Tập
Cận Bình đâm lao phải theo lao
29/04/2022
https://gdb.voanews.com/B120D46B-AE16-4BCF-8E1E-83887E1D3F90_w650_r1_s.jpg
Quỹ Tiền Tệ Quốc tế
dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng được 4.4% trong năm nay.
Ông Tập Cận Bình đang chờ được tấn phong chức chủ tịch
nước và chủ tịch đảng một lần nữa trong đại hội tháng 11, có thể sẽ làm
chủ tịch vĩnh viễn. Ông không thể đứng ra chịu trách nhiệm về tất cả những vụ tử
vong nếu Omicron được thả lỏng.
Khi bệnh dịch Covid-19 phát khởi, Trung Quốc
và Nam Hàn đối phó giống nhau: Cô lập tất cả người bị nhiễm bệnh, đóng cửa các
khu đông người, dân chúng bị cấm cung. Nhưng sau hai năm, Nam Hàn đã thay đổi.
Bây giờ tình trạng hai nước khác hẳn nhau.
Hai năm sau, biến thái vi khuẩn Omicron xuất
hiện ở Nam Hàn, số người nhiễm bịnh tăng vọt lên, có lúc hơn 400,000. Nhưng
thay vì phản ứng mạnh, chính phủ Seoul đã giảm bớt những biện pháp cấm đoán và
hạn chế. Còn ở Trung Quốc, bị Omicron tấn công vào tháng Ba, Thượng Hải, dân số
25 triệu, đã hoàn toàn đóng cửa khi chỉ có 4,500 người nhiễm Omicron.
Chính phủ Nam Hàn thay đổi chiến lược đối phó
với bệnh dịch. Họ tìm cách giảm bớt tỷ lệ số tử vong trên số người mắc bệnh,
chú trọng đến những người dân đáng lo nhất: người già hoặc đang bị bệnh nặng
khác. Seoul chích ngừa càng nhiều càng tốt. Cho nên khi Omicron tấn công, đã có
95% dân Nam Hàn được chích đầy đủ, 39% cao hơn nước Mỹ. Nhờ thế, mặc dù số người
nhiễm bệnh tăng vọt, số người phải vô bệnh viện hoặc chết vẫn giảm bớt.
Trung Cộng theo chính sách nặng tay cũ: Đóng cửa,
cấm cung, dùng mệnh lệnh từ trên ban xuống. Vì ông Tập Cận Bình vẫn hài lòng từ
lúc đầu khi giới nghiêm 11 triệu dân Vũ Hán. Kết quả là ngăn chặn được bệnh dịch,
số người chết nhẹ nhất thế giới, ông không muốn thay đổi.
Ở Thượng Hải dân chúng bị cấm ra đường, phải
chờ tiếp tế thức ăn, có khi bị đói đi biểu tình phản đối, lần đầu tiên xảy ra ở
Trung Quốc. Các siêu thị, các tiệm ăn không được phép giao hàng tới nhà; xe
chuyên chở hoặc taxi của tư nhân cũng bị cấm. Chỉ có người được cấp giấy “thông
hành” của cơ quan y tế mới được phép lái xe trên đường. Trong mấy ngày, giá một
“thẻ thông hành” lên tới $2,000 mỹ kim một ngày. Dân chợ đen sẵn sàng chi ra
món tiền đó để được giao thức ăn, rau, thịt tận nhà, vì vẫn có lời.
Sau hơn một tháng, Thượng Hải đã cho mở cửa
các cơ xưởng lớn, với nhiều công ty quốc tế. Nông dân sống ở ngoại ô cũng được
cho phép ra ruộng, vườn làm việc, vì mùa đã bắt đầu. Công nhân trong thành phố
có thể phải ở lại sở, han chế số giờ được về nhà. Nông dân được đi từ nhà đến
nhà kiếng trồng hoa quả, không ra ngoài giới hạn của khuôn khổ 200 hộ khẩu.
Các thành phố khác chứng kiến cảnh dân Thượng
Hải chịu đựng và lo sợ sẽ đến lượt mình. Nhiều thành phố hàng chục triệu dân chỉ
có một người bị bệnh cũng đóng cửa toàn diện.
Omicron đã tới Bắc Kinh, với 21 triệu dân, Đảng
Cộng sản đã dè dặt không muốn làm kinh động dân thủ đô, nơi tập trung những gia
đình quyền quý thuộc guồng máy lãnh đạo chính trị và kinh tế. Bộ máy kiểm soát
chỉ nhắm đặt vòng đai không cho dân bên ngoài vào thành phố. Nhiều người sống ở
ngoại ô nhưng làm việc trong Bắc Kinh phải xin giấy chứng nhận của sở. Các kỹ
sư, kế toán viên, dân áo trắng được phát giấy dễ dàng. Dân lao động mỗi ngày
vào quét dọn, lau rửa nhà cửa thì khó, vì thường không được coi là nhân viên
chính thức.
Ngay khi nghe tin Bắc Kinh sắp ban lệnh cấm
đoán người dân đã lo xa, phản ứng ngay. Họ hỏi thăm bạn bè ở Thượng Hải, Giang
Tô, Tây An, chuẩn bị mua đồ tích trữ. Trên mạng xã hội, người ta chuyền cho
nhau danh sách “Những món dân Thượng Hải đã tiếc không mua sẵn trước!” Mọi người
chép mang tới các siêu thị và cửa hàng.
Tại Triêu Dương (朝阳,Chaoyang), khu đông đúc
và giàu có nhất, nhiều ủy ban khu vực chỉ cho phép các nhân viên chính phủ lo
việc tiếp tế, phân phối hàng tiêu dùng. Dân không được tự đi mua nhiều món đơn
giản nhất, như giấy vệ sinh, sữa bột, tã lót cho trẻ em. Có khu cấm mua cả trái
cây, cà phê và rượu bia. Nhiều người đi mua ngay tủ đá để chứa thực phẩm dự trữ!
Chính sách cứng rắn của ông Tập Cận Bình chắc
sẽ có kết quả, số người nhiễm bệnh và chết vì Covid sẽ rất thấp. Nhưng đời sống
dân chúng đã bị xáo trộn hoàn toàn, có thể kéo dài mấy tháng. Và hậu quả kinh tế
sẽ nặng nề.
Trong tuần trước, đã có 373 triệu người Trung
Hoa sống trong 45 thành phố bị giới nghiêm một phần hay hoàn toàn, vì vi khuẩn
Omicron. Họ sản xuất 40% Tổng Sản Lượng Nội Địa Trung Quốc, dù chỉ chiếm 24%
dân số, theo cơ quan nghiên cứu Nomura, dẫn trên The Wall Street
Journal. Trong tháng Ba, số tiêu thụ trong cả nước đã giảm 3.5%; số tiền đi
ăn tiệm giảm 16%, theo thống kê của nhà nước. Quỹ Tiền Tệ Quốc tế dự đoán kinh
tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng được 4.4% trong năm nay.
Tình trạng cả thành phố tê liệt như ở Thượng Hải
sẽ khiến nhiều công ty nước ngoài mai mốt dè dặt hơn trước khi đầu tư. Nhiều
chuyên gia đang làm việc về tài chánh, ngân hàng ở Thượng Hải tính đường sẽ tìm
nơi khác sau khi được tự do di chuyển. Hồng Kông là một trung tâm thu hút họ.
Cách chống trả cứng rắn ở Trung Quốc gây thiệt
hại cho nền kinh tế. Nhưng đảng Cộng sản sẽ biện minh rằng nhờ chính sách đó
nên số người nhiễm bệnh và chết rất thấp. Điều này đúng đối với các biến thái
trước của vi khuẩn corona. Bây giờ với biến thái Omicron, ở nước nào số người bệnh
và chết cũng rất thấp. Dân Nam Hàn không bị cấm cung ở trong nhà, trường học,
cơ xưởng, văn phòng vẫn được mở cửa.
Cho tới nay, không ai đoán được bao giờ vi khuẩn
Omicron sẽ bị ngăn chặn hoàn toàn trong lục địa Trung Hoa. Khi nào không thấy một
người nào bị nhiễm bệnh, trong cả nước, trong cùng một ngày và kéo dài vài tuần
lễ, thì lúc đó ông Tập Cận Bình có thể tuyên bố toàn thắng. Nếu vẫn còn một “mật
khu” ở nơi nào đó, Omicron tiếp tục bám vào thân thể con người hay cầm thú, thì
không biết lúc nào sẽ bay tới đâu. Mỗi lần đám du kích này xuất hiện, nhà nước
sẽ phải ban ra những lệnh cấm và hạn chế cứng rắn hơn.
Người dân Trung Quốc sẽ tự hỏi có đáng hay
không? Những thiệt hại kinh tế và xáo trộn trong đời sống suốt mấy tháng trời
dù bệnh không nguy hiểm như cũ? Họ có thể hỏi thầm nhau, không dám nói lớn tiếng.
Vì đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ tiếp tục các biện pháp cứng rắn. Đâm lao phải
theo lao, họ không thể nào thay đổi. Ít nhất, không thay đổi trước tháng 12
năm nay.
Thử tưởng tượng Cộng sản Trung Quốc ngưng các
lệnh cấm ngặt nghèo. Omicron được thả lỏng, nhiều người sẽ bị nhiễm. Ở khắp thế
giới phần lớn người chết vì bị Omicron là các cụ già chưa được chích ngừa đủ
ba, bốn mũi. Ngay từ đầu, các nước như Nam Hàn, Nhật Bản, Âu và Mỹ châu đặt ưu
tiên chích vaccine ngừa bệnh Covid cho người lớn tuổi hoặc có bệnh sẵn. Trung Cộng
không theo cách đó; được chích ngừa nhiều nhất là lớp người thuộc tuổi lao động,
sản xuất. Cho nên, đến giữa tháng Ba, trong số 36 triệu người già trên 80 tuổi,
chỉ có 20% đã được chích ngừa hai mũi. Ở Thượng Hải chỉ có 15%, và những người
mới chết vì Omicron trung bình thọ 81 tuổi.
Vì vậy, nếu bắt chước Nam Hàn cho Omicron bay
nhảy dễ dàng, tỷ số các trường hợp tử vong ở Trung Quốc sẽ rất cao, vượt trên các
nước khác. Lúc đó, người dân sẽ đổ tội cho nhà nước! Tâm lý này dễ hiểu. Hơn một
tỷ con người đã bị kiềm hãm trong cảnh cấm cung, đổi lai, được thấy số người bệnh
và người chết rất thấp. Họ đã quen sống như vậy rồi. Bây giờ nhà nước đổi chính
sách, số người bệnh, người chết tăng vọt lên. Lỗi vì ai?
Tất nhiên dân Trung Hoa lục địa sẽ chỉ ngón
tay vào ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình đang chờ được tấn phong chức
chủ tịch nước và chủ tịch đảng một lần nữa trong đại hội tháng 11, có thể sẽ
làm chủ tịch vĩnh viễn. Ông không thể đứng ra chịu trách nhiệm về tất cả những
vụ tử vong nếu Omicron được thả lỏng.
No comments:
Post a Comment