Monday, March 28, 2022

THỜI ĐẠI CỦA NHỮNG PUTIN ĐÃ CHẤM DỨT (Rye Nguyễn)

 



Thời đại của những Putin đã chấm dứt

Rye Nguyễn

28/03/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/24494-tho-i-da-i-cu-a-nhu-ng-putin-da-cha-m-du-t

 

Những ký sinh độc tài trong thế giới dân chủ

 

Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ, vào năm 2019, khi Ukraine có cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau cuộc cách mạng Maidan với sự đắc cử của Zelensky trước một chính trị gia chuyên nghiệp như Poroshensko, Putin đã không vội vã và hoảng loạn đem quân xâm lược Ukraine ngay. Lý do cũng khá dễ hiểu bởi vì chính Putin vào thời đó từng nghĩ rằng Zelensky (một danh hề, một người mới mẻ nói tiếng Nga thành thạo hơn tiếng Ukraine và nhất là không có nhiều kinh nghiệm trên chính trường) là một chính trị gia dân túy thân Nga, hoặc ít ra có nhiều điểm để lợi dụng cho quyền lợi nước Nga. Tất nhiên hy vọng đó hiện nay đã không trở thành hiện thực mà còn gây cho bản thân Putin nhiều thất vọng nhất định trong việc củng cố quyền lực và nâng cao uy tín của mình.

 

https://live.staticflickr.com/65535/51965248036_c95e6a1953.jpg

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin – Ảnh ghép minh họa

 

Nhớ lại, vào năm 2016, Putin đã từng bước thao túng dư luận Mỹ và làm mưa làm gió trong cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ, và gián tiếp tạo điều kiện giúp Donald Trump thắng cử. Những hành vi mờ ám này đã được công tố viên Robert Muller chỉ ra trong cuộc điều tra được tiến hành một cách hoàn toàn ngay thẳng và độc lập, kéo dài từ năm 2017-2019, về sự lũng đoạn của Nga vào sinh hoạt chính trường Mỹ và mối liên hệ giữa cựu tổng thống Mỹ Donald Trump với điện Kremlin. Người ta vẫn thường nói các chế độ độc tài thường sợ hãi sự thật và tìm cách đàn áp các cuộc bầu cử tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận, đặc tính tiêu biểu của các chế độ dân chủ. Điều này là hoàn toàn chính xác.

 

Tuy nhiên, hai ví dụ trên là những điển hình cho luận điểm của Putin (và của nhiều kẻ độc tài khác) rằng họ không hề sợ hãi trước các cuộc bầu cử dân chủ. Ngược lại, Putin còn biến những cuộc bầu cử này -"thời điểm thiêng liêng để biểu hiện giá trị dân chủ"- thành những cơ hội để lũng đoạn nhằm củng cố đế chế độc tài của mình. Mặt khác, cũng đừng quên rằng Putin, một cán bộ tình báo KGB, rất thành thạo trong việc thao túng dư luận và còn biết lợi dụng tự do ngôn luận một cách rất triệt để phục vụ cho quyền lợi của nước Nga hay cho những mục đích cá nhân của mình. Hành động cụ thể dễ thấy nhất là sáng tạo và truyền bá những tin giả và khai thác tâm lý bi quan của một bộ phận quần chúng phương Tây thông qua những công cụ truyền thông của mình : Đài RT (Russia Today) và kênh Sputnik. Đài vô tuyến truyền hình vệ tinh RT được duy trì với những khoản kinh phí vô cùng tốn kém để cung cấp tin tức cho khoảng 800 triệu người xem và trang mạng Sputnik từng là một trong những kênh được nhiều lượt xem nhất.

 

Ít nhất là trước khi Putin có gắng thay đổi Hiến pháp Nga. Trên lý thuyết, Hiến pháp Nga là một bản vẽ kỹ thuật của một mô hình dân chủ, với tổng thống được bầu qua phổ thông đầu phiếu, thủ tướng nắm quyền hành pháp, quốc hội hai viện nắm quyền lập pháp và một hệ thống tư pháp tương đối độc lập, trừ những vụ án chính trị. Bên cạnh đó là một mô hình sinh hoạt chính trị đa đảng, với các cuộc bầu cử cấp địa phương nơi các lực lượng đối lập cũng phần nào đạt được một số chiến thắng hạn chế. Những cuộc bầu cử ở Nga tuy không thực sự tự do nhưng báo đài và các bình luận gia phương Tây được tự do bình luận về tỷ lệ quần chúng ủng hộ Putin qua những cuộc thăm dò dư luận.

 

Điều mà Putin sợ hãi không phải là "luật chơi dân chủ", một thứ mà ông ta chỉ coi như một phương tiện để nắm quyền. Putin không hề sợ hãi trước những cuộc bầu cử tự do không có nội dung (dự án chính trị), hay không có lực lượng chính trị (đảng phái). Putin đã thành công trong việc lợi dụng cơ chế tự do ngôn luận và truyền thông tự do vào thời điểm các quốc gia dân chủ gặp khủng hoảng hay thiếu vắng những giá trị khai sáng và văn hóa đồng thuận. Trong những năm vừa qua chúng ta đã chứng kiến sự khủng hoảng của các nền dân chủ với sự xuống cấp trầm trọng của văn hóa thảo luận, xây dựng đồng thuận và thay vào đó là sự phân cực (polarisation), chủ nghĩa dân túy và chiều hướng gia tăng của tin giả, tâm lý bi quan.

 

Kể từ sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, chủ nghĩa tân tự do phóng khoáng (neoliberalism) đã thắng thế một cách tình cờ, để các chính trị gia chìm đắm trong lập luận sai lầm rằng bất bình đẳng thực tế là dấu hiệu lành mạnh của một "thị trường tự do". Đáng lẽ kinh tế thị trường chỉ là một công cụ để phục vụ thể chế dân chủ thì những chính trị gia thuộc trường phái tân phóng khoáng này lại để dân chủ đồng hóa với thị trường tự do hoang dại, cá lớn nuốt cá bé. Đó là một sai lầm lớn về đạo đức chính trị, vì nó không khác là bao logic của những tay tài phiệt được khai sinh sau khi chế độ Liên Xô độc đoán giải thể, họ chỉ là một thiểu số 1% nhưng kiểm soát trên 80% tài nguyên quốc gia và mọi cơ sở hạ tầng kiến trúc. Cũng tương như Putin, những tài phiệt Nga khi đi ra bên ngoài thế giới luôn tự hào khi giới thiệu bản thân mình là một doanh nhân "entrepreneur" cách tân, những gương mặt của nền kinh tế thị trường và hoàn toàn rũ bỏ hình ảnh của những đầu sỏ kinh tế dựa trên chiếm đoạt và cướp bóc ở trong nước.

 

Giải mã sức mạnh dân chủ

 

Tuy nhiên, điều may mắn là các thể chế dân chủ đều có cơ chế tự học hỏi "Institutional/organisational learning". Xin nhấn mạnh khi đưa ra khái niệm này, tôi có ý phân biệt sự học hỏi có tổ chức với sự học của mỗi cá nhân.

 

Ngày nay thế giới tự do đều đồng thuận về di sản chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản là những học thuyết cần phải lên án bởi vì các nền dân chủ đã học hỏi trong quá khứ sau những cơn mê cuồng (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã có những bài viết chi tiết về những giai đoạn lịch sử này). Khả năng học hỏi một cách có tổ chức (organisational learning) đem đến cho chúng ta những đồng thuận tự có, nhờ đó mà nâng tầm trình độ những cuộc thảo luận chính trị, và tiết kiệm sự phí phạm thời giờ bởi những tranh luận không đáng có. 

Ở đây xin mở rộng thêm cuộc thảo luận. Phải chăng đất nước chúng ta vẫn quanh co trong một chế độc tài cộng sản vì trí thức chúng ta có thể có khả năng học hỏi, tu thân của một cá nhân, nhưng tập thể trí thức Việt Nam không hề có khả năng học hỏi một cách có tổ chức. Để rồi chúng ta quanh co với những điều đáng lẽ ra phải được đồng thuận từ lâu và bỏ lỡ những cơ hội đổi đời cho đất nước ? Cơ chế này đã giúp các nền dân chủ thế giới vượt qua giai đoạn khủng hoảng vừa qua và dẫn đến một đồng thuận mới cho Làn sóng dân chủ thứ 4.

 

Chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ lớn về tư tưởng. Chủ nghĩa thực tiễn đặt lợi ích kinh tế, quyền lợi ích kỷ của quốc gia lên trên các giá trị dân chủ dân quyền bị bài bác. Bà Angela Merkel vốn là một chính trị gia được yêu mến tại Đức nhưng đã bị lên án gay gắt vì lối làm chính trị thực tiễn đã để năng lượng Đức phụ thuộc quá nhiều vào Nga, và ngày nay đang trả giá đắt. Hoa Kỳ và phương Tây đều có đồng thuận là phải tách khỏi lệ thuộc vào kinh tế sản xuất của Trung Quốc. Chủ nghĩa dân túy trên thế giới đã bị chăn đứng với sự thất bại của Trump. Chúng ta cũng thấy những tiến bộ dồn dập về nhận thức con người về bất bình đẳng, vấn đề môi trường. Những khó khăn vừa qua là liều thuốc vaccine giúp cho các chế độ dân chủ nhận diện và có sức đề kháng với các mối nguy độc tài và dân túy.

 

Thế giới trước một văn hóa chính trị mới 

 

Tuy vậy Putin và những cộng sự của ông thì hoàn toàn không học hỏi được gì trước một thế giới đang thay đổi. Theo sử gia Yuval Noah Hahari, Putin chỉ đơn thuần nghĩ rằng Ukraine là một phần của Nga. Theo đó, khi xua quân đánh Ukraine thì người nói tiếng Nga tại Ukraine sẽ đem hoa ra chào đón quân Nga, các chính quyền địa phương thi nhau đầu hàng và nhà nước Ukraine sẽ sụp đổ. Nhưng có một điều mà Putin không ngờ được, đó là văn hóa chính trị của người Ukraine đã thay đổi, và thay đổi rất nhiều : Ukraine là một quốc gia độc lập chứ không còn là một chư hầu của đế chế Nga. Người dân Ukraine đã cùng nhau kết tụ lại chống trả mãnh liệt của xâm lược của Nga để bảo vệ đất nước và nền dân chủ non trẻ của mình. Ngay cả những vùng nói tiếng Nga và những chính trị gia thân Nga cũng cầm súng chiến đấu chống lại quân xâm lược (hoàn toàn khác với thái độ lưỡng lự và thiếu quyết tâm của giới trí thức và quần chúng Ukraine vào thời điểm 2014).

 

Putin cũng không ý thức được rằng văn hóa của thế giới dân chủ đã thay đổi : họ có khả năng đồng thuận và đoàn kết cao để chống lại một bạo quyền dùng bạo lực để thôn tính nước khác. Không những thế họ còn gia tăng ủng hộ và tiếp tế phương tiện cho Ukraine chống trả lại quân xâm lược Nga. Để rồi chỉ sau hơn một tháng, âm mưu khuất phục Ukraine bằng bạo lực của Putin đã hoàn toàn thất bại. Không những thế, chính ông đang có nguy cơ bị đảo chính.

 

Dưới nhãn quan của truyền thông phương Tây, Putin được đánh giá là một người "có nhiều thủ đoạn". Nhưng một người được đào tạo và sống trong môi trường và văn hóa chính trị độc tài như Putin sẽ không ngờ thất bại đến với mình dồn dập nhanh như vậy. Việc Belarus, một nước đồng minh (hay chư hầu) của Nga, không tiếp tay đưa quân vào xâm lược Ukraine đã khiến Putin rất bất bình. Thêm vào đó hạn kỳ bầu cử "dân chủ" các cấp dân cử địa phương và tổng thống Nga đang đến rất gần, nếu không có một thành quả mới thì vị trí lãnh đạo của Putin rất là bấp bênh. Bị quân đội đảo chính cũng là một yếu tố không thể bỏ qua Đó là chưa kể Liên bang Nga có thể bị giải thể, các nước chư hầu như Kazakhstan hay Venezuela buộc phải thoát Nga tìm lối thoát cho mình.

 

Vào thời điểm năm ngoái, có một sự kiện cũng đáng chú ý khác là cuộc đảo chính tại Myanmar dẫn đến sự tái thiết chế độ độc tài quân phiệt. Nhìn vào bề mặt sự kiện thì đây là một thoái bộ về dân chủ. Nhưng chúng ta cũng thấy được sự chống trả quyết liệt của quần chúng với chế độ quân phiệt, bất chấp bị giết hại và cảnh đàn áp đẫm máu. Họ đã có một chế độ dân chủ tồi dở dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, nhưng đã có đông đảo người, nhất là tuổi trẻ, sẵn sàng chết để bảo vệ nền dân chủ đó. Tương tự Putin chỉ nhìn thấy sự bất mãn của người Ukraine với chính quyền hiện tại : tầng lớp chính trị cũ tham nhũng, thiếu viễn kiến, còn uy tín của tân tổng thống Zelensky trước chiến tranh cũng xuống rất thấp, chỉ trên 20% (thấp hơn cả thời điểm thấp nhất của Putin). Nhưng điều mà cả Min Aung Hlaing và Putin đều không nhìn thấy là quần chúng nhân dân đã đoạn tuyệt với quá khứ độc tài và đang chờ đón một tương lai mới mở ra trước mắt trong, một thể chế dân chủ. Những sinh hoạt dân chủ trong những chế độ vừa thoát khỏi ách độc tài toàn trị có thể còn có nhiều khuyết điểm, chưa tuyệt hảo, nhưng không một người dân nào chấp nhận sống lại dưới chế độ độc tài. Putin đã lầm khi tưởng mang đại quân vượt qua biên giới thì chính quyền dân cử tại Ukraine sẽ đầu hàng và chấp nhận sự thống trị của nước Đại Nga. Các chế độ dân chủ tuy không hoàn toàn tuyệt hảo nhưng có khả năng tự xét lại và truy tìm một đồng thuận mới để thay đổi xã hội một cách tốt đẹp hơn.

 

Bài học cho Việt Nam

 

Trước làn sóng dân chủ thứ 4 đang ào ạt trở lại, nếu các lãnh đạo chế độ cộng sản Việt Nam vẫn tự tin rằng hiện tại trước mắt họ không có một lực lượng đối lập nào đảng kể, không có một sự chống đối rõ ràng nào từ quần chúng, và vẫn được sự ưu ái của các quốc gia dân chủ là một thái độ hết sức sai lầm. Họ nên học cách nghi ngờ những sự kiện đang xảy ra trên thế giới để tự phán xét mình : những phản ứng và văn hóa mới trong các chế độ độc tài vừa qua có phải là một báo hiệu, một dấu chấm hết của chủ nghĩa độc tài và tương lai chính trị của đảng cộng sản Việt Nam ? Nếu thảo luận một cách nghiêm túc chắc hẳn những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đều hiểu rằng chế độ hiện tại không còn giải pháp lãnh đạo đất nước tương lai. Nhưng nếu hiểu được như vậy, họ cần dũng cảm và quyết đoán để nhanh chóng nhảy lên con thuyền dân chủ an toàn để rời bỏ con thuyền cộng sản đang sắp gặp nạn.

 

Còn với những thành phần có học, có kiến thức ở Việt Nam, hãy tự tìm hiểu đâu là cách hành động đúng đắn để dẫn đưa đất nước đi lên và thoát ách độc tài toàn trị hiện nay. Ưu tư về nhu cầu thay đổi chính trị là một điều đúng đắn. Nhưng các bạn cũng nên dành nhiều ưu tư thường trực hơn cho việc đẩy mạnh và hội nhập vào một văn hóa chính trị mới, mà hành động đầu tiên là loại bỏ văn hóa nhân sĩ học để làm quan, hay phong cách đấu tranh lãng mạn của một người hùng dũng cảm nhưng đơn độc muốn gây tiếng vang trong nhất thời để rồi bế tắt. Các bạn hãy tìm và gia nhập một tổ chức chính trị có một dự án tốt đẹp cho đất nước, để cùng nhau bắt tay xây dựng một tương lai dân chủ bắt buộc phải đến của dân tộc.

 

Trần Khánh Ân

(28/03/2022)

 




No comments: