Việt Nam sắp chuyển Covid-19 thành bệnh đặc hữu,
công bố hết dịch
Thu Hằng - RFI
Đăng ngày: 29/05/2023 - 14:33
Ngày 27/05/2023, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 họp
phiên cuối để công bố kết thúc nhiệm vụ. Sau hơn ba năm dịch Covid-19 bùng phát,
Việt Nam ghi nhận hơn 11,6 triệu ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng
lãnh thổ và có hơn 43.200 ca tử vong. Dù từ đầu tháng 04/2023, số ca nhiễm mới,
bệnh nhân nặng có xu hướng gia tăng, nhưng không nguy cấp nên Việt Nam chuẩn bị
hồ sơ để công bố hết dịch.
Ảnh minh họa : Một khu phố ở Vũng Tàu bị phong tỏa
trong thời gian dịch Covid-19 phát triển mạnh ở Việt Nam, ngày
13/09/2021. AP - Hau Dinh
Trước đó, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) công bố Covid-19 không còn là
tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Tuy nhiên, tiến sĩ Angela Pratt, đại diện
WHO tại Việt Nam, đã khuyến cáo Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao năng lực
các cơ sở chăm sóc, đồng thời có thể cần điều chỉnh các biện pháp ứng phó phù hợp.
Đại diện của WHO nhấn mạnh : « Chúng ta không muốn quay trở lại
tình trạng mà các quốc gia phải trải qua trong hơn 3 năm qua. Vì vậy, tất cả những
điều trên thực sự rất quan trọng ngay tại thời điểm hiện tại khi mà số ca mắc
đang gia tăng tại Việt Nam ».
Khuyến cáo được đưa ra vào thời điểm, Việt Nam, cũng như khu vực Đông
Nam Á và Tây Thái Bình Dương, ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng mạnh, chiếm tới
40% số ca Covid-19 được báo cáo trên toàn cầu trong chu kỳ 28 ngày gần nhất,
theo báo cáo ngày 19/05 của WHO.
Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 20/05, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện
Nhi Đồng 1, nhận định :
« Theo
tôi, khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đối với Việt Nam là hơi quá. Mới đây
thủ tướng chính phủ Việt Nam đã đề nghị bộ Y Tế làm một tờ trình để đưa bệnh
Covid ra khỏi nhóm A để trở thành nhóm B, có nghĩa là thành bệnh đặc hữu. Ở Việt
Nam phân ra nhóm A, nhóm B. Nhóm A là bệnh truyền nhiễm rất độc hại. Còn nhóm B
là bệnh đặc hữu. Và thủ tướng chính phủ đã đề nghị bộ Y Tế làm việc đó.
Còn theo tôi,
ở Việt Nam, nền miễn dịch gần như vững hơn nhiều nước. Tại vì tỉ lệ chích mũi 3
rất là cao. Cho nên, số người thoát miễn dịch không phải là vấn đề. Tỉ lệ đó rất
thấp. Và chúng ta nên nhớ là dù là đặc hữu hay không đặc hữu thì bệnh gì cũng vậy,
cũng sẽ có đối tượng nguy cơ, cũng sẽ có người trở nặng. Chứ không bao giờ
chúng ta nói là Covid sẽ không hiện hữu hoặc là Covid sẽ không làm một người
nào chết hết. Điều đó không đúng vì bây giờ nó đã là một virus của con người ».
Đầu tháng 05, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng vọt so với những
tháng trước, đỉnh điểm là gần 3.400 ca hôm 06/05. Sau nhiều ngày trung tuần
tháng 5 ở mức khoảng 2.000 ca, số ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm xuống, hiện
khoảng 1.100 đến 1.400 ca, theo số liệu đến ngày 26/05. Bác sĩ Trương Hữu
Khanh giải thích xu hướng ca
nhiễm tăng trở lại ở Việt Nam trong thời gian qua :
« Theo
tôi, một bệnh lý hô hấp quay trở lại với một virus mà độ miễn dịch của người
dân kém đi thì phải mất 3-4 tuần, thậm chí 5 tuần mới lui, cho nên biến thể này
có thể sẽ gặp lại những người mà miễn dịch chưa hoàn hảo. Họ sẽ mắc bệnh nhưng
sẽ hết, chứ không có gì đặc biệt. Cho nên tiếp tục phát hiện những đối tượng
nguy cơ sớm để đưa họ tới bệnh viện, đừng để họ tới trễ. Thứ hai là bù đắp lại
vac-xin của những người chưa đủ mũi ».
2023 vẫn miễn phí tiêm vac-xin
ngừa Covid-19
Tính đến nay, Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản cho người từ
12 tuổi trở lên, tiêm tổng cộng hơn 266,4 triệu liều. Phát biểu trong phiên họp
của Đại Hội Đồng Y Tế Thế Giới lần thứ 76 tại Geneve ngày 23/05, thứ trưởng Y Tế
Việt Nam Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh « Việt Nam đạt mức bình
quân 273,7 liều vac-xin ngừa Covid-19 đã tiêm/100 người dân, cao gấp 1,6 lần
mức trung bình toàn thế giới (170,1) và cao hơn hầu hết các nước phát triển. Tỉ
lệ tiêm đủ liều cơ bản của Việt Nam cao gấp 1,4 lần và tỉ lệ tiêm nhắc lại cao
gấp 2 lần so với mức trung bình của thế giới ».
Tuy nhiên, Tổ Chức Y Tế Thế Giới vẫn tỏ ra lo ngại về độ bao phủ của
các liều nhắc lại ở Việt Nam, bởi vì dù tỉ lệ tiêm liều cơ bản rất tốt nhưng tỉ
lệ mũi nhắc lại lại không như mong đợi. Mới đây, bộ Y Tế đã lập kế hoạch tiếp tục
triển khai tiêm cho các đối tượng mới đến độ tuổi tiêm vac-xin ngừa Covid-19 và
tiêm các mũi nhắc lại. Đối tượng được ưu tiên cao là người cao tuổi, người trưởng
thành có bệnh nền nặng (như tiểu đường/tim mạch), người có bệnh lý miễn dịch kể
cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, phụ nữ có thai và cán bộ y tế tuyến đầu. Đối
tượng ưu tiên trung bình là người trưởng thành khỏe mạnh dưới 50 hoặc 60 tuổi
không có bệnh nền, trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các bệnh nền. Đối tượng ưu
tiên thấp là trẻ em và trẻ vị thành niên từ 6 tháng tới 17 tuổi.
Theo tính toán, đến hết năm 2023, Việt Nam cần gần 4 triệu liều
vac-xin. Năm 2023, tiêm vac-xin ngừa Covid-19 vẫn được miễn phí và có thể lồng
ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên vì Covid-19 sẽ còn hiện diện trong
cuộc sống trong tương lai gần. Nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch tiêm phòng
này được lấy từ ngân sách nhà nước, Quỹ vac-xin phòng Covid-19 và nguồn viện trợ,
tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước cùng các nguồn
vốn hợp tác khác.
Làn sóng dịch nhỏ hiện nay ở việt Nam một phần là do biến thể phụ
Omicron. Vào cuối tháng 03, trên thế giới ghi nhận khoảng 500 biến thể phụ
Omicron nhưng con số này hiện đã lên đến 600. Các biến thể phụ lưu hành ở các
nước thì cũng được ghi nhận ở Việt Nam. Liệu những biến thể đó có nguy hiểm hơn
không? Bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích :
« Thực
ra trên thế giới, người ta cũng không thấy những biển thể mới này nguy hiểm. Nó
vẫn lây nhanh hơn, và có một số đối tượng sẽ thoát miễn dịch, chứ không phải là
tất cả những người khác đều thoát miễn dịch. Cho nên, đó cũng không phải là
gánh nặng gì đối với ngành y tế.
Chúng ta biết
khi một dịch bệnh xảy ra thì số ca bệnh không quan trọng bằng việc có làm quá tải
khối điều trị hay không. Đó mới là điều quan trọng. Ở Việt Nam cũng có nhiều dịch
bệnh, cả trăm ngàn, mấy trăm ngàn nhưng không quá tải đối với khối điều trị,
thì người ta vẫn phòng ngừa như thông thường, chứ không đến nỗi phải huy động
giống như đợt đại dịch trước đó ».
.
Tuyên bố hết dịch để phục hồi
kinh tế mạnh mẽ hơn
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa Y tế Công cộng trường Đại học Y-Dược
thành phố Hồ Chí Minh, nhận định với trang Tuổi Trẻ (21/05) rằng thời điểm lý
tưởng nhất để công bố hết dịch Covid-19 là vào khoảng nửa sau tháng 6 do tình
hình dịch hiện nay tương đối lạc quan, khi số ca mắc và tử vong vì Covid-19 đã
giảm mạnh.
Thủ tướng chính phủ Việt Nam cũng đã yêu cầu bộ Y Tế căn cứ khuyến cáo
của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và thực tế dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam để xây dựng
kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch giai đoạn 2023-2025. Có nghĩa
là có thể coi Covid-19 là dịch cúm thông thường ở Việt Nam không ? Bác sĩ Trương
Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhận định :
« Sắp tới
đây tôi nghĩ nó cũng sẽ là một bệnh như những bệnh đường hô hấp khác. Thực sự ở
Việt Nam còn nhiều gánh nặng đối với những bệnh chưa có vac-xin hoặc là những bệnh
xảy ra hàng năm, như tay chân miệng, sốt xuất huyết có gánh nặng nhiều hơn nhiều
so với Covid-19. Cho nên chỉ vài ngàn ca bệnh Covid-19 vẫn không là gì so với
các đợt dịch bệnh của sốt xuất huyết hay tay chân miệng. Vì thế đổ sức vào
phòng ngừa căn bệnh đó (Covid-19) thì rất tốn kém trong khi cho tới giờ nó
không có gì đặc biệt. Mình để lực để phòng ngừa những căn bệnh thông thường mà
hàng năm xảy ra mà phải đối phó ».
Theo truyền thông Việt Nam, dù chưa chuyển Covid-19 từ nhóm A - các bệnh
truyền nhiễm rất độc hại sang nhóm B - các bệnh đặc hữu, nhưng Việt Nam
đã chuyển sang giai đoạn « quản lý bền vững » dịch
bệnh, như mở cửa biên giới, không cấm đi lại, tổ chức hội họp, sự kiện,
không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, nới lỏng cách ly... Hiện chỉ còn một số hoạt
động coi Covid-19 là nhóm A như quy định giám sát dịch, chữa bệnh miễn phí cho
người nhiễm Covid-19, tiêm vac-xin miễn phí… Điều này cũng có nghĩa khi chuyển
Covid-19 sang nhóm B, người bị bệnh sẽ không còn được điều trị miễn phí như trước.
Sau khi công bố dịch trên toàn quốc từ ngày 01/04/2020, khoảng hai năm
sau, từ đầu năm 2022, nhiều lần thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị liên
quan tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem
Covid-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, bộ Y Tế vẫn chưa cụ thể hóa được các chủ
trương này. Kể cả khi đã tiêm đủ hai mũi vac-xin cho nhóm từ 12 tuổi nhưng bộ Y
Tế vẫn đề xuất chưa công bố hết dịch vì lo ngại biến thể mới nguy hiểm hơn. Đề
xuất xây dựng kế hoạch ứng phó Covid-19 lần này lại diễn ra vào đúng thời điểm
Việt Nam có đợt dịch bùng phát nhỏ và có thể xuất hiện các biến chủng mới của
virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới.
Tình hình này khiến Tổ Chức Y Tế Thế Giới đưa ra khuyến cáo và cam kết
đồng hành với Việt Nam trong công cuộc phòng chống dịch. Ngoài ra, tổ chức của
Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra 7 khuyến nghị trong công tác phòng, chống dịch
Covid-19 tại các quốc gia khi chuyển từ phòng chống dịch khẩn cấp sang chiến lược
kiểm soát dịch bền vững, lâu dài.
Công bố hết dịch sẽ giúp Việt Nam mở cửa kinh tế mạnh hơn, tăng tốc phục
hồi kinh tế. Do đó, theo ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng
được báo Tuổi Trẻ trích dẫn hôm 22/05, kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 trong
thời gian tới của Việt Nam phải « làm sao theo dõi được sát tình
hình dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp, không bất ngờ, vừa kiểm soát được dịch
trong mọi tình huống nhưng không tốn kém, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người
dân, đặc biệt lưu ý các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng, truyền
thông, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương ».
-------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Việt
Nam thay đổi mục tiêu phòng chống Covid-19
Covid-19
: Việt Nam mở cửa biên giới do đạt tỉ lệ tiêm chủng cao
Việt
Nam điều chỉnh chống dịch để giữ sức hút đầu tư nước ngoài
No comments:
Post a Comment