Ngày
30/4: “Hành Trình Đến Tự Do” của người Việt ở Canada theo Đạo Luật S-219
Thanh
Trúc
2022.04.29
Hình minh hoạ: Một
buổi diễu hành kỷ niệm ngày 30/4/1975 do người Việt thực hiện mang theo lá cờ
vàng của VNCH tại Washington DC hôm 30/4/2005. AFP
Bốn mươi bảy năm đã trôi qua nhưng dấu mốc
30/4 đối với những người Việt tị nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới là một
ngày không thể quên.
Từ năm 2015, người Việt trên toàn Canada bắt đầu
gọi ngày 30/4 hàng năm là “Ngày Hành Trình Đến Tự Do” - Journey To Freedom Day
- theo như tên gọi của Đạo Luật S-219 được Quốc hội Canada công nhận.
Hành trình và tự
do
Người có công khởi xướng và vận động cho Đạo
Luật S-219 là ông Ngô Thanh Hải, công dân Canada gốc Việt đầu tiên
đắc cử Nghị sĩ Quốc hội năm 2012. Luật sư Vũ Đức Khanh nói với RFA từ
Ottawa, Canada:
“Dự Luật S-219, do Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải đưa
ra trước Quốc hội, đã được thông qua ngày 23/4/2015. Quốc hội Canada ghi
rõ ‘Ngày 30/4 kể từ hôm nay và những năm về sau ở Canada được chỉ định là ngày
để tưởng nhớ và tưởng niệm những mảnh đời đau khổ, những mất mát đau thương của
hàng triệu người Việt Nam rời bỏ đất nước đi tìm tự do, ghi nhận sự tri ân của
người Việt đối với người dân và đất nước Canada, đồng thời cũng đánh dấu sự
đóng góp lớn và tiềm năng của trên ba trăm ngàn người Canada gốc Việt”.
“Từ 2015 đến 2019 ngày 30/4 được tổ chức rất lớn trước
tiền đình quốc hội tại thủ đô Ottawa. Năm 2020 và 2021 cũng có tổ chức nhưng rất
giới hạn. Năm nay theo dự kiến được tổ chức rất lớn trên toàn Canada. Vì là
ngày thứ bảy, các cộng đồng người Việt từ miền Tây cho tới miền Đông, các thành
phố lớn như Toronto, Montreal, Quebec, Calgary, Vancouver…đều tổ chức tưởng niệm”.
Ông Thực Trương, công dân Canada gốc Việt tại
Montreal đã 47 năm, giải thích thêm những gì ông hiểu
về “Hành Trình Đến Tự Do”:
“Khi Sắc Lệnh S-219 của Nghị Viện Canada chấp thuận
ghi nhận ngày 30/4 là một trong những ngày kỷ niệm tại Canada, nhiều
người phê phán và chỉ trích như vậy không đủ mà phải ghi là ‘Ngày Quốc Hận’.
Nhưng người Canada có mất nước và có quốc hận đâu, tuy nhiên dưới
áp lực của cộng đồng người Việt khá đông, thành quả đóng góp của người Việt tại
Canada khá đặc sắc, và nhất là với sự vận động tích cực của Nghị Sĩ
Ngô Thanh Hải, ngày 30/4 đã được ghi nhận là ngày Hành Trình Tìm Tự
Do.”
“Hai danh từ ‘Hành Trình’ và ‘Tự
Do’ khiến người Canada nói riêng và thế giới nói chung
và cả con cháu chúng ta sau này hiểu thêm về sự kiện đau thương của
dân tộc đối với hiểm họa Cộng Sản”.
Về một câu chuyện gây tranh cãi khác, ông
Thực Trương cho biết thêm:
“Năm 2021 Montreal cũng mới khánh
thành một tượng đài thuyền nhân. Với sự đấu tranh cương quyết và tìm hậu thuẫn
nơi các đại diện cộng đồng dân tộc khác, những người đại diện cho cộng đồng người
Việt tại Montreal đã thành công khi được thành phố chấp nhận dành một
công viên khiêm tốn để dựng tượng đài kỷ niệm thuyền nhân. Hình ảnh một
bà mẹ đang ngồi lật một cuốn sách cho con, ngụ ý cho con học hỏi tìm về quá khứ
trong đó có cuộc tỵ nạn của người Việt Nam tại Canada. Nói tóm lại,
chúng ta phải thực tế để hiểu được những vướng mắc và khó khăn khi dành được những
thắng lợi này”.
Đài tưởng niệm thuyền
nhân Việt Nam ở Công trường Sài Gòn tại Ottawa, Canada. Hình do LS Vũ Đức Khanh
cung cấp
Lễ tưởng niệm được
tổ chức khắp nơi
Theo luật sư Vũ Đức Khanh, sau hai năm mọi
sinh hoạt liên quan đến ngày 30/4 bị hạn chế vì đại dịch, ngày 30/4
năm nay người Việt ở Canada quay trở lại những buổi tập hợp truyền
thống, quan trọng nhất là tại tiền đình Quốc hội ở thủ đô Ottawa, cùng lúc
với các thành phố lớn tại các tỉnh bang khác.
Một thông cáo cộng đồng từ Ottawa, được
chia sẻ trên mạng ngày 26/4 vừa qua, cho thấy lễ thượng kỳ đơn
giản nhưng không kém phần trang nghiêm đã diễn ra trước một ngôi nhà nằm đối diện
với Dinh Toàn Quyền và Phủ Thủ tướng Canada, cùng dãy với Đại sứ quán nước
Cộng hòa XHCN Việt Nam trên đường Mackay, Ottawa, Ontario.
Đây là lần đầu tiên lá cờ tiêu biểu của người
Việt tị nạn cộng sản được treo lên trong khu ngoại giao đoàn ở Ottawa và
trước những cơ quan biểu tượng quyền lực cao nhất của Canada.
Đối với người Việt tại thủ đô Canada nói riêng
thì đây là một sự kiện quan trọng vào khi ngày 30/4 gần kề.
Tiến sĩ Trương Minh Trí, Chủ tịch Liên Hội Người Việt tại Ottawa, nói rằng theo dự định
thì đúng ngày 30/4 mới có buổi lễ chào cờ chính thức trước tòa nhà Quốc hội
Canada:
“Đó là một truyền thống gần như mỗi năm. Trước COVID
thì ngày 30/4 ở Ottawa được tổ chức rất long trọng, có những lần đến 500
người và có thể hơn. Nhiều phái đoàn và rất nhiều quan khách và dân biểu, nghị
sĩ quốc hội Canada đến dự và phát biểu. Dịp kỷ niệm 40 năm tôi nhớ rất là lớn
và qui mô. Nói rằng hai năm vừa rồi không có tổ chức thì thật ra cũng
không đúng vì vẫn có tổ chức trên mạng, trên hệ thống Zoom, nối kết được với
những nhân vật đối kháng trong Hội Đồng Liên Tôn ở Việt Nam.”
“Năm nay, ngoài việc chào cờ trước Quốc hội, Liên Hội
Người Việt cũng thực hiện Đặc san 30/4 trên Internet. Chủ đề năm nay là ‘Chính
Nghĩa Cờ Vàng’, đăng những bài do đồng hương đóng góp.”
Lá cờ vàng của VNCH
được treo tại một tư gia ở Ottawa, Canada, nằm đối diện với Dinh Toàn Quyền và
Phủ Thủ tướng Canada, cùng dãy với Đại sứ quán nước Cộng hòa XHCN Việt
Nam. Hình do LS Vũ Đức Khanh cung cấp.
Đó là ngày 30/4/2022 ở Ottawa. Còn tại thành phố
Toronto chỉ cách thủ đô Mỹ chừng một giờ bay, Hội Người Việt Toronto, thành lập
từ năm 1979, được coi là đoàn thể người Việt lớn nhất, có sự tài
trợ của Bộ Di Trú và Công Dân Vụ tỉnh bang Ontario, cũng tổ chức lễ kỷ niệm
trang trọng.
Đương kim Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hội Người Việt
Toronto, bà Nguyễn Thanh Thúy, cho biết 30/4 năm nay sẽ
diễn ra tại quảng trường Nathan Phillips Square, nơi có Tòa Đô Chánh và văn
phòng thị trưởng thành phố:
“Toronto là thành phố tài chính, quy tụ đông người
Việt nhất, khoảng 160.000. Ngày Hành Trình Đi Tìm Tự Do năm nay, thứ bảy, có lễ
thượng kỳ tại Nathan Phillips Square. Chương trình bắt đầu từ 10 giờ sáng
đến 4 giờ chiều. Ngoài Toronto, những thành phố phụ cận cũng có tổ chức. Theo ước
tính của ban tổ chức, số người tham dự ở Toronto khoảng chừng 700 tới 1.000 hoặc
1.500 trên quảng trường Phillips Square.”
“Vì Hội Người Việt Toronto là hội đoàn lớn nhất nên
hầu hết chính khách, có lúc cả Thủ tướng, cho tới lãnh đạo các đảng, các
dân biểu liên bang, tỉnh bang và các nghị viên thành phố đều có tham dự Ngày
Hành Trình Đến Tự Do”.
Tại Montreal, nơi có đông người Việt phần đông
sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, ngày 30/4 năm nay cũng sẽ có những
sinh hoạt tương tự.
Ông Thực Trương ở Montreal nói ông sẽ tham
dự đầy đủ các sinh hoạt 30/4 năm nay, để không quên những mất
mát khi phải bỏ nước ra đi 47 năm trước, sau để trân quí nhớ lại những ngày
hạnh phúc thanh bình của một thời trước tháng 4/1975.
Ngày Hành
Trình Đi Tìm Tự Do 30/4, với ông, cũng là
dịp nhắc cho thế hệ trẻ Canada gốc Việt hiểu được lý do cuộc sống lưu vong của
cha ông mình.
Tại Hoa Kỳ hôm 26/4, bốn ngày trước dịp
30/4 lần thứ 47, văn phòng Dân biểu Liên bang Alan Lowenthal gửi ra một thông
cáo báo chí, cho thấy ông Lowenthal đệ trình Nghị Quyết Quốc hội Mỹ
tưởng niệm ngày 30/4 mà ông gọi là ‘Tháng Tư Đen’ năm thứ 47.
Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal thuộc nhóm Vietnam Caucus gồm các đại diện dân cử Mỹ chuyên quan tâm đến
Việt Nam.
Lên tiếng với RFA từ địa phận 47 Nam
California, dân biểu Alan Lowenthal nói về mục đích của Nghị Quyết :
“30/4 năm nay ghi dấu năm thứ 47 nền dân chủ,
tự do và sự Sài Gòn sụp đổ. Gọi đó là ‘Tháng Tư Đen’ để ghi nhớ một ngày đen tối”
“Chúng ta nhân đấy tưởng niệm và vinh danh những người
Mỹ cũng như người Việt đã chiến đấu để bảo vệ cho lý tưởng tự do của Hoa Kỳ và
của Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời ghi nhớ những năm tháng bi thảm tiếp sau
30/4/1975 mà cả triệu người Việt Nam tìm cách đào thoát khỏi Sài Gòn.”
“Dù đã 47 năm, nhưng ngày Sài Gòn thất thủ vẫn là
khoảnh khắc đau đớn vang vọng trong tâm khảm người Việt tại Hoa Kỳ và khắp nơi
trên thế giới. Ngày 30/4 là thời điểm hàng năm để chúng ta tưởng nhớ nỗi mất
mát to lớn, bên cạnh sự vươn dậy mạnh mẽ của những người sống sót, đồng
thời nhắc nhở chúng ta tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho người dân
ở Việt Nam. Chúng ta không bao giờ quên những hy sinh trong cuộc đấu tranh cho
dân chủ và nhân quyền. Cuộc đấu tranh tiếp tục đến ngày hôm nay nhưng ý nghĩa của
nó vẫn bị nhà cầm quyền Việt Nam phủ nhận”.
Được biết Nghị Quyết do Dân biểu
Lowenthal đề xướng được lưỡng đảng ủng hộ. Đồng bảo trợ cho Nghị quyết
là các Dân biểu Liên bang Lou Correa, Brian Fitzpatrick,
Young Kim và Michelle Steel.
---------------------
Tin, bài liên quan
Sau
47 năm, các biểu tượng VNCH vẫn là điều cấm kỵ với Hà Nội
Hoa
Kỳ-Việt Nam: Nhìn lại 25 năm hợp tác, giải quyết hậu quả chiến tranh
Có
phải chính quyền Việt Nam tránh nói từ “giải phóng” trong dịp kỷ niệm 30/4 năm
nay?
Hội
thảo “Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam”: Cộng sản Việt Nam thật sự hoàn toàn chiến
thắng?
Cựu
nhà báo thời chiến: “Tôi không nghĩ chiến tranh VN là chống Mỹ cứu nước”
No comments:
Post a Comment