng thương nhà văn Duyên Anh và dọa ném lựu đạn vào
các toà báo. Những thứ quyền uy như thế, dủ đỏ hay trắng, đều đáng ghê tởm và
phải chống lại chúng cho đến hơi thở cuối cùng. Đối với tôi, cả những người Cộng
sản bảo thủ và những người chống cộng cực đoan đều không thể đem lại một tương
lai tối đẹp cho dân tộc. Họ chỉ có khả năng đục khoét hận thù trong quá vãng,
làm suy tổn sinh lực của cộng đồng, kéo dài tình trạng lạc hậu của đất nước. Họ
chống đối nhau nhưng giống hệt như nhau: Họ đều muốn giết tất cả những kẻ suy
nghĩ khác mình…
Cũng trên Hợp Lưu cùng số, lá thư riêng ở đó Dương Thu
Hương công khai xin lỗi Thụy Khuê cũng được đăng tải. Dương
Thu Hương viết cho Thụy Khuê:
Tôi đã
đọc bài trả lời của bà cho “Tự Bạch” cũng trên báo Diễn Đàn. Những khác biệt
về quan niệm, về ngôn từ, về phương pháp suy tưởng… giữa bà với tôi, tôi thiết
nghĩ cũng là đương nhiên, vì chúng ta có hai quá khứ khác nhau, hai môi trường
sống khác nhau và hai sự nghiệm sinh khác nhau. Dù ít hay nhiều, chúng ta cũng đã
từng bị khống chế bởi những hệ ý thức trái chiều và sự chi phối của dĩ vãng bao
giờ cũng ghê gớm hơn người ta vẫn tưởng. Quá trình đi đến sự hoà hợp là quá
trình soi rọi lại chính mình và, sàng lọc, tẩy rửa và vun xới. Nó phải được thực
hiện nghiêm cẩn với mọi cá nhân trên cơ sở thành thật và thiện chí…
Tôi chỉ
có một phe nhóm, một đảng phái, một triết thuyết thôi, ấy là lợi ích dân tộc. Với
tôi, lợi ích dân tộc là tối thượng. Đó là vấn đề cốt tử, cốt lõi. Còn lại, đó sẽ
là phận sự của thời gian và sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Vậy thì, xin bà hãy
nhận lời xin lỗi chân thành của tôi. Tôi đã xử sự với bà thật bất công và phi
lý. Có lẽ sự lầm
tưởng ấy trước hết không chỉ trái tim mà cả cái đầu tôi cũng luôn luôn bốc lửa.
Sau nữa, là do phương pháp suy tưởng của chúng ta không giống nhau. Tuy nhiên,
dầu cho tình huống nào thì cuối cùng con người cũng có thể hiểu được con người
nếu lòng họ rộng mở…
Thế là cuộc tranh luận đi đến chỗ kết thúc. Không như những cuộc tranh
cãi dằng dai xưa nay, cái đề tài khá tế nhị với lằn ranh quốc-cộng, với
"huyền thoại chống Cộng", với công hay tội của bên này bên kia, đã diễn
ra một cách thẳng thắn. Với hai quá khứ và hai góc nhìn khác nhau nhưng cùng
chia sẻ một tinh thần nhân bản, cùng hướng về con người, hướng về dân tộc như
là cứu cánh. Với tấm lòng rộng mở, định kiến đã bị vượt qua, tự ái cá nhân đã bị
nhấn chìm. Và đó là một bài học rất lớn cho một dân tộc bị giày vò và dằn vặt
quá nhiều với định kiến và thù hận như dân tộc chúng ta.
No comments:
Post a Comment