Kỉ niệm một
chuyến đi Hà Nội thời 1970s
Năm 1975, ấn tượng của
tôi về những cán bộ từ Bắc vào Nam là chú VĐH, người hay nói: “Chúng tôi cung cấp
những thông tin các anh cần, chứ không như bọn ‘Mĩ Nguỵ’ chúng cung cấp quá nhiều
thông tin làm các anh lẫn lộn giữa thật với giả.”
Phải cả 5 năm sau tôi mới
biết câu nói đó có nghĩa gì [1].
Chú ấy là người Thanh
Hoá, nghe nói từng là chánh trị viên trong quân đội, nên nói chuyện khá lưu
loát. Lưu loát hiểu theo nghĩa đúng ngôn ngữ mới, cách nói mới, và ... thuộc
bài. Chú ấy nói một cách hùng hồn và dứt khoát. Hình như chú ấy giả định rằng
đám thanh niên chúng tôi (mà chú hay gọi là ‘tiểu tư sản’) là một đám ngu, chẳng
biết gì về thế giới bên ngoài, chẳng biết ngoại ngữ để đọc sách báo nước ngoài.
Có lẽ xuất phát từ giả định ngầm đó mà chú chẳng cần quan tâm gì đến cảm xúc của
chúng tôi.
Tin vào ngày mai tươi sáng
Chú ấy là một người rất
trung thành và tin vào lí tưởng XHCN, và sứ mệnh của chú là giáo huấn chúng tôi
theo lí tưởng đó. Chú nói về những điều tốt đẹp ngoài Bắc, và đám thanh niên miền
Nam chúng tôi theo dõi một cách say sưa. Nghe chú tả xã hội ngoài đó mà tôi phải
khen thầm là làm sao mà ngoài đó có một xã hội tuyệt vời đến như thế. Một xã hội
không có phân biệt giai cấp xã hội, ai cũng có công ăn việc làm, ai cũng có cơm
ăn áo mặc, ai cũng hạnh phúc, người yêu thương người.
Là người từng có chút máu
'cánh tả' thời còn ngồi ghế nhà trường, lúc đó tôi nghĩ nếu miền Nam có một thể
chế như thế thì trước sau gì Việt Nam sẽ ‘cất cánh’. Những khó khăn hiện tại?
Oh, sau chiến tranh mà, chỉ là nhứt thời thôi, chúng ta sẽ khá hơn và sánh vai
với mấy nước tiên tiến. Tương lai Việt Nam sẽ xán lạn. Tôi nghĩ vậy và tin vậy.
Nhưng, như người phương
Tây nói, những gì ‘too good to be true’ (tốt đến khó tin) thường là sự lừa dối
mà thôi.
Ấn tượng Hà Nội 1970s
Vào cuối thập niên 1970s,
tôi đã từng có dịp ra Bắc trong một chuyến đi công tác. Chuyến đi bằng chiếc xe
Ford Falcon, lúc đó là loại 'ngon lành' lắm rồi. Đi từ Sài Gòn ra Hà Nội. Trên
đường đi từ vĩ tuyến 17 trở ra tôi chứng kiến cái nghèo ngoài đó và còn giữ mãi
ấn tượng cho đến ngày nay. Cái nghèo khó tả bằng chữ. Khi xe ghé qua Thanh Hoá
để chú VĐH thăm nhà, tôi không tưởng tượng nỗi có những gia đình không đủ gạo
ăn, thậm chí cái nồi nấu cơm lớn nhứt cũng chỉ đủ cho 5 người ăn. Cái bưu điện
của Thanh Hoá lúc đó chỉ là một căn nhà lá. Khi xe tới Thái Bình, vào một cái
làng nhỏ rất dễ thương, đám trẻ con chạy theo ngửi khói! Khi xe dừng lại, chúng
nhảy lên mui xe làm cho anh tài xế đuổi chúng xuống mệt nghỉ. Hình như mấy đứa
nhỏ chưa thấy xe như thế ở làng?
Nói chung, chuyến đi cho
tôi thấy rằng miền Bắc không giàu có như chú VĐH mô tả.
Còn Hà Nội? Phố xá nhìn
đen đúa, xám xịt, thê lương, rất rất khác với đường phố trong Nam. Tôi ở nhà trọ
gần bến xe Long Biên, nhìn xuống thấy những con đường vắng tanh, lâu lâu mới có
một chiếc xe của Nga chạy qua, ngay cả xe đạp cũng hiếm thấy. Khu phố Lý Thường
Kiệt (trung tâm thành phố) thì vẫn còn những căn biệt thự thời Pháp nhưng xuống
cấp thảm hại lắm. (Mấy chục năm sau tôi quay lại Hà Nội công tác và ở trong một
khách sạn trên con đường này mà không nhận ra một nét nào vào thập niên 1970s).
Ở Hà Nội, đàn ông hay mặc áo fatigue và đội nón cối dù họ chẳng phải là quân
nhân. Còn phụ nữ Hà Nội thì mặc theo kiểu thôn nữ Tàu, quần đen cũn cỡn, áo trắng
cổ tròn, có khi quấn tóc đuôi sam, trông kì kì. Họ chẳng như Thi sĩ Quang Dũng
mô tả là ‘dáng kiều thơm’ chút nào cả.
Kỉ niệm thú vị nhứt đối với
tôi là chùa Long Giáng. Hồi còn nhỏ, tôi mê truyện ‘Hồn Bướm Mơ Tiên’ của Khái
Hưng. Trong tiểu thuyết, tác giả mô tả một ngôi chùa cổ có tên là 'Long Giáng',
nơi mà cuộc tình nảy nở giữa một ni cô giả trai và chàng trai Tây học. Đọc truyện
đó, tôi mơ mộng về một ngôi chùa cổ trên đồi, dưới đồi là cỏ xanh rì, và xa xa
là những cánh đồng lúa. Oi, thơ mộng làm sao! Thành ra, nhân chuyến đi Bắc tôi
nằng nặc đòi đi thăm chùa Long Giáng.
Nhưng khi tôi nói tên
chùa thì chẳng ai biết chùa đó ở đâu. Cũng chẳng ai quan tâm đến chùa chiền.
Tuy nhiên, anh tài xế cũng nhân dịp mà đi Bắc Ninh một chuyến. Lái lòng vòng và
hỏi thì mỗi người chỉ một chùa Long Hạm (tôi quên địa điểm). Tôi và anh tài xế
cũng đi tới nơi, nhưng thú thật là lúc đó tôi hoàn toàn vỡ mộng, vì ngôi chùa
không đẹp như mình mơ tưởng. Chùa không lớn, chẳng có gì trong đó ngoài mái
ngói rong rêu và gỗ lim (?) Chẳng thấy ai trụ trì (hay họ đi vắng). Mấy người
hàng xóm nhìn xe chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ. Tôi tự hỏi hay là ông nhà văn
viết quá?
Tôi đâu có biết rằng thời đó các chùa chiền miền Bắc đã trải qua một trận
‘kinh thiên động địa’ trong thời Cải Cách Ruộng Đất. Người ta kể lại rằng thời
đó, tôn giáo được xem là 'á phiện', nên chùa chiền bị phá dỡ, tượng Phật bị ném
xuống sông hay ao hồ, nhiều sư trụ trì bị đuổi khỏi chùa và thay thế bằng những
viên công an. Thành ra, những năm sau 1975 các chùa chiền ngoài Bắc không có
cái hồn giống như trong Nam.
Chuyến đi chỉ để lại một ấn
tượng trong tôi là một miền Bắc còn rất nghèo. Tất cả những gì chú VĐH nói chỉ
là tuyên truyền mà thôi.
Miền Nam 'tiến bộ' theo miền Bắc
Rồi sau đó là những gì xảy
ra trong Nam làm cho niềm tin vào một ngày mai xán lạn dần dần lịm đi. Những gì
xảy ra trong thực tế trong Nam cho thấy kinh tế suy thoái thê thảm; nông dân mất
đất cho hợp tác xã; phú nông mất tài sản và máy cày; người dân không đủ gạo ăn,
không đủ vải để may áo mặc; phong cách sống mới rất lạ lùng; thể chế mới rất ư
là phân biệt giai cấp; tham ô và hối lộ trắng trợn hơn cả thời VNCH; con người
sống hai mặt, bạn bè và bà con tố giác lẫn nhau để lấy điểm, v.v.
Nói chung , chỉ trong một
thời gian ngắn mà nhà cầm quyền đã tạo ra một sự thay đổi quá lớn và quá sâu sắc.
Thay đổi theo chiều hướng xấu hơn. Cho dù là người lí tưởng cách mấy thì cũng
phải chất vấn lí tưởng của mình.
___
[1] Có nghĩa là kiểm duyệt
thông tin, không còn sách báo ngoại quốc để đọc, không có quan điểm khác với
quan điểm của Nhà nước. Nói tóm lại, người dân chỉ được tiếp cận thông tin một
chiều.
Hình :
https://www.facebook.com/photo?fbid=1720447248402585&set=pcb.1720448428402467&locale=vi_VN
https://www.facebook.com/photo?fbid=1720447348402575&set=pcb.1720448428402467&locale=vi_VN
https://www.facebook.com/photo?fbid=1720457655068211&set=pcb.1720448428402467&locale=vi_VN
No comments:
Post a Comment