Nước
Nga có cần cuộc chiến tranh này không ?
29/04/2022
http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/04/phuc-lai-nuoc-nga-co-can-cuoc-chien.html
Ai yêu nước Nga, văn hóa Nga mà lại quan tâm cả đến
lịch sử chiến tranh của Nga cũng đều biết bài hát “Хотят ли русские войны?” hay
“Người Nga có muốn chiến tranh không?” Bài hát này có nguyên gốc là bài thơ
của nhà thơ Yevtushenko, được nhạc sĩ Kolmanovsky phổ nhạc.
Có thể nói đây là một bài hát buồn về người
lính Nga phải bước vào chiến tranh, và nó được xếp vào thể loại nhạc phản chiến.
Lời bài hát nói về nỗi buồn của người lính Nga mà đã từng có lúc mười người bước
vào trận đánh chỉ còn lại một, hai người… Nhưng người lính ấy chiến đấu, ngã xuống
vì hòa bình, hòa bình cho cả nhân loại, cho Paris, London và New York.
Ra đời năm 1961 trong thời kỳ chiến tranh lạnh
lên đến đỉnh điểm, bài hát được sử dụng như một công cụ tuyên truyền hữu hiệu.
Nhất là chỉ vài năm sau đó Mỹ quyết định đưa
quân trực tiếp can thiệp vào cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ngay cả sau khi hòa
bình đã quay lại, đến những năm 2000 và cả sau đó nữa, trên đất nước Việt Nam với
những người yêu nước Nga, người ta vẫn còn nhắc đến nó.
Điều đáng chú ý là hầu hết những lần nó được
đưa ra bàn luận hay được dùng làm dẫn chứng, nhất là ở những môi trường xã hội
như của chúng ta hiện nay, nó được dùng để chĩa mũi dùi vào “thế lực hiếu chiến”
mà ở đây không phải ai khác là Hoa Kỳ và đồng minh của họ. Trong suốt hơn 20
năm qua từ sau khi Liên Xô tan rã, người ta luôn luôn giải thích là các thế lực
hiếu chiến muốn gây chiến tranh trên toàn thế giới, và thậm chí ngay cả những định
chế quốc tế đa phương cũng trở thành công cụ của chúng.
Điển hình là cuộc chiến tranh vùng Vịnh, dưới
sự “thao túng” của Mỹ mà Liên hiệp quốc đã thành lập liên quân tấn công vào nước
này, và chỉ một thập kỷ sao lật đổ hẳn chính quyền Saddam Hussein, thậm chí nhà
lãnh đạo này còn bị xử tử. Để đối đầu với “thế lực” đó, chỉ còn mỗi nước Nga với
vai trò kế thừa Liên Xô vốn đã từng là “thành trì của hòa bình thế giới” đã tiến
hành những cuộc chiến khác để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc:
cuộc chiến ở Georgia năm 2008, cuộc chiến ở Syria, can dự vào xung đột Armenia
– Azerbaijan và lần này trực tiếp gây ra cuộc chiến tranh với Ukraine.
Là người có chống chiến tranh, tôi hiểu không
có cuộc chiến nào là chính nghĩa cả từ góc độ bảo vệ sinh mạng con người. Tôi
có được cái hiểu biết đó là nhờ những tư tưởng như của Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngài
đã không chọn phát động một cuộc thánh chiến của dân tộc để giành lại độc lập
mà chọn đấu tranh bất bạo động. Vì thế tôi cũng không bảo vệ những lần Hoa Kỳ
đem quân đi “giải quyết vấn đề” ở một nước khác, điều này cũng đúng với cả những
lần nước Nga tham gia chiến tranh dù trực tiếp hay gián tiếp.
Điều khác biệt rất cơ bản, là cách tiếp cận –
hầu hết những lần nước Mỹ có hành động quân sự, đều phải cố giải thích, tìm đồng
thuận hoặc thậm chí có nghị quyết của Liên hiệp quốc. Còn Nga thì không những
không cần, mà còn bôi nhọ và vu khống. Đó là trường hợp họ đã làm với Ukraine.
Tôi đã từng nói: dù đất nước hàng xóm của mình
có là phát-xít thật chăng nữa, thì cũng không thể phát động chiến tranh để chống
họ như thế, vì như vậy chỉ có chết dân chúng và chưa chắc đã tiêu diệt được cái
mà ông gọi là “Nhà nước phát-xít.” Ở đây lại còn không được như thế: Nga đã vu
khống Ukraine một cách trắng trợn, chỉ để thỏa mãn tư tưởng bành trướng bá quyền
của mình.
Cuối cùng thì chính Liên hiệp quốc cũng công
nhận những cáo buộc của Nga này là vu khống, bôi nhọ và xuyên tạc. Chẳng còn
cách nào hơn, Putin chắc chắn sẽ phải “bổn cũ soạn lại” giải thích với dân
chúng trong nước rằng Liên hiệp quốc là “công cụ của Đế quốc” đã hai lần bỏ phiếu
chống Nga, coi nước này như thằng hủi đáng khinh miệt. Vì thế ngay cả Tổng thư
ký Liên hiệp quốc đến gặp Putin, cũng chỉ nhận được sự ghẻ lạnh và thái độ có
thể nói là vô học không đáng nhìn thấy ở một nguyên thủ quốc gia.
Chỉ ngay sau đó ít giờ, khi ông Tổng thư
ký António Guterres rời Moscow tới Kyiv,
Putin ra lệnh bắn tên lửa vào chính thành phố thủ đô của Ukraine. Đến đây những
người có lương tri trên toàn thế giới có thể nhận xét: Putin không còn cư xử
vô học, mà còn là du côn và mất dạy. Không có cách giải thích nào khác ngoài
vẫn cái giọng tuyên truyền đó: đằng nào với quốc tế, Nga – Putin đã mất tất cả,
vậy chỉ còn trong nước. Với dân Nga, Putin sẽ giải thích đó là đòn cảnh cáo, trả
thù cho hai lần bỏ phiếu ở Đại hội đồng và nhân tiện cũng dằn mặt cả phương Tây
luôn.
Tất nhiên đến lúc này thì không ai còn sợ lão
ta nữa, hành động như thế nào cũng chỉ thể hiện ra Putin là tay điên loạn và
hành động bất chấp hậu quả. Đánh giá về hành động này, chúng ta có thể thấy
Putin quá sợ hãi về việc mất cái ghế tổng thống của mình trước chính những cơn
sóng ngầm bên trong, vì thế lão ta chấp nhận gạt những vấn đề bên ngoài lại để
củng cố nội bộ. Việc bắn tên lửa và Tổng thư ký Liên Hiệp quốc, chỉ đem lại những
điều xấu về quan hệ quốc tế cho Nga – Putin, chứ chẳng thể có gì tốt đẹp, đó là
điều chắc chắn.
Đến đây chúng ta có thể thấy mấy chục năm qua
Putin đã làm gì với nước Nga và nhân dân Nga: một nước Nga 30 năm không có một
thành tựu đáng kể nào đóng góp cho văn minh nhân loại, và một nước Nga với những
người dân dễ dàng chấp nhận những giải thích thực chất là quái dị từ một tư tưởng
phản động chống lại loài người, một tư tưởng phát-xít. Hiện nay, vì dễ dàng chấp
nhận và tin tưởng vào những giải thích đó, người ta vẫn còn sẵn sàng cuộc
“Thánh chiến” của Putin đi “diệt phát-xít” ở nước láng giềng. Nhưng…
Nước Nga – Putin đã vấp phải sự kháng cự mạnh
mẽ của cả một dân tộc, và chắc chắn theo thời gian, người Nga bị bịt mắt chặt
nhất cũng sẽ ngờ ngợ, rằng tại sao “dân tộc bị bọn phát-xít dẫn dắt” ấy lại “bướng
bỉnh” đến thế. Rồi họ cũng sẽ phải nhận ra hóa ra chính họ, những người dân Nga
mới là những người đang ủng hộ một tên phát-xít trá hình là Putin, còn những
người dân Ukraine lại là những người đang phải chiến đấu để bảo vệ quê hương của
mình.
Có lúc nào đó tôi đã từng viết: “Chỉ sáu tháng
nữa là thương binh Nga sẽ đầy ngập xã hội, họ ngồi đầy ngoài công viên, các bến
xe điện ngầm…” và nước Nga cũng sẽ phải mất dăm bảy, mươi mười lăm năm để nhận
ra chân tướng của cuộc chiến, như bây giờ họ đã quá rõ về cuộc chiến tranh mình
đã tiến hành ở Afghanistan vậy.
Lúc này Putin đang điên dại cần một chiến thắng,
để tuần sau dàn đồng ca quân đội Nga sẽ lại hát “Нам нужна одна победа”
(nhạc phim “Nhà ga Belarus” “Белорусский вокзал” của Bulat Shalvovich
Okudzhava) nhưng tự nhiên tôi nảy ra một ý nghĩ “phản động”, đúng, nước Nga cần
cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến tranh mà họ chắc chắn sẽ thua.
Không phải tự kiêu gì, nhưng những gì tôi hiểu
biết về bộ máy và quân đội của họ; và sau vài ngày chứng kiến tinh thần và kỹ
năng chiến đấu của người Ukraine, tôi đã khẳng định Nga – Putin sẽ thua cuộc
chiến. Người thiệt hại sẽ là nhân dân Ukraine với những mất mát đau thương,
nhưng nếu có sự giúp đỡ của quốc tế thì cũng chính với tinh thần đã chiến đấu,
họ sẽ không mất nhiều thời gian để xây dựng lại.
Người thiệt hại nhiều hơn, rất rất nhiều là
nhân dân Nga – nhưng đúng là họ cần cuộc chiến “chắc chắn sẽ thua” này. Chỉ có
cách đó, thì 20 năm nữa họ sẽ thực sự nhận ra chân tướng của Putin, một hiện
thân của quỷ, của thế lực hắc ám được sai đến làm hại nước Nga và nhân dân Nga.
Còn nếu không có nó (cuộc chiến tranh) và với âm mưu giữ ghế của Putin, nhân
dân Nga sẽ còn bị lão ta lừa rất lâu nữa.
Nước Nga không phải là một thực thể dễ bị coi
thường – họ vĩ đại và có những con người vĩ đại, và nước Nga cần quay trở lại.
Những người yêu quý nước Nga sẽ mong muốn thấy điều đó: một nước Nga vĩ đại
nhưng thân thiện và văn minh trong nền văn hóa nhân loại. Muốn có sự quay lại
như thế, không có cách nào khác ngoài việc đào thải Putin.
Vì thế có thể trong tương lai người Nga sẽ có
bài hát “Нам нужна одна война” – “Chúng ta cần một cuộc chiến tranh”.
Chiến tranh thì đau thật đấy, như một cuộc phẫu thuật chẳng ai muốn cả, nhưng
thịt thối máu hư thì cũng cần phải làm để dứt bỏ nó đi. Cuộc chiến tranh của
Putin chống Ukraine, cuối cùng cũng đã có vai trò tích cực của nó.
PHÚC LAI 29.04.2022
Publié par Thụy My RFI à 19:31
No comments:
Post a Comment