Tuesday, March 29, 2022

TỘI LỢI DỤNG CÁC QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ - MỘT ĐIỀU LUẬT HOÀN TOÀN THỪA THẢI (Trịnh Hữu Long - Luậ Khoa)

 



Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ – một điều luật hoàn toàn thừa thãi    

TRỊNH HỮU LONG  -  Luật Khoa

29/03/2022

https://www.luatkhoa.org/2022/03/toi-loi-dung-cac-quyen-tu-do-dan-chu-mot-dieu-luat-hoan-toan-thua-thai/

 

Nhưng lại rất cấp thiết để bảo vệ quyền lực độc tôn của chính quyền Đảng Cộng sản.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2022/03/Wire-2022-03-29-at-11_13-AM-1024x536.jpeg

Ảnh: Reuters. Đồ họa: Luật Khoa

 

Có hằng hà sa số điều luật có vấn đề nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự nói riêng và luật Việt Nam nói chung, nhưng Điều 331 của Bộ luật Hình sự là một điều luật có vấn đề… đặc biệt nghiêm trọng.

 

Nó đặc biệt nghiêm trọng vì nó hoàn toàn thừa thãi.

 

Ta hãy đọc nguyên văn điều luật này: [1]

 

Điều 331. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 

Thoạt nghe, điều luật này có vẻ… có lý. Xâm phạm lợi ích của người khác thì phải bị trừng phạt chứ.

 

Vậy thì ta hãy xem lý do tại sao cần phải có luật.

 

Về cơ bản, luật được sinh ra để làm hai việc: quy định những gì công dân không được làm và những gì chính quyền được làm

 

Pháp luật hiện đại được xây dựng dựa trên giả định rằng “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, như Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776 đã nói và được Hồ Chí Minh trích dẫn trong Tuyên ngôn Độc lập 1945 do chính ông soạn thảo và đọc. Giả định này xuất phát từ thuyết luật tự nhiên, do các triết gia Khai Sáng ở châu Âu phát triển vào thế kỷ 17 – 18. [2] Theo đó, chỉ cần là con người được sinh ra là đã nghiễm nhiên có quyền tự do chứ không cần ai ban phát. Ban phát quyền là giả định phổ biến trong các xã hội quân chủ – một loại hình xã hội xoay quanh một cá nhân hay một dòng họ.

 

Vì con người có sẵn quyền tự do như vậy, họ có thể lạm dụng quyền đó để gây hại cho người khác. Nếu ai cũng có quyền tự do tuyệt đối thì hậu quả là một xã hội loạn lạc. Nhà nước vì vậy được sinh ra để thiết lập trật tự xã hội thông qua một khế ước xã hội (social contract), hoặc ít nhất là các triết gia Khai Sáng đã nghĩ như vậy và đặt nền tảng cho nhà nước hiện đại. [3] Cái nhà nước đó sẽ ban hành ra pháp luật để hạn chế bớt quyền tự do của mỗi cá nhân, đặt ra những điều cấm, biến tự do thành những quyền tương đối.

 

Chẳng hạn, anh/ chị có quyền tự do ngôn luận, nhưng quyền đó sẽ bị giới hạn trong các trường hợp vu khống, tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, kích động bạo lực tức thì, v.v.

Hoặc, anh/ chị có quyền biểu tình, nhưng phải thông báo/ đăng ký với chính quyền và chỉ được biểu tình ở ngoài những khu vực cấm.

 

Hoặc, anh/ chị có quyền sở hữu tài sản, nhưng tài sản đó có thể bị nhà nước trưng dụng cho những mục đích an ninh, quốc phòng khi có lý do hợp lý và có bồi thường thỏa đáng; việc sử dụng tài sản cũng bị giới hạn trong trường hợp gây ảnh hưởng tới môi trường; và, gần gũi nhất, nhà nước có quyền khám xét mảnh đất, ngôi nhà bạn sở hữu khi điều tra tội phạm, v.v.

 

Nếu bạn vi phạm những điều cấm hoặc không tuân thủ những giới hạn trên, bạn có thể phải chịu chế tài (và chế tài này cũng không nhất thiết phải là tù tội trong luật hình sự).

 

Mọi giới hạn và can thiệp của nhà nước, về nguyên tắc, phải thỏa mãn tiêu chí cần thiết, tức là có thể biện minh được bằng những lý do hợp lý. [4] Chẳng hạn, nhà nước có quyền triệu tập nhân chứng để phục vụ việc xét xử tại một phiên tòa hình sự.

 

Đó là cách tiếp cận của những người theo trường phái nhà nước tối thiểu (minimal state). Dần dần, người ta xây dựng những mô hình nhà nước lớn hơn, có mức độ can thiệp sâu hơn vào xã hội, giới hạn nhiều quyền hơn, đánh thuế cao hơn và cung cấp nhiều dịch vụ hơn. Pháp luật khi đó không còn chỉ là để ngăn chặn và trừng phạt các hành vi gây hại, bảo vệ tự do của người dân, mà còn để phân phối của cải và cung cấp những phúc lợi gia tăng cho người dân. Đó là mô hình nhà nước phúc lợi (welfare state). [5]

 

Nhưng dù là nhà nước tối thiểu hay nhà nước phúc lợi, căn bản pháp luật vẫn dựa trên nguyên lý đã nêu ở đầu bài: mọi người đều nghiễm nhiên có quyền tự do, luật được đặt ra để giới hạn các quyền tự do đó, ngăn chặn hoặc trừng phạt những hành vi xâm hại đến lợi ích của người khác hoặc của xã hội.

 

Và đó chính là nội dung của… Điều 331. 

 

Ta hãy đọc lại điều luật đó: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị…”.

 

Nói cách khác, Điều 331 này cõng trên lưng toàn bộ chức năng gốc và căn bản của cả một hệ thống pháp luật. Bản thân nó không giải quyết một vấn đề xã hội nào cụ thể cả, mà nó chính là triết lý chung đằng sau tất cả những đạo luật. Nó là tuyên ngôn chung của mọi hoạt động lập pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý của xã hội, chứ nó không phải là một điều luật như điều khoản về tội giết người, tội cướp tài sản, hay tội gây rối trật tự công cộng.

Đó cũng chính là lý do mà nhiều người đã nhận xét rằng điều luật này mơ hồ, không rõ ràng. Làm sao rõ ràng được khi nó không giải quyết một vấn đề cụ thể mà chỉ có ý nghĩa tuyên ngôn về triết lý lập pháp? 

 

Đến đây, ta sẽ thấy vì Điều 331 không giải quyết một vấn đề cụ thể nào nên nó không có lý do để được sinh ra. Nó hoàn toàn thừa thãi.

 

Vậy thì tại sao nó vẫn được sinh ra?

 

Tôi xin đề xuất hai điều để lý giải chuyện này.

 

Một, chính quyền Việt Nam và Đảng Cộng sản cần một công cụ hình sự để bảo vệ quyền lực của chính nó khỏi những mối đe dọa từ xã hội, chẳng hạn như những lời chỉ trích, những cuộc biểu tình, những hội đoàn độc lập. Chính vì thế, họ đặt ra những tội an ninh quốc gia như tội tuyên truyền chống nhà nước, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. 

Nhưng những điều luật an ninh quốc gia này nặng tính chính trị, thường bị quy cho là tội chính trị, và do đó, những ai bị truy cứu theo những tội danh này cũng được gọi là tội phạm chính trị, và những vụ án đó được gọi là vụ án chính trị. Là một đảng từng tranh đấu để loại bỏ ách nô lệ và những vụ án chính trị như vậy, Đảng Cộng sản không muốn mang tiếng là một kẻ cai trị tương tự như người Pháp. Do đó, họ cần tạo ra một điều luật ít tính chính trị hơn, nằm ngoài nhóm tội an ninh quốc gia. Và tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ ra đời, nằm trong nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính – nghe nhạt nhẽo hơn nhiều.

 

Hai, chính quyền và Đảng Cộng sản cần một điều luật có phạm vi áp dụng đủ rộng để họ muốn diễn giải thế nào cũng được, phù hợp với nhiều mục đích. Vì thế, họ tạo ra một điều luật có phạm vi rộng tới mức không thể rộng hơn, như tôi đã trình bày ở bên trên: nó cõng toàn bộ chức năng gốc và căn bản của hệ thống pháp luật. Với phạm vi điều luật lớn như vậy, về lý thuyết, họ có thể diễn giải nó thành bất kỳ cái gì và lấn át cả chức năng của các điều luật khác.

 

Chẳng hạn, muốn trừng phạt một người vì bịa chuyện nói xấu một người khác, họ có thể dùng Điều 331 và như vậy vô hình trung vô hiệu hóa một điều luật sẵn có là tội vu khống.

 

Hoặc, muốn trừng phạt những người biểu tình bên ngoài các khu vực cho phép, gây tắc nghẽn giao thông, họ cũng có thể dùng Điều 331 và phớt lờ một tội danh sẵn có là tội gây rối trật tự công cộng.

 

Tuy nhiên, bằng cách gom tất cả những hành vi và khái niệm này với nhau, nhà nước Việt Nam có một tập hợp những vi phạm không lằn ranh, không giới hạn, không cần phân biệt mà cũng không thể giải thích.

 

“Bịa chuyện nói xấu sai sự thật” hay đơn thuần chỉ là vài ngôn từ thô lỗ vô thưởng vô phạt?

“Gây tắc nghẽn giao thông” hay đơn thuần chỉ là một buổi tuần hành trên vỉa hè gây chướng mắt nhà chức trách?

 

Tất cả là tùy hứng của cơ quan chức năng. Luật pháp vốn dĩ cần phải định nghĩa rõ ràng những gì công dân không được làm và những gì nhà nước được làm – với triết lý ngầm định là nhằm bảo vệ quyền tự do của người dân và giới hạn quyền lực nhà nước – thì nay biến thành một công cụ vạn năng với khả năng diễn giải vô hạn cho nhà nước.

 

Và sự thật cho thấy Điều 331 đang đóng vai trò gần như tương tự Điều 117 – tội tuyên truyền chống nhà nước và Điều 156 – tội vu khống. Nó được dùng để truy cứu những ai chỉ trích chính quyền/ quan chức chính quyền/ những ai thân cận với chính quyền.

 

Như vậy, Điều 331 có thể thừa thãi với công dân, chứ không thừa thãi với quan chức. Đó là khi ta biết quan chức và chính quyền nói chung có địa vị pháp lý cao hơn thường dân. Trong lịch sử, đó chính là triết lý cốt lõi, nền tảng để xây dựng nên các chính quyền quân chủ.


 

Chú thích :

 

1.  thuvienphapluat.vn. (2017). Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự. Thuvienphapluat.vn. 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Van-ban-hop-nhat-01-VBHN-VPQH-2017-Bo-luat-Hinh-su-363655.aspx 

 

2.  natural law | Definition, Theory, Ethics, Examples, & Facts | Britannica. (2022). In Encyclopædia Britannica

https://www.britannica.com/topic/natural-law 

 

3.  social contract | Definition, Examples, Hobbes, Locke, & Rousseau | Britannica. (2022). In Encyclopædia Britannica

https://www.britannica.com/topic/social-contract 

 

4.  4 Permissible limitations of the ICCPR right to freedom of expression | Australian Human Rights Commission. (2013). Humanrights.gov.au. 

https://humanrights.gov.au/our-work/4-permissible-limitations-iccpr-right-freedom-expression 

 

5.  neoliberalism | Definition, Ideology, & Examples | Britannica. (2022). In Encyclopædia Britannica

https://www.britannica.com/topic/neoliberalism




No comments: