Ukraina
: Cuộc xâm lược bất thành bộc lộ sự thối nát của quân đội Nga
Thụy
My -
RFI
Đăng ngày: 30/04/2022 - 19:20
Ảnh bìa The Economist tuần này là một
tháp pháo xe tăng bị gãy lìa trên mặt đất mang hình dạng một chiếc đầu lâu, với
dòng tựa gay gắt « Cuộc xâm lược Ukraina bất thành : Quân đội Nga
thối nát như thế nào ? »
https://s.rfi.fr/media/display/7f0aaf84-c8a9-11ec-9085-005056a97e36/w:1024/p:16x9/tank_03.webp
Một quân nhân
Ukraina bên cạnh một xe tăng được lính Nga bỏ lại ở làng Vablya, ngoại ô Kiev
ngày 05/04/2022. REUTERS - GLEB GARANICH
Một quân đội tham
nhũng và tàn bạo
Sức mạnh quân sự được huy động nhằm chứng tỏ với
thế giới là Vladimir Putin tái lập được sự vĩ đại của đất nước, sau khi Liên Xô
sụp đổ. Nhưng ngược lại, thiệt hại nặng nề tại Ukraina đã bộc lộ những lỗ hổng
chết người của Nga. Cho đến nay, cuộc xâm lăng là một thảm họa cho Matxcơva :
khoảng 15.000 quân đã tử trận trong hai tháng qua, theo số liệu của Anh. Ít nhất
1.600 xe bọc thép bị phá hủy, cùng với vài chục máy bay và cả soái hạm Moskva,
cuộc tấn công vào thủ đô Kiev là cả một sự hỗn loạn.
Léon Trotsky đã viết « Quân đội
là bản sao của xã hội và mắc phải mọi bệnh tật của nó, nhưng với thân nhiệt cao
hơn ». Giao tranh ở miền đông và miền nam Ukraina trong những tuần tới
sẽ quyết định không chỉ diễn biến cuộc chiến, mà cả mức độ mà quân đội Nga có
thể cứu vãn thể diện của mình và của xã hội.
Ngân sách quốc phòng Nga 250 tỉ đô la, cao gấp
ba Anh hoặc Pháp, nhưng phần lớn đã bị tham nhũng hay đánh cắp. Ông Putin và những
nhà lãnh đạo hàng đầu đã che giấu kế hoạch xâm lược với các sĩ quan cao cấp,
cho thấy sự thiếu tin tưởng. Những người lính bất mãn, được cấp khẩu phần lương
thực quá hạn sử dụng, đã bỏ rơi các xe quân sự. Việc ăn bớt trang thiết bị thấy
rõ qua những bánh xe rẻ tiền của Trung Quốc không chạy được trên đất bùn. Không
có điện thoại mã hóa nên liên lạc bằng bộ đàm thông dụng, thậm chí bằng mạng di
động của Ukraina, dẫn đến cái chết của 10 tướng lãnh.
Những đơn vị dùng cách tra tấn, hãm hiếp, giết
người chỉ để được Kremlin tưởng thưởng : hôm 18/04, lữ đoàn bộ binh cơ giới
64, bị cho là thủ phạm vụ thảm sát Bucha, đã được Putin gắn huy chương. Nga
không kiểm soát được bầu trời qua sự phối hợp giữa sức mạnh không quân, pháo
binh, xe tăng và bộ binh. Các tướng lãnh tham nhũng, không có sáng kiến và không
rút được bài học từ những sai lầm, đã từ bỏ những học thuyết quân sự tiên tiến,
quay sang san bằng các thành phố và khủng bố thường dân.
Quân sự, phương tiện
để Putin tạo uy thế trên trường quốc tế
Đối với Vladimir Putin, kết quả đợt tấn công đầu
tiên là một cái tát vỗ mặt. Tuy kiểm soát một bộ máy tuyên truyền to lớn có thể
bóp nghẹt những chỉ trích, nhưng thất bại này đe dọa vị thế của ông, chủ yếu vì
quân sự là trung tâm của chiến lược tạo ra sức nặng của Nga trên trường quốc tế.
Nước Nga rộng lớn nhưng vẫn là một cường quốc bậc trung luôn mơ thành siêu cường.
Dân số Nga được xếp giữa Bangladesh và Mêhicô, kinh tế giữa Brazil và Hàn Quốc,
xuất khẩu nằm giữa Đài Loan và Thụy Sĩ. Dù được cảm tình của một số quốc gia
không liên kết như Nam Phi và Ấn Độ, quyền lực mềm của Nga đang đi xuống do sự
bất tài và tàn bạo ở Ukraina.
Nhằm thu ngắn khoảng cách giữa khả năng và
tham vọng, Putin quay sang lãnh vực duy nhất có tầm quốc tế là quân sự. Trong
14 năm qua, ông ta đã xâm lăng Gruzia và Ukraina, đưa quân sang Syria, lính
đánh thuê của ông được triển khai ở Libya, Cộng hòa Trung Phi, Soudan, và nay
là Ukraina.So sánh với Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đầy tham vọng nhưng sử dụng
quyền lực kinh tế và ngoại giao.
Cuộc chiến có thể kéo dài, và Nga không thể
tung ra những chiến dịch lớn ở nơi khác. Thiết bị, đạn dược và nhân lực tiêu
hao nhanh chóng, muốn bổ sung sẽ mất nhiều năm; và nếu trừng phạt duy trì vì
Putin vẫn tại vị, thì sẽ còn lâu hơn nữa. Hỏa tiễn Nga có nhiều chi tiết của
phương Tây, sự ra đi của những tài năng Nga sẽ đè nặng lên nền kinh tế.
Tuy nhiên thực tế Ukraina cho thấy nếu quân đội
Nga không chiếm được ưu thế trên chiến trường, họ sẽ tàn bạo hơn - một viễn cảnh
khủng khiếp. Bên cạnh đó, Nga vẫn có ưu thế về vũ khí hóa học, sinh học và
nguyên tử. Từ đầu cuộc chiến Ukraina, Vladimir Putin và chính quyền của ông ta
nhiều lần đe dọa dùng đến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Putin là người có lý trí,
muốn chế độ của mình tồn tại, như vậy khả năng sử dụng những loại vũ khí này là
thấp. Nhưng một khi quân đội Nga không còn nhiều chọn lựa về vũ khí quy ước, rất
có thể sẽ có ý định leo thang. Một ngõ cụt ở Donbass có thể gây ra những cuộc
chiến mới đáng ngại hơn. Theo The Economist, cách tốt nhất
tránh được Putin và quân đội thối nát của ông ta là răn đe họ không nên gây chiến.
Với Trump, Putin sẽ
phải đắn đo trước khi động binh
Cũng có cùng một ý như trên, cựu cố vấn an
ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien khi trả lời L’Express đã nhận định « Với
ông Trump, Putin sẽ đắn đo khi muốn xâm lăng Ukraina », trước nguy cơ
bị trả đũa. Điện Kremlin không thể biết được Donald Trump sẽ phản ứng như thế
nào, nghệ thuật răn đe của ông là không cho đối thủ biết mình nghĩ gì. Ngược lại,
chính quyền Biden báo trước là sẽ không can thiệp, và Vladimir Putin coi là đã
được bật đèn xanh. Hồi tháng Bảy năm ngoái, Joe Biden cũng đã chấp nhận gặp gỡ
tại Genève theo lời đề nghị của Putin mà không đòi hỏi điều gì đáp lại, khiến
ông chủ Kremlin coi là dấu hiệu yếu đuổi.
Một số người trách ông Trump là hòa hảo với
Putin. Tuy nhiên phải thấy rằng Donald Trump muốn tỏ ra thân thiện với các nhà
lãnh đạo thế giới, nhưng điều này không cấm cản được ông thẳng thừng trong hậu
trường. Chính ông đã ra lệnh ngưng dự án đường ống Nord Stream 2, và không ngần
ngại trừng phạt các tài phiệt, lãnh đạo Nga. Trump áp dụng với Putin câu châm
ngôn của tổng thống Theodore Roosevelt : « Speak sofly and carry a
big stick » (Nói năng nhẹ nhàng nhưng mang theo một cây gậy to).
NATO bí mật huấn
luyện quân đội Ukraina theo tiêu chí phương Tây
Courrier International trích dịch bài viết của Wall Street Journal về « Việc
huấn luyện âm thầm nhưng hiệu quả của NATO » cho quân đội
Ukraina. Chiến dịch bí mật do các nước NATO tiến hành đã làm thay đổi hẳn từ
người lính trơn cho đến bộ Quốc Phòng. Đó là một trong những lý do khiến quân đội
Ukraina gây ngạc nhiên cho cả thế giới, khi đẩy lùi được quân xâm lăng đông đảo
hơn và vũ khí hiện đại hơn.
Nhờ những bài học và thực hành, diễn tập cho
10.000 quân nhân Ukraina hàng năm từ 8 năm qua, NATO đã giúp nước này chuyển từ
hệ thống chỉ huy quân sự cứng nhắc kiểu xô-viết sang tiêu chí phương Tây. Sĩ
quan cấp dưới và hạ sĩ quan được giao vai trò rộng rãi hơn, những quân nhân
kinh nghiệm là mắt xích giữa các tướng lãnh và đạo quân trên thực địa. Cấp trên
vạch ra mục tiêu, cấp dưới tự quyết định để thực hiện tùy tình hình chiến trường.
Ngược lại phía Nga vẫn như thời Liên Xô cũ: sĩ quan ra lệnh, lính chỉ có việc
tuân theo và không thể tự ý thích ứng.
Việc hợp tác khởi đầu từ năm 2008, khi thấy
Nga đưa quân sang Gruzia, tổng thống Ukraina thời đó là Petro Porochenko đã ra
lệnh cải cách quân đội. Năm 2014, NATO giúp huấn luyện cứu thương trên chiến
trường, thực hiện những kế hoạch dân sự khẩn cấp, và chống lại chiến tranh đa
diện của Nga, từ drone cho đến việc xâm nhập điện thoại di động. Các cuộc tập
trận Rapid Trident được Mỹ tổ chức hàng năm tại Yavoriv, địa điểm huấn luyện
quân sự rộng 380 kilomet vuông nằm gần biên giới Ba Lan, nhờ đó quân Ukraina có
thể tập luyện với lực lượng của hơn một chục nước khác. Năm ngoái, khi áp lực từ
Matxcơva tăng lên, chỉ huy trưởng người Anh Bill Ross phụ trách huấn luyện bộ
binh Ukraina đã nhanh chóng cho tập thao tác với hỏa tiễn chống tăng NLAW mà
Luân Đôn viện trợ, và giờ đây đã chứng tỏ hiệu lực trên chiến địa.
Tổng thống
Emmanuel Macron chiếm lĩnh mặt báo Pháp
Tổng thống vừa tái đắc cử Emmanuel Macron chiếm
trang bìa và hồ sơ chính của tất cả các tuần báo Pháp kỳ này. Cùng đăng ảnh ông
Macron, nhưng tựa của Le Point rất đơn giản « Tổng
thống », và những trang trong là « đơn đặt hàng » cho nhà
lãnh đạo đất nước. L'Obs chạy tít « Macron đệ nhị,
những gì phải thay đổi ». L'Express cho rằng Emmanuel Macron cần
biến việc thắng cử của mình thành dịp để thay đổi chính trị trong nước. Nếu năm
2017, Macron là tổng thống của cơ may, thì năm 2022 ông trở thành tổng thống của
cơ hội cuối cùng.
Courrier International ví von « Quay lại với mặt đất ». Việc
Emmanuel Macron tiếp tục làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai có thể là sự may mắn
cho châu Âu, nhưng người Pháp thì lại chia rẽ hơn bao giờ hết. Làm thế nào để
hòa giải ? Tuần báo trích dịch Süddeutsche Zeitung : « Macron được
trao một cơ hội thứ hai, trong khi kết quả vòng 1 cho thấy ông không thuyết phục
được 1/3 người Pháp. Nhiệm kỳ này là nhờ những người cánh tả, dù bất mãn nhưng
vẫn không quẳng những giá trị cộng hòa vào thùng rác ».
L'Obs đề cập đến « Vòng
bầu cử thứ ba » : cuộc bầu cử Quốc Hội. Năm 2017, người Pháp muốn
dành cho tân tổng thống cơ hội lãnh đạo, nên dồn phiếu cho đảng của ông. Nhưng
lần này sẽ khó khăn hơn. Vấn đề xã hội được xới lên trở lại, lạm phát lên đến mức
kỷ lục 7,5% trong khu vực đồng euro, sức mua là mối quan tâm chính. Đảng Cộng
Hòa Tiến Bước vốn đang hướng về một cánh hữu mở rộng, sẽ phải điều chỉnh lại.
Thoát được tai họa
cực hữu
Nước Pháp đã quay lại, thế giới đã qua cơn run
sợ một đồng minh của Putin lên đứng đầu quốc gia chủ tịch luân phiên Liên Hiệp
Châu Âu (EU). Pháp lãnh nhận trách nhiệm trong bối cảnh đặc biệt không ai muốn
: chiến tranh ở ngay cửa ngõ Liên hiệp.
Các nước EU đối mặt với hai thử thách. Thứ nhất,
27 nước thành viên nay tham gia sâu hơn vào một cuộc chiến mà họ muốn tránh được
thất bại của một đất nước thuộc về « đại gia đình châu Âu ». Thậm chí
muốn Kiev « chiến thắng » - một chữ khó định nghĩa trong cuộc xung đột
với một cường quốc nguyên tử như Nga. Mục tiêu thứ hai là sự hòa hợp trong khối.
Người Ba Lan hay một nước Baltic vốn có những
kỷ niệm đau thương trong thời Liên Xô chiếm đóng, cảm thấy phải giúp đỡ
Ukraina, khác với người dân Tây Âu vẫn sống với ảo tưởng một thế giới hậu độc
tài từ 1945.
Như vậy nhiệm vụ khẩn cấp của tổng thống Pháp
là tái lập sự đoàn kết của EU đang chịu đựng ba cú sốc : nỗ lực chiến
tranh giúp Ukraina, tác động của cuộc chiến từ làn sóng tị nạn đến kinh tế, và
cuối cùng là mang lại lời đáp cho thách thức địa chính trị - tại Ukraina,
Moldova, Balkan.
Emmanuel Macron là
khuôn mặt đại diện đúng mực cho nước Pháp
Trả lời L'Express, nhà báo giàu kinh
nghiệm Gideon Rachman của Financial Times đánh giá cuộc bầu cử tổng thống
Pháp thực sự quan trọng đối với châu Âu. Pháp là nền kinh tế thứ nhì EU, là cường
quốc nguyên tử duy nhất của EU sau khi Anh ra đi. Nếu Marine Le Pen chiến thắng
sẽ là thảm họa, nhất là sau khi chiến tranh đã quay lại châu Âu với cuộc xâm
lăng Ukraina. Washington, Berlin, Bruxelles đều thở phào nhẹ nhõm khi Macron tái
đắc cử.
Emmanuel Macron là người ái quốc, nhưng không
dân tộc chủ nghĩa, ông đại diện khá tốt nước Pháp trên trường quốc tế. Macron
đã thành công với những cải cách kinh tế quan trọng trong nước, và sự năng động
của ông gây được ảnh hưởng ở châu Âu. Tuy nhiên ông Rachman lo ngại nếu trong
sáu tháng tới người dân đã quen với chiến tranh ở Ukraina, dễ bị sốc trước vật
giá gia tăng hơn là những tội ác, có thể đòi nhượng bộ những yêu sách của Putin
để sớm kết thúc.
Vị trí cường quốc
quân sự hàng đầu EU của Pháp lung lay nếu không đầu tư
Le Point nói
về « Macron đệ nhị trước thách thức của một thế giới mới ». Tờ
báo đặt ra bốn câu hỏi, trong bối cảnh cuộc chiến Ukraina có nguy cơ kéo dài suốt
nhiệm kỳ 5 năm này và có thể còn lâu hơn nữa. L’Obs nêu ra « Những vấn
đề châu Âu khẩn cấp của tổng thống ».
Thứ nhất, làm thế nào Pháp vẫn là « thế
lực tạo cân bằng », sau thất bại trong việc xích lại gần Matxcơva. Thứ
hai, liệu có thể tiếp tục trông cậy vào đa phương, khi Liên Hiệp Quốc - bị tê
liệt vì Nga phủ quyết - rõ ràng đã tỏ ra lỗi thời ? Nga cũng như
Pháp, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, định chế được cho là nhằm gìn
giữ hòa bình thế giới. Cuộc xâm lăng Ukraina làm mất uy tín cho cả một hệ thống
mà năm nước đồng minh hồi 1945 đã xây dựng.
Thứ ba, làm sao xây dựng một châu Âu tự chủ
trong khi các đối tác EU chỉ muốn dựa vào Washington ? Cuộc xâm lược đã làm hồi
sinh NATO mà ông Emmanuel Macron cho là chết não, thúc đẩy hai quốc gia trung lập
Phần Lan và Thụy Điển gia nhập. Nhưng vào lúc châu Âu xích gần với Mỹ,
Washington có thể thu mình lại nếu đảng Cộng Hòa chấp chính, Paris có thể khai
thác nghịch lý này.
Cuối cùng, làm thế nào tái thúc đẩy động lực
Pháp-Đức ? Chiến tranh Ukraina đã làm bật lên những điểm yếu trong chiến lược của
hai nước đối với Nga. Emmanuel Macron và Olaf Scholz đều không thấy xuất hiện ở
Kiev kể từ 24/02, trong khi nhiều nhà lãnh đạo các nước châu Âu khác đã đến tận
nơi để bày tỏ sự ủng hộ. Viện trợ quân sự của hai nước lớn nhất EU thì chỉ tối
thiểu. Đức đã cam kết đầu tư 100 tỉ đô la cho quân đội, Pháp sẽ đặt lên bàn cân
những gì để duy trì vị thế của mình ? Về lâu về dài, ngôi vị cường quốc quân sự
lớn nhất EU của Pháp sẽ bị đe dọa.
Bên cạnh đó còn là những vấn đề khác : gánh nặng
nợ nần, chống khủng bố, căng thẳng với Bắc Phi. Giữa một nước Nga xét lại, một
Trung Quốc hiếu chiến, châu Âu dễ tổn thương và nước Mỹ bất định, con thuyền
Emmanuel Macron phải chèo chống trong dòng nước xoáy. Nhưng mục tiêu của ông
thì đúng đắn. Châu Âu sẽ bảo vệ được chúng ta nếu quốc phòng hùng mạnh, dựa
trên kỹ nghệ quốc phòng vững chắc với sức mạnh răn đe nguyên tử, quyền lực liên
bang hiệu quả. Đó là chìa khóa cho sự tái sinh của châu Âu.
No comments:
Post a Comment