Sunday, May 28, 2023

ĐẤT HIẾM CỦA VIỆT NAM TRONG CUỘC CẠNH TRANH MỸ - TRUNG (RFA)

 



Đất hiếm của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh Mỹ- Trung

RFA
2023.05.26

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-rare-earths-in-the-us-china-competition-05262023074925.html

 

Tại hội nghị thượng đỉnh các nước G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, từ 19 đến 21 tháng 5, 2023, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) , đã nhấn mạnh cần phải hợp tác với những đối tác và các quốc gia có tầm nhìn chung để “giảm thiểu sự phụ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc” ở một số lĩnh vực then chốt, trong đó có đất hiếm.

 

Hôm 18/5/2023, Bộ Tài nguyên của Australia, một nước không thuộc G7 nhưng là khách mời tham dự G7 tương tự như Việt Nam, đã ra thông báo chính sách tài trợ cho ngành khai thác mỏ, trong đó có chiến lược khai thác đất hiếm, nhằm giảm thiểu các rủi ro về chủ quyền và tăng cường năng lực cho chuỗi cung ứng của các lĩnh vực sản xuất. 

 

Trong thời đại của nền kinh tế công nghệ, các nguyên tố đất hiếm có mặt khắp mọi sản phẩm công nghiệp như xe hơi, điện thoại di động, vệ tinh, động cơ, tên lửa dẫn đường bằng tia laser… Một báo cáo của RAND Corporation cho biết trong động cơ và các thiết bị điện tử của mỗi chiếc máy bay chiến đấu F-35 Lightning II thế hệ mới nhất của Hoa Kỳ có khoảng 450 kg nguyên tố đất hiếm. 

 

Trung Quốc hiện là nước chiếm khoảng 90% thị phần thế giới về nguồn cung đất hiếm. Tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbum gần đây đưa tin Trung Quốc đang xem xét sử dụng đất hiếm như một vũ khí để tấn công vào các đối thủ Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản, viện dẫn lý do “an ninh quốc gia”.  

 

Vào đầu tháng 5, Reuters loan tin, Việt Nam trong năm 2022 tăng sản lượng đất hiếm lên 10 lần và trong năm nay hãng Australian Strategic Materials Ltd. sẽ mua 100 tấn đất hiếm của Việt Nam.

 

Hãng tin Reuters vào đầu tháng qua loan tin dẫn nguồn Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ ước tính trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chừng 22 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc và bằng phân nửa trữ lượng của nước láng giềng này thôi.

 

Về trữ lượng và vùng phân bố của đất hiếm ở Việt Nam, một nhà nghiên cứu ở Hà Nội, phát biểu với điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, cho biết:

 

“Lai Châu mới là địa phương có mỏ đất hiếm lớn nhất, theo một dự báo của Bộ Tài Nguyên Môi trường lên tới khoảng 21 triệu tấn, nhưng hiện vẫn chưa thể khai thác trên quy mô công nghiệp do thiếu đầu tư.”  

 

Về triển vọng của ngành khai thác đất hiếm của Việt Nam cũng như tiềm năng Việt Nam có thể thế chân Trung Quốc trên thị trường thế giới khi Trung Quốc định siết chặt hơn mặt hàng đất hiếm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu và các đồng minh khác, nhà nghiên cứu ẩn danh cho rằng ông không quá lạc quan về việc đất hiếm có thể giúp Việt Nam nâng tầm vị thế. Lý do theo nhà nghiên cứu này , “đất hiếm” nhưng không thật sự hiếm, và “nhu cầu đất hiếm toàn cầu thực ra khá ổn định (chưa tới 100 ngàn tấn/năm), nên chỉ riêng trữ lượng của Việt Nam có thể đã đủ dùng cho cả trăm hay ngàn năm.” 

 

Bên cạnh đó, theo nhà nghiên cứu , về mặt quan hệ quốc tế và công nghiệp, Việt Nam khó có thể khai thác quân bài đất hiếm theo cách giống như Trung Quốc. Trung Quốc vốn có ngành công nghiệp sản xuất chế tạo rất phát triển, được coi là “công xưởng của thế giới”. Nước này khai thác, xuất khẩu đất hiếm cho phương Tây rồi lại nhập khẩu chính những sản phẩm kỹ thuật cao sử dụng đất hiếm (chip, linh kiện,...) để phục vụ ngành sản xuất chế tạo trong nước. Vì vậy, ông chỉ ra là, nếu hai bên phong tỏa lẫn nhau, bên này phong tỏa công nghệ cao, bên kia phong tỏa đất hiếm, thì một khi ngành công nghệ Trung Quốc suy yếu vì lệnh cấm vận của Mỹ thì “quyền lực” của Trung Quốc do đất hiếm mang lại cũng sẽ khó lòng mà được như trước kia.     

 

Đất hiếm rất khó khai thác (do phải xử lý, tinh lọc các thành phần nguyên tố trong hỗn hợp) và đặc biệt là sẽ gây hệ quả nghiêm trọng cho môi trường nếu không sử dụng công nghệ tốt. Đó là lý do khiến Mỹ, Nhật Bản và phương Tây không tìm cách phát triển hoạt động khai thác đất hiếm ở quốc nội mà sẽ tìm kiếm nguồn cung cấp từ bên ngoài (Trung Quốc, Việt Nam, Brazil, Úc, Nam Phi, ...) theo nhà nghiên cứu:

 

“Nếu thật sự mong muốn có một ngành công nghiệp đất hiếm bền vững thì Việt Nam không thể xem sản phẩm này giống như than, cát, ... để chỉ khai thác và xuất thô; khi ấy cái giá phải trả thậm chí sẽ còn vượt xa lợi ích. Tuy nhiên, bản thân Việt Nam cũng không có đủ năng lực (vốn, công nghệ) để tự phát triển một ngành công nghiệp đất hiếm hiện đại, đứng ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Muốn làm được điều đó, Việt Nam bắt buộc phải tìm cách học hỏi công nghệ, hợp tác và chia sẻ lợi ích với Mỹ, Nhật cùng hệ thống đồng minh.   

Tất nhiên, Việt Nam cũng đang có một cơ hội tốt và sẽ được hưởng lợi trước xu hướng Trung Quốc + trong lĩnh vực sản xuất chế tạo.”   

 

Trả lời câu hỏi của RFA về khả năng Việt Nam có thể thành công với nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào của mình hay không, nhà nghiên cứu nhận xét:

 

“Đây quả là một câu hỏi rất khó trả lời, bên cạnh tính nhạy cảm của nó. Tôi chợt nhớ tới những phân tích của GS Ricardo Hausmann tại Đại học Harvard, cũng là cựu Bộ trưởng Kế hoạch của Venezuela thời trước Hugo Chavez, trong bài viết năm 2022 trên Project Syndicate, tạm dịch “Phát triển, khử carbon và những chủ đất ngu xuẩn”, thì không phải sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên, mà chính sách khôn ngoan mới là thứ quyết định sự phát triển của các ngành công nghiệp, bao gồm cả khai khoáng. Chẳng hạn, mặc dù Chile có trữ lượng lithium lớn gấp 2,5 lần Úc, nhưng lại bị Úc vượt mặt về cả sản lượng lẫn trình độ công nghệ khai thác, xử lý lithium; hay Venezuela dù sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất nhì thế giới nhưng lại đang loay hoay trong khủng hoảng kinh tế và thậm chí còn thiếu cả xăng dầu. 

 

Theo lối tư duy như của GS. Hausmann thì Việt Nam đương đại, với một cơ chế và bộ máy như vậy, thực sự không phải là một người chủ đất khôn ngoan và vì thế sẽ khó lòng đạt được những mục tiêu tham vọng do chính các lãnh đạo tuyên bố.”  

 

Nhà nghiên cứu độc lập về đất hiếm ở Hà Nội cho biết Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm vào khoảng 44 triệu tấn, phần lớn tập trung tại khu vực Nội Mông, đứng nhất thế giới. Từ nhiều năm nay, nước này đã đẩy mạnh thăm dò, khai thác, xử lý và xuất khẩu đất hiếm, vừa để phục vụ nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp quốc nội, vừa để tự tạo cho mình một con bài chiến lược khi có thời điểm kiểm soát tới gần 90% nguồn cung đất hiếm toàn cầu. Theo ông, đó có lẽ vì thế mà Trung Quốc định sử dụng đất hiếm để làm vũ khí phản công Mỹ trong cuộc cạnh tranh kinh tế công nghệ đang diễn ra ngày càng khốc liệt.       

 

Đối với câu hỏi rằng các động thái của nhóm G7 và Trung Quốc vừa qua có thể là dấu hiệu cho thấy đất hiếm sẽ thành một trong những tâm điểm của cuộc cạnh tranh Mỹ -Trung sắp tới hay không, nhà nghiên cứu ẩn danh cho rằng vì đất hiếm thực ra không hiếm, nên khả năng nó trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh giữa hai khối Mỹ Trung là không cao. Ông nói: 

 

“Chắc chắn việc Trung Quốc sử dụng còn bài đất hiếm để phản công trả đũa Mỹ, thông qua việc kiểm soát nguồn cung và hạn chế xuất khẩu, sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường này. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói liệu đất hiếm có trở thành tâm điểm của cuộc chiến này giống như chip bán dẫn hay không. Bởi như đã trao đổi ở trên, “đất hiếm” thực sự không hề hiếm, chỉ là nó tương đối khó khai thác và cực kỳ gây ô nhiễm môi trường. 

 

Trung Quốc đang bị Mỹ dồn ép và hứng nhiều đòn “chí mạng” từ chính sách cấm vận công nghệ do chính quyền Trump và nay là Biden áp đặt, đặc biệt nhắm vào tham vọng tự chủ bán dẫn của nước này. Để trả đũa, Trung Quốc có thể áp dụng chính sách cấm vận đất hiếm hòng gây thiệt hại cho các ngành công nghệ của Mỹ, Nhật Bản và khối đồng minh phương Tây. Tuy nhiên, liên minh này hoàn toàn có thể tìm tới nguồn cung cấp thay thế từ Brazil, Việt Nam, Úc, Nam Phi,... một giải pháp tuy tốn kém song cần thiết để giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp và giảm thiểu sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc.”    

 

So sánh cuộc cạnh tranh "đất hiếm" có thể sẽ xảy ra và cuộc cạnh tranh "chip điện tử" đã diễn ra từ năm ngoái đến nay giữa hai cường quốc Mỹ Trung, nhà nghiên cứu vừa nêu cho biết hai cuộc cạnh tranh này sẽ khác nhau, do chip điện tử đất hiếm có mức độ phức tạp khác nhau: 

 

“Khác với hoạt động khai thác và xuất khẩu đất hiếm (vốn dựa vào nguồn tài nguyên trời phú), ngành công nghiệp “chip” phức tạp và đòi hỏi hàm lượng tri thức (know-how) cao hơn nhiều. Chẳng hạn, Trung Quốc mặc dù đã và đang đầu tư rất nhiều tiền (hàng chục tỷ USD, thậm chí hơn) cho ngành bán dẫn quốc nội nhưng vẫn chưa thể bắt kịp Đài Loan, Đại Hàn, Mỹ,... Vị thế của TSMC (Đài Loan), trung tâm của cuộc chiến chip toàn cầu, không phải ngẫu nhiên mà có; đó là thành quả của cả một quá trình nỗ lực học hỏi, thực hành, sửa lỗi và hoàn thiện know-how, điều mà Trung Quốc mặc dù rất cố gắng song vẫn chưa thể sao chép thành công.”     

 

Trở lại với Việt Nam, với sản lượng 4.300 tấn vào năm 2022, quốc gia này trở thành nước đứng hàng thứ sáu trên thế giới về mặt hàng đất hiếm. Theo Reuters, Trung Quốc sẽ là nước có lợi khi Việt Nam tăng sản lượng khai thác đất hiếm. Lý do vì Hoa Lục là thị trường xe hơi và xe điện lớn nhất thế giới; cũng như là trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử và điện thoại thông minh trên thế giới.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Nhật Bản khai thác đất hiếm ở Lai Châu





No comments: