Cập nhật chiến
tranh ở Ukraina lúc 8h sáng, ngày 27-4-2022
27/04/2022
https://baotiengdan.com/2022/04/27/cap-nhat-chien-tranh-o-ukraina-luc-8h-sang-ngay-27-4-2022/
Ngày 26-4, quan chức từ hơn 40 quốc gia họp tại
căn cứ không quân Ramstein của Đức để tham gia các cuộc thảo luận do Mỹ chủ trì
về việc vũ trang cho Ukraina chống lại Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd
Austin cũng có mặt. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley
nói, các cuộc thảo luận nhằm đồng bộ hóa và phối hợp hỗ trợ an ninh cho Kiev,
bao gồm vũ khí hạng nặng, cũng như máy bay không người lái có vũ trang và đạn
dược, theo Hãng tin Reuters.
Ngày 26/4, Hoa Kỳ đã triệu tập 40 đồng minh
cung cấp cho Ukraina viện trợ quân sự dài hạn trong cuộc chiến Ukraina mà có thể
trở thành một cuộc chiến dài hạn chống lại Nga, và Đức cho biết họ sẽ gửi cho
Ukraina hàng chục phương tiện phòng không bọc thép. Đây là một sự thay đổi
chính sách lớn đối với một quốc gia đã dao động vì lo sợ sẽ khiêu khích Nga nếu
họ làm vậy.
Tuyên bố của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu
và là một trong những đối tác thương mại phương Tây quan trọng nhất của Nga, nằm
trong số nhiều tín hiệu hôm 26/4 cho thấy, cuộc chiến Ukraina đang leo thang
hơn nữa và các nỗ lực ngoại giao đã thất bại. Sự thay đổi thái độ của Đức cũng
được coi là lời khẳng định mạnh mẽ về thông điệp cứng rắn của chính quyền
Biden, với nội dung là họ muốn thấy Nga không chỉ bị đánh bại ở Ukraina mà còn
phải bị suy yếu nghiêm trọng sau cuộc xung đột mà Tổng thống Vladimir Putin bắt
đầu cách đây hai tháng.
***
Giới chức Ukraina cho biết, giao tranh diễn ra
ác liệt ở hai khu vực miền đông Donetsk và Lugansk, khi quân Nga mở nhiều mũi
tiến công vào khu vực này. Pavlo Kyrylenko, người đứng đầu cơ quan quân sự vùng
Donetsk, cho biết, quân Nga đã tiến hành nhiều cuộc không kích bằng tên lửa vào
các mục tiêu tại thành phố Avdiivka, thuộc tỉnh Donetsk. Kyrylenko thêm rằng, một
nỗ lực tấn công khác của quân Nga ở thị trấn Mariinka gần đó đã bị đẩy lùi. Hỏa
lực của Nga làm hỏng một trạm biến áp, khiến thị trấn Krasnohorivka bị mất điện.
“Hôm nay, pháo kích liên tiếp xảy ra dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Ít nhất
hai dân thường đã chết“, Kyrylenko nói.
***
Theo Hãng tin AFP, trong cuộc gặp tại thủ đô
Matxcơva vào ngày 26-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Tổng thư ký Liên
Hiệp Quốc Antonio Guterres, rằng ông vẫn đặt hy vọng vào các cuộc đàm phán để
chấm dứt xung đột ở Ukraina. “Mặc dù chiến dịch quân sự đang diễn ra, nhưng
chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có thể đạt được các thỏa thuận trên con đường ngoại
giao. Chúng tôi đang đàm phán (với Ukraina) và chúng tôi không
từ chối đàm phán” – ông Putin nói với ông Guterres.
Tổng thống Putin nói với người đứng đầu Liên
Hiệp Quốc, rằng “biết rõ những lo ngại của ngài về chiến dịch quân sự của
Nga” ở Ukraina và sẵn sàng thảo luận về vấn đề này. Còn ông Guterres kêu gọi
Nga và Ukraina phối hợp với Liên Hiệp Quốc để lập các hành lang viện trợ và sơ
tán cho dân thường ở Ukraina.
Theo thông tin của Liên Hiệp Quốc về cuộc gặp,
Tổng thống Putin “về nguyên tắc” đã đồng ý cho phép sơ tán dân thường trong nhà
máy thép Azovstal ở TP cảng Mariupol của Ukraina. Điều này được thực hiện có sự
phối hợp với Liên Hiệp Quốc, Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Bộ Quốc phòng Nga và các
quan chức Ukraina.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Thư ký
Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã có cuộc hội đàm về chiến sự Ukraina, nhất
là tình hình ở nhà máy Azovstal. “Các lực lượng Ukraina có nghĩa vụ thả tất
cả dân thường khỏi khu vực nhà máy Azovstal ở Mariupol, nếu có người dân ở đó.
Đúng là chúng tôi đã nghe được những thông tin từ phía Ukraina về việc có dân
thường trong nhà máy Azovstal. Nhưng binh sĩ Ukraina cần thả người dân ra, nếu
không hành động của họ sẽ được coi là sử dụng dân thường làm những lá chắn sống.
Thả người dân đi là một hành động rất đơn giản, không điều gì có thể dễ hơn việc
đó”, hãng tin TASS dẫn lời Tổng thống Nga Putin nói với ông Guterres trong
cuộc gặp.
“Ngài Tổng Thư ký, ông nói rằng các hành
lang nhân đạo được chúng tôi thiết lập không làm việc hiệu quả. Có vẻ ông đã nhận
được những thông tin sai lệch. Tôi nhấn mạnh rằng có khoảng 130.000-140.000 người
dân đã rời Mariupol với sự hỗ trợ của chúng tôi. Họ được tự do đi tới bất kỳ
nơi nào họ muốn, một số người tới Nga trong khi số khác tới nhiều nơi trên khắp
Ukraina. Chúng tôi không giữ họ lại, và những người dân đó được hỗ trợ đầy đủ”,
ông Putin nói thêm. “Dân thường ở trong nhà máy Azovstal cũng sẽ như vậy.
Theo quan điểm của bản thân tôi, việc sử dụng người dân làm lá chắn là một tội
ác”, ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh. Phát ngôn viên của ông Guterres, quan
chức Stephane Dujarric sau đó nói rằng, ông Putin đã đồng ý để Liên Hợp Quốc
cùng nhiều tổ chức quốc tế khác tham gia cứu trợ người dân mắc kẹt trong các
vùng chiến sự.
***
Trả lời phỏng vấn báo Rossiyskaya Gazeta (báo
Chính phủ Nga), ngày 26-4, ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga,
cảnh báo chính sách của phương Tây và Chính phủ Ukraina có thể khiến Ukraina “bị
tách thành các nước nhỏ hơn”. Ông Nikolai Patrushev, cũng là đồng minh chủ chốt
của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc Mỹ nhiều năm qua đã cố khơi dậy tâm
lý bài Nga ở người Ukraina.
Ông Patrushev nói: “Tuy nhiên, lịch sử đã dạy
cho chúng ta rằng lòng căm thù không bao giờ có thể trở thành một yếu tố đáng
tin cậy trong sự đoàn kết dân tộc. Nếu có thứ gì đó có thể giúp những người dân
ở Ukraina đoàn kết hiện nay, thì đó chính là nỗi sợ hãi về sự tàn bạo của các
tiểu đoàn theo chủ nghĩa dân tộc (trong quân đội Ukraina)” – Ông Patrushev
đề cập đến các đơn vị lực lượng vũ trang của Ukraina mà Nga xem như một phần lý
do khiến họ phát động chiến dịch quân sự. Do đó, ông Patrushev cho rằng chính
sách của phương Tây và Chính phủ Ukraina có thể dẫn tới việc Ukraina bị tách
thành một số quốc gia nhỏ hơn.
***
Theo TTXVN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd
Austin cho biết, ông đã có một cuộc thảo luận nồng ấm và mang tính xây dựng với
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, đồng thời nhấn mạnh rằng, các đồng minh
của Mỹ có thể đóng góp nhiều hơn để giúp Ukraina tự vệ.
Ông Austin lưu ý, Mỹ và các đồng minh sẽ cung
cấp hỗ trợ cho Ukraina với tiến độ kỷ lục, và nêu rõ: “Chúng tôi có thể làm
nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraina tiếp tục tự vệ“. Bộ trưởng Austin cũng cho
hay, điều quan trọng là cần chắc chắn rằng, Mỹ và các đồng minh làm hết khả
năng để đảm bảo Ukraina sẽ thành công, và đó là con đường tốt nhất để giải quyết
nguy cơ lan rộng của cuộc chiến.
Ngày 26/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken,
người đã đi cùng ông Austin đến Ukraina vào cuối tuần trước, khẳng định rằng, Mỹ
sẽ hỗ trợ quân đội Ukraina trong việc đẩy quân Nga ra khỏi miền đông Ukraina, nếu
đó là điều mà Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn làm. “Nếu đó là cách họ xác
định mục tiêu của mình như một quốc gia có chủ quyền, dân chủ, độc lập, thì
chúng tôi sẽ ủng hộ”, ông Blinken nói tại phiên điều trần của Ủy ban Đối
ngoại Thượng viện Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, các thành viên của
phái bộ ngoại giao Mỹ tại Ukraina – những người đã phải chuyển đến Ba Lan do
chiến sự ở Ukraina – đã đến thành phố Lviv ở phía tây Ukraina vào ngày 26-4.
Đây là bước đầu tiên trong nỗ lực của Washington nhằm bảo đảm các nhà ngoại
giao của họ quay trở lại Ukraina.
***
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, mục
tiêu của Nga ở Ukraina là bảo vệ thường dân nên Nga luôn sẵn sàng hợp tác với
Liên Hiệp Quốc để giảm thiểu các ảnh hưởng đến người dân. Các cam kết được ông
Lavrov đưa ra trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ)
Antonio Guterres tại Matxcơva (Nga) ngày 26-4. “LHQ sẵn sàng huy động toàn bộ
nhân lực và nguồn lực hậu cần để cứu sống những người ở Mariupol“, ông
Guterres nêu vấn đề trong họp báo, đồng thời đề xuất Nga phối hợp với Hội Chữ
thập đỏ để những người đang bị kẹt bên trong nhà máy thép Azovstal ở Mariupol
được rời đi.
Nga khẳng định, những người bên trong nhà máy
Azovstal là các tay súng Ukraina đang cố thủ và cáo buộc Kiev ra lệnh cho những
người này không được ra hàng. Matxcơva khẳng định, đã nhiều lần kêu gọi người
bên trong đầu hàng với lời hứa sẽ đảm bảo an toàn cho họ.
***
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc, John Kirby,
Nga đang suy yếu cả về mặt kinh tế lẫn quân sự sau 2 tháng đưa quân vào
Ukraina. Ông tuyên bố mục tiêu của Washington là muốn Matxcơva yếu đến mức
không còn đe dọa được nước khác. Các nhận định được ông Kirby đưa ra trong cuộc
phỏng vấn với Đài CNN ngày 26-4. “Nước Nga đang yếu hơn và đang ngày càng tự
cô lập mình“, người phát ngôn Lầu Năm Góc nêu vấn đề.
Theo ông Kirby, nền kinh tế của Nga đang trong
tình trạng “tồi tệ” vì các lệnh trừng phạt của phương Tây, còn quân đội đang hứng
chịu các tổn thất và tiêu hao nhiều mặt vì đưa quân vào Ukraina. “Chúng tôi
muốn Nga không thể đe dọa các nước láng giềng của họ thêm một lần nào nữa trong
tương lai“, đại diện Lầu Năm Góc nêu mục tiêu nhưng không nói thêm chi tiết,
bao gồm đánh giá của Mỹ về tình trạng quân đội Nga hiện nay. Đây là lần thứ hai
quan chức Lầu Năm Góc nói về mục tiêu “làm cho Nga suy yếu”. Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ Lloyd Austin, trong cuộc họp báo sau khi thăm Kiev ngày 25-4, đã nói về
việc Mỹ muốn Nga yếu đến mức không thể lặp lại các hành động quân sự như đã từng
làm với Ukraina.
***
Ngày 26-4, chính quyền Moldova cho biết, 2 vụ
nổ đã làm hỏng ăng ten vô tuyến cũ từ thời Liên Xô tại một ngôi làng ở Transdniestria
(vùng lãnh thổ ly khai khỏi Moldova nằm gần biên giới với Ukraina). Theo Hãng
tin Reuters, 2 ăng ten này vẫn được dùng để phát sóng đài của Nga, do đó vụ việc
có thể làm gia tăng căng thẳng ở Transdniestria. Nga đã có quân đội thường trú
tại đây kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-4, Bộ Ngoại
giao Ukraina cáo buộc Nga cố gắng lôi kéo vùng ly khai Transdniestria (được cho
là thân Nga) của Moldova vào cuộc chiến Nga – Ukraina, sau khi nhà chức trách ở
Transdniestria cho biết họ đã ghi nhận một số vụ nổ tại địa phương và đổ lỗi
cho phía Ukraina về vụ việc. Trước đó, phía Nga tuyên bố lực lượng Nga có kế hoạch
chiếm toàn bộ miền nam Ukraina và thiết lập hành lang trên bộ tới vùng
Transdniestria của Moldova.
Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin,
ngày 26-4 cho biết, Nga đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện tại Transdniestria,
vùng lãnh thổ ly khai khỏi Moldova và thân Nga. Ông Peskov nói, tin tức từ khu
vực này đang gây ra lo ngại lớn. Hãng thông tấn TASS đưa tin, Hội đồng An ninh
khu vực ly khai Transdniestria của Moldova đã thông báo về một “cuộc tấn công
khủng bố” nhằm vào một đơn vị quân đội gần thành phố Tiraspol. Trước đó, một vụ
nổ xé toạc trụ sở an ninh của Transdniestria và 2 vụ nổ khác làm hỏng ăng ten
radio cũ, thời Liên Xô. Tổng thống Moldova đã triệu tập một cuộc họp an ninh khẩn
cấp ngay trong ngày 26-4.
***
Bắt đầu cuộc họp quốc phòng với hơn 40 quốc
gia vào ngày 26-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bày tỏ tin tưởng,
Ukraina có thể thắng trong cuộc xung đột kéo dài hai tháng qua. Trong khi đó, Bộ
Quốc phòng Belarus cho biết, nước này và Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung
của lực lượng phòng không và không quân ở Belarus, theo Reuters. Thời gian tập
trận dự kiến từ ngày 26-4 đến 29-4.
Ông Austin cho biết các quan chức quốc phòng tập
trung tại Căn cứ Không quân Ramstein – từ Úc, Bỉ, Anh, Ý, Israel và các nước
khác – đã đồng ý thành lập nhóm mà ông gọi là Nhóm liên lạc Ukraina và sẽ họp
hàng tháng để đảm bảo họ “tăng cường sức mạnh quân sự của Ukraina cho một cuộc
chiến đường dài“. Ông Austin nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những chuyện
long trời lở đất” để củng cố quân đội Ukraina. “Không ai bị lừa bởi những
tuyên bố giả mạo về Donbas của ông Putin”, ông Austin nói, đề cập đến khu vực
phía đông Ukraina, nơi Nga gần đây đã tập trung quân để tiếp tục tấn công. Ông
nói: “Cuộc xâm lược của Nga là không thể chối cãi và những hành động tàn bạo
của Nga cũng vậy“.
***
Ngày 26/4, Đức thông báo sẽ giao hệ thống pháo
phòng không tự hành Gepard cho Ukraina, đánh dấu bước thay đổi lớn trong chính
sách của Berlin. Cam kết chuyển giao hệ thống pháo phòng không Gepard cho
Ukraina được Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht công bố trong cuộc họp
của các quan chức quốc phòng quốc tế tại căn cứ không quân Ramstein ở
Rhineland-Palatinate, phía tây nam nước này. “Chúng tôi đã quyết định vào
ngày hôm qua rằng chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraina các hệ thống phòng không. Đó
chính là những gì Ukraina cần để bảo vệ không phận từ mặt đất“, bà
Lambrecht nói. Đây là lần đầu tiên Đức đồng ý cung cấp loại vũ khí hạng nặng
này cho Ukraina để đối phó với Nga. Các hệ thống Gepard đã bị loại bỏ dần trong
quân đội Đức từ năm 2010.
Ngoại trưởng giao Nga, Sergey V. Lavrov cho biết
hôm 26/4, rằng làn sóng vũ khí hạng nặng từ các nước phương Tây đang thúc đẩy
Ukraina phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình với Matxcơva, vốn không có dấu hiệu
tiến triển cụ thể. Ông Lavrov nói, sau cuộc gặp tại Matxcơva với Tổng thư ký
Liên Hợp quốc, António Guterres, người đang thực hiện nỗ lực tích cực nhất về
ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến tranh tại Matxcơva: “Nếu điều đó tiếp tục,
các cuộc đàm phán sẽ không mang lại kết quả nào“.
***
Hôm thứ Hai, ông Lavrov đã làm sống lại bóng
ma chiến tranh hạt nhân, như ông Putin đã làm ít nhất hai lần trước đây. Ông
Lavrov nói rằng, mặc dù khả năng như vậy là “không thể chấp nhận được” đối với
Nga, nhưng rủi ro đã tăng lên vì NATO đã “tham gia vào một cuộc chiến với
Nga thông qua một bên ủy nhiệm và trang bị cho bên ủy nhiệm đó“. Ông nói
trong một cuộc phỏng vấn với Channel One, mạng lưới truyền hình nhà nước của
Nga: “Rủi ro là khá lớn. Tôi không muốn chúng bị thổi phồng quá mức. Nhưng
nguy hiểm là nghiêm trọng, có thật – không được đánh giá thấp nguy cơ này“.
Theo Hãng tin Reuters, ông Lavrov khẳng định rủi
ro này hiện nay là đáng xem xét nhưng quan điểm của Nga là không cho phép xảy
ra cuộc chiến như vậy. Do đó, Nga muốn giảm các nguy cơ gây ra chiến tranh hạt
nhân. Ông cũng cảnh báo vũ khí được cung cấp cho Kiev, như tên lửa chống tăng
vác vai Javelin, có thể rơi vào tay quân khủng bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraina, Dmytro Kuleba, gọi
nhận xét của ông Lavrov là một dấu hiệu cho thấy “Matxcơva cảm nhận được thất
bại ở Ukraina“. John F. Kirby, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, gọi chúng là “rõ
ràng là vô ích, không mang tính xây dựng. Một cuộc chiến tranh hạt nhân là
không thể chiến thắng và nó không nên được tiến hành. Không có lý do gì để cuộc
xung đột hiện tại ở Ukraina đạt đến mức đó cả“.
***
Ngày 26-4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng
của họ đzã tấn công hơn 90 mục tiêu quân sự Ukraina trong đêm, tiêu diệt ít nhất
500 binh sĩ Ukraina, phá hủy hàng chục xe bọc thép, pháo và các thiết bị quân sự
khác. Theo Hãng tin Reuters, Nga cũng cho biết họ đã tấn công 2 kho đạn ở khu vực
Kharkiv, miền đông Ukraina.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/04/2-12-696x464.jpg
Cô Alla Prohonenko,
53 tuổi, chạm tay vào bức ảnh của cha cô, Volodymyr Prohonenko, trong lễ tang của
ông tại Irpin, một nghĩa trang vùng ngoại ô Kyiv, ngày 21-4-2022. Ông
Proponenko đã chết trong thời gian Nga chiếm đóng. Nguồn: AP / Petros
Giannakouris
***
Công ty năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga
nói với Công ty dầu khí PGNiG của Ba Lan rằng, họ sẽ ngừng cung cấp khí đốt dọc
theo đường ống Yamal từ sáng 27-4. Tuy nhiên, Chính phủ Ba Lan cho biết họ có đủ
lượng khí đốt dự trữ.
Matxcơva thông báo với Ba Lan và Bulgaria rằng,
họ sẽ dừng giao khí đốt từ ngày 27/4 sau khi hai nước này từ chối thanh toán bằng
rúp cho công ty năng lượng Nga Gazprom. Công ty khí đốt nhà nước Ba Lan PGNiG
cho biết, họ đã được thông báo rằng tất cả hoạt động giao khí đốt sẽ bị tạm dừng
ngày 27/4. Bộ Năng lượng Bulgaria cũng xác nhận, họ đã được thông báo việc giao
hàng sẽ bị đình chỉ cùng ngày, theo BBC.
“Ngày 26/4, Gazprom đã thông báo cho PGNiG
về ý định đình chỉ hoàn toàn việc giao hàng theo hợp đồng Yamal từ ngày 27/4“,
công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan thông báo. Dù vậy, công ty này cho biết “tất
cả việc giao hàng cho khách hàng vẫn đang được thực hiện theo yêu cầu“. Thủ
tướng Mateusz Morawiecki cho biết, các cơ sở dự trữ khí đốt của Ba Lan đã đầy
76% và nước này sẵn sàng tìm kiếm nguồn cung cấp cần thiết khác ngoài đường ống
Yamal. Quyết định từ Gazprom được đưa ra sau thông báo trước đó của Ba Lan vào
ngày 26/4 nói rằng, nước này sẽ áp lệnh trừng phạt đối với 50 tổ chức và cá
nhân, bao gồm công ty khí đốt lớn nhất của Nga sau khi Nga tấn công Ukraina.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-4, ông Andriy
Yermak – chánh Văn phòng của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky – cáo buộc
Nga “bắt đầu tống tiền châu Âu” bằng cách cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và
Bulgaria khi cuộc chiến ở Ukraina chưa có lối thoát.
***
Hãng tin Interfax tường thuật ngày 26-4, Bộ Quốc
phòng Nga tuyên bố lực lượng quân sự nước này đã giải phóng toàn bộ khu vực
Kherson ở phía nam Ukraina. Hãng tin này dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết,
ở những nơi khác ở miền nam Ukraina, quân Nga cũng đã chiếm các khu vực
Zaporizhzhia và Mykolaiv, cũng như một phần khu vực Kharkov ở phía đông
Ukraina.
***
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev sau khi thăm
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ngày 26-4, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng
nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, ông đã đồng ý với Ukraina về
việc giúp sửa chữa nhà máy này sau khi nơi đây bị quân đội Nga kiểm soát vào những
ngày đầu chiến sự.
Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu giảm 2/3 sự
phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm nay và tiến tới chấm dứt hoàn
toàn vào cuối năm 2027. Thông tin này được Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế
của EU Paolo Gentiloni đưa ra khi trả lời phỏng vấn nhật báo Il Messaggero ngày
26-4. Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Năm 2020, Nga cung cấp 26%
dầu mỏ nhập khẩu của châu lục này. Trong khi đó, khí đốt của Nga đáp ứng khoảng
40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
***
Ngày 26-4, James Heappey, Bộ trưởng các Lực lượng
vũ trang Anh khẳng định, không phải Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
mà là cộng đồng quốc tế đang hỗ trợ quân sự cho Ukraina. Trước đó, Ngoại trưởng
Nga Sergei Lavrov tuyên bố, NATO đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm với
Nga. Trả lời Đài Sky News về phát biểu của ông Lavrov, ông Heappey nói: “Nỗ
lực tài trợ này là do các quốc gia cùng phối hợp, nhiều nước trong số đó là từ
NATO, nhưng những nước khác đến từ bên ngoài… Không phải NATO đang thực hiện viện
trợ quân sự“.
***
Hãng tin TASS dẫn lời phó đại sứ Nga tại Liên
Hiệp Quốc, ông Dmitry Polyansky nói, hiện tại khó có khả năng đình chiến ở
Ukraina. “Họ đã kêu gọi ngừng bắn. Chúng tôi mở các hành lang nhân đạo nhưng
phía Ukraina không sử dụng. Chúng tôi không nghĩ ngừng bắn là một lựa chọn hiện
nay bởi vì nó chỉ tạo cơ hội cho các lực lượng Ukraina tập hợp lại, dàn dựng
các vụ khiêu khích như ở Bucha“, ông Polyansky giải thích.
Chính quyền Kiev áp lệnh giới nghiêm ban đêm,
từ 22h tối đến 5h sáng hôm sau, để bảo vệ người dân trước “các hành động khiêu
khích” của Nga. “Trong thời gian giới nghiêm, mọi người bị cấm ra đường và ở
các nơi công cộng khác, bị cấm đi bộ hoặc các phương tiện vận chuyển“, Đài
CNN dẫn lời ông Oleksandr Pavliuk, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực
Kiev, nói ngày 25-4.
***
Theo Hãng thông tấn TASS, ngày 25-4, trả lời về
khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa các phái đoàn đàm phán hòa bình
Nga và Ukraina, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết, các điều kiện
vẫn chưa đủ để tổ chức. Theo ông Rudenko, một khi phía Ukraina đưa ra các bước
đi có ý nghĩa để các cuộc đàm phán trực tiếp có thể tiến hành, thì khả năng đó
sẽ được xem xét.
Chính quyền Kiev đã đe dọa rút khỏi các cuộc
đàm phán hòa bình hoàn toàn, và thề sẽ “ngay lập tức” chiếm lại bất kỳ lãnh thổ
nào dưới sự kiểm soát của Nga với sự trợ giúp của vũ khí từ phương Tây. Lần cuối
hai bên đàm phán trực tiếp là ngày 29-3 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, theo Hãng
thông tấn Sputnik của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận, tình hình
trên thực địa sẽ quyết định các thỏa thuận hòa bình với Kiev.
***
Ngày 26-4 (theo giờ Việt Nam), phóng viên Will
Vernon của Đài BBC đăng tải trên Twitter, cho biết, ông Vyacheslav Gladkov – thống
đốc vùng Belgorod của Nga, địa phương giáp biên giới với Ukraina – khẳng định một
ngôi làng nữa (làng thứ 2) bị pháo kích và 2 người dân địa phương bị thương,
nhiều nhà cửa bị phá hủy. Trước đó, cũng nguồn tin từ vị thống đốc này cho biết,
có một ngôi làng bị pháo kích nhưng không có người bị thương.
***
Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/4 cảnh báo sẽ đáp trả
Anh thích đáng nếu các lời nói “kích động” của một quan chức nước này với
Ukraina trở thành hiện thực. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc London trực
tiếp kích động chính quyền Kyiv thực hiện những hành động như vậy, nếu chúng
thành hiện thực, sẽ lập tức vấp phải sự đáp trả tương xứng từ Nga”, Sputnik
dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga. “Như chúng tôi đã cảnh báo, lực lượng vũ
trang Nga luôn sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công trả đũa có độ chính xác cao
nhằm vào các trung tâm ra quyết sách có liên quan tại Kyiv”, cơ quan trên
đe dọa.
Trước đó cùng ngày, ông James Heappey, Thứ trưởng
Lực lượng Vũ trang Anh, nói với BBC rằng việc Ukraina tấn công các tuyến đường
cung ứng hậu cần của Nga là việc “chính đáng”, cũng như khẳng định các vũ khí
mà cộng đồng quốc tế cung cấp cho Ukraina có khả năng tấn công Nga.
================================================================
Cập
nhật chiến tranh ở Ukraina lúc 9h sáng, ngày 26-4-2022
26/04/2022
https://baotiengdan.com/2022/04/26/cap-nhat-chien-tranh-o-ukraina-luc-9h-sang-ngay-26-4-2022/
Ngày 25-4, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ
Joe Biden đã đề cử bà Bridget Brink, hiện là Đại sứ Mỹ tại Slovakia, giữ chức
tân Đại sứ Mỹ tại Ukraina, vị trí đã bị bỏ trống kể từ năm 2019. Tuyên bố của Nhà
Trắng nêu rõ: “Hôm nay, Tổng thống Biden thông báo ý định đề cử nhà ngoại
giao kỳ cựu của Mỹ Bridget A. Brink làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Ukraina“.
Trước khi làm Đại sứ Mỹ tại CH Slovakia, bà
Brink là Cố vấn cấp cao, kiêm Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách khu vực
Đông Âu và Caucasus. Bà Brink thành thạo tiếng Nga và đang học thêm tiếng
Slovakia, Serbia, Gruzia và Pháp. Đề cử cho vị trí Đại sứ Mỹ tại Ukraina cần được
Thượng viện Mỹ thông qua.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, binh sĩ nước này sẽ
đơn phương ngừng bắn để cho phép dân thường rời khỏi nhà máy thép Azovstal tại
thành phố cảng Mariupol của Ukraina. Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, từ
14h giờ địa phương (tức 18h chiều 25-4, giờ VN) cùng ngày, quân đội Nga sẽ rút
các đơn vị đến một khoảng cách an toàn để bảo đảm sơ tán dân thường tại
Azovstal, tất cả dân thường đang mắc kẹt tại nhà máy trên có thể rời đi theo bất
cứ con đường nào họ chọn.
Các hãng thông tấn Nga đã dẫn lại những phát
biểu của nhà lãnh đạo ngoại giao Nga ngày 25-4, đề cập đến nhiều vấn đề liên
quan cuộc chiến tại Ukraina, đặc biệt tình hình đàm phán hiện bị đình trệ nhiều
tuần lễ. “Ý định tốt cũng có giới hạn của nó. Nếu không có đi có lại thì điều
đó không góp phần vào tiến trình đàm phán“, ông Lavrov nhấn mạnh. Nhưng ông
khẳng định, Matxcơva sẽ tiếp tục đàm phán tìm kiếm hòa bình với Ukraina dù
chính quyền Kiev hiện chỉ “giả bộ đàm phán. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đàm
phán với đội ngũ đại diện của Zelensky và các cuộc tiếp xúc sẽ tiếp nối“,
ông Lavrov thông tin.
Nhưng nhà ngoại giao kỳ cựu của Nga cũng nói
thẳng về thái độ của Tổng thống Ukraina trong đàm phán với cách bình luận liên
quan quá khứ nghề nghiệp của ông Zelensky là một diễn viên. “Nếu nhìn kỹ và
nghe kỹ những gì anh ta (Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky) nói,
quý vị sẽ thấy cả ngàn điều mâu thuẫn”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói
với Đài truyền hình quốc gia Nga.
Ngày 25-4, Bộ Ngoại giao Nga thông báo trục xuất
40 nhân viên ngoại giao Đức, gọi họ là những ‘người không được hoan nghênh’
(persona non grata), trong động thái đáp trả tương xứng ‘quyết định không thân
thiện’ trước đó của Đức.
Theo Hãng tin AFP, trong thông báo ngày 25-4,
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Bộ đã triệu đại sứ Đức tại Matxcơva và trao cho đại
sứ Đức công hàm “tuyên bố không hoan nghênh 40 nhân viên của các cơ quan ngoại
giao Đức tại Nga“. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, họ đã “phản ứng mạnh mẽ với
người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của Đức tại Matxcơva, vì quyết định
không thân thiện của Chính phủ Đức“. Phản ứng lại, Berlin cho biết, quyết định
trục xuất 40 nhà ngoại giao Đức của Nga là “không chính đáng”.
Theo Hãng tin Reuters, tính đến nay đã có hơn
300 nhà ngoại giao Nga bị các nước châu Âu trục xuất kể từ khi Nga tấn công
Ukraina hôm 24-2. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov từng cho rằng, làn
sóng trục xuất các nhà ngoại giao gần đây của các nước phương Tây đang đe dọa đến
việc duy trì các mối quan hệ ngoại giao giữa các nước này với Nga.
Theo AFP, các nước thành viên EU trục xuất các
nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga với cáo buộc gián điệp, hay “các lý do
an ninh quốc gia”. Trong một diễn biến liên quan, theo hãng tin RIA, Bộ Quốc
phòng Nga cho biết, Matxcơva có thể tịch thu các tài sản tại Nga để đáp trả
“các hành động không thân thiện” đối với nước này. Cũng trong ngày 25-4, theo Bộ
Ngoại giao Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã có cuộc gặp với
John Sullivan, đại sứ Mỹ tại nước này để trao đổi về các vấn đề trong quan hệ
song phương.
Ông Anatoly Antonov, Đại sứ Nga tại Mỹ, nói với
Đài Rossiya 24 rằng, Mátxcơva đã cảnh báo Washington không nên gửi thêm vũ khí
cho Ukraina. Đại sứ Nga đã gửi công hàm chính thức tới chính quyền Mỹ để bày tỏ
quan ngại. “Chúng tôi yêu cầu chấm dứt hành vi này”, ông Antonov nói.
Hãng tin AFP dẫn lời ông Roman Starovoyt, tỉnh
trưởng tỉnh Kursk (Nga) giáp biên giới với Ukraina, cho biết, lực lượng Nga đã
bắn rơi hai máy bay không người lái của Ukraina trong đêm 24-4. “Không có
thương vong, thương tích hay thiệt hại. Tình hình hoàn toàn trong tầm kiểm soát“,
ông Starovoyt nói.
Theo hãng thông tấn TASS, ngày 25-4, chính quyền
vùng Bryansk của Nga cho biết, đã xảy ra hỏa hoạn tại nhiều bồn chứa dầu ở một
kho dầu ở Bryansk. Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp ở Bryansk cho biết, họ nhận được
báo cáo hỏa hoạn vào lúc 2h sáng, giờ Nga. Các đội cứu hỏa và cứu hộ đã được cử
đến hiện trường. Hiện chưa có thông tin về thương vong cũng như nguyên nhân của
vụ hỏa hoạn. Tuy nhiên, trước đây, Nga từng cáo buộc lực lượng Ukraina đã gây
ra nhiều vụ tấn công vào khu vực này.
Theo Hãng tin Reuters, khi trả lời phỏng vấn
Đài truyền hình nhà nước Nga Channel One ngày 25-4, Ngoại trưởng Nga Sergei
Lavrov cho biết, rủi ro của chiến tranh hạt nhân là “nghiêm trọng và có thật”.
Theo Hãng tin Reuters, ông Lavrov khẳng định rủi ro này hiện nay là đáng xem
xét nhưng quan điểm của Nga là không cho phép xảy ra cuộc chiến như vậy. Do đó,
Nga muốn giảm các nguy cơ gây ra chiến tranh hạt nhân. Ông cũng cảnh báo, vũ
khí được cung cấp cho Kiev, như tên lửa chống tăng vác vai Javelin, có thể rơi
vào tay khủng bố.
Theo hãng thông tấn TASS, ngày 25-4, trả lời về
khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa các phái đoàn đàm phán hòa bình
Nga và Ukraina, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết, các điều kiện
vẫn chưa đủ để tổ chức. Theo ông Rudenko, một khi phía Ukraina đưa ra các bước
đi có ý nghĩa để các cuộc đàm phán trực tiếp có thể tiến hành, thì khả năng đó
sẽ được xem xét.
Chính quyền Kiev đã đe dọa rút khỏi các cuộc
đàm phán hòa bình hoàn toàn, và thề sẽ “ngay lập tức” chiếm lại bất kỳ lãnh thổ
nào dưới sự kiểm soát của Nga, với sự trợ giúp của vũ khí từ phương Tây. Lần cuối
hai bên đàm phán trực tiếp là ngày 29-3 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, theo Hãng
thông tấn Sputnik của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận tình hình
trên thực địa sẽ quyết định các thỏa thuận hòa bình với Kiev.
Ngày 25-4, Nhà Trắng cho biết, Mỹ nhiều khả
năng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế hơn nữa với Nga. Thư ký báo chí
Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định: “Không ai an toàn trước các lệnh trừng phạt
của chúng tôi“.
Theo Hãng thông tấn TASS, ngày 25-4, bộ trưởng
công nghiệp và thương mại Nga cho biết, Nga đang quan tâm đến việc tăng các thỏa
thuận bằng đồng tiền quốc gia với các nước thuộc khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ,
Trung Quốc, Nam Phi), SCO (Tổ chức hợp tác Thượng Hải) và EAEU (Liên minh kinh
tế Á – Âu). Gộp lại, các khối này chiếm hơn 50% giá trị kinh tế toàn cầu. Năm
ngoái, thương mại của Nga với các thành viên thuộc những khối này tăng đến 38%.
Ngày 26-4 (theo giờ Việt Nam), phóng viên Will
Vernon của Đài BBC đăng tải trên Twitter cho biết, ông Vyacheslav Gladkov – thống
đốc vùng Belgorod của Nga, địa phương giáp biên giới với Ukraina – khẳng định,
một ngôi làng nữa (làng thứ 2) bị pháo kích và 2 người dân địa phương bị
thương, nhiều nhà cửa bị phá hủy. Trước đó, cũng nguồn tin từ vị thống đốc này
cho biết, có một ngôi làng bị pháo kích nhưng không có người bị thương.
Ngày 26-4 (theo giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ
Antony Blinken đã đăng Twitter kể về chuyến thăm Ukraina của mình cùng với Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. “Bộ trưởng quốc phòng và tôi bắt chuyến
tàu đến Kiev từ Ba Lan. Chúng tôi đã thấy người dân trên đường phố và bằng chứng
rõ ràng rằng (Ukraina) đã chiến thắng trận chiến ở Kiev. Nhưng chúng tôi biết rằng
điều đó hoàn toàn trái ngược với các khu vực khác ở Ukraina, nơi quân đội Nga
tiếp tục hiện diện“.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/04/2-10-768x512.jpg
Ảnh: Từ trái: Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chụp ảnh chung trong cuộc gặp của họ ở Kyiv,
Ukraine, ngày 25-4-2022. Nguồn: Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine qua AP
Ngày 25-4, Chính phủ Canada thông báo, Bộ trưởng
Quốc phòng Anita Anand sẽ công tác đến Đức và Mỹ trong tuần này để thảo luận về
hỗ trợ cho Ukraina.
Theo Hãng tin Reuters, Chính phủ Anh sẽ cung cấp
thêm cho Ukraina 22 xe cấp cứu, 40 xe cứu hỏa cùng thiết bị, cung cấp hỗ trợ về
y tế trị giá 382.000 USD, gồm thuốc men cho các y, bác sĩ.
Trong bản tin thường kỳ ngày 25-4 của Bộ Quốc
phòng Anh, tình báo Anh nhận định, việc Nga tấn công Ukraina đã làm gián đoạn
đáng kể hoạt động sản xuất nông nghiệp của Ukraina. “Thu hoạch ngũ cốc của
Ukraina năm 2022 có thể thấp hơn khoảng 20% so với năm 2021 do diện tích gieo
trồng giảm vì chiến sự“, bản tin viết. Tình báo quân đội Anh cho biết, nguồn
cung ngũ cốc giảm từ Ukraina sẽ tạo ra áp lực lạm phát, làm tăng giá ngũ cốc
toàn cầu.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 25/4
xác nhận, Warsaw đã gửi xe tăng đến Ukraina, song ông không cho biết thêm chi
tiết. “Ba Lan đã chuyển giao xe tăng cho Ukraina, nhưng vì an toàn của chúng
tôi và của người Ukraina, tôi không thể tiết lộ số lượng thiết bị được gửi đi
vào lúc này“, ông Morawiecki nói trong một cuộc phỏng vấn với Polsat News.
Ba Lan trở thành quốc gia NATO thứ ba trang bị xe tăng cho Ukraina, sau Cộng
hòa Czech và Slovakia, RT đưa tin.
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 25/4 ca ngợi
tinh thần người dân Ukraina “khi từ chối lực lượng Nga” trước thông tin cho rằng,
Moscow có ý định tổ chức trưng cầu dân ý ở Kherson. “Người dân (trong
các thị trấn bị kiểm soát) đã thể hiện thái độ phản đối. Họ cho thấy
Ukraina chắc chắn sẽ giành chiến thắng”, CNN dẫn lời Tổng thống Zelensky
nói trong video đăng tải vào đêm 25/4.
Theo CNN, lực lượng Nga được cho là tổ chức
trưng cầu dân ý ở Kherson vào ngày 27/4 tới, khi người dân được yêu cầu chấp
thuận “độc lập” của “Cộng hòa Nhân dân Kherson”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại
giao Nga Andrei Rudenko cho biết, Moscow không rõ về thông tin chuẩn bị cho một
cuộc trưng cầu dân ý ở Kherson. Lực lượng Nga đã kiểm soát thành phố cảng
Kherson, nơi có khoảng 290.000 người, từ hôm 3/3, sau ba ngày bao vây. “Tôi
chưa nghe thấy gì”, Interfax dẫn lời ông Rudenko khi phóng viên yêu cầu trả lời
về các thông tin Nga đang chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý tại Kherson.
Tổng thống Vladimir Putin hôm 25/4 cáo buộc
phương Tây đang cố gắng hủy hoại Nga và thúc giục các công tố viên hàng đầu phải
cứng rắn trước âm mưu gây chia rẽ nước này. Phát biểu trước các công tố viên
hàng đầu của Nga, ông Putin cáo buộc phương Tây xúi giục Ukraina lên kế hoạch tấn
công các nhà báo Nga. Tuy nhiên, phía Kyiv lên tiếng phủ nhận cáo buộc.
Ông Putin cho biết Tổng cục An ninh Liên bang
Nga (FSB) hôm 25/4 ngăn chặn âm mưu sát hại nhà báo nổi tiếng Vladimir Solovyev
của một “nhóm khủng bố”, theo Reuters. “Họ đã chuyển sang các hành vi khủng
bố để chuẩn bị cho vụ sát hại những nhà báo của chúng ta“, ông Putin cho biết,
ám chỉ phương Tây. Tuy nhiên, tổng thống Nga chưa đưa ra bằng chứng cho các
tuyên bố của mình. Reuters vẫn chưa thể xác minh các cáo buộc này.
Khoảng 8.000 chiếc xe, bao gồm một số mẫu
Lexus, Cadillac và Mercedes mới nhất, được vận chuyển từ châu Á đã cập cảng
Zeebrugge (Bỉ) vào đầu tháng 4. Những chiếc xe này vốn sẽ được chuyển sang Nga,
nhưng bị mắc kẹt tại đây vì lệnh cấm xuất khẩu phương tiện trị giá hơn 54.000
USD mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với Moscow.
Đây là ví dụ điển hình về “sự lúng túng” của
quan chức địa phương tại các cảng quan trọng ở châu Âu. Họ đang gặp khó khăn
trong việc diễn giải và thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. “Các
phương tiện này bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận với hàng hóa xa xỉ. Nhưng ở đây
cũng có hàng loạt loạt sản phẩm khác bị mắc kẹt do các biện pháp trừng phạt
khác nhau”, Giám đốc cảng Zeebrugge, Marc Adrianens cho biết.
Nguồn tin chính phủ Thụy Điển cho biết, nước
này và Phần Lan đã nhất trí sẽ nộp đơn gia nhập NATO trong khoảng thời gian từ
ngày 16/5 đến ngày 22/5. Tờ Iltalehti (Phần Lan) ngày 25/4 cho biết, chính phủ
Thụy Điển đã bày tỏ mong muốn cùng Phần Lan đệ đơn gia nhập NATO trong tuần 20,
tức từ ngày 16/5 đến ngày 22/5. Cùng với đó, tờ Expressen (Thụy Điển) cũng xác
nhận thông tin này.
Truyền thông hai nước cho biết, Tổng thống Phần
Lan Sauli Niinisto sẽ đến Stockholm, Thụy Điển vào ngày 17/5 đến ngày 18/5. Sau
đó, lãnh đạo hai nước sẽ chính thức công bố kế hoạch gia nhập liên minh này.
Trước đó, Phần Lan đã bày tỏ nguyện vọng với chính phủ Thụy Điển rằng, hai nước
sẽ cùng nhau nộp đơn gia nhập NATO, Expressen cho hay. Thủ tướng Phần Lan Sanna
Marin, trong cuộc họp báo chung ở Stockholm với người đồng cấp Thụy Điển
Magdalena Andersson, ngày 13/4, nói rằng “phải chuẩn bị cho mọi hành động từ
Nga“.
Tờ Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn lời Hulusi Akar,
Bộ trưởng Quốc phòng nước này nói rằng, Ankara sẽ không ủng hộ kế hoạch triển
khai lực lượng đặc biệt của NATO ở biển Đen. Hurriyet cho biết, Bộ trưởng Quốc
phòng Mỹ Lloyd Austin năm 2021 đã đề xuất kế hoạch triển khai lực lượng đặc biệt
ở biển Đen để kiềm chế Nga. Trong kế hoạch này, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria
là những nhân tố quan trọng. “Chúng tôi đã nói với Romania và Bulgaria không
hành động vội vàng”, ông Akar nói.
Ông cho biết, việc các đồng minh NATO ra vào
biển Đen trong lúc này sẽ nhạy cảm, và đề nghị duy trì ổn định ở vùng biển này.
“Hãy tôn trọng chủ quyền của Ukraina. Nhưng mặt khác, không nên gây hiểu lầm
hoặc có hành động bị xem là khiêu khích. Bất kỳ hành động nào của một bên cũng
có thể bị bên còn lại xem là khiêu khích“, ông Hurriyet nói. Theo Hurriyet,
Bộ trưởng Akar đề nghị các bên không tiến vào biển Đen và biến nơi đây thành
khu vực tranh chấp. “Chúng tôi nói điều này mà không cần phải viện dẫn Công
ước Montreux”.
Oleksandr Kamyshin, Chủ tịch công ty đường sắt
quốc doanh Ukrzaliznytsia, ngày 25/4 nói rằng, quân đội Nga đã tấn công vào 5
nhà ga tại miền Trung và miền Tây Ukraina. “Lực lượng Nga tiếp tục phá hủy hạ
tầng đường sắt. Sáng nay (25/4), chỉ trong một giờ, 5 ga tàu ở miền
Trung và miền Tây Ukraina đã bị tấn công“, ông Kamyshin cho biết trong
tuyên bố. Ông nói, đã có thương vong, nhưng không đưa thêm chi tiết. 16 chuyến
tàu chở hành khách đã bị hoãn lại.
Trước đó, ông Maksym Kozytskyy, người đứng đầu
chính quyền quân sự tỉnh Lviv, cho biết, có một vụ nổ ở ga Krasne, Lviv lúc
8h30 ngày 25/4, được cho là do bị tập kích tên lửa. Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp
Ukraina đã đến hiện trường và dập tắt đám cháy, ông thông tin. Kozytskyy nói,
không có thông tin về thương vong ở thời điểm hiện tại. Ông cho rằng, lực lượng
Nga đã dùng máy bay ném bom chiến lược bắn tên lửa từ phía đông nam, ông nói
thêm, Bộ Tư lệnh Phòng không của Không quân Ukraina đã đánh chặn một tên lửa.
No comments:
Post a Comment