Friday, May 26, 2023

NGƯỜI VIỆT Ở HOA KỲ GÓP SỨC HỖ TRỢ NGƯỜI TỊ NẠN ĐỒNG HƯƠNG TỪ THÁI LAN SANG ĐỊNH CƯ (VOA Tiếng Việt)

 



Người Việt ở Mỹ góp sức hỗ trợ người tị nạn đồng hương từ Thái Lan sang định cư

VOA Tiếng Việt

27/05/2023

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-o-my-nguoi-ti-nan-thai-lan-bao-tro-dinh-cu/7111617.html

 

Nhiều người Việt ở Mỹ đang thực hiện các khâu chuẩn bị cần thiết để có thể hỗ trợ đưa những người tị nạn đồng hương đến Mỹ định cư theo một chương trình mới được thành lập bởi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

 

https://gdb.voanews.com/c2eb0000-0aff-0242-4632-08d9eb097a19_w1023_r1_s.jpg

Người Việt tị nạn tại Thái Land. Photo Facebook Người Việt tị nạn

 

Chương trình Welcome Corps, ra mắt vào tháng 1 năm nay, cho phép công dân hoặc thường trú nhân ở Hoa Kỳ có thể bảo trợ những người tị nạn hội đủ tiêu chuẩn sang Mỹ định cư.

 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả chương trình này là “sự canh tân táo bạo nhất trong lĩnh vực tái định cư người tị nạn trong bốn thập niên qua” vì nó được thiết kế để mở rộng năng lực của Chương trình Tiếp nhận Người Tị nạn Hoa Kỳ (USRAP) thông qua sự góp sức của các cá nhân trong xã hội Mỹ muốn phục vụ trong tư cách người bảo trợ tư nhân.

 

Khi người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới đến Mỹ, họ đối mặt với một lối sống hoàn toàn khác. Để giúp quá trình chuyển tiếp suôn sẻ hơn, theo truyền thống, Bộ Ngoại giao làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận chuyên về các vấn đề người tị nạn. Bây giờ, với chương trình Welcome Corps, công dân và thường trú nhân tại Mỹ có thể đứng ra thành lập các nhóm 5 người để giúp hoàn thành vai trò này.

 

Họ được yêu cầu quyên góp tối thiểu 2.275 đôla cho mỗi người tị nạn mà họ muốn bảo trợ. Sự hỗ trợ sẽ bao gồm mọi thứ từ chào đón những người tị nạn tại sân bay cho đến tìm cho họ nơi ở và đưa con cái của họ đến trường.

 

Các nhóm bảo trợ cũng sẽ được yêu cầu vượt qua kiểm tra lý lịch và lập kế hoạch hỗ trợ, theo website của Welcome Corps.

 

Trong sáu tháng đầu tiên của chương trình, Bộ Ngoại giao sẽ kết nối các nhà bảo trợ với những người tị nạn đã được chấp thuận, Bộ cho biết.

 

Một số người Việt hiện đang chuẩn bị tham gia chương trình nói với VOA họ xem đây một cơ hội quý giá để giúp đỡ những người đã rời bỏ Việt Nam vì những lý do chính trị hoặc tôn giáo và đang chật vật sinh tồn ở Thái Lan trong khi chờ đợi được tái định cư ở một nước thứ ba.

 

Một số hội đoàn và cá nhân gốc Việt ở một số tiểu bang có đông người Việt sinh sống trong những tháng qua đã tổ chức liên lạc và thành lập các nhóm 5 người theo quy định của chương trình như một phần trong công tác chuẩn bị trước khi chương trình chính thức đi vào hoạt động. Một số nhóm thậm chí còn tổ chức những chuyến đi sang Thái Lan, nơi mà nhiều người tị nạn Việt Nam đang cư trú, để tìm hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của những người mà họ sẽ bảo trợ.

 

Bà Kimmy Dương, một mạnh thường quân gốc Việt có tiếng ở khu vực thủ đô Washington, cho biết cách đây một tháng bà qua Bangkok trong chuyến đi khoảng một tuần để gặp gỡ những người Việt đã được Liên hiệp quốc cấp quy chế người tị nạn và đang chờ được các nước thứ ba nhận để tái định cư. Bà Kimmy cam kết bảo trợ cho 24 gia đình, tổng cộng khoảng từ 80 đến 100 người, dưới chương trình Welcome Corps.

 

“Theo lời họ kể lại, họ bị đàn áp về tôn giáo, về lý tưởng, rồi có một số người theo tôi biết cũng là thuyền nhân mà đến bây giờ vẫn kẹt lại ở bên đó, những người bất đồng chính kiến với chính phủ thành ra phải trốn qua bên này,” bà Kimmy kể về những người Việt mà bà đã gặp ở Thái Lan khi bà đến để phát gạo từ thiện.

 

“Đời sống của họ rất là khó khăn, thành ra tôi nghĩ không còn cách nào hơn là mình phải ráng giúp để qua [Mỹ]. Người Việt Nam mình đa số ai cũng chăm lo làm việc. Tôi nghĩ họ qua đây rồi cũng sẽ kiếm được việc và làm ăn sinh sống được,” bà nói thêm.

 

Bà Nguyễn Lam Châu, giám đốc điều hành Hội Cao niên Á Mỹ ở thành phố Westminster của bang California, cũng tham gia chuyến đi làm công tác từ thiện và tìm hiểu tình hình người tị nạn Việt Nam ở Thái Lan hồi tháng rồi. Bà nói ban đầu bà chỉ có ý định giúp bảo trợ một gia đình nhưng chuyến đi đã giúp bà thấy rõ hơn tình cảnh của nhiều người tị nạn, và bây giờ bà quyết định sẽ giúp 5 gia đình với tổng cộng 17 người.

 

Đối với bà, sự hỗ trợ này xuất phát từ sự thấu hiểu và thông cảm đã “in sâu” trong tâm hồn của bà, bà nói. Kinh nghiệm 25 năm làm việc trong lĩnh vực hỗ trợ di dân giúp bà hiểu rõ những khó khăn của họ trong việc tìm kiếm một nơi định cư mới cũng như xây dựng lại cuộc sống. Bản thân chồng bà từng là một người Việt tị nạn ở Thái Lan.

 

“Tôi có thuyết phục gia đình tôi rằng, ‘chính bố là người tị nạn Thái Lan thì thử hỏi trong thời gian đó chắc chắn một điều hằng đêm hằng ngày vẫn chắp tay nguyện cầu có ai đó để kéo mình ra khỏi trại tị nạn.’ Nên do đó bây giờ cả gia đình tôi rất là thấu hiểu và đồng ý tham gia chương trình này để giúp người tị nạn,” bà chia sẻ.

 

Chương trình bảo trợ người tị nạn này - tương tự như mô hình được sử dụng ở Canada - là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tạo cơ hội cho người Mỹ hỗ trợ những người nước ngoài đang tìm kiếm sự bảo vệ.

 

Dù việc mở rộng năng lực tiếp nhận người tị nạn của Mỹ thông qua chương trình Welcome Corps nhận được sự tán dương của nhiều người, tuy nhiên cũng có những ý kiến đề nghị rằng người tị nạn cần được kiểm tra lý lịch kỹ càng để tránh gian lận và cũng phải bảo đảm là người bảo trợ có đủ khả năng để gánh các chi phí.

 

Đông y sĩ Nhất Nguyên, một người tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và từ thiện ở thành phố Houston của bang Texas, nói ông muốn tham gia hỗ trợ người tị nạn từ Thái Lan nhưng có những lo ngại về việc xác minh lý lịch của những người này. Dù vậy, ông hoan nghênh ý tưởng hợp tác với các nhà bảo trợ tư nhân để giúp đẩy nhanh việc tái định cư những người tị nạn đã chờ đợi mòn mỏi nhiều năm.

 

“Hầu hết những người tị nạn Thái Lan nếu họ đến đây với chương trình này, nếu những ai có điều kiện ghi danh thì nên tham gia giúp đỡ những người tị nạn này, bởi vì dù sao đi nữa họ cũng đã chịu cảnh cực khổ ở Thái Lan, cảnh vô gia cư, vô tổ quốc, không có nguồn sống nhất định, và như chúng ta đã biết họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào,” ông Nhất Nguyên, người cũng từng là người tị nạn, nói.

 

Bà Kimmy Dương nhớ lại khi xưa bà đặt chân đến Mỹ trong tư cách người tị nạn chỉ với 30 đô la trong túi. Bà nói bà may mắn được tiếp tục làm việc cho hãng IBM, chủ lao động của bà khi còn ở Việt Nam, nhưng bà vẫn phải chật vật mưu sinh để xây dựng lại cuộc đời trên đất Mỹ.

 

Giờ đây, bà dành sự hào phóng đối với những người tị nạn mà bà đã gặp gỡ ở Thái Lan vì bà nhìn thấy một phần cuộc đời của bà nơi họ.

 

“Hồi đó mình cứ ngó trong cái tài khoản ngân hàng của mình không có đồng nào nên rầu lắm. Bây giờ tôi hiểu được cái lo của những người tị nạn, không có tiền là khổ lắm,” bà chia sẻ.





No comments: