Friday, April 29, 2022

PHẢI CHĂNG TẤT CẢ HỌ ĐỀU MẤT TRÍ? (Bernd Ulrich / Die Zeit)

 



Phải chăng tất cả họ đều mất trí?   

Tác giả: Bernd Ulrich

Phạm Hồng-Lam dịch

Đàn Chim Việt      27/04/2022

https://www.danchimviet.info/phai-chang-tat-ca-ho-deu-mat-tri/04/2022/26042/

 

https://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2022/04/image001-696x391.png

Chiến tranh Ukraine

 

Nước Đức không thể làm được những gì cần phải làm để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lăng của Nga. Đó là hậu quả của một chính sách của các chính quyền Đức trước đây vốn lấy tình cảm đạo đức (Pathos) và chủ trương duy lợi nhuận làm nền tảng.

 

Ta có thể khắc phục được một quá khứ, khi quá khứ đó còn nằm trong hiện tại? Có lẽ không thể, nhưng mà vẫn phải làm – bởi quá nhiều đau thương đang xẩy ra trước mắt và hãy còn rất nhiều chuyện phải giải quyết. Và rồi còn có một câu hỏi quyết định hơn: Ta có thể tin được rằng, những kẻ trước đây đã làm hỏng mọi chuyện hôm nay và mai đây lại có thể nói hoặc làm được những điều đúng đắn?

 

Ở đây chúng ta đang bàn về chính sách đối với Nga của nước Đức, và như vậy là bàn về sự nhục nhã ghê gớm của người Đức. Từ hai tháng nay Nga đang tiến hành một cuộc chiến tiêu diệt ở Ukraine với những tội ác chiến tranh như hãm hiếp, bắn giết, xua đuổi và hãm đói người dân. Và nước Đức, một trong những quốc gia giàu nhất thế giới và là quốc gia mạnh nhất trong Liên Âu (EU), đã bất động trước những gì mình cần phải làm. Đất nước này không thể ngưng việc tiếp tục cung cấp cho đế độ Nga mỗi ngày 200 triệu âu kim qua việc nhập dầu, than và khí đốt. Và nó cũng không thể cung cấp đủ khí giới cho Ukraine, để họ tự chiến đấu cứu lấy sinh mạng dân tộc họ. Vì, như nhà cầm quyền Đức nói, quân đội Đức được vũ trang quá thiếu; nếu họ phải cho đi vài chiếc xe tăng Leopard dư thừa thì khả năng quốc phòng của Đức sẽ lâm nguy; vì thế phải giữ lại bất cứ bánh xe sắt nào còn chạy được.

 

Thật vô cùng xấu hổ. Và người ta quay ra truy tìm kẻ có tội.

 

Và những kẻ có tội? Họ lại đang tìm lối thoát cho mình. Hết người này tới người kia biện bạch, chẳng hạn, là Nord Stream 2 quả là một sai lầm. Nhưng ở đây phải nói ngay: Một sai lầm cứ phạm hết năm này tới năm khác, một sai lầm được quốc tế và quốc nội không ngừng cảnh báo, một sai lầm người ta cứ kiên trì ỉ vào quyền lực để sai phạm hẳn chẳng phải là một sai lầm. Mà đó là hậu quả đương nhiên của một chính sách đối với nước Nga vốn sai tự nền tảng.

 

Người ta cũng nói, là đã chẳng ai biết được, Putin lại có thể bước xa như thế. Điều này dĩ nhiên sai, vì Ukraine và tình báo của Mĩ đã biết. Và ngay cả khi tính đến chuyện bất ngờ để cho rằng, nếu không có Corona khiến cho điện Cẩm-linh nổi điên lên, thì hẳn Putin đã không tấn công – mà cho dù như thế, thì vẫn không ai hiểu được, tại sao Frank-Walter Steinmeier, Sigmar Gabriel, Olaf Scholz, Wolgang Kubicki và ngay cả Angela Merkel đã hành động như thể cuộc tấn công của Nga là điều không thể nào xẩy ra được. Đấy là lí do duy nhất, để biện minh cho sự sao lãng, đến độ phải nói là cố tình sao lãng, việc chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền Tự Do của nước Đức: phát triển các năng lượng tái tạo, xây dựng các trạm tiếp chuyển khí lỏng và các trung tâm trữ khí đốt quốc gia, đa nguyên hoá nguồn nhập khí đốt, trang bị đầy đủ cho quân đội.

 

Họ đã không làm những điều đó. Và vì sự sao lãng này nước Đức giờ đây không thể thi hành được bổn phận của một quốc gia dân chủ, khi nền an ninh và tự do của họ đang được một quốc gia khác đổ xương máu ra để bảo vệ cho họ tại Dnipro. Đối với Ukraine cuộc chiến đấu này lại càng vô vàn khó khăn. Và người Đức cũng không tránh được những chấn thương tinh thần đổ lên đầu họ – mỗi ngày. Là vì trong khi các chính quyền trước đây gia tăng sự lệ thuộc năng lượng vào Nga, thì chính quyền mới giờ đây lại nói: Nhân dân ơi, vì nhân dân quá lệ thuộc, nên chúng tôi không thề tẩy chay năng lượng ngay một lúc được; nhân dân chắc là không chịu đựng nổi; chúng tôi biết, nhân dân không phải là những anh hùng! Quả là tốt, khi hiểu được chính quyền nghĩ gì về người dân của mình.

 

Thật may mắn cho những nhà chính trị có liên hệ, vì một số tố cáo đổ trên họ xem ra hơi quá và đúng là có cường điệu. Như những lời của Đại Sứ Ukraine viết trên bút khoản Twitter của ông gởi cho cựu ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel (vì Gabriel viết bài bảo vệ cho tổng thống Steinmeier, cho rằng Đại Sứ Ukraine đã có í xấu khi đả kích Tổng Thống Đức): „Chính Ông và chính sách thân Putin lâu năm của các đồng chí trong đảng SPD của ông mới có í xấu. Nó đã dẫn tới cuộc chiến tiêu diệt của Nga đối với quốc gia Ukraine. Điểm này sẽ còn phải làm rõ. Đáng xấu hổ là Ông.“ Điều khẳng định, F.W. Steinmeier và S. Gabriel – chứ không phải Putin – đã „dẫn tới cuộc chiến“ đã làm mờ đi sự khác biệt giữa hành động và sự sơ sót, giữa những sai lầm nghiêm trọng với sự cố í gây chết người.

 

Chúng tôi đã lầm „như bao người khác cũng đã lầm“

 

Cả lập luận cho rằng, việc Đức và Pháp năm 2008 không chấp nhận để Ukraine và Georgien gia nhập Nato là sai lầm, cũng đượm chất phỏng đoán. Chưa chừng điều đó có thể lại tạo ra sự leo thang sớm hơn. Bà Merkel, vốn vẫn im tiếng khi càng ngày người ta càng nói đến những hậu quả của thời cầm quyền của bà, đã nhanh chóng lên tiếng: Tôi vẫn bảo lưu quyết định thời đó của tôi. Cả sự chỉ trích của chính quyền Ukraine về thoả ước Minsk, nếu suy cho kĩ, cũng không vững. S. Gabriel, một trong những người trách nhiệm về cái thoả ước trớ trêu đó, đã biết cách phản biện bằng một bài trên tờ Spiegel. Nhưng ở đây Gabriel đã chạy trốn vào trong những chi tiết điều khoản của thoả ước, để che đậy vai trò của mình trong chính sách đầy thảm hoạ của Đức đối với Nga.

 

Những chỉ trích thái quá đã giúp cho những người có trách nhiệm về chính sách sai lầm của Đức đối với Nga có được cơ hội tung ra hoàng loạt lí lẽ biện minh, khiến người nghe hay đọc rốt cuộc chẳng biết đâu là phải, đâu là trái, đâu là đông, đâu là tây nữa: Người ta dùng những chỉ trích thái quá để né tránh; người ta tìm một điểm ít quan trọng nào trong đó để thú nhận sơ sót của mình; người ta rốt cuộc cũng hô hoán: thì chúng tôi cũng đã lầm „như bao người khác“. Điều này có nghĩa: những kẻ có quyền lực len lỏi ẩn mình vào trong quần chúng.

 

Người đặc biệt biết sử dụng kĩ thuật đánh trống lãng là vị Bộ Trưởng phủ thủ tướng trước đây, với hai lần giữ chức Bộ Trưởng ngoại giao và giờ đây là đương kim Tổng Thống. Trong một bài phỏng vấn trên tờ Spiegel ông nói: „Tôi là một trong những người suốt cuộc đời chính trị cố gắng làm sao để chiến tranh không tái diễn trên đất Âu châu. Điều này đã không thành công. Nhưng như vậy phải chăng mục tiêu của tôi sai? Phải chăng nỗ lực của tôi là sai? Đây là điểm mà tôi, mà chúng ta giờ đây cần phải luận bàn.“ Điểm muốn luận bàn của Steinmeier là điều dễ hiểu, vì ai dám cho rằng, dấn thân cho hoà bình là chuyện sai quấy! Steinmeier vẫn luôn ở trong thế tự phụ của mình, vẫn tự coi mình là người chỉ muốn điều tốt nhất cho mọi người.

 

Nhưng không, thưa Tổng Thống, cuộc luận bàn cấp thiết lúc này là một chủ đề khác: Tại sao những người cầm quyền thời đó đã để cho khả năng bảo vệ Tự Do của chúng ta trước Nga bị què quặt đến như thế? Không ai không bĩu môi, khi nhìn vào chuỗi diễn tiến lịch sử này:

 

Tháng Tư 2008, vì sự chống đối của thủ tướng Merkel, Nato đã tạm thời không cho Ukraine và Georgien gia nhập liên minh này. Tháng Tám 2008, để biết ơn, Nga đã tấn công Georgien.

 

Tháng Hai 2014 tổng thống Nga Putin chiếm đóng Crimea và tạo nên tình trạng chiến tranh dai dẳng ở Đông Ukraine.

 

2015 bộ trưởng kinh tế Sigmar Gabriel cho phép đại công ti năng lượng Gazprom của Nga mua hệ thống các bồn trữ khí đốt của quốc gia Đức.

 

Tháng Chín 2015, với sự hỗ trợ của chính quyền Đức, các công ti năng lượng âu châu quyết định xây dựng đường ống dẫn khí đốt thứ 2, Nord Stream 2, chỉ với một mục tiêu địa lí chính trị duy nhất: tránh đi qua Ukraine.

 

2016 quân đội Nga và Syria dội bom thành phố Aleppo, phạm tội ác chiến tranh, sử dụng những loại vũ khí quốc tế cấm.

 

Từ 2015 tới 2022 chính quyền Đức gia tăng sự lệ thuộc khí đốt vào Nga từ 45% lên 55%.

2021 là thời gian tệ hại nhất kể từ năm 2000 trong việc xây dựng các hệ thống năng lượng gió tại Đức.

 

Tháng Chín 2021, khi mối hàn cuối cùng của Nord Stream 2 vừa xong, chính phủ Đức liền thúc đẩy phải gấp rút đưa đường ống vào sử dụng.

 

Cuối 2021 quân đội Nga tiến tới biên giới Ukraina; ngày 17 tháng 12 thủ tưởng Olaf Scholz một lần nữa lại tuyên bố Nord Stream 2 chỉ là „một dự án kinh tế tư nhân“.

 

Khi những sự việc trên diễn ra, đảng liên minh cầm quyền CDU (Liên Minh Dân Chủ Ki-tô Giáo) dùng Bộ Quốc Phòng làm nơi thử nghiệm các ứng viên thủ tướng (zu Guttenberg, von der Leyen, Kramp-Karrenbauer), trong khi đó quân đội chẳng có được một cải tiến nào cả.

 

Nói một cách ngắn gọn và nghiệt ngã: Putin càng hành động để chứng tỏ sự quyết tâm và í định trâng tráo của mình, Đức càng có chính sách cực lực gia tăng sự lệ thuộc của mình vào ông ta. Putin càng tỏ ra hiếu chiến bao nhiêu, Đức càng co cụm bất lực bấy nhiêu. Nhìn những diễn tiến đó, không ai không tự hỏi: Tại sao những chính trị gia trung phái có hiểu biết như Steinmeier, Gabriel, Merkel hay Scholz lại đẩy đân tộc Đức vào thế phải chọn giữa hoặc là anh hùng hoặc là hèn nhát? Phải chăng các chính quyền liên bang vừa qua đều điên rồ về mặt an ninh và năng lượng?

 

Trả lời: Không, họ không điên. Những ai thời đó có dịp nói chuyện với họ, người đó tất biết, họ có một quan điểm khác về Putin và Nord Stream 2, chứ không phải họ là những người mất trí. Vậy thì cần phải có một giải thích cho câu hỏi: Tại sao những kẻ trí tuệ và nói chung có í thức trách nhiệm như họ lại có thể hành động thiếu trách nhiệm và vô lí như thế ít nhất trong suốt tám năm dài?

 

Ở đây phải nói ngay SPD (Dân Chủ Xã Hội) là đảng đã tiến hành một chính sách sai lầm hơn hẳn mọi chính đảng khác. Đây là đảng suốt dọc dài thời gian không thể giáo hoá được, hay nói ngược lại: cứ muốn dạy dỗ kẻ khác. Có hai mảng lịch sử vốn bị hiểu lầm, được sử dụng vụng về nhưng lại được trình bày một cách hăng say, đã làm cho những người Dân Chủ Xã Hội có cái nhìn sai về thực tại nước Nga. Một mảng là quá khứ nước Đức. Mảng này buộc người Đức phải có trách nhiệm đặc biệt với một nước Nga vốn bị họ tấn công và tàn phá; nó khiến cho người Đức ít cảm thấy có trách nhiệm với những quốc gia tới lượt bị Nga tấn công hoặc với những quốc gia khác, như Ukraine, vốn cũng đã bị người Đức tàn phá. Vì thế lí lẽ lịch sử (do SPD đưa ra) trong một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể hoàn toàn chẳng có tác dụng nào cả. Mảng khác là chính sách hoà hoãn, qua đó Willy Brandt và Egon Bahr cách đây nửa thế kỉ đã tạo được những đổi thay khá lớn trong khối Đông Âu trước đây. Nhưng mảng này không còn là mô mẫu cho chính sách đối với Nga nữa, vì các điều kiện ngày nay đã hoàn toàn đổi khác. Dù vậy nó vẫn được SPD sử dụng, để tô vẽ cho Putin về mặt lịch sử.

 

Ai không biết lịch sử, người đó sẽ lặp lại lỗi lầm của lịch sử. Ai không còn nhìn ra hiện tại của lịch sử rành rành, người đó có lẽ sẽ đi theo SPD. Có một điều có lẽ khiến cho những người Dân Chũ Xã Hội, những người như Martin Schulz và F-W. Steinmeier, Sigmar Gabriel và Matthias Platzeck và tất cả những ai thích nói về trách nhiệm lịch sử, phải bối rối: đó là gánh nặng trách nhiệm đối với Nga luôn đi kèm với lợi nhuận béo và khí đốt rẻ. Tình cảm đạo đức và lợi nhuận, lương tâm và chuyện lời lãi, cả hai gần như là một. Nước Đức đã làm gì, để có được tình trạng hai bên cùng có lợi này? Nhịp cầu nối liền giữa những tội ác lớn nhất của loài người và vị trí quán quân trong việc xuất cảng là một đường ống dẫn khí đốt dưới đất. Không chỉ SPD thích chuyện này mà thôi. Nhưng, vấn đề là một dân tộc phải tự coi mình là chính đáng đến mức nào, khi họ không để mình bị kích thích bởi thực tế lịch sử mơn trớn đãi ngộ họ đến như vậy?

 

Cũng như nơi khủng hoảng khí hậu, người ta không bàn vào chính vấn đề, mà cứ cãi cọ về sự thôi thúc của thời gian.

 

Phải công bằng nhìn nhận rằng, cuộc bán buôn lịch sử này – from pain to gain – cũng được các đảng khác đặt tay kí, dĩ nhiên trong đó có CSU (Liên Minh Xã Hội Ki-tô Giáo, đãng chị em với CDU), một phần CDU và FDP (Đảng Dân Chủ Tự Do) và cũng đừng quên – có cả phía kinh tế Đức. Một trong những người Đức đầu tiên tới trình diện Nga, sau khi cuộc chiến 2014 ở Ukraine nổ ra, là Joe Kaiser, lúc đó là xếp của tập đoàn Siemens. Như vậy SPD chẳng bao giờ đứng một mình, mà trái lại: Cái thượng tầng kiến trúc về đạo đức và lịch sử do SPD đưa ra cũng rất thích hợp cho các chính đảng khác. Giờ đây họ có thể yên tâm hơn để làm ăn, bởi đây không chỉ là quyền lợi đang khinh bỉ (có được khí đốt với giá rẻ), mà trong đó có cả tâm thức tội lỗi, sự cảm thông và hoà giải giữa các dân tộc. Như vậy lợi nhuận và lương tâm trở thành một liên minh không co gì đánh đổ được, dù nó là cái liên minh chăng thánh thiêng gì. Và cuối cùng còn có sự hiện diện kín đáo của sự khôn ngoan chính trị (Staatsräson): Chỉ với tư cách là một quốc gia thành công vượt bậc với của cải ngập tràn, thì Đức mới là một quốc gia dân sự. Vâng, gần như toàn bộ giới ưu tuyển ở Đức đều nghĩ như thế.

 

Cái giá của chính sách cảm xúc và lợi nhuận đó giờ đây phải trả. Và ta tự hỏi, có nên tin vào những người chủ trương chính sách hiện nay đối với Nga không, những người vốn đui mù trước thực tại quá lâu và vẫn hiên ngang cho mình là những kẻ thông làu về lịch sử? Ở đây ta lại gặp những người Dân Chủ Xã Hội. Họ muốn vỗ tay tán đồng những quyết định nền tảng anh hùng vừa rồi của Đảng, nhưng lại cố tình không màng chi tới yếu tố một mất một còn của Ukraina: thời gian. Cũng như nơi khủng hoảng khí hậu, người ta chẳng bàn vào chính vấn đề, mà cứ tranh cãi về sự hối thúc của thời gian. Nhưng cả hai đề tài này đều có một mẫu số chung: lần lữa có nghĩa là phủ nhận. Chính sách „sang trang“ (Zeitenwende) có thể khó trở thành dấu chỉ của một tiến trình học hỏi thật sự, phần là vì số tiền 100 tỉ âu kim chẳng đưa tới một tác dụng nào cả ngay lúc này, và việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine thì người ta chẳng nói gì cả về việc có chuyển giao hay không, mà cứ loay hoay với câu hỏi Bao nhiêu, Cái gì và nhất là Bao giờ, Sớm hay muộn.

 

Cuối cùng còn có một lối lí luận nền tảng trong chính sách của SPD đối với Nga, vốn không một thực tế nào có thể phủ nhận được nó. Và người ta lo là nó sẽ lại được tung ra, khi Putin tạm nghỉ việc bắn giết: „Không thể có hoà bình ở Âu châu/ Siri/ Afghanistan/ hay bất cứ nơi đâu, nếu chống lại Nga; chỉ có hoà bình khi cùng với Nga mà thôi.“ Và Putin càng tàn độc bao nhiêu, lời tuyên tín đó càng đúng bấy nhiêu.

 

Có thể lập luận của những kẻ cho rằng, tốt hơn không nên trao xe tăng hay trao thật ít cho Ukraine, cùng lúc trước mắt cứ tiếp tục đổ tiền cho Moskau, cũng đúng. Là vì rốt cuộc ngay cả lịch sử về chính sách đối với Nga cũng không đưa ra được những hướng dẫn rõ ràng cho hiện tại và lúc này. Không phải chỉ vì Nord Stream 2 là chuyện điên rồ, nên việc trao xe tăng hạng nặng phải là lựa chọn đúng. Nhưng để có thể tin vào những lí chứng cụ thể của người Dân Chủ Xã Hội và của tất cả những kẻ cố tình trì hoãn khác, họ phải xử lí các di sản í hệ của mình một cách khả dĩ thuyết phục đi đã. Nhưng điều này tiếc rằng đã không xẩy ra. Và nếu giờ đây ta có một vị Tổng Thống liên bang – sẵn sàng đối mặt với cuộc tranh luận này với mọi rủi ro của riêng ông, thì quả  là tuyệt.

 

 

* Bernd Ulrich, Waren sie alle von Sinnen? Die Zeit, ngày 21.04.2022

 

-------------------------------

BÌNH LUẬN

 

Nguyễn Trọng Dân 27/04/2022 at 18:57

Thưa,

Khi cộng sản Bắc Việt xé hiệp định cam kết hòa bình trước quốc tế tại Paris năm 1973, tấn công Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975 với đầy đủ sự tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản, cả thế giới biết đó là hành động bậy, là hành động trái với công pháp, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, để cho cả một dân tộc bị đẩy vào ngu dốt nghèo đói dưới sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản cho đến ngày hôm nay.

Vậy thì câu hỏi và than trách đặt ra trước sự xâm lược Ukraine của Nga đối với Hoa. Kỳ, thế giới và HĐ BALHQ trở nên thừa thải, vô nghĩa .

Sức mạnh xe tăng T 54 có thể xóa bỏ quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975, thì tại sao sức mạnh của chiếc xe tăng đó lại không thể xóa bỏ chủ quyền của Ukraine vào ngày hôm nay?

Mồ chôn tập thể người dân Ukraine ngày hôm nay có khác gì mồ chôn tập thể các công dân Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975 tại các quốc lộ, tại Tây nguyên, tại Quãng trị, và tại Bình Long, v..v bị giết bởi cộng sản với chiếc xe tăng T 54?

Hàng đoàn người dân tị nạn của Ukraine tràn ngập ngày hôm nay có khác gì hàng đoàn người dân Việt Nam Cộng Hòa tị nạn năm 1975?

Lịch sử lúc nào cũng tái diễn khi nhân loại thỏa hiệp với cái ác và đồng lõa với cộng sản.

Thế giới hãy giúp tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản và trả lại công lý cho người dân Việt Nam Cộng Hòa từ bắc chí nam, đến lúc đó, thế giới mới có đủ nghị lực ý chí và sức mạnh để cứu giải Ukraine.

Một khi nhân loại chúng ta chả đạp công lý và quyền tự quyết của một dân tộc ở nơi này, nhân loại chúng ta sẽ không có đủ khả năng ý chí bảo vệ công lý và quyền tự quyết ở nơi khác.

Cám ơn tác giả và DCV đã dịch ra bài viết này

Kính- NTrD

 




No comments: