Trung
Quốc hãy mang 4 tốt 16 vàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam!
Đinh Kim Phúc
2023.05.26
Ngay sau
khi người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định chủ quyền,
quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông (25/5/2023), thì
ngay ngày 26/5/2023 Trung Quốc nói tàu khảo sát của họ hoạt động hợp pháp và có
quyền tài phán.
Người lính hải quân Việt Nam đứng canh tại đảo Trường Sa Đông ở quần đảo
Trường Sa hôm 7/1/2013 (minh hoạ). Reuters
Quyền của Trung Quốc là quyền gì?
Ở đây cần nhắc lại Phán quyết của Toà Trọng
tài quốc tế vào tháng 7/2016. Theo Thông cáo báo chí của Tòa Trọng tài, nội
dung của Phán quyết đã đề cập đầy đủ bảy nội dung mà Tòa Trọng tài đã lựa chọn
thuộc thẩm quyền xét xử của mình trong số 15 điểm của đơn khởi kiện của
Philippines. Nội dung Phán quyết của Tòa chỉ tập trung phán xét về việc giải
thích và áp dụng sai các quy định của Công ước LHQ về Luật Biển, không liên
quan gì đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về việc phân định các
vùng chồng lấn, một trong những điểm quan trọng là bác bỏ “quyền lịch sử của
Trung Quốc đối với tài nguyên trong đường 9 đoạn”…
Phía Trung Quốc thì tiếp tục nhai lại những luận
điệu cũ.
Trên trang web của Đài phát thanh quốc tế
Trung Quốc (CRIonline) ngày 17/3/2009 có bài:
“Cội nguồn của vấn đề Biển Nam và lập trường nguyên
tắc của Trung Quốc”. Bài này có đoạn viết: “Trên vấn đề Biển Nam, Trung Quốc
xưa nay đều có chủ quyền không thể tranh cãi, đồng thời chủ trương giải quyết sự
tranh chấp quốc tế qua đàm phán hòa bình.
Trung Quốc là nước phát hiện và đặt tên sớm nhất cho
quần đảo Nam Sa [quần đảo Trường Sa của Việt Nam], đồng thời cũng là nước thực
thi chủ quyền sớm nhất và bền vững nhất đối với quần đảo Nam Sa. Việc này đã được
chứng minh bằng lịch sử và căn cứ pháp lý đầy đủ, nhận được sự công nhận lâu
dài của cộng đồng quốc tế. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản đã
phát động cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc, chiếm đóng phần lớn khu vực của
Trung Quốc, trong đó kể cả quần đảo Nam Sa. “Tuyên bố Cai-rô” và “Thông cáo
Potsdam” cùng các văn kiện quốc tế khác đã quy định rõ việc trao trả lại lãnh
thổ cho Trung Quốc từng bị Nhật cướp đoạt năm xưa, dĩ nhiên trong đó kể cả quần
đảo Nam Sa. Tháng 12 năm 1956, Chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ đã chỉ định
quan chức cấp cao tiếp quản quần đảo Nam Sa, đồng thời đã tổ chức lễ bàn giao
trên đảo, cắm mốc kỷ niệm và cử quân đội đến đóng tại quần đảo Nam Sa. Năm
1952, Chính phủ Nhật Bản chính thức bày tỏ “từ bỏ tất cả mọi quyền lợi, danh
nghĩa và yêu sách về quyền lợi đối với Đài Loan, các hòn đảo Bành Hồ và quần đảo
Nam Sa”, từ đó quần đảo Nam Sa đã chính thức trở về với Trung Quốc.
Trong quãng thời gian khá dài sau chiến tranh, hoàn
toàn không tồn tại cái gọi là vấn đề Biển Nam. Về các khu vực xung quanh Biển
Nam cũng chưa có bất cứ một nước nào đưa ra ý kiến bất đồng đối với việc Trung
Quốc thực thi chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và các vùng biển xung quanh quần
đảo này.
Trước năm 1975, Việt Nam đã rõ ràng công nhận Trung
Quốc có chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Nam Sa. Trước thập niên 70 thế kỷ
20, các nước Philippines, Malaysia v.v không có bất cứ văn bản pháp luật và bài
phát biểu của nhà lãnh đạo nào nói đến phạm vi lãnh thổ nước họ bao gồm quần đảo
Nam Sa. Nghị quyết của Chính phủ nhiều nước và cộng đồng quốc tế cũng công nhận
quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Thí dụ như, Hội nghị hàng không khu
vực Thái Bình Dương thuộc tổ chức hàng không dân dụng quốc tế triệu tập tại
Ma-ni-la vào năm 1955 đã thông qua nghị quyết số 24, yêu cầu nhà đương cục Đài
Loan Trung Quốc tăng cường việc quan trắc khí tượng trên quần đảo Nam Sa, tại hội
nghị không có bất cứ một đại biểu nào đưa ra ý kiến bất đồng hoặc ý kiến bảo
lưu về việc này. Bản đồ do nhiều nước xuất bản cũng ghi rõ quần đảo Nam Sa thuộc
về Trung Quốc. Trong đó có “Tập bản đồ mới Thế giới” do Bộ trưởng Ngoại giao Nhật
Bản Ohira Masayoshi đề nghị xuất bản vào năm 1962, bản đồ thế giới do Việt Nam
lần lượt xuất bản vào năm 1960 và năm 1972 v.v. Từ thế kỷ 20 đến nay, bách khoa
toàn thư có thẩm quyền của rất nhiều nước như “Bách khoa toàn thư Liên Xô” xuất
bản năm 1973 và “Niên giám Thế giới” do Hãng Kyoto Nhật xuất bản năm 1979 đều
thừa nhận quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”…
.
Sự thật lịch sử như thế nào?
Năm 1945 Nhật Bản bị các nước Ðồng minh đánh bại
trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương phải đầu hàng. Một trong những việc nước
này phải làm khi đầu hàng là từ bỏ các đất đai ở ngoại quốc mà Nhật Bản đã chiếm
được trong thời kỳ toàn thịnh của chế độ quân phiệt, trong đó có hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
Lần đầu tiên Trung Quốc chính thức lên tiếng về
vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo này là khi trong một cuộc họp báo ở Manila
ngày 17/5/1949 Tổng thống Philippines Quirino đã tuyên bố là vì quần đảo Trường
Sa ở kế cận quần đảo Philippines nên nó phải thuộc về Philippines. Hai ngày
sau, ngày 19 tháng 5, Bắc Kinh đã có phản ứng. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố
như sau:
“Lời tuyên truyền vô lý của Chính phủ Philippines đối
với lãnh thổ của Trung Quốc rõ ràng là sản phẩm chỉ thị của Chính phủ Hoa kỳ. Bọn
khiêu khích Philippines và những kẻ Hoa Kỳ ủng hộ chúng phải bỏ ngay mưu đồ mạo
hiểm đó đi, nếu không thì hành động này có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không bao giờ để cho bất cứ một ngoại bang nào
xâm lược quần đảo Nam Sa hay bất cứ đất đai nào khác thuộc về Trung Quốc”.
Tuy nhiên Trung Quốc chỉ nói chứ không đưa ra
được một bằng chứng nào, dù là lịch sử hay pháp lý, cho thấy Trường Sa thuộc
quyền Trung Quốc làm chủ.
Đầu tháng 9 năm 1951, theo lời mời của Chính
phủ Hoa kỳ, 51 quốc gia trước kia đã từng tham gia hay có liên hệ tới cuộc chiến
chống xâm lược Nhật Bản từ năm 1939 đến năm 1945 đã tham dự Hội nghị Hòa bình
nhóm họp ở thành phố San Francisco (Hoa kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt tình
trạng chiến tranh và tái lập bang giao với Nhật Bản. Ðiểm đáng chú ý là cả
Trung Quốc và Đài Loan đều không được mời tham dự hội nghị. Trong hội nghị, vấn
đề chính là thảo luận bản dự thảo hòa ước do hai nước Anh và Hoa Kỳ đề nghị
ngày 12/7/1951. Ngày 8/9/1951, ngoại trừ Liên Xô, Ba Lan và Tiệp Khắc, các nước
tham dự hội nghị đã ký hòa ước với Nhật Bản.
Vì thấy mình bị Hoa Kỳ gạt ra ngoài hội nghị,
các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngay từ cuối năm 1950 đã có phản ứng. Một mặt họ ra
một số tuyên bố chính thức, mặt khác họ cho đăng các bài báo để lên án việc
không mời Trung Quốc tham dự hội nghị và để trình bày quan điểm của Trung Quốc
về một số vấn đề cần phải được thảo luận, trong đó có vấn đề chủ quyền trên quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 4/12/1950 Chu Ân Lai, lúc đó là Bộ trưởng
Ngoại giao, trong bản tuyên bố đầu tiên của nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Hoa, đã nêu ra căn bản chính để ký một hòa ước với Nhật Bản:
“Bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên ngôn
Potsdam và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng đã
được các quốc gia trong Ủy hội Viễn đông thỏa thuận và thông qua ngày 19/6/1947
các văn kiện quốc tế mà Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết là căn bản chính cho một hòa
ước liên hợp với Nhật Bản”.
Chu Ân Lai còn nói thêm:
“Nhân dân Trung Quốc rất ước muốn sớm có một
hòa ước liên hợp với Nhật Bản cùng với các quốc gia đồng minh khác trong thời kỳ
Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên căn bản của hòa ước phải hoàn toàn thích hợp với bản
Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên ngôn Potsdam và các chính sách căn bản
đối với Nhật Bản sau khi nước này đầu hàng được qui định trong các văn kiện
này”.
Tuy bản tuyên bố trên của Trung Quốc không đề
cập đến vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ đề cập tới các vấn
đề khác, nhưng vì nó đã nêu ra quan điểm chính yếu của Trung Quốc nên chúng ta
cần phải nghiên cứu kỹ nó cùng với bản tuyên bố ngày 15/8/1951 là tuyên bố chính
thức của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
để tìm hiểu giá trị các luận cứ của Trung Quốc.
Thực vậy, khi nghiên cứu dự thảo hòa ước San
Francisco của Anh - Mỹ gửi cho các quốc gia được mời tham dự hội nghị, Chính phủ
Trung Quốc thấy điều 2 của bản dự thảo này không quy định là hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa mà Nhật Bản từ bỏ phải được trao cho quốc gia nào. Vì thế ngày
15/8/1951, sau khi đề cập tới quan điểm của Trung Quốc về từng vấn đề một được
nêu trong bản dự thảo. Chu Ân Lai đã tuyên bố:
“... Dự thảo Hiệp ước qui định là Nhật Bản sẽ từ bỏ
mọi quyền đối với đảo Nam Uy (đảo Spratly-Trường Sa) và quần đảo Tây Sa (quần đảo
Paracel-Hoàng Sa), nhưng lại cố ý không đề cập tới vấn đề tái lập chủ quyền
trên hai quần đảo này. Thực ra, cũng như các quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa
và quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa và đảo Nam uy lúc nào cũng là lãnh thổ của
Trung Quốc. Dù các đảo này đã có lúc bị Nhật Bản chiếm đóng trong một thời gian
trong trận chiến tranh xâm lăng do đế quốc Nhật Bản gây ra, sau khi Nhật Bản đầu
hàng Chính phủ Trung Hoa đã thu hồi những đảo này.
"Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do
đó tuyên bố: dù Dự thảo Hiệp ước Anh-Mỹ có chứa đựng các điều khoản về vấn đề
này hay không và dù các điều khoản này có được soạn thảo như thế nào, chủ quyền
bất khả xâm phạm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên đảo Nam Uy và quần đảo
Tây Sa sẽ không vì thế mà bị ảnh hưởng”.
Chu Ân Lai sau đó kết luận vấn đề này bằng
cách phủ nhận giá trị bất cứ một thỏa ước nào ký với Nhật Bản mà không có sự
tham dự của Trung Quốc:
“Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa một lần
nữa tuyên bố: Nếu không có sự tham dự của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
trong việc chuẩn bị, soạn thảo và ký hòa ước với Nhật Bản dù nội dung và kết quả
một hiệp ước như vậy có như thế nào, Chính phủ Nhân dân Trung ương cũng coi hòa
ước ấy hoàn toàn bất hợp pháp, và vì vậy sẽ vô hiệu”.
Tuy rằng lời kết luận này nhằm toàn thể hòa ước
với Nhật Bản, nó cũng bao trùm luôn cả vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa.
Trong bản tuyên bố này chúng ta nhận thấy có
những điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, tuy tuyên bố là quần đảo Hoàng Sa và
quần đảo Trường Sa lúc nào cũng là lãnh thổ của Trung Quốc, Chu Ân Lai lại
không nêu ra một chi tiết nào để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với
các đảo này.
Sự không dẫn chứng của Chu Ân Lai đối với vấn
đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải chăng vì Trung Quốc
biết không có một căn cứ nào vững vàng, về pháp lý cũng như về lịch sử, để chứng
minh chủ quyền này nên Trung Quốc phải bỏ không viện dẫn chứng cớ.
Thứ hai, bản tuyên bố này, cũng như các bản
tuyên bố khác sau này của Trung Quốc, và cả của Ðài Loan, đã đề cập tới việc
Chính phủ Trung Hoa thu hồi Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Nhật Bản đầu hàng vào
tháng 8 năm 1945.
Chúng ta biết rằng năm 1938, trước khi xảy ra
Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã chiếm đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng
Sa, nói là để khai thác thương mại nhưng thực ra chính là để lập căn cứ chiến
lược làm bàn đạp tấn công vùng Ðông Nam Á. Theo R. Serene thì “Năm 1938 Nhật Bản
mượn cớ khai thác thương mại đã chiếm đảo Phú Lâm để bành trướng sự kiểm soát tới
các đảo Cam Tuyền và Linh Côn…”. Rồi đến ngày 31/3/1939, Bộ Ngoại giao Nhật Bản
ra một thông cáo loan tin là ngày hôm trước ( 30/3/1939).
Nhật Bản đã quyết định đặt quần đảo Trường Sa
dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản vì lý do tại đây đã thiếu một chính quyền
hành chính địa phương nên đã làm thiệt hại đến quyền lợi của Nhật Bản. Trong suốt
thời gian của Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã đóng quân trên hai quần đảo
này cho tới khi đầu hàng quân đội Ðồng minh.
Vào cuối năm 1943, trong lúc chiến tranh đang ở
mức độ ác liệt nhất thì các nhà lãnh đạo cấp cao của Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa
Dân Quốc đã bí mật gặp nhau tại Cairo, thủ đô nước Ai Cập, từ 23 đến 27 tháng
11 năm 1943 để thảo luận các chiến lược tiêu diệt phe Trục (Ðức- Ý- Nhật). Ngày
26-11-1943, Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston
Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch đã ký một bản tuyên
cáo chung (thường được gọi là Tuyên cáo
Cairo) trong đó có một đoạn như sau:
“Ðối tượng của các nước này (tức là của ba nước Ðồng
minh) là phải tước bỏ quyền của Nhật Bản trên tất cả các đảo ở Thái Bình dương
mà nước này đã cưỡng đoạt hay chiếm đóng từ khi có Chiến tranh thế giới thứ nhất
năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã cướp của người Trung Hoa, như là
Mãn châu, Ðài Loan và Bành Hồ, phải được hoàn trả Trung Hoa Dân Quốc. Nhật Bản
cũng sẽ phải bị trục xuất khỏi các lãnh thổ khác đã chiếm được bằng võ lực và
lòng tham”.
Ðọc đoạn trích dẫn trên chúng ta thấy Tuyên
cáo Cairo có hai quy định quan trọng. Thứ nhất, chỉ có các đất Mãn châu, Ðài
Loan và Bành Hồ được hoàn trả cho Trung Quốc thôi. Thứ hai, còn các lãnh thổ
khác mà Nhật Bản chiếm được thì bản tuyên cáo này chỉ quy định việc trục xuất
Nhật Bản, chứ không hề nói tới việc hoàn trả chúng cho Trung Quốc. Chỉ có điều
đáng tiếc, và đó cũng là nguyên nhân gây ra những vụ tranh chấp về chủ quyền
trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau này, là Tuyên cáo Cairo đã không
nói các lãnh thổ khác ấy phải được hoàn trả cho nước nào.
Quyết định của Tam cường tại Hội nghị Cairo được
tái xác nhận trong một hội nghị thượng đỉnh Tam cường khác nhóm tại Potsdam từ
17/7 đến 2/8/1945 để ấn định các điều kiện cho Nhật Bản đầu hàng. Tổng thống
Hoa Kỳ, Thủ tướng Anh và Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc đã ra một tuyên ngôn
(thường gọi là Tuyên ngôn Potsdam) ngày 26/7/1945 trong đó có ghi là “Các điều
khoản của bản Tuyên cáo Cairo sẽ được thi hành”.
Tại hội nghị Potsdam này các nhà lãnh đạo Tam
cường đã quyết định chia Ðông Dương làm hai khu vực để cho tiện việc giải giới
quân đội Nhật Bản đóng tại đây. Vĩ tuyến thứ 16 được chọn làm ranh giới: việc
giải giới ở khu vực Bắc vĩ tuyến ủy thác cho quân đội Trung Hoa (quân Tưởng Giới
Thạch) và ở khu vực phía Nam do liên quân Anh-Ấn đảm nhận. Vì quần đảo Hoàng Sa
nằm ở giữa hai vĩ tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải giới quân đội Nhật trú đóng ở
đây thuộc thẩm quyền của quân Tưởng. Trái lại, việc giải giới ở quần đảo Trường
Sa phải do liên quân Anh-Ấn đảm nhận do lẽ quần đảo này nằm giữa hai vĩ tuyến
thứ 8 và 12.
Nhật Bản khi đầu hàng đã chịu điều kiện quy định
trong bản Tuyên cáo Cairo và ghi nhận trong Văn kiện đầu hàng ngày 2/9/1945. Ðồng
thời, khi ra lệnh cho quân đội Nhật Bản ở nước ngoài đầu hàng và nộp vũ khí cho
quân đội Ðồng minh, Nhật hoàng Hirohito đã ban hành Tổng Mệnh lệnh số 1, trong
đó điều I khoản (a) qui định là:
“Các tư lệnh Nhật Bản và tất cả lục, hải quân cùng
các lực lượng phụ thuộc ở trên đất Trung Hoa (ngoại trừ Mãn châu), Ðài Loan và
Ðông Pháp ở 16 độ bắc vĩ tuyến đầu hàng Ðại Nguyên soái Tưởng Giới Thạch”.
Bản Tuyên
cáo Cairo và Tuyên
ngôn Potsdam hoàn toàn không đề cập tới
vấn đề hoàn trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản
đã xâm lược vào đầu Chiến tranh thế giới thứ 2. Sự thiếu sót này có phải là do
các nhà lãnh đạo đồng minh sơ ý hay quên không? Lẽ dĩ nhiên là không. Trái lại,
chúng ta phải giải thích là các nhà lãnh đạo Tam cường đã không quan niệm hai
quần đảo này là phần lãnh thổ của Trung Quốc. Ðiểm đặc biệt đáng chú ý hơn nữa
là chính Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, Ðại Nguyên soái Tưởng Giới Thạch, đã
tham dự cả hai hội nghị và đã ký vào cả Tuyên cáo Cairo lẫn Tuyên ngôn Potsdam,
chứ không phải một người đại diện nào khác để nói là có thể đã không thi hành
đúng chỉ thị của Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Nếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa thực sự thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không có lý gì họ Tưởng chỉ đòi
hoàn trả có Mãn châu, Ðài Loan và Bành Hồ thôi mà lại không đòi luôn Hoàng Sa
và Trường Sa. Hơn nữa, trong bản văn của Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam
chúng ta cũng không thấy từ “vân vân” để có thể nói là vấn đề đã được bao hàm
trong hai văn kiện này.
Mười hai năm sau khi tham dự Hội nghị Cairo và
ký bản Tuyên cáo, ngày 8/2/1955 Tưởng Giới Thạch vẫn còn nhắc lại là:
“Trong thông cáo công bố vào lúc bế mạc hội nghị,
chúng tôi đã tuyên bố là tất cả các lãnh thổ do Nhật Bản ‘cướp’ của Trung Hoa,
kể cả Ðông Tam Tỉnh, Ðài Loan và Bành Hồ phải được hoàn trả lại cho Trung Hoa
Dân Quốc. Lời tuyên bố này đã được bản Tuyên ngôn Potsdam công nhận và Nhật Bản
chấp nhận khi nước này đầu hàng”.
Một lần nữa, ông hoàn toàn không nói gì đến việc
phải hoàn trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Vào lúc ông
nói lời trên ông không phải là không biết có sự tranh chấp về chủ quyền đối với
hai quần đảo này mà cả chính phủ của ông lẫn chính phủ của Mao Trạch Đông đang
đòi.
Như chúng ta được biết, cả Tuyên cáo Cairo lẫn
Tuyên ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung Hoa Dân Quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở
quần đảo Hoàng Sa thôi, chứ không hề cho phép Trung Hoa Dân Quốc thu hồi quần đảo
này cùng là giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Trường Sa hay thu hồi quần đảo
đó. Vì thế việc chiếm đóng và thu hồi hai quần đảo này của Trung Hoa Dân Quốc
là bất hợp pháp và vi phạm trầm trọng luật quốc tế vì đi trái với quyết định của
Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam.
Vì các lý do vừa kể trên, chúng ta phải nhìn
nhận rằng lời tuyên bố ngày 15/8/1951 của Chu Ân Lai đã mâu thuẫn với lời tuyên
bố ngày 4/12/1950 cũng của họ Chu. Một bên Trung Quốc đòi các quốc gia phải
tuân theo hai văn kiện quốc tế này và các chính sách căn bản đối với Nhật Bản
sau khi nước này đầu hàng, trong đó việc chia đôi Ðông Dương để giải giới quân
đội Nhật Bản đóng tại đây cũng là một chính sách căn bản, một bên lại cho việc
tiếp thu hai quần đảo không hề được qui định trong hai văn kiện quốc tế là một
hành vi hợp pháp.
Thực vậy, điều 2 của Hòa ước San Francisco sau
khi đã nói về việc Nhật từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với tất cả
các lãnh thổ nào không phải là lãnh thổ chính của Nhật Bản mà nước này đã chiếm
được từ khi có Chiến tranh thế giới thứ nhất cho đến khi chấm dứt Chiến tranh
thế giới thứ 2 đã quy định thêm trong đoạn (f) như sau:
“Nhật Bản khước từ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi
trên quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa”.
Các qui định trong điều 2 như vậy đã theo đúng
với quyết định của Hội nghị Cairo năm 1943 được diễn tả trong bản Tuyên cáo
Cairo mà Trung Quốc vẫn luôn đòi phải được coi là căn bản chính cho một hòa ước
ký với Nhật Bản đã nói ở bên trên. Nói cách khác, chính Trung Quốc đã coi quyết
định của các đại cường là hợp lý, hợp tình và hợp pháp.
Về quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề giá
trị của hai văn kiện quốc tế quan trọng này, chúng ta đã thấy:
(a) khi cuộc tranh luận tại Liên Hiệp Quốc về
địa vị của đảo Ðài Loan đang tiến hành, ngày 24/8/1950 Trung Quốc đã gửi một bức
công điện cho tổ chức quốc tế này trong đó có đề cập tới Tuyên cáo Cairo và
Tuyên ngôn Potsdam mà các quốc gia ký kết phải tôn trọng và tuân hành
(b) hoặc như qua lời tuyên bố ngày 4/12/1950 của
Chu Ân Lai nói trên,
(c) cũng như trong lời tuyên bố ngày 15/8/1951
của Chu Ân Lai như sau:
“Dù xét về thủ tục mà hòa ước được chuẩn bị
hay về nội dung, ta thấy Dự thảo Hòa ước Anh-Mỹ trắng trợn vi phạm các thỏa ước
quốc tế quan trọng, mà Anh-Mỹ đều là phe kết ước, như là ... bản Tuyên cáo
Cairo, ... bản Tuyên ngôn Potsdam ...
Vi phạm sự thỏa thuận theo bản Tuyên cáo Cairo và bản
Tuyên ngôn Potsdam, Dự thảo Hòa ước chỉ qui định là Nhật Bản sẽ khước từ các
quyền đối với Ðài Loan và Bành Hồ”.
Hòa ước San
Francisco là một văn kiện quốc tế nhằm thi hành những
quyết định của Hội nghị Cairo 1943, nó cũng phải có hiệu lực như bản Tuyên cáo
Cairo.
Hơn một tháng sau khi lên tiếng ngày 15/8/1951
về vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói trên, khi bình
luận về việc ký Hòa ước San Francisco, trong một thông cáo của Bộ Ngoại giao
Trung Quốc ngày 18/9/1951, Chu Ân Lai không hề nói gì về vấn đề hai quần đảo
này cả mà chỉ lập lại lập trường cũ, phủ nhận giá trị và hiệu lực của hòa ước
vì đã được ký kết mà không có sự tham dự của Trung Quốc.
Sự im lặng này càng khó hiểu hơn nữa khi chắc
chắn là Trung Quốc phải biết rằng Hội nghị San Francisco đã bác bỏ đề nghị của
phái đoàn Liên Xô đòi trao trả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc
và về phản ứng của phái đoàn Quốc gia Việt Nam.
Thực vậy, ngày 5/9/1951, trong phiên họp
khoáng đại hội nghị thứ 2 của hội nghị San Francisco, đại biểu Liên Xô Andrei
A. Gromyko sau khi chỉ trích tính cách bất hợp pháp và sự vô nghĩa của bản dự
thảo hòa ước của Anh-Mỹ để ký với Nhật Bản đã đưa ra một đề nghị bảy điểm gọi
là để hướng dẫn việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Ðiểm 6 đề nghị trao
trả hai quần đảo này cho Trung Quốc. Nhưng hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này với với
46 phiếu chống (3 phiếu thuận là Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, 1 phiếu trắng và 1
không bỏ phiếu).
Hai ngày sau, 7/9/1951 Thủ tướng kiêm Ngoại
trưởng Trần văn Hữu, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, đã lên tiếng tái xác định
chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 phái
đoàn ngoại giao như sau:
“Et comme il faut franchement profiter de toutes
occasion pour étouffer les germes de discorde, nous afirmons nos droits sur les
iles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet-Nam”.
(tạm dịch là: “Cần nói thật rằng phải lợi dụng
tất cả mọi trường hợp để chặn đứng những mầm xung đột, chúng tôi xác nhận chủ
quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ
xưa thuộc lãnh thổ Việt Nam”)
Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco
long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn, không có một phái
đoàn nào phản đối.
Sự im lặng lại càng trở nên khó hiểu hơn nữa
khi trong bản tuyên bố ngày 5/5/1952 về hòa ước mà Trung Hoa Dân Quốc đã ký với
Nhật Bản ngày 28/4/1952, Chu Ân Lai không nói gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, mặc dù hai quần đảo này đã được đề cập tới trong điều 2 của hòa ước
như sau:
“Ðiều 2. Hai bên nhìn nhận là theo điều 2 Hòa ước với
Nhật Bản ký ngày 8 tháng chín năm 1951 tại San Francisco ở Hoa Kỳ, Nhật Bản đã
khước từ mọi quyền, danh nghĩa hay đòi hỏi liên quan đến Ðài Loan (Formosa) và
Bành Hồ (the Pescadores), cũng như quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.
Theo điều khoản này, Nhật Bản chỉ nhắc lại việc
khước từ chứ không nói rõ là Nhật Bản hoàn trả hai quần đào này cho Trung Hoa
Dân Quốc. Chính vì vậy trên trang mạng Japan Focus ngày 21/03/2009 đăng nghiên
cứu của Kimie Hara cho rằng các vụ tranh chấp trên Thái Bình Dương từ Đông Bắc
xuống Đông Nam Á, gồm cả vùng Trường Sa, là di sản của Hiệp ước San Francisco
năm 1951.Bài viết nói các cường quốc sau Thế Chiến 2 đã không ghi rõ chi tiết
chủ quyền nhiều đảo và quần đảo qua việc đặt tuyến phân ranh giới Acheson Line.
Sau đó, tác động của việc hoạch định lằn ranh bao vây nước Trung Hoa cộng sản
và Bắc Triều Tiên lại tạo thêm sự phức tạp cho vấn đề.Tác giả cho rằng nay, để giải
quyết các vấn đề, mọi bên đều cần có sự nhượng bộ và giải pháp đa phương, gồm cả
Nhật Bản, nước thua trận trong Thế Chiến 2.
.
Kết luận
Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng
định chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Mới đây nhất,
ngày 25/5/2023, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt
Nam trước việc Trung tâm Bảo đảm an toàn hàng hải (Bộ GTVT Trung Quốc) tiến
hành lắp đặt ba phao đèn báo hiệu tại một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa
của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Việc
lắp đặt phao đèn báo hiệu tại các thực thể ở quần đảo Trường Sa mà không được sự
đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, vì
vậy không có giá trị pháp lý”.
Tất cả các vấn đề trên là quá rõ ràng, những
luận cứ và luận chứng mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra trong vấn đề hai quần đảo
Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam chỉ có thể lừa được một số người chứ không thể
phủ nhận được các văn kiện của Bản Tuyên cáo Cairo, Thỏa ước Yalta, bản Tuyên
ngôn Potsdam và sự thật lịch sử. Chính phủ Trung Quốc hãy chấm dứt ngay mọi
hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.
-----------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
----------------------
Tin, bài liên quan
BẠN ĐỌC VIẾT
·
Tâm
thư gửi thủ tướng Việt Nam
·
Ba
ngày lịch sử đáng để được tưởng niệm
·
Trung
Quốc trong trật tự thế giới
·
Thư
ngỏ gởi lãnh đạo VN hoan nghênh luật biển, kêu gọi cải cách
No comments:
Post a Comment