Con
kiến đi kiện chính quyền-một lá gan to ở Bình Dương
Bình
luận của Phan Lê Minh
2023.05.30
Nếu dân Việt có gan thì phiên xử một
công dân đi kiện chính quyền vào ngày 31/5 tới đây có thể sẽ khơi mào cho nhiều
vụ kiện tương tự diễn ra.
Vụ việc xảy ra vào cuối tháng 9/2021, thời điểm đang còn dịch COVID-19, tại
một chung cư thuộc phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Clip quay lại cho thấy một đám tám người đàn ông gồm đại diện của phường,
công an mặc sắc phục, cảnh sát cơ động và ban quản lý chung cư đến trước cửa một
căn hộ gọi chủ nhà ra ngoài test COVID-19. Bà Hoàng Thị Phương Lan chủ nhà cho
biết “đã tự test và đến giờ vẫn an toàn nên không có nhu cầu tụ tập test hoài ở
chỗ đông người”.
Sau khi gọi nhiều lần nhưng chủ nhà không mở cửa, một người đàn ông trong
nhóm ngồi xuống trước cửa, dùng dụng cụ phá khóa. Ngay khi cửa mở, toàn bộ nhóm
đàn ông ập vào nhà. Ba cảnh sát cơ động đeo dùi cui điện sau lưng cùng lúc tóm
hai tay giật cánh khuỷu bà Lan. Trong tiếng khóc òa của con trai, bà Lan bị lôi
xềnh xệch ra ngoài trong tình trạng vẫn mặc quần áo ngắn trong nhà, chân không
kịp mang dép. Một người đàn ông trong nhóm cầm điện thoại quay lại từ đầu chí
cuối.
Nếu không xem từ đầu, người ta sẽ khẳng định người phụ nữ này là kẻ phạm
tội quả tang nên mới bị lực lượng chức năng truy bắt và áp giải bạo liệt như thế.
Người phụ nữ bị lôi ra sân chung cư, ấn ngồi xuống ghế và ngoáy mũi xét
nghiệm, vẫn trong tình trạng hai tay bị ghì giật ra sau lưng.
.
Đột
nhập, phá cửa, trèo cửa sổ vào… để bắt người nghi nhiễm
Video này lan tràn trên mạng vào thời điểm đó đã khiến dư luận dậy sóng.
Một số người phẫn nộ vì hành động phá khóa nhà dân trái pháp luật của lực lượng
chức năng tỉnh Bình Dương. Một số người khác bênh họ, cho rằng trong cao điểm dịch
thì việc từ chối xét nghiệm sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch ra cộng đồng.
Số người này ủng hộ việc dùng vũ lực như trong clip.
Tôi không nhớ chính xác nhưng sớm hơn vụ việc này, ở Lạng Sơn lực lượng
chức năng đã dùng xe cần cẩu để đột nhập qua cửa sổ căn hộ chung cư cao tầng nhằm
bắt một người nghi nhiễm đi cách ly tập trung. Trong đêm tối, mọi người vây xem
cảnh lùng bắt hồi hộp gay cấn như phim hành động.
Ở Thanh Hóa, lực lượng chức năng ùa vào một ngôi nhà vườn đóng kín cửa để
làm việc tương tự. Người chủ được cho là trốn trong nhà. Những người đàn ông sức
lực là dân phòng, công an… thi nhau nhảy lên giáng gậy gộc và đạp thẳng chân
vào những cánh cửa gỗ của ngôi nhà. Những cánh cửa rung lên rồi toác ra, kích
thích thêm tinh thần hăng hái của đội quân. Khi họ đập vỡ cánh cửa rồi lao vào
nhà, tôi ấn dừng video. Tôi không chịu được thêm cảnh tượng cả một nhóm nhân viên
công quyền xông vào phá cửa nhà một người dân không hề phạm pháp để lùng bắt họ.
Những nhân viên nói trên không hề phân vân về việc đang xâm phạm tài sản cá
nhân, làm trái pháp luật. Họ hành xử đầy tự tin, ngang nhiên và táo tợn, hùng hổ
và bạo lực. Xin lỗi - như quân ăn cướp.
Ở TP HCM, một anh giao hàng bị công an chặn lại kiểm tra và yêu cầu mở hộp
hàng của khách để kiểm tra. Khi thấy đó là một cục sạc điện thoại, công an yêu
cầu người giao hàng quay về, với lý do cục sạc điện thoại không phải hàng hóa
thiết yếu nên không được vận chuyển.
Ở một tỉnh miền Tây, Long An hay Tiền Giang tôi không nhớ rõ, mọi xe hơi
đi qua địa bàn tỉnh đều bị công an dán niêm phong lên cửa, cấm mở cho đến khi
xe ra khỏi địa bàn tỉnh.
Có những tỉnh lập chốt ở các cửa ngõ. Tất cả tài xế đều phải test
COVID-19 trước khi vào tỉnh và trước khi ra khỏi địa bàn tỉnh. Tất cả chi phí
test-rất đắt tiền, đều do tài xế và doanh nghiệp/tổ chức của họ gánh chịu.
Có những doanh nghiệp cần vận chuyển số lượng lớn hàng hóa gồm máy móc cồng
kềnh qua địa phương khác. Đến đầu một tỉnh, tỉnh này không cho xe chở máy đi
vào mà bắt sang tải (chuyển toàn bộ hàng qua một xe khác, đổi tài xế mới) mới
được đi tiếp. Máy móc phải tháo dỡ ra hết mới có thể sang tải, chở đến nơi lại
phải lắp ráp trở lại. Do chi phí phát sinh quá lớn, doanh nghiệp đành hủy/hoãn
hợp đồng, tìm cách khác.
Đó chỉ là vài vụ trong trí nhớ nhỏ bé của tôi. Nếu có thể thống kê trên
toàn Việt Nam, có lẽ những vụ tương tự còn nhiều và đủ màu đủ vẻ hơn nữa.
.
Xin
lỗi, các anh đã phạm pháp
Tuy tất cả các việc làm nói trên đều được biện minh là biện pháp cương
quyết nhằm chống dịch, không để lây lan ra cộng đồng, nhưng rõ ràng tất cả đều
tự phát và trái pháp luật.
Dịch chỉ có thể lây từ người này sang người khác khi có tiếp xúc gần đủ để
nước bọt mang virus có thể bắn vào khoang mũi miệng nhau. Nếu tài xế chỉ ngồi
nguyên trong cabin suốt quá trình vận chuyển, không tiếp xúc ai thì không thể
có nguy cơ lây nhiễm. Buộc họ test dày đặc trong khi giữa hai lần test chỉ cách
nhau vài tiếng (chưa đủ để phát hiện nếu có virus) là vô ích.
Theo Hiến pháp Việt Nam, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở,
không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Chỉ
trừ khi có lệnh khám xét của Viện kiểm sát hoặc có dấu hiệu phạm tội quả tang,
bắt khẩn cấp, bắt người đang truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, có căn cứ
nhận định họ tàng trữ công cụ, phương tiện phạm tội v.v, thì công an mới có quyền
phá cửa vào nhà, bắt người, áp giải.
Tương tự, bưu kiện/bưu phẩm là bí mật của khách hàng. Chỉ khi có căn cứ để
nhận định trong bưu phẩm/bưu kiện có công cụ, phương tiện phạm tội hay liên
quan đến vụ án thì công an mới được quyền khám xét bưu phẩm/bưu kiện đó.
Cho nên nếu mọi hành vi vi phạm pháp luật của (rất nhiều) nhân viên công
vụ trong đợt dịch COVID-19 đều bị kiện, thì số lượng có lẽ phải lên đến hàng
trăm.
.
“Loạn
sứ quân” trong dịch
Thế nhưng chỉ có duy nhất một vụ kiện như đã nói phần đầu, do bà Hoàng Thị
Phương Lan đứng ra kiện chính quyền tỉnh Bình Dương. Bà Lan cũng không kiện về
việc lực lượng chức năng đã phá khóa và ập vào nhà bà mà kiện yêu cầu hủy bỏ lệnh
phạt vi phạm hành chính của phường, mức tiền là hai triệu đồng, về hành vi vi
phạm quy định phòng chống dịch.
May cho tôi không sinh sống ở phường này. Lúc TP HCM bắt đầu có những dấu
hiệu về đợt dịch nặng sắp đến, tôi đã trốn trong nhà, làm việc từ xa, mua thực
phẩm trên mạng và chỉ ra đường khi tối cần. Ngay cả giao hàng, tôi cũng yêu cầu
giao hàng không tiếp xúc.
Khoảng hai ba tháng sau, TP HCM bùng dịch vô cùng nghiêm trọng. Trong suốt
thời gian đó có đến ba bốn đợt test COVID-19 tại nhà, mỗi lần đều có tổ trưởng
dân phố thông báo và phát phiếu ghi thông tin cá nhân trước. Nhưng tự nghĩ mình
không hề tiếp xúc gần với ai nên không thể có nguy cơ lây nhiễm, và cả vì sợ
bàn tay của nhân viên lấy mẫu có khi không kịp thay găng tay vừa lấy mẫu cho
người này đã tiếp tục lấy mẫu cho người sau… nên tôi từ chối. Anh hàng xóm-dân
IT, cũng làm việc từ xa từ đầu mùa dịch, sống với mẹ già và con nhỏ- thì yêu cầu
được tự test, chỉ trả kết quả cho đội đi lấy mẫu. Các nhân viên lấy mẫu tuy ngạc
nhiên và cố gắng thuyết phục nhưng không ai phản đối.
Xét cho cùng, đó là quyền của chúng tôi mà!
Nếu chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo phòng dịch như đeo khẩu
trang, không chạm tay vào vùng mặt, rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc gần với
nhiều người… thì đó đã là góp phần rất tốt để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Không
thể gọi việc từ chối đi test ở nơi đông người trong những điều kiện đáng nghi
ngờ là vi phạm quy định chống dịch được.
Sau khi dịch vãn, mọi người gặp nhau hỏi chuyện, chúng tôi mới biết chung
cư lúc đó cũng có mấy gia đình đã có người bị COVID-19. Nhưng phường nơi tôi ở
không coi hành vi từ chối test COVID (và “cố thủ” trong nhà, không tiếp xúc với
ai) là vi phạm quy định phòng chống dịch.
Chính những người thực hiện chức trách có khi lại chẳng hề tuân thủ
nghiêm quy định phòng dịch. Có một lần tôi đi ra ngoài xem tình hình thế nào. Ở
một cổng khác của chung cư, tôi nhìn thấy nhóm dân phòng trực chốt. Họ ngồi
quanh chiếc bàn tròn, rất gần nhau, cùng ăn uống, chuyện trò rôm rả và không
đeo khẩu trang. Thấy tôi đứng nhìn từ xa, vài người cảnh giác cầm khẩu trang
đeo vào. Vài người khác cất giọng hỏi tôi đang làm gì, rồi lớn tiếng và nghiêm
khắc yêu cầu tôi đi về nhà, dù chưa đến giờ giới nghiêm (mọi người đều phải ở
trong nhà theo mệnh lệnh của TP, trừ những người có công vụ). Tôi nghĩ họ đã thấy
tôi cầm điện thoại chụp hình nên sợ bị đưa lên mạng.
Sự nguy hiểm của dịch bệnh cộng với hiểu biết về chống dịch vô cùng khác
nhau ở mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân lãnh đạo và nhân viên…, và nhất
là với mệnh lệnh “mỗi địa phương là một pháo đài chống dịch” đã tạo nên tình trạng
sứ quân, cát cứ ở các địa phương. Trong mỗi tỉnh thành lại tiếp tục phân chia sự
cát cứ của các ngành, các phường, các khu vực. Cùng là các chợ dân sinh trên
các quận, nhưng chợ ở quận này bị cấm trắng, cấm hoàn toàn; chợ ở quận kia vẫn
được mua bán. Chợ thì cho tiểu thương bán xen kẽ cách ngày, chợ thì cho bán đầy
đủ với điều kiện giãn cách và che chắn tốt.
Với chiêu bài phòng chống dịch, không ít nhân viên các ngành chức năng đã
tự cho mình quyền vi phạm pháp luật một cách mạnh bạo, và trong khi đó họ vẫn
nghĩ mình đúng, thậm chí còn nghĩ mình đang tiên phong bảo vệ cộng đồng.
Tình trạng “loạn sứ quân” gây nhiễu loạn, tốn kém kinh khủng và căng thẳng
tột độ cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
.
Nhưng
vì sao chẳng mấy ai thưa kiện?
Là vì người dân và doanh nhân đều suy nghĩ rất thực tế. Chuyện đã qua, phạt
cũng đã phạt rồi, thiệt hại tiền của cũng đã thiệt, giờ nên dành thời gian làm
ăn kiếm tiền bù lại. Còn hơn đi đọc luật, viết đơn, thuê luật sư và bỏ nhiều
ngày giờ theo kiện. Đã không chắc thắng mà còn tốn tiền, tốn công sức, tốn thì
giờ. Người dân thấp cổ bé họng và người làm ăn buôn bán tối kỵ gây bất hòa với
chánh quyền. Giả sử có thắng cũng thành thua vì chuốc lấy sự để bụng của nhân
viên chánh quyền, không lợi cho việc làm ăn sinh sống.
Những người có quyền lực ở các cấp địa phương thừa hiểu chuyện này. Đó
cũng là một phần nguyên nhân khiến họ dễ có tâm lý “ông vua con” khi hành xử với
dân.
Vụ xét xử dự kiến diễn ra vào ngày mai 31/5 giữa bà Hoàng Thị Phương Lan
với chính quyền Bình Dương không thu hút nhiều chú ý của truyền thông và người
dân, vì xã hội Việt Nam luôn luôn có quá nhiều sự kiện “giật gân” gây sốc.
Nhưng bản thân sự kiện này có thể xem là một dấu mốc đáng mừng về ý thức về
nhân quyền của người dân, phản kháng sự sai trái của chính quyền. Tuy thấp cổ
bé họng nhưng không thỏa hiệp, không cho qua, không lùi bước trước kẻ mạnh.
Trong một hy vọng không lấy gì làm mạnh mẽ lắm, tôi mong vụ án này sẽ được
xem là một ca tham khảo tốt để các nhân viên công quyền ý thức được cần nghiên
cứu luật pháp trước khi thực hiện bất cứ công vụ nào liên quan đến người dân.
__________
Tham khảo
------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự
Do.
Tin,
bài liên quan
BLOG
·
Xin
lỗi các chị, bố chưa thích
·
Một
lời công đạo cho Chu tổng đốc
·
Một
mảng xã hội dân sự Việt Nam vẫn lên tiếng
·
Lan
ơi xin em đừng cắt đứt dây chuông đừng vội vàng khép cổng
Một năm sau Đại hội 13, “rối loạn chức năng toàn trị” thêm trầm trọng
No comments:
Post a Comment