Mặt
trận tuyên truyền: Khi cái loa của Đảng chuyển sang phát sóng cho Nga
Trường
Sơn, RFA
2022.04.28
Hình minh hoạ:
Trang Facebook của Lực lượng 47. Reuters
Từ việc tuyên truyền đường lối và bảo vệ uy tín của
Đảng Cộng sản, những trang Facebook của dư luận viên nay kiêm thêm chức năng
phát tán tin tức ủng hộ Nga xâm lược Ukraine, rất nhiều trong số đó là tin giả.
-------------------------------------------------
Một video quay lại cảnh bốn người đàn ông Ukraine
xé lá cờ đỏ sao vàng bỗng dưng được lan truyền trên Facebook và thu hút sự chú
ý lớn từ người dùng mạng xã hội này ở Việt Nam những ngày gần đây.
Những người chia sẻ đoạn video trên cho rằng
đó là bằng chứng cho thấy chính quyền Ukraine có cái nhìn thù địch đối với Việt
Nam, rồi thổi bùng lên làn sóng chỉ trích chính phủ Ukraine trong lúc cuộc xâm
lược của Nga vào nước này vẫn đang diễn ra ác liệt.
Kể từ khi Nga mở cuộc chiến vào Ukraine hôm
24/2 đến nay, Chính phủ Việt Nam vẫn giữ lập trường trung lập nhưng tránh lên
án Nga và không gọi đây là cuộc chiến xâm lược.
Sự kiện xảy ra trong video xé cờ này sau đó được
làm rõ là diễn ra tại thành phố Kharkiv, cách đây đã 16 năm và không có bất cứ
liên hệ gì tới hiện tại, nhưng thiệt hại mà nó gây ra đã đủ để khiến đích thân
ông đại sứ Ukraine ở Việt Nam phải đăng đàn giải thích.
Đoạn video này chỉ là một trong vô số những mẩu
thông tin sai lệch được phát tán trên mạng xã hội nhắm đến người dùng tại Việt
Nam, với đặc điểm chung là nhằm bao biện cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Hình ảnh từ video
xé cờ được lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam trong thời gian cuộc chiến Nga
- Ukraine
Trong bài phát biểu được đăng tải trên trang
Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam hôm 19 tháng 4, Đại sứ Oleksandr
Gaman cáo buộc Nga đang thực hiện điều mà ông gọi là “cuộc chiến tranh thông
tin” ở Việt Nam.
“Cuộc
chiến thông tin, một phần của cuộc chiến tranh nóng ở Ukraine, đã đến Việt Nam.
Nga đang cật lực cố gắng để gây ra sự xích mích giữa nhân dân Ukraine và nhân
dân Việt Nam.” - Ông Oleksandr Gaman phát biểu.
VIDEO : Đại sứ
Ukraine: Nga đang tiến hành chiến tranh thông tin tại Việt Nam!
https://www.youtube.com/watch?v=x2BYedWeomE
Từ tuyên truyền
cho Nga
Đơn vị Tác Chiến Mạng, Truy Quét Phản
Động, Bộ Tự lệnh Tác Chiến, Cùng Troll Phản động, và Trung Đoàn 47, đều là những cái tên quen thuộc trên Facebook vốn được biết tới với chức
năng phản bác lại những chỉ trích nhắm vào Đảng Cộng sản, nay đều đăng tải
thông tin tuyên truyền theo hướng có lợi cho Nga.
“Ông Putin nói: "Moskva đã cố gắng làm
tất cả những gì có thể để duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời bảo
vệ lợi ích của người dân Donetsk và Lugansk, nhưng Kyiv đã phong tỏa Donbass,
đàn áp người dân và nã pháo vào Donbass”.
Đoạn trích trên được lấy từ một bài đăng trên
trang Trung đoàn 47 - trang được cho là thuộc sự điều hành của Lực lượng 47 của
quân đội Việt Nam chuyên đấu tranh trên không gian mạng.
Bài viết trên được đính kèm với hình ảnh của Tổng
thống Putin, với nội dung biện minh cho cuộc xâm lược của Nga.
Không chỉ đăng tải thông tin theo hướng có lợi
cho Nga, các trang này còn loan truyền thông tin sai sự thật về cuộc chiến.
Một post trên Trung
Đoàn 47 tuyên truyền cho cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga phát động
Trong nhóm Facebook có tên Đơn Vị Tác Chiến
Mạng với 12 ngàn thành viên và khẩu hiệu “bóc gỡ những tài khoản xấu độc của
những nhà dâm chủ cuội”, thông tin sai sự thật về cuộc chiến tranh Nga-Ukraine
xuất hiện với tần suất hàng ngày.
“Video này một hai hôm trước do chính ngài Zelensky
đăng lên trang mạng cá nhân vào giữa đêm, sau đó xoá ngay.”
Đây là tiêu đề của một video được cho là quay
lại lúc Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelenskyy - họp với tỷ phú
Elon Musk, với sự xuất hiện của ma tuý trên bàn làm việc.
Video này hiện đã bị Facebook che đi và đưa ra
cảnh báo là đã bị chỉnh sửa, tuy nhiên nó vẫn tồn tại và vẫn có thể xem được.
Đáng kể nhất vẫn là sự kiện thảm sát ở Bucha
mà cộng đồng quốc tế cáo buộc do lính Nga gây ra. Nhưng nếu chỉ đọc tin tức từ
nhóm này thì người ta sẽ tin rằng vụ thảm sát đó là do phía Ukraine dàn dựng,
những xác chết là giả mạo hoặc được mang từ nơi khác tới, hoặc do chính lính
Ukraine gây ra.
Phóng viên của đài Á châu Tự do đã gửi bằng chứng
về những tin giả này đến bộ phận Truyền thông Chính sách của công ty Meta, công
ty mẹ của Facebook, để đề nghị xác minh và chất vấn lý do Facebook không có
hành động nào đối với hoạt động lan truyền tin giả.
Người đại diện của bộ phận này hứa là sẽ điều
tra và trả lời trong vòng 24h, nhưng khi thời hạn đã hết mà phóng viên vẫn
không nhận được câu trả lời.
Hôm 29 tháng 3, Bộ Thông tin và Truyền thông
Việt Nam cho biết đã yêu cầu Facebook và YouTube gỡ bỏ 3.200 bài đăng chứa
thông tin được cho là " sai lệch và vi phạm pháp luật Việt Nam”, tuy
nhiên không rõ liệu trong số đó có bao gồm các thông tin giả về tình hình ở
Ukraine hay không.
VIDEO : Dân làng
Bucha, Ukraine kể về cuộc hành quyết dân thường của Nga
https://www.youtube.com/watch?v=tY74-MQSgM0
Tới tấn công những
người ủng hộ Ukraine
Ông Phan Châu Thành - một doanh nhân người Ba Lan gốc Việt - ngay từ khi cuộc xâm lược của
Nga vào Ukraine mới bắt đầu đã đứng ra tổ chức các chuyến hàng cứu trợ, nhằm
giúp dòng người tị nạn Ukraine đang nối dài ở các cửa khẩu biên giới với Ba
Lan.
Ngoài ra, ông Thành còn đều đặn cập nhật thông
tin về diễn biến cuộc chiến trên trang Facebook cá nhân của mình, từ đó trở
thành một trong những nguồn tin tiếng Việt về cuộc chiến được nhiều người chú
ý, với lượng tương tác của mỗi bài đăng lên tới hàng ngàn.
“Tôi cảm thấy cuộc chiến này quá vô lý và
phi nghĩa, ở thế kỷ 21 mà Nga lại có thể làm một cuộc xâm lược ngay giữa Châu
Âu, nên tôi muốn người Việt Nam có thêm cách nhìn về cuộc chiến này thông qua
con mắt của một người sống ở Châu Âu.”
Ông Phan Châu Thành nói về lý do ông thường
xuyên đăng tải thông tin về cuộc chiến Nga-Ukraine.
Ngoài thu hút sự chú ý từ những người dân thường
muốn có thêm thông tin về cuộc chiến khác với thông tin do truyền thông nhà nước
đăng tải, trang Facebook của ông Thành cũng được chú ý bởi những người mà ông
cho là dư luận viên của chính quyền Việt Nam.
“Từ hồi đầu chiến tranh tức là từ ngày 25 tháng 2 đến
bây giờ là khoảng độ 60 ngày trôi qua thì tôi đã bị Facebook block (chặn) tài
khoản bốn lần”.
Lý do mà Facebook đưa ra cho những lần chặn
tài khoản của ông Thành là vì các bài đăng của ông này đã “vi phạm tiêu chuẩn cộng
đồng”.
Ông Phan Châu Thành cho rằng mình đang là nạn
nhân của chiến thuật báo cáo hàng loạt của đội quân tác chiến mạng Việt Nam,
các tài khoản Facebook bị nhắm tới bởi hoạt động này thường bị giới hạn một phần
hoặc bị đóng hoàn toàn.
Chính quyền Việt Nam vốn đã công khai thông
tin về đội quân lên đến hàng chục ngàn người, chuyên nhắm đến những đối tượng
được cho là đăng tải thông tin bất lợi cho Đảng Cộng sản.
Hồi tháng 12 năm 2021, Facebook thông báo công ty này đã gỡ bỏ một loạt các tài khoản
chuyên nhắm vào những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam thông qua chiến thuật
báo cáo hàng loạt.
Đài Á châu Tự do đã gửi câu hỏi tới công ty
này để xác minh lời tố cáo của ông Phan Châu Thành, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Ngoài việc bị đóng tải khoản bốn lần trong
vòng hai tháng, các bài đăng của ông Phan Châu Thành cũng thường xuyên xuất hiện
những bình luận khiếm nhã, tục tĩu, và gây gổ. Đây cũng là chiến thuật điển
hình của lực lượng dư luận viên tại Việt Nam.
Hình ảnh Tổng thống
Ukraine - Volodymyr Zelenskyy - cắt từ video xuyên tạc việc ông dùng ma tuý
đăng trên FB Cùng Troll Phản Động
Dấu chấm hỏi về mức
độ hiệu quả
Trong email trao đổi với phóng viên đài Á châu
Tự do, đại diện của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội cho rằng Nga là quốc gia có
đội ngũ sản xuất tin giả chuyên nghiệp, và họ biết cách khai thác tâm lý của
người tiêu thụ thông tin.
Bà Nataliya Zhynkina - Tham tán Chính trị của Đại sứ quán Ukraine - cho rằng Nga đang lợi dụng
hình ảnh của Liên bang Xô Viết, nước đã giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến tranh
thống nhất đất nước, qua đó khai thác yếu tố tình cảm để phục vụ mục đích tuyên
tuyền.
Tuy nhiên, mức độ hiệu quả của chiến dịch
tuyên truyền ủng hộ Nga ở Việt Nam chưa chắc đã cao, theo bà Tham tán:
“Nỗ lực tuyên truyền của Nga ở Việt Nam cần
phải được đặt dấu hỏi về mức độ hiệu quả. Chúng tôi phân tích rằng thông tin mà
phía Nga tạo ra không thu hút được giới trẻ, và một chiến dịch truyền thông dựa
trên hận thù và chiến tranh sẽ không thể thành công.”
Trên thực tế, bất chấp nỗ lực tuyên truyền bất
lợi cho Ukraine trên Facebook, nhiều người Việt Nam vẫn bày tỏ sự ủng hộ đối với
quốc gia này dưới nhiều hình thức. Trong đó có việc hàng trăm lượt người ở Hà Nội
đã tới dự các buổi hội chợ ở đại sứ quán Ukraine, cũng như các buổi cầu nguyện,
hoạt động quyên góp tiền nhằm giúp đỡ nạn nhân chiến tranh.
Những người Việt ủng
hộ Ukraine tại Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội. Hình: FB Đại sứ quán Ukraine
Bà Nataliya Zhynkina cũng cho rằng cho dù các
nhóm tuyên truyền ủng hộ Nga có thu hút được hàng trăm ngàn người Việt Nam, thì
cũng cần phải chú ý rằng dân số Việt Nam lên đến gần 100 triệu người.
Phóng viên của đài Á châu Tự do cũng đặt câu hỏi
về việc liệu đại sứ quán Ukraine có đề cập vấn đề các trang mạng xã hội được điều
hành bởi các nhóm ủng hộ Đảng Cộng sản lan truyền tin giả và luận điệu tuyên
truyền của Nga, với phía Vhính phủ Việt Nam hay không. Tuy nhiên đã không nhận
được câu trả lời.
Về phần mình, khi được hỏi liệu những trở ngại
với Facebook và những đợt tấn công từ dư luận viên có khiến ông nhụt trí trong
việc tiếp tục đưa tin về tình hình ở Ukraine hay không, ông Phan Châu Thành
nói:
“Tất nhiên là nó khiến tôi cảm thấy hụt hẫng,
nhưng mà nó không thể khiến tôi nhụt chí được. Nó chỉ khiến tôi thấy bực mình
và nhiều lúc khiến tôi có thêm tinh thần để tiếp tục làm.”
--------------------
Tin, bài liên quan
Quan
hệ Việt-Nga có đặt Hoa Kỳ vào thế khó “quyết”?
Đề
nghị tập trận chung Nga - Việt Nam: quyết định bất hợp lý, gây ngạc nhiên
Người
Việt ở Ukraine thất vọng và buồn sau ba lá phiếu của Việt Nam tại LHQ
Vì
sao báo nhà nước không đưa tin VN bỏ phiếu chống loại Nga khỏi HĐNQ?
Đại
biện Lâm thời Ukraine bày tỏ sự xúc động trước những ủng hộ của người Việt Nam
No comments:
Post a Comment